Bản nhạc cuộc đời

TTCT - Mỗi cuộc đời là một bản nhạc, mỗi con người là một nghệ sĩ. Tôi đã trông thấy ánh sáng của bản nhạc cuộc đời và hai người nghệ sĩ không hề quen biết nhau cùng bật lên trong khoảnh khắc đặc biệt.

Phóng to

Trên giường bệnh, lão nông Nguyễn Văn Khẩn nghe bài hát của mình - qua đường truyền Internet trên laptop - từ một nghệ sĩ không quen. Cạnh ông là con cháu, những người “thiết kế” buổi diễn kỳ lạ này - Ảnh: N.T.V.H.

Lão nông nghệ sĩ, chân dính phèn, da màu đất, ánh mắt cửa sông đã mang trong mình niềm đam mê nghệ thuật kỳ lạ. Ông viết hơn nghìn trang tiểu thuyết bằng con chữ chưa được học đầy đặn, bằng quãng thời gian từ khi bập bõm biết chữ cho đến phút phải nằm liệt giường héo mòn với chứng ung thư vòm họng giai đoạn cuối. Ông kéo violin bằng những cung bậc tự học, ký âm nguệch ngoạc chập chững như con nít học vỡ lòng.

Lão nông viết hết bản này đến bản khác như cái cách ông viết tiểu thuyết, kéo đàn như cái cách người ta đan len, tỉ mẩn, tỉ mẩn từng mũi một. Những cung bậc rung lên không phải bằng kiến thức âm nhạc ông có được mà bật lên từ niềm đam mê.

Những bản nhạc của lão nông không ai chịu thể hiện. Người ta không đọc được những ký âm hồn nhiên nọ. Một nhạc sĩ vô tình biết chuyện, tự nguyện xin bản nhạc được photo từ một người bạn cách xa nửa ngàn cây số. Và anh hát, rất say mê... Giọng ấm, dễ nghe, anh vừa hát vừa cố sửa lại các nốt nhạc lỗi theo cảm xúc lão nông. Tiếng hát người nhạc sĩ nọ không thể sánh với ca sĩ, càng không được hỗ trợ bằng các phương tiện hiện đại khác. Anh hát dưới ánh đèn neon, tay ôm ghita thùng.

Cách xa anh, qua đường truyền Internet, trong phòng chăm sóc đặc biệt, đôi tay tưởng bất động của lão nông đánh nhịp, đôi mắt vô hồn bỗng trở nên tinh anh lạ thường. Lão nông vụt hóa thành vị nhạc trưởng điều hành dàn nhạc số phận, cưỡng lại cơn đau để cháy sáng lên vào những phút cuối đời. Các con vị nhạc trưởng nọ đứng lặng. Mà không, cả những bệnh nhân khác đứng đầy cửa sổ ngây ngất theo vũ điệu say sưa bất tận của đôi tay cả đời cầm cuốc để rồi những phút cuối đời làm công việc của nhà văn, của nhạc sĩ...

Người nhạc sĩ nọ chưa từng gặp lão nông, anh vô tình trở thành nghệ sĩ trứ danh thể hiện ca khúc đắm say nhất thế gian này khi biết chuyện. Tiếng hát anh, tấm lòng anh đánh thức khát vọng sống tưởng tàn lụi. Họ chưa từng biết nhau cho đến khi tiếng hát kia cất lên, tâm hồn kia thức dậy... Mà cũng không quan trọng chuyện gặp hay không gặp, biết nhau hay không biết giữa họ khi nghệ thuật bện chặt những tấm lòng biết sống... Chỉ cần bấy nhiêu đó cũng đủ ý nghĩa cho cả cuộc đời... Cuộc đời tồn tại trên hết vẫn là những điều tốt đẹp.

Mà thật ra, họ đã gặp nhau chính là khoảnh khắc ấy!

Ngoại Tư và “của để dành”

Buổi trưa muộn. Tôi và đứa bạn ghé quán dọc đường gọi đĩa mì gói xào qua bữa. Quán nhỏ ở miền quê ven thị trấn Bến Cát nằm sát cạnh con sông nhỏ vắng hoe. Mấy con mèo lười duỗi chân nằm ngủ dưới đất. Bà cụ bán vé số vào quán mời chúng tôi. Chúng tôi mời bà cùng ngồi dùng mì, bà móm mém cười hiền từ: “Tụi con ăn đi, ngoại ăn rồi”. Bà bảo ngoài thị trấn tụi nhỏ “thiếu cụ nhiều lắm, chỗ thiếu một tô phở, chỗ thiếu hai tô hủ tiếu, chỗ thiếu hai đĩa cơm”...

Chúng tôi ngạc nhiên không hiểu điều cụ nói. Cụ giải thích khi bán vé số, khách mua giúp rồi mời cụ cùng ăn. Không ăn, cụ để dành. Để dành đó “để mà nhớ lòng tốt của con cháu” cho vui chứ bà già rồi ăn uống không bao nhiêu.

Cụ bảo mình thứ Tư, đã tám mươi tuổi, quê ở Tiền Giang, lên đây sống cùng đứa cháu. Cụ chỉ chúng tôi nhiều bài thuốc nam, cách vạt thuốc ra sao, rồi sao vàng, hạ thổ như thế nào... Hai đứa say mê ngồi nghe mà quên cả đang đói. Tôi đùa: “Ngoại biết nhiều vậy lẽ ra ngoại phải là nhà thuốc nam mới đúng chứ!”.

Giọng bà chùng xuống: “Ngoại lên đây đi mần gửi tiền về nuôi người con đang bị bệnh tâm thần dưới quê, lúc ở dưới ngoại thường hốt thuốc giúp bà con, ngoại mần thuốc đâu có lấy tiền bạc gì của ai”. Vịn vành nón lá, ngoại cười móm mém: “Ngoại ước gì trúng độc đắc ngoại sẽ ở nhà mần thuốc nam giúp bà con, rồi ngoại cũng bán vé số nữa. Ai mua vé số ngoại sẽ tặng một bịch thuốc nam”.

Đĩa mì gói xào đã khô queo quắt trên bàn chỉ mới vơi đi chút ít mà hai đứa nghe như đã no nê.

TTCT cảm ơn các bạn: Xuân Khánh, Hoàng Giang, Nguyễn Vĩnh Xuân Mai, Lai Duong Lai, Kim Oanh... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận