TTCT - Những ngày này, tại vùng ngọt hóa Bắc Cà Mau (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), người dân không những bị thiệt hại trong sản xuất do hạn mặn gây ra mà nhiều tuyến đường giao thông trong vùng cũng bị sụp lún, giao thông bị gián đoạn. Đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc (giai đoạn 1), đoạn qua khu vực qua Nông trường 402 bị sụp lún. Ảnh: Nguyễn Hùng Móc lòng sông đem bán Khi lấy cát ở một điểm, tại vị trí hút cát đáy sông sẽ sâu xuống tạo thành hố sâu. Theo cơ chế bù đắp tự nhiên, cát, phù sa xung quanh sẽ trôi vào đến khi xoáy sâu dưới đáy sông đầy lại. Phù sa và cát chảy từ thượng nguồn xuống hạ nguồn. Nếu vì lý do gì lượng phù sa và cát bị chặn lại, như trong trường hợp dòng chảy bị đập thủy điện chặn trên sông Mekong, dòng sông đói phù sa và đáy sông thiếu ổn định sẽ gây ra tình trạng lở bờ sông quanh điểm bị hút cát để bù vào lượng phù sa thiếu hụt. Như một vệt dầu loang, xói lở từ chỗ gần vị trí khai thác cát sẽ lan dần ra xa tới khi con sông cân bằng được sự thiếu hụt phù sa của nó. Khai thác cát là một nghề kinh doanh lớn ở Campuchia. Theo ASEAN Post, các con số thống kê giới nghiên cứu có được cho thấy Campuchia và VN là 1 trong 15 nhà xuất khẩu cát hàng đầu thế giới. Trong danh sách “Những nhà xuất khẩu hàng đầu năm 2018” của World’s Top Exports (WTEx), Campuchia là nước xuất khẩu cát lớn thứ 7 trên thế giới, VN đứng thứ 15. Trong đó, xuất khẩu cát của Campuchia có tốc độ tăng trưởng là 4.620% kể từ năm 2014. Tuy nhiên, vào tháng 5-2009, Campuchia đã ký quyết định ngừng xuất khẩu cát ra nước ngoài và từ đầu những năm 2000, VN, Indonesia và Malaysia đã cấm xuất khẩu cát sông và cát biển. Câu hỏi là nếu lệnh cấm đã có hiệu lực, tại sao cát vẫn được bán ra thị trường nước ngoài? Một bài viết trên báo The Star của Myanmar năm 2016 xác nhận phần lớn hoạt động khai thác cát trên sông Mekong diễn ra ở Campuchia và VN, nhưng tốc độ khai thác cát ở Lào đang tăng lên. Theo chuyên gia Marc Goichot của Tổ chức World Wildlife Fund (WWF), tốc độ khai thác dọc sông Mekong đã trở nên không bền vững và đang tạo ra những tiền đề đặc biệt nghiêm trọng cho vùng hạ lưu. Người dân có thể mất vườn tược, mất nhà ở, ngư dân có thể treo lưới vì khai thác cát ảnh hưởng nghiêm trọng đến nơi sinh sống của các loài thủy sản. Tiền thuế của người dân cả nước có thể bị huy động để bù đắp những thiệt hại do khai thác cát. Thiệt hại chồng thiệt hại Bà Ngô Thị Lê (xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) nói: “Hiện tuyến lộ phía trước nhà tôi đã bị sụp. Trong khi đó, dưới sông thì cạn nước nên giao thông đường thủy cũng tê liệt. Lúa nhà thu hoạch xong nhưng bán chưa được vì giao thông đường bộ lẫn thủy bị gián đoạn”. Theo UBND huyện Trần Văn Thời, huyện có 887 vị trí sụp lún, sạt lở đất với tổng chiều dài trên 21km. Trong đó sụp lún, sạt lở đất trên tuyến kênh rạch có đường bêtông cốt thép là 570 vị trí với chiều dài 12km, ước thiệt hại khoảng 17 tỉ đồng. Không chỉ đường giao thông nông thôn, tuyến đường có quy mô hàng trăm tỉ đồng cũng bị sụp lún như tuyến Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc (giai đoạn 1). Khu vực qua Nông trường 402 (thuộc ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) bị sụp lún từ cuối tháng 1-2020 và tiếp tục sụp trong tháng 2. Có chỗ đã sụp lún toàn bộ phần lề và hơn 1/2 mặt đường. Sở GTVT tỉnh Cà Mau phải cho tạm ngừng ôtô qua đoạn đường này. Theo ông Trần Tấn Công - phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, nguyên nhân dẫn đến sụp lún, sạt lở đất chủ yếu do nắng hạn kéo dài, các tuyến kênh rạch bị cạn nước làm mất áp lực. Trong khi đó, cao độ đáy kênh sâu, chênh lệch độ cao giữa mặt đường và mực nước hiện tại rất lớn, đồng thời khoảng lưu không (chiều rộng bờ kênh rạch) từ mặt đường đến mép kênh hẹp khiến nguy cơ sụp lún, sạt lở đất cao. Ngoài ra, người dân trên các tuyến kênh rạch khai thác đất quá mức từ đáy kênh bằng máy bơm hút và máy đào (cần cuốc), làm đáy kênh rộng và sâu cục bộ dẫn đến sụp lún, sạt lở đất. Ông Lê Văn Sử, phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời hiện rất căng thẳng khi đến mùa thu hoạch lúa vì không có xe chuyên chở, chỉ chở bằng xe hai bánh. Có nhiều tuyến đường huyết mạch chỉ cần một đoạn sụp lún là xem như tê liệt. Theo ông Sử, dự báo của các cơ quan chuyên môn thì mùa khô có thể kéo dài 2-3 tháng nữa. Vì vậy, việc sụp lún có khả năng diễn biến phức tạp hơn nữa ở khu vực này. Tháng 8-2019, tỉnh An Giang phải xin ngân sách hơn 500 tỉ đồng để chặn tình trạng sạt lở một đoạn ở quốc lộ 91. Đến ngày 3-1-2020, đoạn sạt lở cũ trên quốc lộ 91 tiếp tục rạn nứt và sạt lở sâu thêm… Nước máy tại tỉnh Bến Tre có độ mặn trên 1 phần ngàn và có thể dùng để tắm gội chứ không thể nấu ăn được. Ảnh: MẬU TRƯỜNG Quản lý bền vững Nhà địa chất Minik Rosing ở ĐH Copenhagen (Đan Mạch) nói: “Vì cát là một tài nguyên thiên nhiên xuyên quốc gia (do nhiều quốc gia có chung dòng sông), nên việc khai thác thường xuyên cũng dẫn đến các hậu quả vượt ra khỏi biên giới quốc gia”. Tiến sĩ Eslami Sepehr - người Hà Lan, chuyên gia nghiên cứu về xâm nhập mặn của ĐBSCL - cho biết khai thác cát ở một vị trí có thể tác động gây sạt lở trong phạm vi 10-20km và xa hơn tới khi con sông bù đắp được những bất ổn bên trong. VN không chỉ ngừng khai thác cát trên sông Mekong ở trong nước, mà còn phải đối thoại quốc tế để chấm dứt thực trạng này trên toàn bộ hệ thống sông. Giữa hai vấn đề này, cái dễ là bắt đầu từ trong nước. Ngừng khai thác cát trong nước, VN sẽ có lý do để đề nghị các nước thảo luận về giải pháp cho ảnh hưởng xuyên biên giới do khai thác cát ở các diễn đàn, hội thảo khu vực. Theo báo cáo của UNEP (Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc) vào tháng 5-2019, nhu cầu thế giới về cát và sỏi vào khoảng 40-50 tỉ tấn/năm. Báo cáo Cát và sự bền vững: Tìm giải pháp mới cho việc quản trị môi trường toàn cầu về tài nguyên cát cho thấy việc chuyển đổi mô hình tiêu thụ, dân số tăng, đô thị hóa và phát triển cơ sở hạ tầng đã làm nhu cầu về cát tăng gấp ba lần trong hai thập kỷ qua. Các đập chắn và tình trạng khai thác đã làm giảm lượng trầm tích từ các con sông đến các khu vực ven biển, làm giảm bồi đắp ở vùng đồng bằng sông và xói lở bờ biển. Joyce Msuya, quyền giám đốc UNEP thời điểm đó, cho biết: “Chúng ta đang xài vào vốn cát của mình nhanh hơn lượng chúng ta có thể tái tạo một cách có trách nhiệm. Chúng ta có cách để quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên quan trọng này và thực sự chứng minh rằng hạ tầng và tự nhiên có thể đồng hành cùng với nhau”. Theo UNEP, cát sỏi là nguồn tài nguyên bị khai thác nhiều thứ hai trên thế giới, sau tài nguyên nước. Không phải loại cát nào cũng có thể sử dụng được. Cát sa mạc quá mịn nên không thể dùng trong xây dựng hoặc làm kính. Chỉ có loại cát trên đất, trong một số mỏ cát trong hầm đá - khai thác tĩnh, hoặc từ sông, biển - khai thác động là có giá trị sử dụng trong xây dựng. Nhu cầu về cát tăng 5,5% mỗi năm cùng với xu hướng đô thị hóa và phát triển hạ tầng. Trong hai thập kỷ qua, nhu cầu cát đã tăng gấp ba lần, được thúc đẩy bởi cuộc chạy đua xây dựng các thị trấn và thành phố mới. Từ năm 2011-2013, để phục vụ quá trình đô thị hóa, số cát Trung Quốc sử dụng nhiều hơn lượng cát tiêu thụ tại Mỹ trong cả thế kỷ 20. Cát còn được sử dụng để mở rộng lãnh thổ, như Singapore hiện nay rộng hơn 20% so với thời điểm tách thành nước độc lập năm 1965. Khai thác cát thiếu bền vững không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, mà còn là vấn đề xã hội: từ việc mất nguồn thu từ du lịch do xói lở bờ biển đến việc ảnh hưởng sinh kế của những người sống dựa vào nguồn lợi thủy hải sản... Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Ủy hội sông Mekong (MRC) cho biết lòng sông của hai nhánh chính ở vùng ĐBSCL đã sâu hơn 1,4m trong giai đoạn 1998-2008 và sâu hơn tổng cộng 2-3m từ năm 1990. UNEP đặt ra vấn đề giải quyết nhu cầu của thế giới 10 tỉ người mà không làm tổn hại đến môi trường bằng cách đề ra các chính sách, lập kế hoạch, quy định và quản lý hữu hiệu, đối thoại giữa các nước về chuỗi giá trị của cát dựa trên tính minh bạch và trách nhiệm. Báo cáo kêu gọi giảm sử dụng khai thác cát tự nhiên bằng cách loại bỏ các dự án xây dựng không cần thiết, cũng như hoạt động xây dựng nhà cửa phục vụ mục đích đầu cơ. Khi xây dựng các công trình mới, tái chế các vật liệu xây dựng bỏ đi cũng là một lựa chọn tốt, đặc biệt đối với các nước phát triển vốn đã có nhiều cơ sở hạ tầng. Chẳng hạn Đức đang tái chế đến 87% vật liệu xây dựng bị bỏ đi.■ Tags: ĐBSCLSông MekongHạn mặnKhai thác cátĐập thủy điện
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.