Bản sắc Việt Nam trong thế giới phẳng

TTCT - Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI khai mạc tuần trước đã đưa ra một chủ đề quan trọng để thảo luận: “Tổng kết 15 năm thực hiện nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa” để có những chủ trương, quyết sách tiếp tục đổi mới, phát triển mạnh mẽ văn hóa.

Giao lưu với tác giả Thế giới phẳng Thomas L. Friedman
Thomas Friedman: Vì sao thế giới phẳng?
Tác giả của Thế giới phẳng: Sự riêng tư đang mất dần đi

Minh họa: Đức Trí

Hẳn Thomas L. Friedman khi viết ra quyển sách nổi tiếng thế giới (*) cũng không ngờ được rằng bản sắc dân tộc hóa ra không dễ mờ phai trong thế giới đang ngày càng phẳng. Ngược lại, khi các khoảng cách ngày càng được rút ngắn, khi những sản phẩm văn hóa tiêu dùng ngày càng dễ dàng vượt khỏi biên giới quốc gia để nhanh chóng lan tỏa ra toàn thế giới, nhu cầu bản sắc trong con người lại càng cấp thiết hơn bao giờ hết.

Câu hỏi “Tôi là ai?” trở thành một tự vấn cho không chỉ riêng người dân Việt Nam mà còn là của bất kỳ ai trên thế giới toàn cầu hóa này.

Hơn một thập niên trước, cùng thời điểm với những bài viết của Thomas Friedman về sự thay đổi của thế giới, ở Việt Nam có một quyển sách được biên soạn để xác định vị trí “tiên tiến” cho bản sắc văn hóa dân tộc trong thiên niên kỷ mới, do lãnh đạo ngành văn hóa tư tưởng Nguyễn Khoa Điềm chủ biên.

Trong tác phẩm bàn về việc xây dựng và phát triển “nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” này, các tác giả đã phân tích những định nghĩa mới nhất của thế giới về văn hóa để xác định chỗ đứng cho Việt Nam. Các nội dung cơ bản nhất về sau được chuyển thành hệ thống “5 quan điểm chỉ đạo, 10 nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp chủ yếu”, được coi như kim chỉ nam cho mọi hoạt động có liên quan đến văn hóa của các cấp chính quyền và đoàn thể.

Xét từ góc độ chiến lược, đó là một hệ thống chủ trương có viễn kiến tốt, trong đó văn hóa được coi là hệ tư tưởng mang tính nền tảng trong xã hội, là động lực quyết định sự phát triển kinh tế và xã hội, được cụ thể hóa bằng mục tiêu xây dựng nền văn hóa vừa tiên tiến vừa phải đậm đà bản sắc dân tộc, kết hợp được sự đa dạng sắc tộc trong xã hội. Đồng thời, xác định rõ đây là một cuộc cách mạng lâu dài cần kiên trì và nhẫn nại.

Chính sách và thực thi

Tuy nhiên, không giống như chính trị và kinh tế có thể tóm gọn tư tưởng chỉ đạo vào một vài câu chữ, văn hóa và nhất là văn hóa dân tộc đòi hỏi một bề dày nghiên cứu và tư duy khoa học khi thực hiện.

Trong hơn 10 năm nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, không ít lần tôi giật mình khi thấy một cách hiểu đơn giản theo kiểu văn hóa văn nghệ có tính phong trào hoặc hình thức sẽ dễ kéo theo những quyết định tốn kém rất nhiều tỉ đồng. Hay việc thực hiện các tiêu chí khu phố văn hóa hay gia đình văn hóa theo kiểu đổ đồng, không phân biệt địa bàn sống, cũng tạo ra sự kệch cỡm và kéo theo là phản tác dụng của một chính sách tốt.

Việc thay đổi phương thức sản xuất sẽ kéo theo các thay đổi cơ bản về văn hóa. Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa với tốc độ chóng mặt, gần như cứ mỗi tháng ta lại có thêm một thành phố hay thị trấn mới, cứ mỗi năm dân số lại tăng thêm bằng một tỉnh trung bình. Các khu dân cư mới thiếu hẳn chuẩn mực đạo đức - vốn được xây dựng trong môi trường xã hội có bề dày lịch sử - sẽ là môi trường để tội phạm gia tăng, bản thân các lực lượng quản trị không kịp phát triển đồng bộ sẽ không thể kiểm soát nổi.

Nhưng cũng giống như kinh tế, muốn phát triển cần có đầu tư và sự đồng bộ, văn hóa phải được đầu tư đúng mực. Đây không nhất thiết phải là sự đầu tư bằng tiền bạc, mà quan trọng hơn là sự đầu tư bằng thời gian và đóng góp văn hóa của lực lượng tri thức, chẳng hạn các trí thức, người có uy tín, và đương nhiên là các đảng viên trí thức ở cơ sở. Các khu lao động nhập cư thiếu người giúp họ hội nhập, biết cách sống nơi khu đô thị nhiều cạm bẫy.

Các khu dân cư mới thiếu người đứng ra tạo thành mối liên kết xã hội và các hoạt động văn hóa, từ đơn giản nhất như là tổ chức một đêm Trung thu cho các em bé, đến xây dựng sân chơi và duy trì sinh hoạt văn hóa lành mạnh cho thanh thiếu niên, loại trừ mầm mống của tội phạm.

Trong một công trình nghiên cứu văn hóa nổi tiếng thế giới (**), GS Thomas Fredrik W. Barth - một nhà nhân học xã hội gốc Na Uy - đã phân tích về khái niệm “vùng biên”, nơi các bản sắc văn hóa dân tộc, sự khác biệt giữa các nhóm dân được cọ xát và phát triển. Văn hóa Việt Nam đang được cọ xát ở các khu đô thị mới trong nước, nơi các sắc thái vùng miền có cơ hội va chạm và hòa nhập.

Tương tự, ở các khu đô thị lớn trên thế giới, văn hóa Việt Nam có cơ hội được thể hiện và thích ứng với tập quán quốc tế, trở thành một nét văn hóa của cộng đồng quốc tế. Đây chính là điều mà có lẽ những người nghiên cứu hoạch định chính sách văn hóa vào những năm 1998 không có điều kiện thực tế để nhìn thấy trước mắt. Do vậy, nó cần được ghi nhận như một vấn đề quan trọng và phân tích để trở thành một nội dung trong tầm nhìn văn hóa đến năm 2030.

Trong đó, một lần nữa vai trò tiên phong của tri thức là đặc biệt quan trọng và cần được nêu rõ, được cụ thể hóa thành những nhiệm vụ thiết thực cho từng lĩnh vực, chẳng hạn nhiệm vụ đào tạo ở các trường đại học phải bảo đảm cho ra lò những con người biết tư duy độc lập, vừa tìm ra chỗ đứng trong ngôi làng toàn cầu, vừa giúp định hướng cho cộng đồng dân cư nơi mình đang sống.

Mỗi cộng đồng người Việt có bản sắc dân tộc vững mạnh ở mỗi khu đô thị vệ tinh trung tâm trên bản đồ thế giới sẽ là lời tuyên bố chủ quyền vững chắc nhất cho đất nước trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam chính là xây dựng con người Việt Nam tiên tiến trong một cộng đồng có văn hóa, đạo đức, văn minh, có uy tín quốc tế thật sự.

Câu chuyện vị thế văn hóa

15 năm qua Việt Nam đã phát triển nhanh chóng từ một nước nghèo lên một quốc gia có mức thu nhập trung bình, với thành tựu kinh tế có thể kiểm đếm cụ thể qua từng con số. Nhưng sự phát triển văn hóa không diễn ra tương xứng: ta thiếu vắng hoàn toàn các chỉ số đánh giá mức phát triển văn hóa, không có các nghiên cứu sâu rộng để đưa ra định hướng phát triển các hạng mục văn hóa cho mỗi năm.

Cho dù truyền thông đã phản ánh khá nhiều về tình trạng lạc hậu hay ngoại lai về văn hóa, chỉ trích những biểu hiện suy thoái về đạo đức, ta cũng vẫn chưa có những điều tra sâu rộng và khoa học về mức độ và chiều hướng tăng giảm của các hiện tượng tiêu cực này, cũng như giải pháp mang tính xã hội để huy động lượng đầu tư cần thiết cho văn hóa.

Bên cạnh sự yếu kém về nhận thức văn hóa mà nghị quyết Trung ương 5 từng nêu còn là sự thiếu vắng lý thuyết để áp dụng nghị quyết vào bối cảnh kinh tế thị trường trong cơn sóng toàn cầu hóa và nhất là di dân - cả nội địa lẫn quốc tế.

Trong một bối cảnh địa chính trị đã khác, trong cả những áp lực kinh tế, chính trị và an ninh, chủ quyền quốc gia, vị thế văn hóa của dân tộc Việt Nam hơn hết cần trở thành một trọng tâm cho chiến lược xây dựng và phát triển đất nước từ nay đến năm 2030. Vị thế văn hóa của Việt Nam cần phải giữ vai trò chủ đạo, chất keo dính trong mỗi quyết sách về chính trị, kinh tế, quốc phòng, đối ngoại cho đến những quyết định nhỏ nhất như xây dựng khu dân cư, hội nhập và an ninh cơ sở.

Thế kỷ 21 là thế kỷ của di dân, khi khái niệm “biên giới” trở nên khó mường tượng hơn nhiều, sự thay đổi về môi trường sống sẽ làm thay đổi tập quán văn hóa, và quá trình đón nhận dân nhập cư sẽ làm thay đổi sắc thái, cơ cấu văn hóa bản địa. Đây là khu vực cần đến những chính sách điểm tựa vững vàng hơn bao giờ hết, bởi đặc tính dễ phát sinh va chạm, tranh chấp và xung đột.

Thế giới đương đại không hoàn toàn phẳng như sa mạc, mà là một chuỗi các ốc đảo giàu có liên kết chặt chẽ qua lại với nhau như Thomas Friedman nhìn nhận. Mỗi ốc đảo sẽ tổ chức kinh tế - chính trị như thế nào để khẳng định vị thế văn hóa của mình trên bản đồ thế giới sẽ là câu hỏi nóng bỏng cho mỗi khu đô thị và mỗi quốc gia hiện nay.

Một chuyện cụ thể như tranh chấp biển đảo sẽ không còn là sự tranh giành trên thực địa mà là ván cờ bản sắc giữa các trung tâm đô thị xung quanh đó, là mối quan tâm của dân cư trong khu vực, từ cư dân lâu năm đến dân nhập cư và khách du lịch. Bản sắc văn hóa bây giờ sẽ hiển hiện dưới văn hóa ứng xử trong chung sống hòa bình mà những ai không tuân thủ luật chơi sẽ bị loại khỏi cộng đồng văn minh quốc tế.

Thế giới trong bối cảnh của xung đột giữa các nền văn minh chính là thế giới của sự phát triển văn hóa, chứ không còn là những chỉ số kinh tế hay các mối quan hệ chính trị ngoại giao đơn thuần. GS Samuel P. Huntington, trong cuốn sách kinh điển Sự va chạm của các nền văn minh đã dự đoán cuộc chiến thế giới lần thứ ba sẽ là cuộc chiến giữa các nền văn minh, mà tất cả các lĩnh vực đều có thể trở thành những mặt trận thật sự.

Ở vị trí những người cầm lái, tìm ra được một vị thế văn hóa phù hợp cho Việt Nam giữa các cuộc xung đột văn minh này và lèo lái con tàu đất nước đi vào khu vực an toàn là một câu hỏi rất lớn.

Nó cũng đồng thời cho thấy sự phối hợp hiệu quả tất cả các yêu cầu về vị thế văn hóa giữa các cá nhân, gia đình và cộng đồng dân cư trong một quốc gia chính là chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc cho giai đoạn từ nay đến năm 2020, với tầm nhìn đến năm 2030.

(*): Thế giới phẳng, NXB Trẻ 2014.

(**): F. Barth 1969, Ethnic groups and boundaries. The social organization of culture difference (Các nhóm sắc tộc và ranh giới); http://www.luc.edu/faculty/twren/phil389&elps423/barth.htm

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận