TTCT - Người Việt ta xưa nay vốn quen dùng âm Hán Việt trong tên người hay địa danh Trung Hoa. Những cái tên Tư Mã Thiên, Khổng Tử, Khổng Minh, Tào Tháo, Đỗ Phủ, Bắc Kinh, Hàng Châu... đã ăn sâu trong tâm trí chúng ta. Phóng to Nhưng từ dăm năm trở lại đây, có một số ý kiến muốn áp dụng lối phiên âm Latin của Trung Quốc gọi là pinyin (âm Hán Việt là bính âm hoặc phanh âm) thay cho tên gọi Hán Việt quen thuộc. Lý lẽ biện hộ cho quan điểm này là pinyin phù hợp với “thông lệ quốc tế” trong xu thế hội nhập hiện nay, dễ tra cứu và phát âm giống tên gốc hơn. Thậm chí dùng âm Hán Việt còn bị quy kết là “rào cản hội nhập”! Cội nguồn của bính âm Trước hết ta hãy điểm qua lý do, lịch sử hình thành và phát triển của pinyin. Chữ Hán không phải là chữ ghi âm dựa trên một bảng chữ cái mà là chữ biểu ý, còn gọi là chữ tượng hình, do đó phải có một hệ thống phiên âm kèm theo dành cho người học. Sau khi nước CHND Trung Hoa được thành lập, nhằm mục đích xóa nạn mù chữ, nâng cao dân trí, Quốc vụ viện (chính phủ) Trung Quốc đã tiến hành cải cách chữ viết cho dễ học, dễ viết bằng cách lược bớt một số nét (hoặc viết đơn giản hơn) một số chữ Hán phức tạp, từ đó tạo ra loại chữ giản thể, đồng thời lập quy tắc phiên âm cho chữ Hán bằng hệ chữ cái Latin gọi là pinyin (tên đầy đủ là Hán ngữ bính/phanh âm - Hanyu pinyin). Hệ thống phiên âm pinyin về cơ bản ra đời năm 1958, sau đó được hoàn thiện và dạng thịnh hành hiện nay được thông qua năm 1978. Năm 1981, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) công nhận pinyin là chuẩn phiên âm Hán ngữ. Sách báo Pháp, Anh, Mỹ bắt đầu sử dụng pinyin vào đầu thập kỷ 1980, nhưng phải đến cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ mới tiến hành chương trình chuyển đổi toàn bộ phiên âm tên riêng Trung Quốc từ hệ Wade-Giles cũ sang pinyin. Pinyin cũng được sử dụng tại Liên Hiệp Quốc từ năm 1977 sau khi Trung Quốc trở thành thành viên của tổ chức này (1971). Tuy nhiên, pinyin đã không thực hiện được tham vọng ban đầu là thay thế hẳn Hán tự vì hai lý do chính: 1) có nhiều từ đồng âm nên dễ gây hiểu lầm hoặc khó đoán nếu không viết hẳn mặt chữ Hán ra; 2) tồn tại nhiều phương ngữ với các cách phát âm khác nhau đối với cùng một mặt chữ, trong khi pinyin dựa trên tiếng phổ thông (lấy phương ngữ Bắc Kinh làm chuẩn), do đó nếu chỉ viết dạng Latin hóa theo âm đọc sẽ có nhiều người ở chính Trung Quốc không hiểu nếu họ không thạo tiếng phổ thông. Vậy trước khi áp dụng pinyin, các ngôn ngữ phương Tây như tiếng Anh, Pháp, Đức... sử dụng cách phiên âm nào? Nói chung mỗi ngôn ngữ có quy tắc phiên âm của mình, thậm chí không phải chỉ có một cách. Dùng phổ biến nhất trong tiếng Anh là hệ Wade-Giles ra đời từ cuối thế kỷ 19, lấy theo tên hai nhà ngoại giao người Anh là tác giả của phương pháp phiên âm này. Còn tiếng Pháp sử dụng hệ EFEO, do Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) của Pháp soạn thảo. Ưu điểm dễ thấy nhất của pinyin chỉ là dễ tra cứu theo các ngôn ngữ phương Tây hay thuận theo cách phiên của nước chủ nhà. Tuy nhiên pinyin không bao trùm tất cả. Đài Loan cho tới nay vẫn không hoàn toàn sử dụng pinyin mặc dù có thông tin nói đã có quy định áp dụng từ năm 2009. Nếu đọc tờ Taipei Times (Đài Bắc Thời Báo) bằng tiếng Anh (www.taipeitimes.com/), ta thấy tên riêng vẫn ghi theo cách riêng (đa số theo hệ Wade-Giles) mà không theo pinyin và có kèm chữ Hán, chẳng hạn Chiang Kai-shek (Tưởng Giới Thạch), Lee Teng-hui (Lý Đăng Huy), Ma Ying-jeou (Mã Anh Cửu), Keelung (Cơ Long), Chiayi (Gia Nghĩa). Chính vì lẽ đó, các cuốn từ điển bách khoa của Anh, Mỹ hay Pháp khi ghi tên nhân danh hay địa danh Đài Loan đều theo đúng cách viết bản địa, tức là không theo pinyin. Và điều đáng ngạc nhiên là ngay một số mạng chính thống của Trung Quốc như Tân Hoa xã (http://news.xinhuanet.com/english/), Nhân Dân Nhật Báo tiếng Anh (www.chinadaily.com.cn), Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (http://english.cntv.cn/) nhất nhất tuân theo quy ước này khi nhắc đến các tên riêng Đài Loan như Koo Chen-fu (Cô Chấn Phủ), Wu Po-hsiung (Ngô Bá Hùng), Lin Join-sane (Lâm Trung Sâm), Taipei (Đài Bắc), Kaohsiung (Cao Hùng). Đối với các nhân vật gốc Hoa ở Hoa Kỳ, Singapore, châu Âu... thì họ tên của họ cũng phiên theo cách riêng (trừ một số người xuất thân từ Trung Hoa đại lục sang đây chưa lâu phiên tên họ theo pinyin như Cao Hành Kiện: Gao Xingjian), Lee Kuan Yew (Lý Quang Diệu), Lee Hsien Loong (Lý Hiển Long), Chen-Ning Yang (Dương Chấn Ninh), Yuan Tseh Lee (Lý Viễn Triết). Nếu bạn tìm đọc sách viết về Trung Quốc trong phần lớn thế kỷ 20 (thậm chí có cuốn in vào cuối thế kỷ 20) thì họ cũng không dùng pinyin, sách tiếng Anh của các tác giả Đài Loan lại càng không. Một ngộ nhận trong số những người ủng hộ việc sử dụng pinyin trong tiếng Việt là họ cho rằng pinyin giúp phát âm chính xác tên riêng Trung Quốc. Nếu không học cách phát âm Hán ngữ thì dù người Việt hay người Anh, người Pháp đều phát âm không đúng nhiều từ trong tiếng Hán nếu cứ đọc theo pinyin và chắc chắn người Trung Quốc không hiểu họ nhắc đến ai hay địa danh nào. Lý do là nhiều chữ Latin theo cách đọc thông dụng không phản ánh đúng âm tiếng Hán. Đó là chưa kể việc dùng pinyin trên sách báo phương Tây nói chung không ghi dấu thanh điệu do không thuận tiện (tiếng Hán có bốn dấu thanh điệu), nên chuyện ông nói gà bà tưởng vịt càng tăng. Chẳng hạn Cao Cao (Tào Tháo) không đọc là Cao Cao như trong tiếng Việt (hay [Ka Ka] theo phiên âm quốc tế) mà phải đọc là [Tsa Tsa]. Hay những phụ âm b, d, q, j trong pinyin không đọc là [b], [d], [k], [dj] như ta tưởng. Xét về độ chính xác trong ghi âm, pinyin còn thua cả hệ Wade-Giles. Ưu điểm của pinyin so với hệ Wade-Giles là nó phân bổ các âm gần nhau trong tiếng Hán cho những chữ cái riêng biệt trong bảng chữ cái Latin (nhưng mất đi sự chính xác), khiến việc phân biệt âm dễ hơn. Chẳng hạn, các cặp phụ âm bật hơi và không bật hơi có âm gần nhau trong hệ Wade-Giles là k/k’, p/p’, t/t’, ch/ch’, ts/ts’ sang pinyin chuyển thành g/k, b/p, d/t, zh/ch (hoặc j/q trước i và ü), z/c, dễ tách bạch hơn so với chỉ phân biệt bằng dấu ’ (mà có khi viết ra bị bỏ sót). Ví dụ: Chang Kuo-t’ao (Trương Quốc Đào) theo hệ Wade-Giles chuyển thành Zhang Guotao trong pinyin, Teng Hsiao-p’ing (Đặng Tiểu Bình) thành Deng Xiaoping. Tránh những đề xuất nửa vời Qua phân tích trên đây, ưu điểm phát âm chính xác cho người bản ngữ hiểu được mà một số người gán cho pinyin khi so sánh với âm Hán Việt chỉ là tưởng tượng. Mặc dù trong một số trường hợp, pinyin có thể gần tên gốc hơn âm Hán Việt, nhưng tên riêng đòi hỏi chính xác gần như tuyệt đối nên dù gần hơn mà vẫn bị lẫn lộn thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Xin lấy một ví dụ trong tiếng Việt cho dễ hiểu: Nguyễn Viết Vân hay Nguyễn Việt Văn cần chính xác tuyệt đối chứ không thể viết Nguyen Viet Van chung chung được. Trong khi đó tuy âm Hán Việt có thể không gần âm gốc bằng, nhưng trong nhiều trường hợp có thể khôi phục được nguyên dạng chữ Hán, điều mà pinyin chịu thua. Trong khi đó, nhiều nhược điểm bộc lộ ở pinyin so với âm Hán Việt: 1. Tên riêng theo pinyin vô nghĩa, vô cảm, khó nhớ, khó đọc. Bắc Kinh hay Nam Kinh đều được người Việt hiểu ngay nghĩa là kinh đô phía bắc hay phía nam, còn Beijing hay Nanjing chẳng gợi lên điều gì. Hà Nam hay Hà Bắc cho ta biết ngay hai tỉnh đó ở phía bắc hay phía nam sông Hoàng Hà, còn Hebei hay Henan thì không. 2. Tên riêng theo pinyin gây thêm sự trùng lặp, nhầm lẫn, nhất là nếu viết không có dấu thanh điệu. Lu Xun có thể là Lỗ Tấn hoặc Lục Tốn, Yan Yuan có thể là Nhan Uyên (học trò của Khổng Tử) mà cũng có thể là Nhan Nguyên (triết gia đời Thanh), Pingxiang có thể là Bằng Tường (ở khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây) hay Bình Hương (ở tỉnh Giang Tây), Heng Shan có thể là Hoành/Hành Sơn (ở tỉnh Hồ Nam) hay Hằng Sơn (ở tỉnh Thiểm Tây). Trường hợp ngược lại hầu như không xảy ra trong tên riêng vì số lượng âm Hán Việt nhiều hơn hẳn số lượng âm pinyin (nếu không kèm theo dấu thanh điệu thì càng ít). Bạn thử tưởng tượng đọc Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy hử hay truyện chưởng Kim Dung (à, phải viết là Sanguo yanyi, Shuihu, Jin Yong mới phù hợp) với các nhân vật Guan Yu, Zhuge Liang, Zhao Yun, Lin Chong, Lu Zhishen, Wu Song, Yang Bu Hui, Huoqingtong... thì liệu có hứng thú như trước không? Dường như cũng thấy những bất cập nếu chuyển hoàn toàn sang pinyin, một vị tiến sĩ đề xuất: “Nhân danh địa danh ở thời kỳ “đồng văn” (từ thế kỷ 19) nên nhất loạt dùng phiên âm Hán - Việt. Chúng ta sẽ đọc/viết là Khổng Tử, Giả Nghị, Đào Uyên Minh, Đỗ Phủ, Tương Giang... Nhưng tên riêng Trung Quốc thời kỳ tình trạng “đồng văn” chấm dứt (từ đầu thế kỷ 20 trở đi), chúng ta nên đọc/viết theo đúng âm Bắc Kinh (bính âm). Nếu chưa thực hiện được ngay thì tên riêng Trung Quốc đương đại (từ sau năm 1979) nhất thiết phải đọc/viết theo quy tắc ấy”. Một đề xuất nửa vời gây sự thiếu nhất quán, đứt khúc về thời gian như vậy phỏng có nên? Chưa nói đến việc khó khả thi (hoặc nhà báo, dịch giả công đâu tra cứu việc này) khi xác định nhân danh, địa danh nào xuất hiện trước năm 1979 (hoặc trước đầu thế kỷ 20), nhân danh, địa danh nào xuất hiện sau năm 1979 (hoặc sau đầu thế kỷ 20) và xuất hiện ở đâu để quyết định phiên âm Hán Việt hay pinyin? Tags: Văn hóaDịch thuậtPhiên âmNGUYỄN VIỆT LONG
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.