Bàn về chuyện thật thà

NGUYỄN ĐỨC THẠC 29/09/2003 07:09 GMT+7

TTCN - Thật thà là “đúng y như tồn tại, như đã hoặc thường vẫn xảy ra trong thực tế, không thêm, không bớt, không bịa ra”; là “ngay thẳng, có thế nào bộc lộ thế ấy, không dối trá, không giả tạo”; là “tính người, tự bộc lộ mình một cách tự nhiên, không giả dối, không giả tạo, không tham lam, không tắt mắt”. (Từ điển tiếng Việt 1994, trang 895 - 896).

 
 

 Thật, thật thà, hiểu thật đúng là như vậy. Trái với thật thà là gian dối, là trí trá trong lời nói và hành động, trong đối xử với công việc và với con người, với mình và người khác. 

Vẫn biết là như vậy và những điều nêu trên nhiều khi chỉ tồn tại như là đạo lý sách vở; còn trong cuộc sống thật thì con người lại luôn đứng trước sự lựa chọn nghiệt ngã giữa thật thà và gian dối.

Tính thật thà - tính người cơ bản bị tiến công, bị xâm hại từ nhiều phía và sự gian dối nhiều khi lại lên ngôi, khôn ngoan một cách trắng trợn, lan rộng trên nhiều lĩnh vực của hoạt động và quan hệ xã hội, được dư luận báo động như một tệ nạn xã hội, thậm chí còn là một “quốc nạn”. 

Và càng tệ hại hơn, trẻ em, tuổi trẻ học đường, tương lai của đất nước, niềm hi vọng của dân tộc, cũng đã bị cuốn hút vào vòng xoáy của sự dối trá.

Con người trên hành trình hướng thiện và hoàn thiện để ngày một giỏi hơn, ngày một tốt hơn vốn có cái tâm lý thường tình là thích được khen thưởng, biểu dương hơn là chê trách, phê bình, vì vậy mới có chuyện “đẹp thì phô bày ra” còn “xấu thì đắp điếm, đậy điệm lại”.

Vì thế mà sự dối trá thường được xem là một thói xấu đầu tiên của mỗi cá nhân con người, trở thành điểm yếu nhất trong mỗi con người cá nhân. Nhưng con người luôn sống trong quan hệ cộng đồng, ở đó có những chuẩn mực định hướng, điều chỉnh, đánh giá cùng cơ chế bảo đảm cho sự thực thi các chuẩn mực đó.

Do vậy điểm yếu nhất của mỗi cá nhân sẽ được khắc phục khi cộng đồng xã hội luôn có ý thức bảo vệ các chuẩn mực và tìm kiếm các cơ chế bảo đảm cho các chuẩn mực đó được tuân thủ nghiêm chỉnh.

Đương nhiên là pháp luật và kỷ luật, song trước hết là đạo đức cá nhân và dư luận xã hội phải được bồi đắp đủ sức mạnh của sự phẫn nộ và lòng tự trọng danh dự của từng cá nhân và của cả cộng đồng. Thật thà là phẩm chất nhân tính hàng đầu, cũng là phẩm chất chính trị hàng đầu, phẩm chất cách mạng hàng đầu, từ đó hoàn thiện nhiều phẩm chất khác, không thể ngộ nhận.

Lẽ nào sự lựa chọn giữa thật thà và dối trá lại luộn thật sự nghiệt ngã trong suốt hành trình? Lẽ nào sự khôn ngoan không thể song hành cặp đôi với sự thật thà để từ đó nảy sinh câu tục ngữ, trí khôn dân gian "khôn ngoan chẳng lọ thật thà"? Thật thà là để ngày một thêm khôn, bớt dại bằng không cứ gian dối thì sẽ " hết khôn, dồn đến dại". Các cụ ngày xưa dạy bảo như vậy, chẳng sai bao giờ!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận