Bên hàng xóm đôi khi ghé thăm...

KHÁNH VÂN 01/03/2010 23:03 GMT+7

TTCT - Sáng chủ nhật đẹp trời, tôi mở toang cửa hít thở không khí trong lành của một ngày cuối tuần không bận bịu, tự thưởng cho mình thú vui nằm trên sofa đọc sách và nhâm nhi tách trà mới pha. Chợt có cảm giác vật gì đang vướng ở gấu quần, nhìn xuống tôi bắt gặp một chú cún con xinh xắn không biết từ đâu đi lạc vào nhà.

Mải chơi với chú cún, tôi không nhận ra một người đàn ông đang đứng nhìn mình tự khi nào. “Mong cô lần sau đừng tự ý mang “thú yêu” của người khác vào nhà mình nữa nhé, rất cảm ơn!”. Tiếp sau câu nói lạnh lùng, người đàn ông vội vàng ôm chú cún đi nhanh ra cửa khiến tôi không kịp phản ứng gì.

Phóng to
Minh họa: Hoàng Tường

Và đó là lần đầu tiên tôi gặp người hàng xóm sát cạnh nhà, dù tôi và cô bạn thân chuyển đến ở khu này được hơn nửa năm rồi. Tôi không trách người đàn ông ấy vì hiểu ông rất khẩn trương đi tìm chú chó cưng bị lạc, chỉ thấy thoáng buồn vì có lẽ khi thốt ra lời nói đầy hoài nghi đó, ông không biết đêm qua chính tôi là người đã giúp mang những khóm hoa trước sân nhà ông đặt vào mái hiên để tránh trận mưa to gió lớn...

Nhưng dù gì đó cũng là chuyện xảy ra ở nước ngoài, đất nước nơi tôi đang sống và làm việc. Người nước ngoài, dù là người châu Á, cũng không tránh khỏi những khác biệt về văn hóa nên chuyện “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” dường như là rất khó. Chứ ở Việt Nam thì khác. Tôi vẫn hay nhủ thầm như vậy...

Còn nhớ khu xóm tôi ở xưa kia là một khu lao động nghèo ở ngoại thành Sài Gòn. Mỗi sáng thức dậy đã nghe tiếng trò chuyện rôm rả của những cụ bà hàng xóm, tiếng cãi nhau chí chóe của những chị buôn gánh bán bưng, tiếng mấy anh thợ hồ gọi nhau í ới cho kịp buổi làm, tiếng lóc cóc leng keng của xe bán trái cây dạo... Và còn nhiều, nhiều nữa những âm thanh quen thuộc từng là nỗi bực bội, giờ trở thành nỗi nhớ dai dẳng trong tôi suốt những năm xa quê hương.

Còn nhớ dì Năm hàng xóm mỗi lần sang chơi đều mang biếu ngoại tôi khi thì chục trái cây, khi thì đĩa xôi đậu mới nấu rồi ân cần: “Thím Ba dạo này bớt nhức lưng chưa?”. Nhà tôi có việc đi vắng cũng không cần phải khóa cửa rào vì đã có hàng xóm xung quanh trông hộ. Ngày ông tôi mất, bà con láng giềng đến chật kín nhà, người lo trà nước, người giúp hậu sự ma chay. Mỗi người một gia cảnh nhưng cái tình dành cho nhau vô cùng ấm áp.

Vì vậy tôi luôn thấy vui mỗi lần được về nhà, được sống trong không khí thân thương đầy sẻ chia của tình làng nghĩa xóm. Cho đến lần về Việt Nam gần đây nhất, khi hay tin cả xóm lao động được giải tỏa để xây khu đô thị mới thì niềm vui đó dường như không còn nữa...

Những người hàng xóm của tôi mỗi nhà tứ tán một nơi. Tôi không còn được nghe những âm thanh quen thuộc đã gắn bó với mình suốt thời thơ ấu. Cũng như ngoại tôi thiếu vắng tiếng hỏi han, thiếu những câu chào, ngoại cứ đi đi lại lại với vẻ mặt dàu dàu giữa bốn bức tường của căn hộ chung cư. Tôi biết ngoại buồn, nỗi buồn từ sự cô đơn không gì bù đắp được dù tình yêu thương của con cháu có đầy ắp đến đâu.

Riêng tôi dù biết đổi thay là tất yếu, vẫn thấy ngậm ngùi mỗi khi nghe lời bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Em còn nhớ hay em đã quên? Bên hàng xóm đôi khi ghé thăm...

Những người đi xa như tôi chắc sẽ không bao giờ quên, nhưng lẽ nào chỉ còn là kỷ niệm? Lẽ nào đến một ngày những khu nhà cao tầng với cửa đóng then cài sẽ mọc lên như nấm, và dù không muốn người ta cũng vô tình sống xa nhau ra?

Tôi không biết câu trả lời. Cũng như trưa nay khi đi ngang khoảng sân đầy nắng, tôi chợt nhớ quay quắt giọng nói trìu mến của bà cụ hàng xóm năm nào: “Sao trời nắng chang chang mà không nón nải gì hết vậy con?”. Câu nói âm vang từ một miền ký ức chưa xa lắm, nhưng tôi biết làm cách nào để tìm lại bây giờ, bạn chỉ giúp tôi đi...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận