TTCT - Chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, Philippines đã 10 lần gửi công hàm ngoại giao phản đối các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. 10 công hàm này nâng tổng số công văn ngoại giao các loại nhằm phản đối Trung Quốc dưới thời tân Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. - lên nắm quyền từ 30-6-2022 - lên thành 77, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 27-2. Để so sánh, tổng số công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc trong 8 tháng cầm quyền của ông Marcos Jr. đã bằng gần 1/5 so với số văn bản tương tự trong suốt 6 năm nhiệm kỳ của người tiền nhiệm, Rodrigo Duterte (388 công hàm).Tổng thống Philippines Marcos Jr.. Ảnh: PNA"Philippines tiếp tục phản đối sự hiện diện lâu dài và bất hợp pháp của Trung Quốc trong vùng biển Philippines, bao gồm ở gần bãi cạn Ayungin [tức bãi Cỏ Mây]", Bộ Ngoại giao Philippines nói.Ngoài việc lên tiếng, Manila cũng đang thảo luận về khả năng mời Úc và Nhật Bản tham gia tuần tra chung trên Biển Đông với họ và Mỹ - một động thái chưa từng có tiền lệ."Những cuộc gặp gỡ đã được lên lịch và có lẽ chúng ta sẽ có Nhật Bản và Úc cùng tham gia - đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez nói với Hãng tin Reuters ngày 1-3 - Họ muốn có mặt trong các cuộc tuần tra chung để đảm bảo rằng Bộ Quy tắc ứng xử [trên Biển Đông] được tôn trọng và để đảm bảo tự do hàng hải". Nhưng ông Romualdez cũng nói đây mới là "ý tưởng được thảo luận", dù các cuộc tuần tra sẽ là "điều tốt lành cho Philippines và cả khu vực". Các cuộc tuần tra "ban đầu có thể diễn ra ở dạng song phương", rồi mới mở rộng dần "vì đấy đều là đồng minh của chúng tôi, những nước có suy nghĩ giống nhau", ông Romualdez nói.Nếu thành hiện thực, đó sẽ là lần đầu tiên Philippines tham gia một cuộc tuần tra chung đa phương trên Biển Đông, động thái nhiều khả năng sẽ bị Trung Quốc phản đối.Trong khi đó, chủ nhiệm tác chiến của Hải quân Mỹ, đô đốc Michael Gilday, ngày 1-3, trong một chuyến thăm Philippines, đã xác nhận Mỹ "cam kết chặt chẽ" với các cuộc tuần tra chung trên Biển Đông. Ở Manila, ông Gilday nói Mỹ cùng một số nước "mới ở giai đoạn hoạch định ban đầu" về tuần tra chung, nhưng khẳng định Washington "cam kết chặt chẽ và tập trung" cho kế hoạch này, theo Defense News. Ông Gilday đã gặp gỡ và trao đổi với tư lệnh Hải quân Philippines, phó đô đốc Toribio Adaci, cùng tham mưu trưởng quân đội nước này, tướng Andres Centino. Họ đã "đồng ý trên nguyên tắc là phải nỗ lực hơn, tập trung và nhanh chóng, nhằm cải thiện sự gắn bó ở Biển Đông và khắp khu vực".Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương trong một chuyến thăm Indonesia diễn ra cùng thời gian nói ngày 1-3 rằng Bắc Kinh sẽ hợp tác với các nước Đông Nam Á "để bảo vệ hòa bình và ổn định ở biển Hoa Nam".Trước đó, chính quyền mới của ông Marcos Jr. đã có một số động thái xích lại gần đồng minh lịch sử Hoa Kỳ. Úc và Mỹ cũng đã tiến hành các cuộc thảo luận riêng rẽ với Philippines về khả năng mở tuần tra chung ở Biển Đông. Mỹ, Nhật Bản và Úc thì từng tổ chức nhiều cuộc huấn luyện hải quân ba bên trong khu vực."Với Philippines, các hoạt động như vậy cho phép chúng tôi tìm kiếm một đối tác khác để đối trọng với Trung Quốc, ngoài Mỹ - Rommel Jude Ong, cựu phó tư lệnh Hải quân Philippines, bình luận với Reuters về những cuộc tuần tra triển vọng - Dù muốn hay không, chúng tôi cần điều chỉnh quan hệ với Mỹ, và phải bảo đảm rằng chúng tôi không bị lôi kéo vào những vấn đề chỉ có Mỹ và Trung Quốc tham gia".Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles tuần trước đã nói Úc muốn mở rộng quan hệ quốc phòng song phương với Philippines và "bước tiếp theo" sẽ là các cuộc tuần tra chung, dù Đại sứ quán Nhật Bản ở Manila đã ra thông báo nói hiện "chưa có thảo luận gì" về vấn đề này. Cả Nhật Bản, Úc và Mỹ đều công nhận phán quyết của phiên tòa mang tính cột mốc năm 2016 trong đó những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với Biển Đông đã bị bác bỏ. Trung Quốc thì không công nhận phán quyết đó.Ngày 27-2, Tổng thống Marcos Jr. đã bình luận về vấn đề Biển Đông trong một cuộc gặp các binh sĩ Philippines mà ông gọi là "tình thế địa chính trị phức tạp nhất trên thế giới". Trước đó trong tháng 2, ông Marcos Jr. đã chấp thuận cho Mỹ tiếp cận rộng hơn các căn cứ quân sự của Philippines, cụ thể là ở 4 căn cứ mới, ngoài 5 căn cứ hiện hữu theo Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) mà hai nước ký năm 2014. Thỏa thuận này cho phép Mỹ tiếp cận các căn cứ của Philippines vì mục đích huấn luyện chung, lưu trữ trang thiết bị và xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự như đường băng, kho xăng, nhà ở… nhưng không bao gồm việc quân Mỹ đồn trú lâu dài. ■ "Nhiệm vụ của quân đội đã thay đổi"Trong một bài phát biểu với quân đội Philippines ngày 28-2, ông Marcos Jr. nói nhiệm vụ của quân đội "đã thay đổi nhằm bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia". Hai tuần sau khi triệu tập đại sứ Trung Quốc ở Manila để phản đối vụ tàu hải cảnh Trung Quốc chiếu tia laser vào một tàu tuần tra của Philippines trên Biển Đông, ông Marcos Jr. có bài phát biểu quan trọng với toàn quân Philippines mà ông là tổng tư lệnh. "Tôi muốn nói rằng nhiệm vụ của AFP [các lực lượng vũ trang Philippines] đã thay đổi - ông nói - Nhiều năm, chúng ta đã có thể duy trì hòa bình và hiểu biết chung như vậy với mọi nước láng giềng. Giờ tình hình đã thay đổi, và chúng ta sẽ phải điều chỉnh theo".Ông nói những đường biên giới quốc gia đang đứng trước thách thức, "và nhiều tình thế mới đang phát sinh, nên không quân có nhiệm vụ rất lớn là phải bảo vệ được Philippines". Cụ thể, ông nói một trong những biến chuyển là "cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các siêu cường". Thừa nhận Philippines là một nước nhỏ, nhưng ông Marcos Jr. khẳng định: "Chúng ta vẫn phải chiến đấu vì quyền lợi của mọi người Philippines, vì Philippines vẫn là một quốc gia có chủ quyền và một nhà nước đúng nghĩa".Trong quá khứ, các lực lượng vũ trang Philippines chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ đối phó với các lực lượng nổi dậy Hồi giáo và cánh tả, nhưng tình hình ở Biển Đông khiến quân đội nước này đã phải hướng hơn ra bên ngoài. Tuy nhiên, chương trình hiện đại hóa quân đội của Manila đã gặp nhiều trục trặc kéo dài, thiếu hụt về tài chính, trang thiết bị lẫn nguồn nhân lực. Tags: Phản đối Trung QuốcHải quân PhilippinesTư lệnh Hải quânVấn đề biển ĐôngTuyên bố chủ quyềnBộ quy tắc ứng xửBiển ĐôngBãi Cỏ Mây
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.