TTCT - Việc đội Guangzhou Evergrande (Trung Quốc) giành chức vô địch AFC Champions League 2015 sau khi thắng Al Ahli trong trận chung kết hồi tháng trước cho thấy bóng đá châu Á bắt đầu nhen nhóm một cuộc chuyển giao cán cân quyền lực. Guangzhou Evergrande giành chức vô địch AFC Champions League 2015 nhờ chất lượng dàn cầu thủ nội -AFP Trên tờ FourFourTwo, cây bút John Duerden bình luận bóng đá Trung Quốc đang cho thấy sự phát triển mạnh mẽ, nếu không muốn nói đầy ấn tượng. Ông mô tả cuộc chạm trán giữa Guangzhou Evergrande và Al Ahli như cuộc chiến kim tiền của hai gã khổng lồ với ngân sách dồi dào, sở hữu triết lý bóng đá hiện đại và quy tụ nhiều tên tuổi nổi tiếng. Tuy nhiên, thời điểm tạo dựng thành công của họ khác nhau rất nhiều. Một “Manchester City” ở phương Đông Ngày trước, người ta biết đến các đội bóng ở Trung Đông như Al Jazira hay Al Ahli với hình ảnh những CLB rất giàu có nhờ được hậu thuẫn bởi các ông chủ dầu mỏ. Cụ thể, tỉ phú Sheikh Mansour bin Zayed Al Nahyan, chủ sở hữu Manchester City (M.C), không chỉ đổ hàng trăm triệu bảng đầu tư cho đội bóng thành Manchester, mà còn xây dựng một đế chế hùng mạnh ở Al Jazira, một trong những tên tuổi hàng đầu ở UAE (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất). Trong khi đó, bảo trợ cho Al Ahli là hoàng tử Hamdan Al Maktoum. Suốt nhiều năm qua, các CLB ở Trung Đông đầu tư rất mạnh tay vào thị trường chuyển nhượng. Nhiều cầu thủ nổi tiếng một thời như Gabriel Batistuta, Pep Guardiola, Raul, Romario, Xavi hay Ronald De Boer đều từng ghi dấu giày dưới sức nóng ở UAE, Qatar, Saudi Arabia... Dĩ nhiên các ngôi sao này đều qua thời đỉnh cao và sự xuất hiện của họ mang ý nghĩa thương mại nhiều hơn. Tuy nhiên, sự thống trị của các đội bóng Trung Đông được dự báo không còn dài lâu khi nhiều CLB ở Giải Chinese Super League (Trung Quốc) được sở hữu bởi những tập đoàn hùng mạnh, điển hình là Guangzhou Evergrande. Năm 2010, Công ty Evergrande Real Estate Group ở Quảng Châu quyết định mua lại đội Guangzhou Evergrande khi đó đang gặp khó khăn. Lập tức, họ đổ 150 triệu USD vào CLB để xây dựng lại đội bóng, đồng thời thuê HLV giỏi và thực hiện các vụ chuyển nhượng đình đám. Sự lớn mạnh của Guangzhou Evergrande còn vững chắc hơn khi tỉ phú Jack Ma của Alibaba bỏ ra 200 triệu USD để mua 40% cổ phần đội bóng vào năm 2014. Bốn năm trước (2010), chủ tịch Wu Jiayin, một trong những người giàu nhất Trung Quốc, chỉ bỏ ra 16 triệu USD để tiếp quản CLB, tức giá trị đội bóng đã tăng nhiều lần. Tiền nhiều, Guangzhou Evergrande thách thức các CLB Trung Đông trên thị trường chuyển nhượng, thậm chí còn làm tốt hơn các “ông lớn” châu Á trong quá khứ. Họ mang về những HLV, cầu thủ nổi tiếng và đặc biệt chưa “hết thời”. Chỉ đạo đội bóng đang là Luiz Felipe Scolari, từng vô địch World Cup 2002 cùng tuyển Brazil. Trong đội hình có Robinho - cựu tiền đạo Real Madrid và AC Milan, Paulinho - từng đá cho Tottenham mùa trước (giá 14 triệu euro), Elkeson hay Ricardo Goulart. Trong khi đó, Al Ahli chỉ mang về Lima - chân sút đã 32 tuổi và là cựu tiền đạo Benfica, hay Moussa Sow - cựu ngôi sao Fenerbahçe. Ngoài việc tạo ra một đội hình quy tụ những cầu thủ nổi tiếng, lợi nhuận Guangzhou Evergrande thu về cũng hấp dẫn hơn các kình địch Trung Đông. Trung bình số khán giả tới sân là 45.000 người, cao gấp 10 lần so với nhiều đội bóng tại UAE hay Qatar. Khía cạnh thương mại và tiền bản quyền truyền hình của Giải Chinese Super League cũng vô cùng ấn tượng. Mới đây, hợp đồng bản quyền truyền hình của giải lên tới 1,25 tỉ USD với thời hạn năm năm, tức tăng vọt từ 10 triệu lên 250 triệu USD/năm. Rõ ràng những gì Guangzhou Evergrande thực hiện hệt như hình ảnh M.C, đội bóng trở mình thành “đại gia” nhờ sự đầu tư mạnh tay từ ông chủ tỉ phú. Lấy ngoại kích nội Liệu thành công của Guangzhou Evergrande sẽ mang đến điều gì cho bóng đá Trung Quốc vốn tụt dốc không phanh sau lần tham dự World Cup 2002? Trước mắt, các cầu thủ nội không còn đất diễn do nhiều CLB sở hữu các ngôi sao nước ngoài, từ đó khiến bóng đá Trung Quốc đi theo chiều hướng mạnh về thương mại nhưng chất lượng đội tuyển vẫn không được cải thiện. Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, các tài năng luôn được ưu ái và khuyến khích ra sân để cọ xát và nâng cao trình độ. Họ hướng đến chất lượng cầu thủ trong nước chứ không phải giúp đội bóng ngày một giàu hơn. Thực tế bóng đá Trung Quốc từng bị cuốn vào sức hút của trò chơi thương mại vào năm 2013. Khi đó, Guangzhou Evergrande dưới sự dẫn dắt của HLV Marcelo Lippi giành được AFC Champions League nhờ phong độ chói sáng và tầm ảnh hưởng rất lớn của các cầu thủ Nam Mỹ. Điều này làm các cầu thủ nội lép vế và đội tuyển thi đấu phập phù trong thời gian qua, bị loại ngay từ vòng đấu “gửi xe” trên hành trình tìm vé dự World Cup 2018. Nhưng năm nay, điểm nhấn của Guangzhou Evergrande mang nét rất mới. HLV Scolari tạo ra một đội bóng sống dưới hơi thở các cầu thủ nội. “Tôi muốn nói lời cảm ơn với toàn đội, đặc biệt các cầu thủ Trung Quốc. Họ giúp những đồng đội nước ngoài đạt được các danh hiệu Chinese Super League và AFC Champions League” - HLV Scolari nói. Guangzhou Evergrande mua cầu thủ nổi tiếng nước ngoài để giúp đỡ chuyên môn cho cầu thủ nội. Trong trận bán kết AFC Champions League gặp ứng viên sáng giá Gamba Osaka của Nhật Bản, chính hai cầu thủ Trung Quốc gồm Huang Bowen và Zheng Zhi đã ghi hai bàn giúp đội thắng 2-1. Sức mạnh tài chính Trong bài bình luận trên Standard.co.uk (Anh), John Dillon phân tích đã qua thời kỳ bóng đá Anh chịu sự lệ thuộc của đồng tiền đến từ các ông chủ dầu mỏ như Roman Abramovich ở Chelsea hay Sheik Mansour quản lý M.C. Không biết có phải do trùng hợp hay một sự sắp đặt sẵn, ngày Chelsea công bố chi tiết kế hoạch xây sân vận động mới thì M.C cũng thông báo bán 13% cổ phần công ty mẹ cho hai nhà đầu tư Trung Quốc gồm CMC (China Media Capital) và Công ty đầu tư CITIC Capital, thu về 265 triệu bảng. Rõ ràng việc Trung Quốc tham gia quản lý M.C cho thấy chiến lược đầu tư rất có tính toán. Việc hợp tác giúp M.C có cơ hội xâm nhập thị trường của quốc gia đông dân ở châu Á, trong khi Trung Quốc hứa hẹn được cải thiện chất lượng mặt bằng bóng đá nhờ trao đổi cầu thủ. Thực tế giới nhà giàu châu Á đã tấn công vào bóng đá châu Âu từ vài năm gần đây khi Valencia do tỉ phú Peter Lim nắm quyền, còn doanh nhân Indonesia Erick Thohir sở hữu 70% cổ phần của Inter Milan. Theo phân tích của John Dillon, Chelsea, Tottenham hay West Ham đều có kế hoạch rất vĩ mô để tạo ra sự lớn mạnh trong lòng bóng đá Anh và thậm chí mơ ngày vượt qua cả Real Madrid, Barcelona, Bayern Munich... Nhưng sân chơi lúc này sẽ không chỉ dành cho riêng họ, bởi những gì chủ tịch Abramovich thực hiện thì người Trung Quốc cũng có thể làm được, thậm chí còn tốt hơn vì họ không hề thua kém tỉ phú người Nga về sức mạnh tài chính. Trong khi đó, cây bút Richard Edwards của Mirror (Anh) lại có một góc nhìn khác. Ông cho rằng việc tập đoàn Trung Quốc mua cổ phần của M.C nặng về khía cạnh chính trị nhiều hơn, bởi Trung Quốc rất muốn giành quyền đăng cai World Cup. Việc đầu tư vào một đội bóng Anh sẽ tạo cơ hội và điều kiện cho họ xây dựng mối quan hệ với những nhà làm bóng đá hàng đầu, từ đó nâng cao kiến thức về quản lý môn thể thao vua. ■ “Trung Quốc rõ ràng không có một nền bóng đá mạnh, vì vậy họ cần phát triển cơ sở hạ tầng. Việc mua cổ phần của Manchester City không phải ngẫu nhiên. Đội chủ sân Etihad có trung tâm huấn luyện rất tốt và là nơi lý tưởng để đào tạo các cầu thủ nội. Nếu Manchester City có thể thiết lập một thương hiệu, thì đầu tư vào Trung Quốc là nước cờ khôn ngoan. Xâm nhập vào thị trường này cũng đồng nghĩa họ sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của bóng đá Trung Quốc” - Simon Chadwick, giám đốc Trung tâm kinh doanh thể thao quốc tế (CIBS), nói. Tags: Nguyễn TríBóng đá châu Á chuyển giao quyền lựcBóng đá châu á
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Đề xuất nền tảng bán hàng xuyên biên giới không hiện diện ở Việt Nam cũng bị đánh thuế NGỌC AN 22/11/2024 Với các nền tảng thương mại điện tử, nền tảng công nghệ số của doanh nghiệp nước ngoài tiến hành cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam sẽ phải chịu thuế dù không có hiện diện.
Ronaldo tạo cơn sốt hơn 13 triệu view cùng YouTuber số 1 thế giới Mr Beast THANH ĐỊNH 22/11/2024 Tiền đạo Cristiano Ronaldo tiếp tục chứng tỏ sức hút vượt trội của mình ngoài sân cỏ khi vừa công bố video cùng khách mời là YouTuber số 1 thế giới Mr Beast.
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;