Bóng đá Việt Nam: 20 tuổi vẫn chưa cai sữa

KHƯƠNG XUÂN 31/10/2020 23:10 GMT+7

TTCT - Bóng đá Việt Nam chính thức khoác chiếc áo chuyên nghiệp từ mùa giải 2000-2001 và nay chuẩn bị bước sang mùa thứ 21. Thế nhưng điều đáng buồn là đã 20 năm trôi qua, hầu hết các CLB mang tiếng chuyên nghiệp vẫn ít nhiều sống dựa vào “bầu sữa” ngân sách nhà nước.

Quang Hải là người của CLB Hà Nội, nhưng chi phí đào tạo anh thành tài là từ ngân sách thành phố. Ảnh: Nguyên Khôi
Quang Hải là người của CLB Hà Nội, nhưng chi phí đào tạo anh thành tài là từ ngân sách thành phố. Ảnh: Nguyên Khôi

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi năm UBND các tỉnh, thành phố lấy từ ngân sách vài chục tỉ đồng để cấp cho các CLB “chuyên nghiệp”. 

Đó là chưa kể hầu hết sân vận động ở các địa phương được bàn giao cho CLB bóng đá quản lý, sử dụng miễn phí nhưng khi sân hỏng, xuống cấp, Nhà nước lại phải xuất tiền từ ngân sách để sửa! Thậm chí hệ thống đào tạo trẻ cũng được bao cấp luôn để các CLB chỉ tập trung mỗi việc xây dựng đội bóng chuyên nghiệp dự V-League.

Không đào tạo trẻ dù được cấp 40 tỉ đồng/năm

Đến hẹn lại lên, mỗi năm Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) đều kiểm tra nhằm cấp chứng nhận CLB chuyên nghiệp để tham dự mùa giải năm tới. Cuộc kiểm tra năm nay vừa có kết quả và cho thấy 4 CLB không đạt chuẩn chuyên nghiệp gồm: Hải Phòng, Nam Định, Hà Tĩnh và Sông Lam Nghệ An.

Tuy nhiên, có một điều thú vị là kiểm tra cho có, chứ CLB không đủ chuẩn rồi vẫn được dự V-League như thường.

Năm trước từng có đến 6 CLB không đủ chuẩn nhưng rồi VFF cũng nhắm mắt làm ngơ, chứ không lấy đâu đủ đội cho V-League! Năm nay hẳn cũng thế, 4 đội nêu trên rồi cũng tham gia V-League 2021, chứ VFF chả dám làm căng loại họ ra khỏi cuộc chơi.

Trong hàng loạt chỉ tiêu cần phải có của một CLB chuyên nghiệp dự V-League, hệ thống đào tạo trẻ với sáu cấp độ tuổi là điều quan trọng nhưng với Hải Phòng, thật ngạc nhiên khi họ không có bất cứ đội bóng nào tham gia hệ thống các giải trẻ do VFF tổ chức trong năm 2020.

Toàn bộ hệ thống đào tạo bóng đá trẻ của Hải Phòng, gồm các lứa U11, U13, U15 và U17, được tuyển chọn và đào tạo bởi ngành thể thao thành phố.

Còn về tài chánh, cũng thật ngỡ ngàng khi lãnh đạo Sở Văn hóa - thể thao (VH-TT) Hải Phòng cho biết mỗi năm thành phố vẫn cấp cho CLB bóng đá 40 tỉ đồng để duy trì hoạt động.

Dĩ nhiên, đó là tiền ngân sách! Để so sánh, số tiền thành phố cấp cho CLB bóng đá chuyên nghiệp Hải Phòng là rất lớn so với tiền đầu tư cho tất cả các đội tuyển thể thao khác cũng của thành phố.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, bà Phạm Thị Tô Trang, phó giám đốc Sở VH-TT Hải Phòng, cho biết ngoài 40 tỉ đồng/năm cấp cho CLB chuyên nghiệp Hải Phòng, mỗi năm ngân sách thành phố cũng chi hơn 3 tỉ đồng để nuôi toàn bộ đội ngũ các cầu thủ trẻ. Số tiền này dùng để nuôi cầu thủ ăn ở, tập luyện, trả lương, đi học văn hóa, đi thi đấu...

Sau khi được đào tạo đến 17 tuổi, Sở VH-TT Hải Phòng mới chuyển giao các cầu thủ cho CLB bóng đá Hải Phòng để tuyển chọn người đi đá chuyên nghiệp.

Mới đây, UBND thành phố Hải Phòng đã quyết định giải tán Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ thành phố và chuyển giao cho CLB Hải Phòng quản lý. Ban đầu CLB Hải Phòng không nhận, nhưng đến tháng 7 vừa qua thì chấp nhận với điều kiện thành phố phải giữ nguyên “nguồn sữa” ngân sách nuôi bóng đá trẻ.

Nhà giàu cũng không ngoại lệ

CLB bóng đá Hải Phòng không hề là ngoại lệ. Tình trạng vẫn bám vào ngân sách diễn ra ở nhiều CLB bóng đá chuyên nghiệp VN hiện nay, nhất là những đội như Sông Lam Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Nam... Theo ông Phạm Nguyên Hồng - giám đốc Sở VH-TT Thanh Hóa, mỗi năm tỉnh này cũng cấp hàng chục tỉ để nuôi CLB Thanh Hóa.

Ngay CLB bóng đá Hà Nội, đội bóng được xem là “nhà giàu” của ông bầu Đỗ Quang Hiển, cũng chưa bao giờ thoát ly hoàn toàn “bầu sữa” ngân sách, cụ thể trong vấn đề đào tạo trẻ. Suốt nhiều năm qua, CLB Hà Nội thừa hưởng toàn bộ hệ thống đào tạo trẻ của Sở VH-TT Hà Nội.

Bộ môn bóng đá Hà Nội là nơi tuyển chọn, đào tạo ra các cầu thủ Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh... hàng chục năm ở nhà thi đấu Gia Lâm. Phải đến khi các cầu thủ 17-18 tuổi mới được chuyển từ nhà thi đấu Gia Lâm sang Mỹ Đình cho CLB Hà Nội tiếp quản. Chi phí tuyển chọn, đào tạo toàn bộ hệ thống các đội trẻ U11 - U17 đều do ngân sách thành phố chi trả.

Năm 2020, CLB Hà Nội bị “sốc” bởi dù là nhà vô địch V-League 2019 nhưng lại không được tham dự Cúp châu Á 2020 của AFC. Lý do là đội bóng thủ đô không có đủ các đội trẻ dự giải theo quy định, trong đó có Giải U15 quốc gia.

Sau khi sự việc được làm rõ, CLB Hà Nội mới thật thà cho biết do năm đó Hà Nội chuyển đội U15 cho CLB Sài Gòn mượn để thi đấu tại Giải U15 quốc gia. Câu chuyện nực cười của hai CLB Hà Nội và Sài Gòn cho thấy rõ bức tranh chuyên nghiệp giả hiệu của bóng đá VN.

Cũng từ năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã chuyển giao sân vận động Hàng Đẫy cho CLB Hà Nội quản lý, sử dụng và khai thác, cũng có thể coi là một nguồn tài trợ khác từ ngân sách, tuy không phải bằng tiền mặt.

Không còn “bầu sữa”, bóng đá chuyên nghiệp chết chắc

Được Nhà nước hỗ trợ đào tạo trẻ, cấp tiền nuôi đội bóng chuyên nghiệp, cho mượn sân luyện tập và thi đấu, thậm chí khi sân hỏng, xuống cấp thì cũng ngân sách sửa chữa. Nếu như bóng đá VN chuyên nghiệp đúng nghĩa, Nhà nước thực sự cắt hết các khoản hỗ trợ, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, thì bóng đá chuyên nghiệp VN giải tán là cái chắc.

Theo báo cáo cấp phép giữa mùa giải 2019 của VFF, có đến 6/14 CLB tại V-League có hệ thống đèn chiếu sáng trên sân không đủ tiêu chuẩn để tổ chức trận đấu là Sông Lam Nghệ An, Hoàng Anh Gia Lai, Hải Phòng, Sanna Khánh Hòa, Thanh Hóa và Quảng Nam.

Trong đó sân Vinh của CLB Sông Lam Nghệ An là sân tối nhất với hệ thống đèn ở đây chỉ đạt 382lux (đơn vị đo độ rọi sáng), trong khi tiêu chuẩn tối thiểu theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp VN là 900lux.

Lãnh đạo một CLB chuyên nghiệp tâm sự: “Nếu CLB có tiền bỏ ra để nâng cấp, sửa hệ thống đèn thì dễ rồi. Đằng này CLB đâu có tiền nên phải xin tỉnh, mà xin thì đâu dễ.

Vì thế mà VFF, VPF cứ kêu sân này đèn tối, sân kia mặt cỏ trơ, phòng chức năng xuống cấp không đáp ứng được tiêu chí cơ sở vật chất... nhưng nhiều đội bóng bó tay. Nếu VFF làm căng, không cấp phép ngoại lệ cho các CLB dự V-League thì nhiều đội đành phải chia tay thôi”.

Ông Nguyễn Húp - chủ tịch CLB Quảng Nam - cũng thẳng thắn cho biết: “UBND tỉnh Quảng Nam vừa rót cho CLB 30 tỉ đồng để sửa sân Tam Kỳ. Ngoài ra mỗi năm tỉnh cũng cấp cho CLB Quảng Nam 15 tỉ đồng để hoạt động. Nếu không có kinh phí từ tỉnh, CLB Quảng Nam chắc không thể tồn tại được”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận