TTCT - Tin đồn về hành vi tham nhũng của ông Chu Vĩnh Khang đã lan truyền khắp Trung Quốc và báo chí nước ngoài. Theo tờ South China Morning Post (SCMP), nhiều người thân, cựu trợ lý của ông này bị khám xét hoặc bắt giữ, với tổng tài sản bị tịch thu lên đến 14,5 tỉ USD. Hồ sơ mang tên Chu Vĩnh Khang - Kỳ 2: Con lươn và mỏ dầuHồ sơ mang tên Chu Vĩnh Khang Ông Chu Vĩnh Khang - Ảnh: easy604-com Tuy nhiên, khi Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa chính thức công bố, truyền thông Trung Quốc vẫn đưa tin khá dè dặt về vị “cựu ủy viên thường vụ họ Chu, bố của thương nhân bí ẩn Chu Bân”, “có tên hồi nhỏ là Chu Nguyên Căn”, hay còn được gọi là “con hổ lớn”. “Tôi cũng như anh, chỉ được biết qua báo chí nước ngoài”! Cái tên Chu Vĩnh Khang lần đầu tiên xuất hiện trên mặt báo bởi một phóng viên tờ SCMP đến từ Hong Kong trong cuộc họp báo ngày 2-3-2014 của Hội nghị hiệp thương chính trị Trung Quốc. * Phóng viên: Báo chí các nước có nhiều thông tin về Chu Vĩnh Khang, xin ông cho biết ý kiến của Hiệp thương chính trị? - Người phát ngôn Lỗ Tân Hoa: Tôi cũng như anh, chỉ biết được thông tin qua một số báo nước ngoài. Cho dù là ai, hay quan to như thế nào, nếu vi phạm pháp luật nhà nước đều phải chịu sự trừng trị của pháp luật. Tôi chỉ có thể trả lời như vậy, chắc anh hiểu! Câu hỏi và trả lời của người phát ngôn khiến cả hội trường xôn xao. Vì đây là lần đầu tiên một quan chức Trung Quốc chính thức nói về ông Chu Vĩnh Khang, cũng là lần đầu tiên có phóng viên đặt câu hỏi về vấn đề này. Nhiều phóng viên nghi ngờ đã có sự dàn xếp khi người phát ngôn bất ngờ cho biết sẽ trả lời thêm một câu hỏi, và câu hỏi đó được ưu ái dành cho phóng viên đến từ đặc khu Hong Kong. Tờ Thời Báo Hoàn Cầu cho rằng “chỉ có phóng viên ngoài đại lục mới dám chất vấn về vấn đề này và họ luôn có đặc quyền trong các buổi họp báo”. Không thể đưa tin trực tiếp về “cựu ủy viên họ Chu”, báo chí Trung Quốc chọn cách tiếp cận từ người thân của ông. Và họ viết gì? Cha Chu Bân là ai? Theo trang mạng Sohu.com ngày 27-2, thời gian gần đây cái tên Chu Bân được nhắc đến khá nhiều, do những người liên quan đến ông như ông Ký Văn Lâm, phó tỉnh trưởng tỉnh Hải Nam, bị điều tra; hay Lưu Hán, thương gia Tứ Xuyên, bị khởi tố; Đinh Tuyết Phong, thị trưởng thành phố Lữu Lương tỉnh Sơn Tây, bị bắt. Ông Chu Bân là một “thương gia bí ẩn” nắm “một đế chế chính trị kinh tế thương mại, từ Bắc Kinh đến Tứ Xuyên và vươn ra cả nước ngoài”. Ngày 18-3, trang mạng Văn Minh Tây An có bài về gia cảnh cha của ông Chu Bân (http://www.wmxa.cn/a/201403/86579.html). Theo bài viết này, ông Chu Bân năm nay 42 tuổi, quê ở làng Tây Tiền Đầu, thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô. Sau khi Chu Bân ra đời, người cha là Chu Nguyên Căn đã rời xa quê nhà, làm việc trong ban chỉ huy Hội dầu khí Liêu Hà, tỉnh Liêu Ninh (từ năm 1970, cơ quan này đã tạo dựng mỏ dầu Liêu Hà lớn thứ tư của nước đông dân nhất thế giới). Năm 7 tuổi, Chu Nguyên Căn đi học, do trùng tên với một bạn học khác nên đổi tên thành “ủy viên Chu mà mọi người đều biết”. Theo trang Thâm Quyến Hong Kong (szhk.com), Chu Nguyên Căn thời cấp II có thành tích học tập rất tốt: được tuyển thẳng vào cấp III, từng làm lớp trưởng, cán bộ đoàn của lớp, năm 1961 thi đậu vào Học viện Dầu khí Bắc Kinh (nay là Đại học Dầu khí Trung Quốc), là một trong những sinh viên đại học hiếm hoi trong làng. Sau đó ông đi làm và sinh sống ở Bắc Kinh. Chu Vĩnh Khang có hai con trai, Chu Bân là con trưởng. Theo tờ Kinh Doanh Trung Quốc, Chu Bân có vợ là cháu gái của ông Huỳnh Cấp Thanh, người được mệnh danh là “ông tổ ngành dầu mỏ Trung Quốc” nhờ công phát hiện mỏ dầu Đại Khánh. Tờ này cho biết nói đến “nhóm lợi ích” của Chu Bân, không thể không nhắc đến Lý Hoa Lâm, nguyên phó tổng giám đốc Tổng công ty Dầu mỏ Trung Quốc (CNPC). Năm xưa, Chu Bân vào học ở Đại học Dầu khí Tây Nam đều do Lý Hoa Lâm sắp xếp. Sau khi Chu Bân tốt nghiệp rồi du học Mỹ, Lý Hoa Lâm khi ấy đang là thư ký cao cấp của CNPC cũng được điều động sang Mỹ “công tác”, thực chất là làm “bảo mẫu” cho Chu Bân. Những cựu sinh viên cùng trường với Chu Bân như Lý Hoa Lâm, Nhiễm Tân Quyền, Vương Đạo Phú hình thành một thế lực lớn xung quanh gia tộc họ Chu, tác động vào ngành dầu khí Trung Quốc. Năm 2012, những vụ án tham nhũng của CNPC bị phanh phui. Ngày 1-8-2013, người hợp tác mật thiết với Chu Bân và bà Chiêm Mẫn Lợi (mẹ vợ Chu Bân) là Ngô Binh bị giam lỏng. Cuối tháng 8, Lý Hoa Lâm, Nhiễm Tân Quyền, Vương Đạo Phú bị điều tra. Sau cuộc họp cổ đông Công ty năng lượng Trung Húc Dương Quang Bắc Kinh ngày 27-9-2013, nơi Chu Bân đang làm chủ tịch, Chu Bân không còn xuất hiện ở công ty nữa. Trang Sina.com cho biết trong số những trợ thủ làm giàu bất chính của Chu Bân phải kể đến mẹ vợ Chiêm Mẫn Lợi, cổ đông lớn của Công ty Trung Húc Dương Quang do Chu Bân thành lập năm 2004 và sau đó giành được đơn hàng vi tính hóa hơn 8.000 trạm xăng của CNPC. Trong thời gian Chu Bân giữ chức chủ tịch, Công ty Trung Húc Dương Quang có nhiều dự án hợp tác với CNPC. Biệt thự của ông Chu Nguyên Hưng - Ảnh: powerapple-com Cửa tiệm xe hơi Audi của bà Chu Linh Anh - Ảnh: chinaluxus-com Gia tộc họ Chu Chu Nguyên Căn có hai em trai là Chu Nguyên Hưng và Chu Nguyên Thanh, nhưng trong gia đình chỉ có ông học đại học và đi làm ở Bắc Kinh, còn hai người em sau khi tốt nghiệp cấp III đã về quê. Người em Chu Nguyên Hưng lâu nay vẫn sinh sống ở làng Tây Tiền Đầu, trông coi hương hỏa tổ tiên. Gia đình Chu Nguyên Hưng giàu lên rất nhanh, khi Chu Nguyên Căn còn làm trong ngành dầu khí họ đã giàu rồi, khi anh cả đến Tứ Xuyên thì càng phất lên. Người dân trong làng lúc đầu đều không biết ông ta làm gì mà giàu thế, sau này mới có thông tin ông giàu nhờ làm đại lý rượu Ngũ Lương Dịch ở thị trấn và nhờ “chạy việc”: ai muốn tìm việc hay doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh thì cứ đến nhờ ông đi “nói giúp”. Tập Tinh, một người cùng làng Tây Tiền Đầu, cho biết trước đây Chu Nguyên Căn thường đến thăm nhà em trai Chu Nguyên Hưng, nhưng gần đây thì không còn thấy chuyện viếng thăm trên. Xung quanh nhà họ Chu được lắp camera theo dõi. Lần cuối cùng Tập Tinh nhìn thấy Chu Nguyên Căn là cuối tháng 4-2013. Hôm đó, dưới sự bảo vệ của cảnh sát mặc thường phục, ông vui vẻ bắt tay với hàng trăm dân làng, chỉ cười mà không nói câu nào. Tập Tinh nghe dân làng thuật lại Chu Nguyên Căn có nói: “Có lẽ đây là lần cuối cùng tôi về thăm các cô chú” (http://yl.szhk.com). Chu Nguyên Hưng phát hiện ung thư vào mùa thu năm 2013. Ngày 7-12-2013, thông tin gia đình Chu Nguyên Hưng bị lục soát khiến dân làng xôn xao, nhiều tài sản như két sắt, rượu Mao Đài, Ngũ Lương Dịch bị tịch thu. Ngày 18-12-2013, gia đình ông Hưng lại bị lục soát lần nữa. Chu Nguyên Hưng ra đi vào ngày 10-2-2014. Tuy nhiên, dân làng kể không hề thấy người anh Chu Nguyên Căn, chị dâu Giả Hiểu Diệp, cháu Chu Bân, Chu Hàm; em Chu Nguyên Thanh, em dâu Chu Linh Anh, cháu Chu Phong xuất hiện trong đám tang. Còn gia đình người em Chu Nguyên Thanh dù ít khi thấy về quê, nhưng trong làng đều biết việc vợ ông, bà Chu Linh Anh, khai thác khoáng sản, bán dụng cụ phòng cháy chữa cháy, kinh doanh thiết bị khai thác dầu mỏ, có 3.000 cây xăng trên toàn quốc. Tờ Tân Kinh cho biết khai thác khoáng sản là công việc kinh doanh đầu tiên của Chu Linh Anh. Khi vụ án tập đoàn dầu khí bị đưa ra ánh sáng, mối quan hệ đặc biệt giữa gia đình Chu Nguyên Thanh với Công ty phân bón kali Hồng Phong Tứ Xuyên và CNPC cũng được phơi bày. Công ty Hồng Phong được thành lập từ năm 2007 bởi liên doanh giữa Công ty Hồng Phong Bắc Kinh và Công ty Huê Dầu Tứ Xuyên (trực thuộc Cục quản lý dầu mỏ Tứ Xuyên của CNPC), bà Chu Linh Anh là cổ đông lớn. Sau đó Công ty Hồng Phong được Sở Tài nguyên Tứ Xuyên cấp phép khai thác khoáng sản đến năm 2012, trên diện tích 137.603m2, thời hạn năm năm. Tháng 2-2010, bà Chu Linh Anh lập công ty kinh doanh xe hơi Bôn Dược Giang Âm ở Vô Tích. Đến tháng 10-2010, từ mua bán xe hơi, linh kiện, bà Chu Linh Anh chuyển sang làm đại lý kinh doanh xe hơi Audi, Volkswagen. Bản thân bà Chu Linh Anh cũng trở thành bà chủ cửa hàng xe Audi vốn được mệnh danh là “ôtô quan chức số 1” ở Trung Quốc. Khi đó, có nhiều công ty xin làm đại lý xe Audi, nhưng chỉ Công ty Bôn Dược Giang Âm giành được quyền kinh doanh. Năm Công ty Bôn Dược Giang Âm làm đại lý Audi, doanh số bán khá cao, công việc kinh doanh của cửa hàng Audi duy nhất ở Giang Âm rất thuận lợi, không ngừng mở rộng, thêm cửa hàng thứ hai, thêm dịch vụ thuê xe... Dân trong ngành cho rằng ở thị trường tương tự như Giang Âm, mỗi năm có thể kiếm được 20 triệu NDT. Công ty Bôn Dược Giang Âm của bà Chu Linh Anh còn hợp tác khai thác khí thiên nhiên với Công ty năng lượng Côn Lôn của CNPC. Tháng 11-2012, Công ty Giang Âm liên doanh với Công ty CNPC Giang Tô thành lập Công ty năng lượng Côn Lôn nhưng chưa đi vào hoạt động. Côn Lôn là công ty chuyên khai thác thị trường nguồn khí tổng hợp của CNPC. Tháng 8-2013, ông Lý Hoa Lâm, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Côn Lôn, đồng thời là phó tổng giám đốc CNPC, bị điều tra. Tờ Tân Kinh cho biết vợ chồng Chu Nguyên Thanh đã bị tổ chuyên án giải đi khỏi ngôi nhà ở Vô Tích vào ngày 1-12-2013. Việc tờ Hoàn Cầu Thời Báo chính thức xác nhận “thương gia bí ẩn” Chu Bân là con trai Chu Vĩnh Khang vào ngày 6-3-2014 khiến nhiều người dự đoán ngày công bố vụ án Chu Vĩnh Khang sẽ không còn xa. Ngày 2-4 mới đây, tờ Tin Tức Minh Kính của Hong Kong đưa tin chính quyền Trung Quốc đã thông qua quyết định trong tháng 5 sẽ công bố vụ án Chu Vĩnh Khang, tuyên bố tội của ông và bắt giữ thêm nhiều người. “Nhớ nói lại thủ trưởng một tiếng” Chu Nguyên Thanh trở thành cầu nối với anh cả Chu Nguyên Căn, ai muốn vào gặp anh cả nhà họ Chu đều có Chu Nguyên Thanh đi cùng. Không biết tự lúc nào, xe hơi đen mang biển số ngoài tỉnh cứ nườm nượp đến làng Tây Tiền Đầu viếng mộ gia tộc họ Chu. Khu mộ gia tộc họ Chu ở phía bắc Tây Tiền Đầu, bên cạnh eo Lục Gia. Cũng như bao dân làng khác, mộ phần của nhà họ Chu cũng chỉ là mộ đất thông thường, nằm dưới rừng cây dâu. Năm 1990, cha của Chu Bân mời thầy đến xem bói, thầy phán ông có tướng tá tốt, nhưng sau khi làm quan đến nay vẫn giữ chức phó là do mồ mả tổ tiên không hợp phong thủy. Năm 1995, nhà họ Chu mở rộng mộ phần ông bà, chặt bỏ rừng cây dâu. Tháng 6 cùng năm, họ lập bia mộ cho ông bà, ngoài ra còn cho đào một cái hồ gần mộ phần. Mộ phần gia đình họ Chu ngày càng có nhiều người đến hương khói khi cha Chu Bân có chức quan ngày càng to. Thanh minh hằng năm, người đến tảo mộ không ngớt. Khách đến viếng mộ phần lớn là cán bộ, trước khi về đều dặn “nhớ nói lại với thủ trưởng Chu một tiếng”. Năm 2009, do người đến tảo mộ quá đông, chính quyền địa phương xây hẳn một bãi đỗ xe nhỏ ở phía bắc làng Tây Tiền Đầu. Khu mộ nhà họ Chu cũng được sửa sang khang trang, phía ngoài xây tường đá cao nửa mét, chiếm hơn 120m2, phía trong khu mộ lót gạch xanh, đằng sau bốn ngôi mộ lớn là hơn chục cây tùng, cây bách. Một đêm mưa mùa thu năm 2009, khu mộ nhà họ Chu bị đào trộm, vụ việc không chỉ kinh động đến cảnh sát Vô Tích. Sở Công an tỉnh Giang Tô, Cục Công an Thượng Hải, thậm chí Bộ Công an cũng điều động lực lượng cảnh sát vào cuộc truy tìm thủ phạm. Kết quả điều tra không ai rõ, có người nói vẫn chưa phá án, có người nói do mâu thuẫn kinh tế gây ra. Chỉ biết rằng sau đó cảnh sát cho lắp đặt camera ở xung quanh và hai ngã tư đi vào khu mộ (http://china.caixin.com/2014-03-03/100645962_2.html). Trang 21cbn.com cho biết năm 2012, một chuyên gia trồng cây ăn trái ở Tứ Xuyên được ông Tôn Kiến Thành, cục trưởng Cục Giám sát Thành Đô, mời đến Vô Tích, lý do có doanh nghiệp muốn trồng loại trái cây ông chuyên gia đang nghiên cứu nên rất muốn hợp tác với ông. Chuyên gia sau khi đến Vô Tích có lãnh đạo Cục Công an đến đón tại sân bay. Suốt chuyến đi đều có xe cảnh sát mở đường, bảo vệ, được chăm sóc khá chu đáo, tận tình. Đến bữa tối ăn cơm mới biết vị doanh nhân đó chính là Chu Nguyên Thanh, từng giữ chức phó cục trưởng Cục Đất đai tài nguyên quận Huệ Sơn, Vô Tích. Chuyên gia rất ngạc nhiên vì sao một phó cục trưởng mà có quyền to thế, có thể điều động cả công an đón tiếp? Sau này ông mới biết anh cả Chu Nguyên Thanh “đang làm việc ở Bắc Kinh”, sẽ nghỉ hưu năm 2012. Anh cả định về quê trồng cây ăn trái sau khi nghỉ hưu. Tiếc rằng sau khi khảo sát điều kiện khí hậu ở địa phương không thích hợp trồng cây ăn trái mà ông đang nghiên cứu nên sự việc không thành. ----------------------------- * Tin bài liên quan: Thêm hai quan chức Trung Quốc bị điều tra“Nhổ răng hổ” Chu Vĩnh KhangTrung Quốc siết vòng điều tra gia tộc Chu Vĩnh KhangAnh em "bố già" Tứ Xuyên ra tòa cùng 34 đồng bọnTrung Quốc xử “bố già” khét tiếng Tứ XuyênThêm một đồng minh của Chu Vĩnh Khang bị điều tra Tags: Trung Quốc
Sửa thuế thu nhập cá nhân lạc hậu: Phải chờ đến... 2026! LÊ THANH 26/11/2024 Phải có quy định cho phép người nộp thuế thu nhập cá nhân được trừ lãi vay mua nhà, tiền học, khám chữa bệnh của người nộp thuế và của con cái họ.
Bộ Tư pháp Mỹ hủy bỏ mọi vụ án liên bang chống lại ông Trump THANH BÌNH 26/11/2024 Công tố viên đặc biệt Jack Smith đã hủy bỏ hai vụ án hình sự liên bang chống lại ông Trump.
Nhận hối lộ gần 6 tỉ, luật sư đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đặc biệt với cựu vụ phó Anh Tuấn TUYẾT MAI 26/11/2024 Sáng 26-11, phiên tòa xét xử vụ sai phạm tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan. Bào chữa cho ông Hoàng Anh Tuấn (cựu vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương), luật sư đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đặc biệt với ông Tuấn.
Truy tố cựu chủ tịch tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương ĐỨC TRONG 26/11/2024 Cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương cùng nhiều thuộc cấp bị truy tố liên quan đến vụ án xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.