Bóng tối của Oscar

TTCT - Cứ đến mùa giải thưởng Hollywood là các trò nói xấu những bộ phim đối thủ lại được dịp bùng phát ở thủ đô điện ảnh thế giới. Bôi nhọ đã trở thành một phần không thể thiếu trong các chiến dịch vận động Oscar.

TTCT - Cứ đến mùa giải thưởng Hollywood là các trò nói xấu những bộ phim đối thủ lại được dịp bùng phát ở thủ đô điện ảnh thế giới. Bôi nhọ đã trở thành một phần không thể thiếu trong các chiến dịch vận động Oscar.

Phóng to

Như thông lệ, bước vào mùa giải thưởng Hollywood, các chiến dịch vận động được tăng cường dữ dội để giành giải thưởng. Nhiều chuyên gia điện ảnh so sánh Hollywood mùa giải thưởng với thủ đô Washington những ngày bầu cử tổng thống Mỹ bởi đủ trò bẩn chính trị.

Các chiêu trò

Cuộc đua song mã

Theo báo Los Angeles Times, giới chuyên gia điện ảnh Mỹ dự đoán lễ trao giải Oscar ngày 24-2-2013 sẽ là cuộc đua song mã giữa Argo của Ben Affleck và Lincoln của Steven Spielberg. Dù thất thế lúc ban đầu, Argo đang chiếm thế thượng phong với hàng loạt giải thưởng tiền Oscar. Giới quan sát đánh giá đạo diễn Affleck đã thực hiện một chiến dịch vận động khôn khéo và hiệu quả hơn so với nhóm làm phim Lincoln.

Để ngăn chặn các chiêu trò, Viện hàn lâm Điện ảnh Mỹ (AMPAS) đưa ra những quy định hết sức chặt chẽ: các hãng phim không được phép liên hệ với các thành viên ban giám khảo Oscar để quảng bá phim của mình, chỉ được gửi một bức thư mỗi tuần, không biến các buổi chiếu ra mắt thành những bữa tiệc hoang dại. Nói xấu đối thủ bị cấm ngặt.

Nhưng luật đưa ra chỉ để bị xâm phạm. Nhiều hãng phim gửi DVD kèm quà tặng cho thành viên ban giám khảo Oscar. "Quyến rũ" các thành viên ban giám khảo Oscar là một chiêu rất có hiệu quả, đặc biệt là đối với Hãng Weinstein.

Năm 1999, nhà sản xuất Harvey Weinstein chi 5 triệu USD để quảng bá cho phim Shakespeare in love (Shakespeare đang yêu), bao gồm nhiều bữa tiệc tùng trác táng cho các thành viên ban giám khảo Oscar. Kết quả là Shakespeare in love đã vượt qua bộ phim chiến tranh xuất sắc Saving pirate Ryan (Giải cứu binh nhì Ryan) của đạo diễn Spielberg để giành vinh quang Oscar.

Các bộ phim nổi bật đều trở thành nạn nhân của các chiến dịch "nói xấu truyền miệng". Ví dụ, bộ phim The color purple (Màu tím - 1985) của đạo diễn Steven Spielberg trước khi trình chiếu bị Hiệp hội Vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP) chỉ trích là phân biệt chủng tộc. Đến khi The color purple và đạo diễn Spielberg thất bại tại lễ trao giải Oscar, NAACP lại đổi giọng chỉ trích AMPAS là "đã xúc phạm các nghệ sĩ tài năng".

Tương tự, A beautiful mind (Một tâm hồn đẹp - 2001) của đạo diễn Ron Howard - kể về cuộc đời nhà kinh tế học John Nash - khi ra mắt lập tức được đánh giá là một ứng cử viên Oscar. Đến giai đoạn tranh giải, giới truyền thông đưa tin bới móc đời tư của John Nash và tố cáo bộ phim không phản ánh trung thực sự thật cuộc đời ông. Nhưng chiến dịch này đã thất bại khi A beautiful mind giành bốn giải Oscar.

Phóng to
Django unchained được cho là nạn nhân của chiến dịch nói xấu mùa giải Oscar 2013

Kathryn Bigelow rớt khỏi danh sách đề cử đạo diễn xuất sắc

Mùa Oscar 2013 cũng không ngoại lệ. Tác phẩm Zero dark thirty (Săn lùng Bin Laden) của nữ đạo diễn Kathryn Bigelow được nhiều nhà phê bình đánh giá là phim Mỹ hay nhất năm 2012. Tuy nhiên một số nhà sản xuất phim Hollywood chỉ trích Zero dark thirty là "tôn vinh hành vi tra tấn". Đến cả một số thượng nghị sĩ Mỹ và Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cũng lên tiếng phản đối Zero dark thirty, dù đạo diễn Bigelow khẳng định bà chỉ phản ánh một sự thật là CIA đã tra tấn tù binh để kiếm thông tin về trùm khủng bố Osama Bin Laden.

Hậu quả là bà Bigelow bị loại khỏi danh sách đề cử Oscar đạo diễn xuất sắc nhất. Tương tự, tác phẩm Viễn Tây Django unchained (Django: Nô lệ tự do) được ca ngợi là bộ phim xuất sắc nhất từ trước đến nay của "quái kiệt điện ảnh" Quentin Tarantino. Nhưng nó bị đạo diễn Spike Lee và một số người chỉ trích vì dùng từ "mọi đen" quá nhiều. Tarantino cũng bị loại khỏi danh sách đề cử Oscar.

Argo (Chiến dịch Argo) của đạo diễn - diễn viên Ben Affleck cũng bị chỉ trích dữ dội vì không phản ánh chính xác sự thật lịch sử, đặc biệt là cảnh truy đuổi căng thẳng trong đoạn cuối phim. Affleck cũng bị loại khỏi danh sách đề cử Oscar đạo diễn xuất sắc nhất. Nhưng trên thực tế Affleck không hề làm một bộ phim tài liệu về cuộc khủng hoảng con tin Iran. Anh chỉ tạo ra một tác phẩm dựa trên những sự kiện lịch sử có thật.

Đến cả Lincoln của đạo diễn Spielberg cũng không tránh được tiếng xấu. Một số tờ báo và chuyên gia điện ảnh chỉ trích việc Spielberg lựa chọn Daniel Day-Lewis, một diễn viên Anh, vào vai Abraham Lincoln, một trong những tổng thống vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ. Lố bịch hơn, họ chê giọng của Day-Lewis là "the thé", không giống giọng thật của tổng thống Lincoln.

Mới thấy ở Hollywood, làm phim cho tốt, diễn cho hay chưa hẳn sẽ được tôn vinh tại các đêm trao giải Quả cầu vàng hay Oscar.

HIẾU TRUNG
(tổng hợp từ Cinema Blend, Variety, Hollywood Reporter)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận