Các đô thị ĐBSCL: Trong thế gọng kìm ngập lụt

HOÀNG TRÍ DŨNG - THIÊN BẢO 27/10/2018 00:10 GMT+7

TTCT - Những ngày giữa tháng 10-2018, các đô thị ở hạ nguồn ĐBSCL đã rơi vào những trận ngập chưa từng có. Các chuyên gia dự báo chuyện ngập lụt chưa kết thúc khi con nước rằm tháng 9 âm lịch và cuối tháng (cuối tháng 10, đầu tháng 11-2018) sẽ tăng cao, nhiều đô thị miền Tây sẽ tiếp tục hứng chịu những thiệt hại.

Xa hơn, đó là hệ lụy của tình trạng đồng bằng đang sụt lún với mức độ nghiêm trọng được cảnh báo gấp 10 lần so với nước biển dâng...

Người dân TP Cần Thơ phải “vật lộn” với ngập đường trong đợt triều cường giữa tháng 10-2018. Ảnh: CHÍ QUỐC
Người dân TP Cần Thơ phải “vật lộn” với ngập đường trong đợt triều cường giữa tháng 10-2018. Ảnh: CHÍ QUỐC

Ngập chưa từng có...

Trong đợt triều cường trên, nhiều đô thị các tỉnh hạ nguồn ĐBSCL như chìm trong biển nước khi mức triều đo được là 2,21m tại trạm sông Hậu, vượt báo động 3 là 0,31m. Đây được xem là mức triều kỷ lục từ trước đến giờ với mức độ rủi ro thiên tai có thể đạt cấp độ 3.

Tại Cần Thơ, từ sáng 9-10, hàng loạt tuyến đường nội ô bị ngập nặng. Nước tràn ngập nhà dân, gây vỡ đê ở cồn Khương, lực lượng công an, quân đội đã phải giúp dân di dời đồ đạc, gia súc, gia cầm. Nước ngập tràn ra quốc lộ, hàng loạt phương tiện chết máy, giao thông ùn ứ cục bộ...

Các vùng lân cận như Vĩnh Long, Sóc Trăng... cũng bị ngập từ nội ô ra tới quốc lộ, nước nhấn chìm cả tuyến huyết mạch quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Vĩnh Long và đoạn Hậu Giang - Sóc Trăng, ảnh hưởng nặng nề đến việc đi lại và làm đảo lộn cuộc sống của hàng vạn dân.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu sinh thái ĐBSCL, cho hay: mực nước ở Tân Châu đang thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 3cm, do đó chuyện ngập ở Cần Thơ và các đô thị lân cận có thể loại trừ yếu tố do lũ dâng cao.

Hiện nay, ĐBSCL đang bị ảnh hưởng bởi con nước rong (là con nước lớn xuất hiện 2 lần vào ngày 18 và 30 âm lịch hằng tháng theo chế độ bán nhật triều). Nước thủy triều phía biển dâng cao, gặp nước lũ sông Mekong đang xuống sẽ làm tăng mực nước và gây ngập ở vùng giữa như Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang...

“Chuyện thủy triều dâng cao chỉ là bề nổi của vấn đề. Nguyên nhân chủ yếu là do ĐBSCL đang bị sụt lún nghiêm trọng. Nước thì dâng cao, trong khi mặt đất ngày càng hạ thấp đã đẩy các đô thị khu vực ĐBSCL vào thế gọng kìm ngập lụt. Đây là hệ quả của việc khai thác nước ngầm quá mức suốt một thời gian dài” - ông Thiện nói.

Lún sụt gấp 5-7 lần tốc độ nước biển dâng

Theo các chuyên gia, ĐBSCL hằng năm nhận 475 tỉ m3 nước từ sông Mekong cùng lượng mưa hằng năm 1.400 - 2.000mm. Tuy nhiên, dù nước khắp nơi nhưng không sử dụng được do ô nhiễm. Mỗi năm, các sông rạch phải gánh chất thải từ 3 triệu tấn thuốc trừ sâu của nền nông nghiệp lạc hậu, thâm canh, chạy theo sản lượng.

Chưa kể có quá nhiều công trình cản trở dòng chảy khiến sông rạch không thể tự làm sạch. Nước sông mấy chục năm trước từ chỗ có thể uống được, nay đến rửa tay người dân cũng không dám. Khi nước mặt không dùng được, nhà nhà đã sử dụng nước ngầm.

“Chúng ta nói rất nhiều về nước biển dâng, thực tế chỉ khoảng 3mm/năm. Đó là một quá trình từ từ, nó không đáng sợ bằng tình trạng sụt lún đang diễn ra nghiêm trọng hơn gấp 10 lần. Do vậy, việc sụt lún phải được xem là khẩn cấp gấp 10 lần so với nước biển dâng. Nguyên nhân số 1 là do khai thác nước ngầm, nên phải giảm khai thác nước ngầm, phục hồi sông ngòi đặt trong những bài toán cân bằng sinh thái” - ông Thiện nói.

GS.TSKH Đào Xuân Học, chủ tịch Hội Thủy lợi VN, cho rằng hiện nay việc hạ thấp mực nước ngầm ở các đô thị và bán đảo Cà Mau ở mức 70cm/năm, kéo theo việc sụt lún đất đô thị và đồng bằng ở mức 2-3cm/năm (gấp 5-7 lần tốc độ nước biển dâng), là một trong những nguyên nhân gây tăng ngập úng tại các đô thị.

Theo ông, các đô thị đang chống ngập bằng cách lên đê bao nhỏ. Thời gian tới, chiều dài đê bao ở ĐBSCL có thể lên tới hơn 57.000km. Khi đó, mực nước trong nội đồng sẽ gia tăng, đất ở đồng bằng tiếp tục sụt lún, lũ sẽ tăng thêm, nước biển tiếp tục dâng... Hiệu ứng domino về đê bao sẽ xảy ra theo chiều hướng bất lợi trong vòng luẩn quẩn không ngừng.

Một trạm cấp nước sạch khai thác từ nước ngầm tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Mậu Trường
Một trạm cấp nước sạch khai thác từ nước ngầm tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Mậu Trường

Lúng túng tìm giải pháp

Về giải pháp đối phó tình trạng ngập lụt tại đô thị, ông Đào Anh Dũng, phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thừa nhận TP này đang lúng túng. “Trước mắt chưa có giải pháp nào hiệu quả chống ngập cho Cần Thơ. TP đang kỳ vọng vào dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (gọi tắt là dự án 3) có tổng mức đầu tư hơn 322 triệu USD, trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới 250 triệu USD, vốn không hoàn lại từ Tổ chức Hợp tác kinh tế Thụy Sĩ 10 triệu USD và còn lại là vốn đối ứng.

Dự án gồm 3 hợp phần: kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường; phát triển hành lang đô thị và tăng cường quản lý đô thị thích ứng biến đổi khí hậu... Dự án đang được triển khai với nhiều hạng mục như kè, cống, đê bao... Đến năm 2021, khi dự án cơ bản hoàn thành sẽ giải quyết được chuyện ngập của TP” - ông Dũng nói.

Ông Trần Hoàng Tựu, phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết toàn tỉnh có gần 2.000km đê bao, đợt triều cường vừa qua có 13 tuyến đê với chiều dài khoảng 50km bị nước tràn hoặc vỡ đê, hơn 100 điểm sạt lở phải xử lý...

“Tỉnh sẽ khảo sát lại toàn bộ hệ thống đê bao và giao thông để có kế hoạch hoàn thiện. Đặc biệt, trong nông nghiệp, tỉnh sẽ bố trí lại vụ 3, đưa nước vào nội đồng. Vấn đề này đòi hỏi các tỉnh lân cận phải cùng nhau tính toán xem vùng nào trữ nước lại trong mùa lũ. Năm nay lũ không cao nhưng nơi nào cũng làm đê bao bảo vệ sản xuất, nước bị dội bên ngoài không vào được nội đồng và gây ngập” - ông nói.

Trong những nguyên nhân gây ngập có một phần do tình trạng đê bao khép kín. Tại một số nơi đồng ruộng hay vườn cây ăn trái, các sông rạch với hai bên là hai con lộ kết hợp đê bao ngăn nước. Nước trong sông rạch của những “miệt vườn” này chỉ chảy quanh quẩn bên trong, không vào trong ruộng đồng. Nước không phân chia được buộc phải dâng cao và gây ngập ở những nơi khác.

Theo GS Võ Tòng Xuân, ngoài những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, ĐBSCL đang phải đối mặt những thách thức lớn từ việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng Mekong. Do vậy, các quốc gia trong khu vực phải xây dựng ngay một cơ chế sử dụng nguồn nước. Trong đó quyền và lợi ích của mỗi quốc gia phải đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cả lưu vực trên tinh thần hợp tác, cùng phát triển.

Ông Nguyễn Hữu Thiện cho rằng vấn đề ngập ở ĐBSCL phải được giải quyết bằng giảm khai thác nước ngầm. Vùng ven biển có thể áp dụng công nghệ lọc nước như màng nano và RO. Vùng nội địa cần được khôi phục chất lượng nước mặt bằng cách giảm ô nhiễm từ 2 nguồn lớn là công nghiệp và nông nghiệp thâm canh. ■

25 năm, lún 30cm

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên - môi trường, tại vùng ĐBSCL, trong khoảng chiều sâu 400-500m dưới đất có 7 tầng chứa nước nhưng bị mặn đan xen rất phức tạp. Trữ lượng tiềm năng khoảng 22,5 triệu m3/ngày, trữ lượng có thể khai thác khoảng 4,5 triệu m3/ngày. Hiện có 70-80% người dân nông thôn sử dụng nguồn nước ngầm với khoảng 2 triệu giếng khoan, trên 550.000 giếng khoan khai thác tập trung khoảng 2 triệu m3/ngày. So với năm 1995, mực nước ở hầu hết các tầng chứa nước đều giảm, lớn nhất là 0,93m/năm.

Theo nghiên cứu của Trường ĐH Utrecht (Hà Lan), trong 25 năm (1991-2016), ĐBSCL đã bị sụt lún bình quân 18cm, cá biệt có những nơi đã lún trên 30cm như Sóc Trăng, Tân An (Long An). Tại Cà Mau, tốc độ sụt lún do khai thác nước ngầm là 1,9-2,8cm/năm; khu vực Hậu Giang là 3,01-3,3cm/năm. Tại khu vực ven biển Cà Mau và Bạc Liêu đã sụt lún trên 10cm trong giai đoạn 2005-2015...

ĐBSCL đang phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản. Do nước bị mặn, nông dân nuôi tôm thường bơm nước ngầm để nguồn nước đảm bảo cho tôm sống được. Nhưng càng bơm thì đất càng bị chìm xuống và càng mặn hơn. Do vậy, cần có giải pháp đặc biệt đối với những nông dân nuôi trồng thủy sản.

Để vận động họ, phải có nguồn nước mặt không ô nhiễm để người dân an tâm sử dụng. Riêng trong sinh hoạt, phải tìm ra được những nguồn nước mặt sạch thay thế, có thể làm những hệ thống ống dẫn nước ở khu vực cao hơn về đồng bằng…

Ông Laurent Umans

(bí thư thứ nhất về quản lý nước và biến đổi khí hậu, Đại sứ quán Hà Lan)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận