TTCT - Các cuộc cách mạng kỹ nghệ mang lại sự phát triển vượt bậc cho nhân loại, là động lực lớn của phát triển, nhưng như bản chất của lực, nó tạo ra phản lực, đó là sự phân rã của xã hội, sự tan rã của lịch sử. Được yêu cầu viết những gì mình quan sát và ngẫm nghĩ về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tôi chưa lạm bàn đến bản chất lớn lao của cái “Industry 4.0” này với nền tảng là ba mũi đột phá: trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật và dữ liệu lớn (Big Data) và nhiều thứ khác nữa. Chỉ xin nêu một dư chấn nhỏ của 4.0 mà tôi thấy được trong hai thành phố du lịch điển hình của Việt Nam là Đà Nẵng và Đà Lạt. Là cư dân của hai thành phố này suốt hai mươi năm qua, tôi dõi theo và đã buồn vì tính xuân thu nhị kỳ của du lịch ở đây. Đà Lạt thì chờ vài dịp lễ và vài ngày cuối tuần để có du khách, chủ yếu là nội địa. Còn Đà Nẵng, dù cố gắng thật nhiều cũng lác đác và cú đấm của cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu làm cho nó như bị liệt đi từ năm 2010. Nhưng khoảng hai năm gần đây, tình hình bỗng khác hẳn. Các doanh nghiệp du lịch lớn nhỏ đã mạnh dạn sử dụng công cụ đặt phòng Internet để trực tiếp tiếp thị, liên lạc, giữ chỗ với du khách toàn cầu. Viber, Facetime giúp họ nói chuyện trao đổi với khách hàng năm châu miễn phí, dễ dàng. Việc thanh toán qua mạng đơn giản, trôi chảy. Airbnb, Uber, Grab cũng giúp du khách tự tin đến một thành phố lạ mà không ngại bị bỏ rơi hay lừa đào... Tất cả, cộng với sự khá giả lên của nhiều thị trường châu Á, trong đó nổi bật là mấy trăm triệu người Trung Quốc hăm hở đi ra nước ngoài, rồi vận tải hàng không giá rẻ..., đã góp phần thay đổi hẳn giá trị của hai thị trường này. Anh bạn doanh nhân, từng đầu tư nhiều đất đai, nhà hàng, nhà cửa tại Đà Lạt và chờ suốt 20 năm qua... không thấy động tĩnh gì, vừa bán hết, rút về Sài Gòn thì cuộc bùng nổ du lịch diễn ra, anh tiếc ngẩn ngơ. Còn Đà Nẵng, hai ba năm trước, dù có cố gắng mấy cũng có vẻ đìu hiu tỉnh lẻ, năm nay tư thế đã khác thấy rõ, thành phố nhộn nhịp, sôi động, có sức tiêu thụ cao, nhiều nhà hàng, quán bar thiết kế đẹp, đầy cảm hứng. Trước đây khó kiếm được nhà hàng tên tuổi ở Đà Nẵng thì giờ đây ta gặp khá nhiều đại gia bắt đầu đặt chân đến: quán Pizza 4P, Nướng Phổ Đình, RuNam Bistro, rượu Warehouse... Gom... Các chuyên gia chắc sẽ còn bận rộn nêu nhiều đặc tính của các cuộc cách mạng công nghiệp, nhất là cuộc cách mạng mới nhất này. Nhưng cá nhân người viết thì nhận thấy một đặc điểm nổi bật, đó là động thái “Gom”. Nó có khuynh hướng gom mọi thứ lại: sức lao động, mức tiêu thụ, tài sản, đất đai, tài nguyên... Làm như thế để tạo ra một mật độ đủ đậm để kinh doanh vượt ngưỡng sinh lãi, tiến xa vào siêu lợi nhuận. Ta thấy điển hình ở Anh trong cuộc cách mạng lần thứ nhất, người nông dân, thứ dân, nông nô được gom lại để tạo ra các công xưởng đầu tiên của chủ nghĩa tư bản, rồi từ đó cũng xuất phát cuộc chinh phục thuộc địa để gom thế giới còn tản mác thành một thị trường tiêu thụ lớn hơn. Ở cuộc cách mạng kỹ nghệ lần thứ hai, không gì điển hình hơn hình ảnh của bộ phim Thời đại tân kỳ (Modern Time) mà danh hề Charlie Chaplin sản xuất năm 1936, nói về một gã lang thang loay hoay tồn tại trong một thế giới hiện đại hóa, công nghiệp hóa, tất cả bị gom lại trong quy trình sản xuất dây chuyền, “người máy hóa” mọi sự, điển hình nhất là trường đoạn về chiếc máy đút thức ăn để công nhân ăn nhanh hơn... Cứ thế, cuộc cách mạng kỹ nghệ lần thứ 3 diễn ra giữa thế kỷ 20 vừa qua, với chất bán dẫn, điện tử, vô tuyến, hàng không..., giúp rút ngắn khoảng cách, gom thế giới lại và định hình xã hội như chúng ta đang sống. Và giờ đây, ở cuộc cách mạng phiên bản 4, tính “gom” được thể hiện tinh vi hơn nhiều. Ta thấy Facebook gom cảm xúc con người lại một nơi, Google gom kiến thức nhân loại, Uber gom xe của cả thế giới, Airbnb gom nhà toàn cầu lại để cho thuê, các loại e-commerce gom hàng hóa lại. Internet vạn vật gom vật thể để chúng tương tác với nhau, Big Data gom các dữ liệu... Dĩ nhiên về mặt kinh tế, “gom” bao giờ cũng có lợi, chẳng hạn, tất cả chen chúc trong một đô thị thì chỉ cần một đường cấp nước là bán được cho cả trăm ngàn người. Nhưng đến các xứ giàu như Mỹ, ta gặp nhiều ngôi nhà nằm trong những cánh rừng, ngọn đồi, tức phải cần một đường điện, đường nước, xây một con lộ để chỉ cung cấp cho vài ngôi nhà như thế. Ta nhận ra, dân giàu không bị... gom. Ảnh: Liquid Planner ...và “rã” Các cuộc cách mạng kỹ nghệ mang lại sự phát triển vượt bậc cho nhân loại, là động lực lớn của phát triển, nhưng như bản chất của lực, nó tạo ra phản lực, đó là sự phân rã của xã hội, sự tan rã của lịch sử. Cuộc cách mạng lần thứ nhất tạo ra giai cấp vô sản cùng khổ và những thuộc địa rên xiết. Cuộc cách mạng lần hai gián tiếp thúc đẩy việc phân chia lại thuộc địa đã tạo ra hai cuộc thế chiến. Cuộc cách mạng lần 3 diễn ra trên nền tảng Chiến tranh lạnh giữa hai thế giới Đông - Tây và các cuộc chiến tranh ủy nhiệm diễn ra trên toàn cầu. Hiện nay, với phiên bản 4, nó trở thành nhạc nền cho bộ phim nhân loại với các kịch tính gay go: đe dọa của chiến tranh hạt nhân, môi trường Trái đất lâm nguy, cuộc chiến tranh mạng toàn cầu và phân hóa giàu nghèo khủng khiếp: 80% tài sản nhân loại nằm trong tay của 1% những người giàu (công bố của Tổ chức Oxfam đầu năm 2018 này). Chỉ số của Oxfam nêu trên chỉ ra bản chất phân rã điển hình của các cuộc cách mạng công nghiệp: người nghèo sẽ bị đẩy ra bên lề của phát triển. Quay lại thành phố Đà Nẵng, tôi đã dõi theo một cô gái suốt 7 năm qua. Cô là dân Đại Lộc - giáp Đà Nẵng, học xong trung cấp ngành quản trị nhà hàng khách sạn hồi năm 2011, siêng năng, giỏi vi tính, vào làm lễ tân cho một khách sạn nhỏ, tối về đi thu tiền điện nước điện thoại, thu nhập hơn 2 triệu đồng, tiền thuê nhà đã ngốn hết một phần thu nhập. Ba năm sau, cô vào Hội An làm cho một dự án của Tây, tối phải thêm một “job” quét dọn, thu nhập được hơn 4 triệu đồng. Năm 2015, cô làm sale cho một khách sạn tại Đà Nẵng chạy doanh số mờ cả mắt thu nhập được 7 triệu đồng, đầu năm 2018 này được tuyển vào làm sale cho một resort lương đạt đến 10 triệu đồng. Nhưng gặp lại cô, đã thấy cô bắt đầu có dấu hiệu mệt mỏi. Cô đã bước vào tuổi 30, tay làm hàm nhai mà không tích lũy được gì sau gần 8 năm lăn lộn trong nghề, áp lực về doanh số của nghề sale và bản án sa thải luôn treo trên đầu. Đúng như câu ví von: “Cứ khi nào khô mồ hôi là hết tiền”, đây cũng là hoàn cảnh của hầu hết người lao động mà tôi có cơ hội gặp, từ chị nhân viên công ty nọ cho đến anh thợ hồ kia, anh thợ điện, anh bảo vệ, cô công nhân... Họ không có một khoản tích lũy nào suốt một phần ba đoạn đời làm việc của mình. Và bi kịch khá lớn cũng có thể diễn ra giống như tình trạng hiện nay: nữ công nhân ngành may ở nhiều khu công nghiệp, bị cho về hưu lúc... 30 tuổi, nhà máy chỉ sử dụng họ lúc thanh xuân, đến 30 là không tuyển tiếp nữa. Xem ra, các cuộc cách mạng công nghiệp này chủ yếu mang lại lợi ích cho các quốc gia trung tâm, còn các quốc gia ngoại biên tiếp tục bị tụt xa phía sau. Industry 1.0 chỉ có các nước phương Tây và Mỹ giàu có. Industry 2.0 có Nhật mon men vào thì cũng bị đệ nhị thế chiến nghiền nát. Industry 3.0 cho đến hậu kỳ của nó mới thấy Hàn Quốc bước vào gần trung tâm, Singapore rụt rè nối gót. Còn khối BRICs thuở đầu (Brazil, Nga, Ấn, Trung Quốc) đại diện cho những người khổng lồ mới nổi, giờ chỉ sót lại mỗi Trung Quốc với không ít khó khăn nội tại. Industry 4.0 ư? Cứ nhìn các tên tuổi đang vận hành nó, ta biết rõ rằng “con vua thì lại làm vua, con sãi giữ chùa lại quét lá đa”. Cần biết rằng cái “ảo giác số” đang chế ngự nhiều thứ hiện nay vẫn chỉ là hình thức cho một thứ mà bản chất bao giờ cũng là nền kinh tế thật “Bình tĩnh sống” Đó là một cụm từ hay mà tôi gặp trong một chương trình truyền hình. Quả phải như thế thật. Chúng ta là một quốc gia nằm ở ngoại vi của kinh tế thế giới. Chúng ta phải bình tĩnh suy xét và chọn tư thế sống và làm việc phù hợp, đừng bị cơn sốt 4.0 thúc giục mà vọng động. Cần biết rằng cái “ảo giác số” đang chế ngự nhiều thứ hiện nay vẫn chỉ là hình thức cho một thứ mà bản chất bao giờ cũng là nền kinh tế thật. Cứ lấy hình ảnh hào nhoáng nhất của thương mại điện tử là Amazon để xem xét. Ta biết rằng cái đế chế e-book, rồi e-commerce này đầu tiên phải dựa vào một nền tảng thật, đó là xứ sở có trước tác sách phong phú và có rất nhiều người mê đọc và muốn mua sách. Rồi ý thức về bán sách từ xa đã có truyền thống lâu đời, nhiều chục năm trước nước Mỹ đã có nhiều công ty bán sách như thế, mà người viết bài từng là khách hàng của thương hiệu nổi tiếng Book Of The Month, hằng tháng họ gửi đến người đọc một cuốn cataloge về đủ loại sách (y như một giao diện web hiện nay), người đọc chọn sách, gửi séc kèm theo thì hai tuần sau hàng sẽ được giao. (Trong thương mại điện tử, trước năm 1975 nhiều người miền Nam mua hàng; từ chiếc áo, đồng hồ đến chiếc xe hơi qua thương hiệu Sears chuyên bán hàng qua cataloge...). Sau đó, phải có sẵn một mạng lưới giao nhận thật toàn cầu, chứ không phải chỉ chuyển file hay softcopy. Rồi mạng lưới thanh toán phải hoàn thiện. Sau đó, còn phải tổ chức xây dựng các đại công xưởng để xử lý hàng triệu đơn đặt hàng, nhiều nhà máy này của Amazon toàn dùng robot để vận hành, sắp xếp hàng hóa mới xuể và chính xác... Tất cả những động tác này đều là kiểu “cổ điển”, kiểu của “kinh tế thật” thuộc về Industry 1.0, chứ chẳng có cái hào nhoáng hư hư thực thực của 4.0 đầy “ảo” vọng đâu. Cho nên, trước hết phải quay về với kinh tế thật, kinh tế vật thể, làm ăn chăm chỉ, siêng năng, nâng cao năng suất, chất lượng, giữ uy tín, đổi mới từng chút theo đúng ba bước của chữ I: Imitation - Inovation - Invention, bắt chước trước, rồi cải tiến, sau đó mới đến khám phá, sáng tạo cầu kỳ. Làm được thế có thể sẽ hưởng được chút hào quang của cuộc cách mạng to lớn ngoài kia, để không bị tụt xa và chờ thời mà bơi vào trung tâm.■ Tags: Cách mạngCách mạng công nghiệpCông nghiệp 4.0
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Ngày của phở 12-12: Cả trăm người ăn phở nóng ấm giữa mùa đông vùng cao HỒNG QUANG 12/12/2024 Hàng trăm người dân xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai), sáng nay ngồi kín sân trường liên cấp số 1 để thưởng thức những tô phở ấm nóng.
Khán giả xếp hàng từ đêm mua vé xem đội tuyển Việt Nam đấu Indonesia HOÀNG TÙNG 12/12/2024 Sáng 12-12, hàng trăm khán giả đã sớm có mặt trước cổng sân Việt Trì, Phú Thọ chờ mua vé xem đội tuyển Việt Nam gặp Indonesia và Myanmar.
Bộ Quốc phòng phản hồi kiến nghị xử lý việc lợi dụng xăm hình trốn nghĩa vụ quân sự THÀNH CHUNG 12/12/2024 Bộ Quốc phòng đã có trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM về biện pháp xử lý nghiêm việc lợi dụng xăm hình để trốn nghĩa vụ quân sự.
Ông Trump hoan nghênh quyết định từ chức của giám đốc FBI KHÁNH QUỲNH 12/12/2024 Ông Trump đã bày tỏ thái độ vui mừng trước quyết định từ chức của Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray hôm 11-12.