Cái chết bi thảm của Daria Dugina: 'Sống với tư tưởng thì nguy hiểm bội phần'

TƯỜNG ANH 27/08/2022 10:00 GMT+7

TTCT - Matxcơva cuối tuần qua rúng động. Cái chết của cô Daria Dugina ngay trước mắt cha mình, triết gia Aleksandr Dugin, tối 20-8 ở Matxcơva đã khiến dư luận bàng hoàng.

Cái chết bi thảm của Daria Dugina: Sống với tư tưởng thì nguy hiểm bội phần - Ảnh 1.

Ông Alexander Dugina được gọi là "Rasputin của Putin", còn con gái ông cũng là một nhà hoạt động chính trị cực hữu sôi nổi - Ảnh: Marca

Tường thuật của REN TV: "Tối thứ bảy 20-8, chiếc ôtô Toyota Land Cruiser Prado do Daria Dugina cầm lái rời bãi đậu xe của những người tham gia festival "Truyền thống". Xe vừa vào cao tốc Mozhayskoye thì một tiếng nổ cực mạnh vang lên ở khu vực làng Bolshie Vyazemy. Chiếc ôtô biến thành ngọn đuốc cháy, đâm vào hàng rào. Daria Dugina bị giật văng khỏi xe. Cái chết đến gần như ngay lập tức. Khi những người chứng kiến chạy tới hiện trường, họ đã không thể làm được gì".

Lúc đầu, nhà chức trách nghiêng về phương án tai nạn. Tuy nhiên, các điều tra hiện trường đầu tiên tiết lộ: ôtô của Dugina đã nổ tung, thiết bị nổ nằm dưới yên ghế, khoảng 400g TNT.

Vấn đề là chiếc xe không thuộc sở hữu của Daria, mà là của cha cô, triết gia, nhà tư tưởng nổi tiếng của "thế giới Nga" Aleksandr Dugin, tối hôm đó ông đến festival cùng con gái trên chiếc xe này. Từ đó xuất hiện giả thiết đích nhắm không phải Daria, mà là cha cô. Nếu giả thiết này đúng, thì ông Aleksandr Dugin đã tình cờ thoát chết: ông ra về trên một ôtô khác, còn Daria một mình lái xe cha về. Cả hai xe rời bãi đậu cùng lúc, vì vậy Dugin ở sát hiện trường thảm kịch và tận mắt chứng kiến cái chết của con.

Cha…

Alexander Dugin là triết gia, nhà khoa học chính trị và xã hội học - một trong những nhà tư tưởng chính của chủ nghĩa Á - Âu và đứng đầu Phong trào Á - Âu quốc tế. Từ năm 2016 đến 2017, ông là tổng biên tập kênh truyền hình Tsargrad.

Dugin là tác giả của "lý thuyết chính trị thứ tư", mà theo ông là bước tiếp theo trong sự phát triển của chính trị sau ba lý thuyết đầu tiên: chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa phát xít. Học thuyết của ông mang màu sắc quốc gia chủ nghĩa cực hữu, với mục tiêu tạo lập một siêu cường Âu - Á: hợp nhất Nga với các nước cộng hòa Liên Xô cũ thành một Liên minh Á - Âu mới (EAU).

Dugin còn là một nhà giáo nổi tiếng. Từ năm 2009, ông là trưởng bộ môn xã hội học quan hệ quốc tế của khoa xã hội học Đại học Tổng hợp Lomonosov, Matxcơva (MGU)cho đến năm 2014, khi bị sa thải "vì quan điểm liên quan tới Novorossiya [nước Đại Nga mới]" và vì "trường học là nơi dành cho khoa học, không phải chính trị" - như giải thích của hiệu trưởng MGU Victor Sadovnichy.

Giữ ghế giáo sư danh dự của Đại học Quốc gia Á - Âu L.N. Gumilyov (Kazakhstan) và Đại học Tehran (Iran), Dugin là người đa ngôn ngữ: ông nói được tiếng Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha. Truyền thông Nga thậm chí cho rằng Dugin "nổi tiếng ở nước ngoài hơn trong nước". The Sun của Anh gọi ông là "nhà thần bí tân phát xít", "triết gia phân biệt chủng tộc cực hữu". The Telegraph phong ông là "Rasputin của Putin". "Dugin là người theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu của Nga, người đã giúp hình thành cơ sở tư tưởng cho cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine", tờ The Washington Post (Mỹ) viết về ông. "Dugin là kiến trúc sư chính trong ý niệm "thế giới Nga" của Putin", theo The Daily Beast (Mỹ).

Trong cuộc thăm dò của Openspace năm 2009 với hơn 40.000 phiếu tham gia, ông xếp thứ 36 trong các trí thức có ảnh hưởng nhất của Nga. Năm 2014, ấn phẩm Foreign Policy của Mỹ đưa ông vào danh sách 100 "nhà tư tưởng toàn cầu" hiện đại ở hạng mục "kẻ khích động". Năm 2016, nhà khoa học chính trị Mỹ Glenn Beck gọi Dugin là "kẻ nguy hiểm nhất thế giới". Theo báo Nga Luận chứng và sự kiện (AiF), "những cuốn sách của ông được gọi to tát là "kế hoạch đối ngoại của Putin". Nhưng trong một trả lời phỏng vấn năm 2014, Dugin nói thậm chí ông không quen biết Putin, và việc ông bị sa thải ở MGU cho thấy ông không nhận được sự bảo trợ từ chính quyền".

Nhiệt thành ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine, cái tên Dugin lọt vào danh sách "kẻ thù của Ukraine" do trang web Peacemaker tổng hợp, điều gắn liền với giả thiết Dugin là mục tiêu của một vụ ám sát.

…và con gái

Nhưng các kết quả điều tra mới nhất khẳng định chính Daria mới là mục tiêu. Theo Kommersant 22-8, Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) đã công bố kết quả điều tra khẳng định tình báo Ukraine tổ chức vụ ám sát. Thủ phạm trực tiếp là Natalya Vovk, một phụ nữ người Ukraine sinh năm 1979. Theo đó, Vovk đến Nga hôm

23-7, thuê một phòng trong căn nhà mà nạn nhân đang ở và theo dõi Daria trong chiếc Mini Cooper. Chiếc xe đã ba lần đổi biển số với các số xe đăng ký ở Donetsk, Kazakhstan và Ukraine. Ngày 20-8, Vovk đến lễ hội "Truyền thống" và ám sát Daria. Ngày 21-8, nghi phạm đã rời Nga đến Estonia, theo FSB. Tổ chức này cũng đã phát lệnh truy nã Natalya Vovk.

Cả gia đình Dugin vốn đã là địch thủ của Tây phương lâu nay. Ông bố Dugin bị đưa vào danh sách trừng phạt của Liên minh châu Âu vào năm 2014, rồi sau đó là của Mỹ và Canada. Đầu tháng 7, cô con gái lọt vào danh sách trừng phạt của Anh. Daria là mắt xích nối kết phe hữu Nga và phe hữu châu Âu, là người liên hệ với Marie Le Pen hay những người ly khai ở Catalan, Tây Ban Nha.

Những người biết cô nói cô cùng chí hướng với cha mình. Công trình cuối cùng của cô là báo cáo tại hội thảo quốc tế "Army 2022" (diễn ra từ 15 đến 21-8 ở Matxcơva): "Các bản đồ tư duy và vai trò của chúng trong chiến tranh mạng", nơi Daria phân tích cách đưa thông tin trên phương tiện truyền thông ủng hộ và chống chiến tranh Ukraine.

Kênh Telegram của REN TV cho biết Daria là một trong các tác giả của cuốn sách đầu tiên về cuộc chiến của Nga ở Ukraine tựa đề Sách Z - "tập hợp những câu chuyện của quân, dân và tình nguyện viên các thành phố mà quân đội Nga đã giải phóng". "Triết học sinh ra ở nơi cái chết và sự sống cùng tồn tại, ở đó có "tôi "và "người khác", có sự khác biệt và sự vượt qua khác biệt. Với tôi, Novorossiya là một không gian mang ý nghĩa triết học. Đó hiện là không gian hình thành đế chế Nga và nhờ chân trời biên giới này, chúng tôi tồn tại với tư cách nước Nga", Daria viết trên tài khoản mạng xã hội Vkontakte của cô, vốn đã bị đóng ngay sau thảm kịch.

Sinh năm 1992, Daria Dugina có bằng cao học triết học MGU. Cô từng thực tập tại Đại học Bordeaux III Michel de Montaigne (Pháp), làm phóng viên cho Tsargrad. Tại Đại học Nhân văn nhà nước Nga, cô phụ trách lớp "Platonopolis: Triết lý chính trị của chủ nghĩa Platon". Daria thường xuyên tham gia các chương trình trò chuyện chính trị, là nhạc sĩ, và nhà bình luận chính trị cho Phong trào Á - Âu quốc tế. Kênh Telegram Bezpochshanyi Piarchshik nhận xét cô "yêu mến nước Nga, cha mình và tiếng Pháp, ngôn ngữ cô có thể nói, hát và thậm chí tác động đến chính trường Pháp. Daria có thể trở thành một trong những người sẽ hình thành một hệ tư tưởng phổ biến mới cho nước Nga, với ý thức, ý chí và cốt lõi dân tộc".

Cái chết của cô làm rúng động nước Nga. Nhà khoa học chính trị Marat Bashirov nói những gì đã xảy ra với Daria là "hành động khủng bố", mà nguyên nhân là do triết lý và tư tưởng mà gia đình cô đề cao: hủy diệt thế giới cũ và tạo ra thế giới mới đa cực. Kênh Telegram Nezygar, với 50.000 người theo dõi, bình luận rằng cái chết của Daria khiến người ta hiểu rằng: "Tư tưởng và lời nói tiếp tục là chủ đề quan trọng và nguy hiểm. Sống thì nguy hiểm, nhưng sống với tư tưởng thì nguy hiểm bội phần. Những kẻ cực đoan dùng dao đâm Salman Rushdie, những kẻ khác làm nổ tung các triết gia Nga. Cực đoan đã lấn át bình thường…"■

"Những người theo chủ nghĩa tự do không thích thú gì khi bị người ta bảo rằng chủ nghĩa tự do (liberalism) chính xác là một hệ tư tưởng. Trong mắt họ, đây không đơn giản là một ý thức hệ, mà là môi trường sống, là hiển nhiên, như thế giới chính là vậy.

Chủ nghĩa cá nhân, chính sách về giới, nữ quyền, LGBT+, hủy bỏ văn hóa, AI và sự kỳ dị với những người tự do đã đồng nghĩa với "hiện đại", "phát triển" và "tiến bộ". Ngay ở chính phương Tây, những người dám phản đối các giá trị này cũng ngay lập tức bị đàn áp, tẩy chay trực tiếp. Và những chỉ trích đến từ bên ngoài tạo ra cơn thịnh nộ thực sự.

Bất kỳ hệ tư tưởng toàn trị nào ở đỉnh cao quyền lực của nó đều cố gắng làm rõ rằng nó hoàn toàn không phải là một hệ tư tưởng, không phải là một mô tả luôn gây tranh cãi và chịu sự chỉ trích của thực tại, mà chính là thực tại. Phương Tây hiện đại chính xác là như vậy: nó đã đánh đồng các giá trị của mình với các giá trị phổ quát của con người và buộc mọi người phải công nhận đây là chuyện đã rồi.

Chính là để chống lại luận điểm về tính phổ quát của nền văn minh phương Tây mà nước Nga đã nổi dậy về thực chất…

Có thể khi chuẩn bị cho khởi đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt, sự xung đột giữa các nền văn minh đã không được tư duy tường tận hay hoạch định cụ thể. Rõ ràng các vấn đề và ưu tiên khác mới là trọng tâm. Nhưng Nga đã thực sự tham gia cuộc chiến giữa các nền văn minh và một liên minh văn minh - tự do lấy phương Tây làm trung tâm đã khá đoàn kết chống lại Nga…

Muốn hay không, Nga buộc phải tham gia một cuộc xung đột gay gắt và triệt để của các nền văn minh. Cuộc xung đột đấy đã và đang diễn ra mạnh mẽ và sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai".

(Trích bài viết của A. Dugin trên kênh Telegram Nezygar)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận