Cái giá nào cho 2 độ C?

DUY VĂN 12/06/2017 19:06 GMT+7

TTCT- Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa tuyên bố nước này rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ khắp thế giới.

Smoking Factory
Tổng thống Bolivia Evo Morales: “Chúng ta đang sống trong thế giới mà ở đó Hoa Kỳ đã trở thành hiểm họa cho hòa bình, cho mẹ Trái đất và sự đa dạng sinh học”.


 Lập luận cơ bản của ông là gì? Và vì sao sự thoái lui của Hoa Kỳ hoàn toàn không có nghĩa là dấu chấm hết cho thỏa thuận quan trọng bậc nhất này?. Quyết định rút khỏi một thỏa thuận mà 195 quốc gia đã nhất trí (không để nhiệt độ bình quân trên Trái đất đến năm 2100 tăng quá 20C so với thời kỳ tiền công nghiệp) gây rất nhiều phản ứng tiêu cực.

“Cái tát” cho những nhà đàm phán

Sau tuyên bố, ông Trump đã có một loạt cuộc điện đàm với nguyên thủ Pháp, Đức, Anh, Canada, những người đã bày tỏ với Washington “nỗi thất vọng sâu sắc” (lời Thủ tướng Canada Justin Trudeau).

Các nhà lãnh đạo châu Âu Angela Merkel (Đức), Emmanuel Macron (Pháp) và Paolo Gentiloni (Ý) ra một tuyên bố chung nêu rõ: “Xung lực được tạo ra ở Paris tháng 12-2015 (thời điểm ký kết thỏa thuận) là không thể đảo ngược và chúng tôi tin rằng không thể xét lại Thỏa thuận Paris, vì nó là công cụ quan trọng sống còn cho hành tinh chúng ta...”.

Nặng nề hơn là Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders, người cho rằng bước đi này là một “sai lầm cơ bản”. Với nhiều người ở New York và Liên Hiệp Quốc trực tiếp tham gia thương lượng trong nhiều năm cho thỏa thuận này, nó chẳng khác nào “một cái tát thật sự”, theo lời ông Koenders.

Những chỉ trích dấy lên từ khắp nơi trên thế giới: Nhật, Peru, Úc, Brazil, trong đó có bình luận của Tổng thống Bolivia Evo Morales: “Chúng ta đang sống trong thế giới mà ở đó Hoa Kỳ đã trở thành hiểm họa cho hòa bình, cho mẹ Trái đất và sự đa dạng sinh học”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi được hỏi về quyết định này của ông Trump tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Saint Petersburg ngày 2-6, cũng khẳng định:

Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu là một văn kiện tốt và chính xác, nhắm vào việc giải quyết một trong những vấn đề toàn cầu của chúng ta” và theo ông, ông Trump không nên rút khỏi Thỏa thuận Paris vì “nó có tính chất khung nền. Lẽ ra nếu muốn, ông ta có thể làm thế này: thay đổi các cam kết của Hoa Kỳ trong khuôn khổ thỏa thuận này. Nhưng lời đã nói rồi. Giờ phải nghĩ xem chúng ta sẽ sống tiếp ra sao”.

Một số nhà bình luận cố vin vào những dòng cuối trong phát biểu ngày 1-6 của ông Trump khi tuyên bố: “Chúng tôi rút khỏi thỏa thuận nhưng bắt đầu thương lượng về việc tái tham gia theo những điều kiện mới, hoặc thảo ra một văn kiện mới với những điều kiện công bằng hơn với Hoa Kỳ”.

Trump đang phá bỏ nền tảng quan trọng nhất của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu -Boston Globe
Trump đang phá bỏ nền tảng quan trọng nhất của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu -Boston Globe

 

Phản ứng của giới khoa học

Nhưng cả “những điều kiện mới hay một văn bản mới này” cũng không xoa dịu được giới khoa học - những người phản ứng mạnh mẽ nhất ngay sau tuyên bố của ông Trump. Họ chỉ ra những điểm chưa chính xác trong lập luận của chính quyền Mỹ.

Jon Greenberg - nhà báo của PolitiFact, là chuyên gia kiểm chứng dữ kiện (fact checking) đã hai lần nhận giải thưởng của Hiệp hội Các nhà báo chuyên về điều tra - ngay sau phát biểu của ông Trump đã giới thiệu những kiểm chứng dữ kiện của ông với các lập luận từ tổng thống Mỹ.

Theo đó, “ông Trump đã dẫn ra những dữ liệu thống kê tiêu cực về các tác động kinh tế dự báo được của thỏa thuận khí hậu, trong đó đến năm 2040 Mỹ sẽ chịu sụt giảm GDP 3 nghìn tỉ USD, mất 6,5 triệu việc làm trong khu vực công nghiệp và giảm 86% khai thác than...

Nhưng tất cả số liệu này là từ một nghiên cứu năm 2017 của Công ty tư vấn kinh tế NERA nhằm ước tính ảnh hưởng tiềm năng của những hoạt động điều phối theo giả thiết, cần để đáp ứng những mục tiêu của Thỏa thuận Paris...”.

Và như giáo sư Đại học Yale Kenneth Gillingham nói: “Mô hình của NERA có khuynh hướng tăng phí tổn cao hơn các mô hình kinh tế khác. Nghiên cứu của NERA còn bỏ qua những lợi ích của việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính”.

Dẫn ra thêm một số giả định có tính cực đoan của mô hình NERA, giáo sư Gillingham cho rằng nên tham khảo thêm nhiều mô hình, chứ không chỉ chọn mô hình nào đáp ứng ý đồ của mình nhất.

Tiếp theo, Greenberg chỉ ra luận điểm của ông Trump cho rằng: “Trung Quốc được phép xây thêm hàng trăm nhà máy điện than, còn chúng ta không thể, họ thì có thể, theo thỏa thuận này” là chưa chính xác bởi “theo Thỏa thuận Paris, mỗi quốc gia công khai tuyên bố họ sẽ giảm bao nhiêu lượng khí thải và giảm thế nào, chứ thỏa thuận không cho phép hay cấm đoán những hành động cụ thể như xây dựng nhà máy.

Mặc dù thế, Trung Quốc cũng đã có những bước đi chấm dứt xây những nhà máy điện than và dừng xây dựng 103 nhà máy mới... Đã ba năm liên tục Trung Quốc giảm sử dụng than”.

Một lập luận khác của ông Trump cho rằng “ở mức tăng trưởng 1%, các nguồn năng lượng tái tạo có thể đáp ứng một phần nhu cầu trong nước, nhưng ở mức tăng 3-4% mà tôi kỳ vọng thì chúng ta cần tất cả các dạng năng lượng mà Hoa Kỳ có sẵn, nếu không chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ sụt áp hoặc mất điện”.

Tuy nhiên, theo Greenberg, mức tăng trưởng kinh tế mà ông Trump kỳ vọng là không thực tế. Mặc dù mức tăng này là bình thường trong khoảng thời gian từ năm 1948 - 2005 ở Mỹ, nhưng “các nhà kinh tế mà chúng tôi kiểm chứng tỏ ra hoài nghi mức này có thể đạt được trong tương lai gần.

Theo họ, tăng trưởng kinh tế được tạo điều kiện bởi hai yếu tố: tăng dân số và cải thiện năng suất, trong khi cả hai yếu tố này đều không ở vị trí thuận lợi để tạo mức tăng 3% hoặc 4%”.

Liên quan tới Ấn Độ, ông Trump so bì: “Ấn Độ được tăng gấp đôi lượng than sản xuất vào năm 2020... Còn chúng ta phải thôi dùng than”.

Thế nhưng vấn đề là Thỏa thuận Paris không đề cập đến từ than, cũng như không đưa một lệnh cấm toàn cầu về than. Như đã nói ở trên, mỗi nước ký kết phải tự đưa ra những mục tiêu riêng và báo cáo về tiến độ thực hiện. Theo đó, Ấn Độ báo cáo một lộ trình cam kết về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ 33% đến 35% vào năm 2100 so với năm 2005.

tt
 

 

2/10 của 10C hay 1,10C?

Nhưng giận dữ nhất có lẽ là các nhà khoa học. Theo tạp chí MIT Technology Review của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), một trong những lập luận dẫn đến quyết định rút khỏi Thỏa thuận Paris của ông Trump là việc cắt giảm lượng khí thải theo Thỏa thuận Paris sẽ không dẫn tới sự khác biệt đáng kể trong thay đổi nhiệt độ toàn cầu.

Ông nói: “Ước tính đến năm 2100 chỉ giảm được 2/10 của 10C. Một lượng nhỏ xíu”. Tạp chí này cho rằng điều ông Trump nói không đúng với kết luận của các nhà khoa học.

Con số này, theo Reuters, được Nhà Trắng dẫn từ một nghiên cứu năm 2016 của chương trình hợp tác MIT về khoa học và chính sách của sự thay đổi toàn cầu mang tên “Thỏa thuận Paris sẽ tạo ra bao nhiêu khác biệt?”.

“Trên thực tế, con số 2/10 của 1 độ Celcius nói trên là của một báo cáo khác cũng của nhóm nghiên cứu trên, nhưng thực hiện năm 2014, lúc chưa ký thỏa thuận biến đổi khí hậu (năm 2015).

Báo cáo năm 2014 này không có đủ tất cả cam kết cắt giảm khí thải của các nước, hoặc những cam kết tiếp theo nào sau năm 2030” - tạp chí dẫn lời Erwan Monier thuộc khoa Trái đất, khí quyển và hành tinh học của MIT, đồng tác giả nghiên cứu.

Giống với Greenberg, nhà khoa học Monier cho rằng Nhà Trắng đã chọn con số thấp nhất trong tất cả các báo cáo để tạo ấn tượng cho quyết định của mình, bất chấp báo cáo năm 2016 của nhóm này đã đưa ra con số ước tính 0,6-1,10C, dựa trên các cam kết cắt giảm khí thải đầy đủ của các nước tham gia.

Mặt khác, các nhà nghiên cứu trong báo cáo không hề kết luận rằng Thỏa thuận Paris không đáng thực hiện. Trong bài viết của MIT Technology Review, lời của Monier được trích dẫn là “Thỏa thuận Paris chắc chắn là một bước đi đúng hướng. Nhưng chỉ là một bước”.

Monier cũng cho biết không ai trong chính quyền Trump liên hệ với nhóm nghiên cứu của ông để họ có cơ hội thảo luận, hay giải thích những kết quả nghiên cứu của mình.

Không có hành tinh khác

Cuộc thăm dò 750 thành viên tham gia Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos tháng 1-2017 về những hiểm họa toàn cầu nào đáng kể nhất cho doanh nghiệp thì “những hiện tượng thời tiết cực đoan” được đặt lên hàng đầu, theo sau đó mới là nạn di dân, thảm họa thiên nhiên và khủng bố.

Không phải tự nhiên mà nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong phát biểu tại Davos đã công bố kế hoạch giảm khí thải và tăng đầu tư vào những nguồn năng lượng tái tạo trị giá 360 tỉ USD đến năm 2020.

Theo Tổ chức Năng lượng thế giới, việc đầu tư “xanh” vào Trung Quốc đã giúp tạo ra 3,5 triệu việc làm mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và con số này dự kiến tăng đến 13 triệu vào năm 2020.

Nếu Hoa Kỳ dưới thời Trump thật sự rút khỏi vai trò lãnh đạo trong tiến trình khí hậu, Trung Quốc ắt sẽ không bỏ lỡ cơ hội chiếm lĩnh vị trí này dẫu chỉ vì những lý do địa chính trị.

Nếu đa số các nước, kể cả ở châu Phi, tăng nhu cầu vào đầu tư “xanh” và năng lượng sạch, chắc chắn Trung Quốc sẽ bước vào lĩnh vực này và chiếm vị trí hàng đầu ở đó” như nhận định của Michael Liebreich - người sáng lập Bloomberg New Energy Finance.

Theo giáo sư quan hệ quốc tế David Viktor tại Đại học Califronia, San Diego, Pháp, Đức - những “tay chơi” lớn của EU có khả năng cầm cương cuộc chiến chống biến đổi khí hậu này - lại đang quá bận rộn với Brexit và nạn di dân, nên khả năng rất lớn là Trung Quốc sẽ lấp đầy chân không.

Như vậy, sự thoái lui của Hoa Kỳ hoàn toàn không có nghĩa là dấu chấm hết cho Thỏa thuận Paris, mặc dù sự vắng mặt của cường quốc tạo ra khí thải lớn thứ hai thế giới chắc chắn đã nhuốm màu bi quan lên cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Trái đất sẽ nóng thêm 0,30C là ước tính của Tổ chức Khí tượng thế giới sau khi ông Trump tuyên bố Mỹ rút lui. Kế hoạch đóng góp 3 tỉ USD cho cuộc chiến này giờ dở dang, do chính quyền của cựu tổng thống Barack Obama mới chuyển 1 tỉ USD trong số tiền này cho Quỹ khí hậu xanh.

Trong khi thế giới tự hỏi ông Trump đang muốn một thỏa thuận mới thế nào để “công bằng cho nước Mỹ”, thì nhiều ý kiến cho rằng không thể có một thỏa thuận nào khác nữa. Tuyên bố chung của Pháp, Đức và Ý đã khẳng định “Thỏa thuận khí hậu Paris là không thể thương lượng lại” bởi theo lời Tổng thống Pháp Macron: “Chúng ta làm gì còn hành tinh nào khác”.■

Liên minh vì khí hậu Hoa Kỳ

Ngay sau tuyên bố ngày 1-6 của ông Trump, thống đốc bang Massachussetts Charlie Baker tuyên bố ông cùng một số bang khác đã lập Liên minh vì khí hậu Hoa Kỳ (trước mắt sẽ gồm thống đốc Cộng hòa Phil Scott của bang Vermont cùng các thống đốc Dân chủ của New York, California và Washington), cam kết đẩy mạnh nỗ lực cắt giảm khí thải để bù lại các chính sách tiêu cực ở cấp liên bang. Trước đó, Massachussetts đã cam kết cắt giảm khí thải xuống 25% vào năm 2020 và 80% vào năm 2050.

Bên cạnh đó, một tổ chức mang tên Sáng kiến khí thải nhà kính khu vực (RGGI) cũng được các nhà hoạt động môi trường và chính phủ các bang đông bắc Mỹ lập ra.

RGGI muốn giới thiệu mô hình dựa trên việc đấu thầu giấy phép ô nhiễm để minh chứng có thể cắt giảm khí thải mà vẫn tăng được số việc làm, ngược lại với lập luận của ông Trump rằng việc chống biến đổi khí hậu đang giết chết việc làm ở Mỹ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận