Cái khó không bó được hè

T.L 28/07/2020 01:07 GMT+7

TTCT - “Chúng tôi tin rằng khi đại dịch kết thúc, các nhà tuyển dụng sẽ hỏi sinh viên đến xin việc, ‘Em đã làm gì trong suốt mùa hè Covid-19?’”.

 

 

Như mọi việc xấu trên đời, sớm hay muộn Covid-19 rồi cũng sẽ qua khi khoa học tìm ra thuốc chữa hay vắcxin; hoặc biết đâu, họa vô đơn chí, có một thứ còn tệ hơn Covid-19 sẽ xuất hiện. 

Những gì Covid-19 để lại và đang tiếp tục gây ra là mất mát không gì bù lại nổi, những lời tự an ủi: “Thôi trong cái rủi có cái may, là cơ hội để abc...” chỉ là một sự vớt vát để mà sống tiếp, như sau một trận cháy hết nhà mới thấy lộ ra một cái nồi đồng rất đẹp và ta đành bám vào điều đó, như tính lạc quan mà nhân loại vẫn có xưa nay.

Trong bài viết dành cho sinh viên trước khi bước vào hè, một trường đại học ở Mỹ đã nói: “Chúng tôi tin rằng khi đại dịch kết thúc, các nhà tuyển dụng sẽ hỏi sinh viên đến xin việc, ‘Em đã làm gì trong suốt mùa hè Covid-19?’”.

Một lời “dọa nạt” rất chính xác. Người ta được đánh giá trình cao hay thấp là ở những lúc khó khăn và bó buộc, những lúc tưởng chừng phải bất động. Kẻ lười nhác, thiếu ý chí sẽ đổ thừa, hoặc cứ ngồi im và chờ đợi, giết thời gian bằng những thứ đơn giản không bổ béo gì. Người chăm chỉ và có ý chí thì hoàn cảnh nào cũng tận dụng mà học, kể cả mùa hè, nhất là khi hè năm nay mọi thứ đều trở thành eo hẹp sau Covid-19.

Nề nếp cả lúc nghỉ ngơi

Đọc qua các gợi ý “làm gì cho mùa hè” ở các báo nước ngoài, đâu đâu cũng đề xuất các hoạt động ngoài trời (dĩ nhiên là có sự giãn cách). Nào là đi biển xem rùa, về trang trại học cách trồng rau và nếm rượu, đi bộ lên núi cắm trại... 

Nhưng ở nước ta câu chuyện rất khác. Chúng ta ở trong nhà ống là nhiều, và thực tế về nông thôn thì thấy thanh thiếu niên dù có sống giữa một vườn cây cũng ít khi ra tới vườn; cái cảnh bắc một cái ghế tựa ngồi dưới bóng cây - dù là để chơi game, không nói tới việc đọc sách - gần như là “lập dị”.

Mùa hè quả thực là mùa đau đầu đối với phụ huynh. Năm nào trẻ con cũng đợi đến hè và năm nào người lớn cũng loay hoay mất một lúc trước sự chuyển đổi này. Con cái lớn lên mỗi tuổi mỗi khác, mỗi đứa là một vũ trụ riêng biệt, khó có thể lập một công thức nghỉ hè chung để áp dụng cho mọi gia đình.

Bác sĩ tâm lý John Moyer trong một bài viết có nói, rằng công việc tư vấn và điều trị của ông rốt cuộc là quy về một chủ đề: thu xếp cho các cuộc chuyển đổi. “Thay đổi là không tránh được, đó mới là ‘thường hằng’. Ta liên tục chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác: từ trẻ con sang thiếu niên, từ thiếu niên sang thanh niên, từ độc thân sang có gia đình (hay ngược lại), từ đi làm sang hưu trí...”. 

Từ đang bình thường sang “bình thường mới” cũng thế, từ đi học sang nghỉ hè thì cũng thế, cũng là chuyển đổi và gây ra xáo trộn.

Một số chuyên gia tâm lý cho rằng khi chuyển đổi sang trạng thái nghỉ hè, điều quan trọng nhất là phải có một nề nếp sinh hoạt. Theo họ, thanh thiếu niên sẽ “vận hành” tốt hơn khi có một nề nếp hằng ngày, giờ nào việc nấy. Biến 24 tiếng mỗi ngày thành những giờ có ích và ngăn nắp sẽ là một thứ để trẻ con vui và hình thành cho chúng một phong cách tốt, trong mọi hoàn cảnh.

Nề nếp cả lúc nghỉ ngơi tức là vẫn phải ngủ đủ giấc, ăn đúng bữa. Cho dù mùa hè có được ngủ muộn hơn thì vẫn phải trong một giới hạn nhất định, không phải thức tới 2h sáng rồi ngủ tới 2h chiều hôm sau. Và vì đời người là cả một sự học không ngừng nên vẫn phải có lịch học cho cả mùa hè, dù đó không phải là ngồi vào bàn học như khi đến lớp. 

Tương tự, việc chơi trong hè cũng phải có giờ giấc, dù có được chơi nhiều hơn thì cũng vẫn phải có giới hạn thời gian mỗi ngày, đặc biệt là thời gian chơi trên máy. Lời khuyên chung của trang SeattleChildren.org là: “Hãy nhớ vui hưởng hè. Nghỉ ngơi, thư giãn trong nắng gió, nhưng vẫn cài cắm được cấu trúc vào thời gian biểu mùa hè”.

 Caught Smoking (Hút thuốc bị bắt quả tang). Tranh của Raymond James Stuart vẽ năm 1935.

Chơi gì/Học gì trong nhà?

Quay lại với hoàn cảnh nước ta: nhà ống nhiều, cà phê nhiều, bảo tàng ít, không gian công cộng ít, xe cộ đông, Covid-19 vẫn lởn vởn ngoài kia khiến du lịch ngại ngần..., giữa việc giữ cho một đứa trẻ cấp I hay một thiếu niên nghỉ hè trong nhà mà nó không buồn chưa biết cái nào khó hơn. 

Dễ nhất và giải pháp thô sơ nhất mà nhiều gia đình nay đang áp dụng là đưa cho con một cái điện thoại. Kẻ ôm máy cả ngày cũng được và không than thở gì. Nhưng mà, ai đã chơi game rồi đều biết mình sẽ mất gì, ở đây không cần nói nữa.

Giờ là lúc ta nên vận dụng lối “chơi mà học”. Học các kỹ năng, các cung cách mà trong năm học không có thời gian và điều kiện để học. Học chơi một nhạc cụ, học hát, học vẽ, học mộc, học điện, học thêu, học may, học nấu ăn, làm bánh, học dọn nhà, học cách uống trà, học các phép tắc lịch thiệp... Lấy cả nhà làm một xưởng thực hành, lấy cả mùa hè làm một khóa học, sao cho sau một mùa hè, khi vào trường thì đã mang theo một niềm tự hào với chúng bạn.

Sự tự do nhờ không phải tới lớp sẽ là một chất liệu tốt để bố mẹ cùng các con mình (dù đã lớn) sáng tạo ra các hoạt động. Dùng đó là một điều kiện thuận lợi để tranh thủ nghỉ cho ra nghỉ và học cho ra học những bài học không dạy trên lớp. 

Thí dụ, một tháng rưỡi hè là đủ để đọc cho thấu đáo đến cả phần giải nghĩa của Truyện Kiều - ít nhất một lần trong đời một người Việt từng đọc hết quyển-sách-ai-cũng-nghe-nói-tới ấy.

Tập trung thay vì bôi ra

Nhiều cha mẹ than phiền con mình (nhất là bọn thiếu niên) không tập trung, cả thèm chóng chán, làm cái gì cũng đầu voi đuôi chuột, nhảy hết từ món này sang món nọ. Thế vẫn còn hơn là cháu nó chăm chú luyện một môn game hay mạng xã hội. Thế giới mênh mông các lĩnh vực khác nhau, nhảy từ cái này sang cái kia một chút, biết rộng chứ không cần/chưa cần sâu cũng là một lựa chọn không tồi. 

Tuy nhiên, lại cũng nên có một thời gian bắt buộc tối thiểu cho mỗi lần tìm hiểu ấy.

Đừng tưởng thanh thiếu niên thích sự nhảy cóc. Cũng như người trưởng thành, chúng mong muốn thấy một thành quả, nhưng do còn trong độ tuổi tự do, không bị ràng buộc bởi lương thưởng chấm công nên không có cái gì ép chúng phải đi đến cùng một kết quả. Đường đến thành quả bao giờ cũng gập ghềnh, thường ban đầu là tùy hứng, tiếp sau là nỗ lực và khổ nhọc chỉ muốn bỏ cuộc. 

Vượt qua được đoạn này để đi tiếp đến một khúc bằng phẳng và cứ thế đi lên, khi ấy người ta mới biết thế nào là sự sung sướng của hoàn thành một việc. (Đây cũng chính là cái bẫy của game khi mà mỗi trận đánh đều có thử thách để vượt qua; người chơi game say mê cảm giác “mình thắng máy và mình thắng chính mình” mà không biết đang nướng cả thời gian hữu hạn của cuộc đời cho những kỹ năng không bao giờ dùng tới ngoài đời như diệt quái vật, vung long đao...).

Vì thế hãy đặt ra một khoảng thời gian tối thiểu cho từng môn và cứ thế đều đặn mà hoàn tất. Thí dụ mỗi ngày 30 phút học chơi cờ, 30 phút đọc truyện, 15 phút học ngoại ngữ, 30 phút tập yoga... không thay đổi trong gần như bất kể hoàn cảnh nào. Niềm vui của Thỏ chạy một hơi đến đích không bao giờ lớn lao và sâu xa như niềm vui của Rùa túc tắc vượt lên chính Rùa và vượt lên cả Thỏ.

 

 Bức tranh "Caught in the line" của Raymond James Stuart

Cuối cùng, hè là hè

Những điều nói trên được đặt trong một khung cảnh khó khăn nhất là có Covid bên ngoài, phải ở trong nhà lại là nhà ống. Khó thế mà vẫn xoay xở được thì mới là vui. Tuy thế ta vẫn nên nhớ hè là hè, là lúc nắng nhiều và người ta cần được giãn ra để mà hưởng nắng, hưởng hoa quả vào lúc ngọt ngào và phong phú nhất. 

Hè là tranh thủ tối đa những khi có thể ra ngoài, bỏ nửa ngày trong một công viên gần nhà xem ở đó trồng các loại cây gì cũng là việc nên làm, hoặc lấy danh sách các bảo tàng trong thành phố mà vào xem mỗi tuần một, hai cái. Ngay cả vào siêu thị đi loanh quanh để cập nhật các loại hàng hóa trên kệ cũng là việc bổ ích, ít nhất người trẻ biết được giá cả của các vật phẩm tiêu dùng.

Lý tưởng nữa là về một vùng quê, không phải để chơi mà để sống thử một nhịp sống khác. Ở nước ta có những vùng nắng hè gió hè gay gắt đến không chịu nổi, thế nhưng người dân ở đó vẫn sống vui thì cũng là điều mà phụ huynh nên hướng dẫn và khuyến khích con mình thử trải qua, trong phạm vi vẫn an toàn cho sức khỏe.

Từ đó cao hơn một mức, với các bạn trẻ “can trường”, hè cũng có thể là một mùa lý tưởng để luyện độ chịu đựng khắc nghiệt, lấy đó mà âm thầm tự hào. Bớt phụ thuộc vào máy lạnh, bớt sợ nắng đen da, dám theo những chế độ ăn kiêng bớt đường bớt bột... cũng là những thử thách lớn và vui. Đó cũng những khóa học lớn chẳng cần đợi tới hè, có thể thực hiện ở bất kỳ đâu và lợi ích sẽ dài lâu đến hết một đời.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận