"Căn nhà nó to chứ không phải con kiến"

KIM EM - VIỆT HÙNG 20/06/2004 17:06 GMT+7

TTCN - Trước tình trạng xây dựng tràn lan nhà trái phép để “chạy” quy hoạch tại các khu vực dự án trên địa bàn, UBND TP Đà Nẵng đã quyết định chọn tháng sáu để chính thức xuất quân cưỡng chế, tháo dỡ.

 
 Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hoàng Tuấn Anh

 Với 5 đoàn kiểm tra do đích thân chủ tịch và bốn phó chủ tịch dẫn đầu, chỉ trong một ngày đã có gần 200 căn nhà xây dựng trái phép bị đập bỏ. Đó là chưa kể hàng trăm căn nhà đã tự giác tháo dỡ trước đó. Việc xây nhà trái phép như một vấn nạn làm cản trở quá trình chỉnh trang đô thị và liên tục gây sức ép với chính quyền TP.

Trao đổi với TTCN về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hoàng Tuấn Anh cho biết:

- Sự lơi lỏng trong quản lý của chính quyền địa phương và các ban quản lý dự án đã để xảy ra tình trạng dân tự phát xây nhà, trồng hoa màu lấn chiếm đất công để đòi đền bù. Hiện tượng này không phải ở một xã, một phường mà gần như tràn lan khắp địa bàn TP Đà Nẵng. Nó tạo sức ép rất lớn đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của TP trong công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị.

Với tất cả các dự án quy hoạch, chúng tôi đều chỉ đạo các ban quản lý phải quán triệt đến từng người dân nằm trong vùng dự án và công bố công khai địa điểm quy hoạch. Nhưng cũng có nhiều hộ không dự, bản thân người dân không thông tin cho nhau hoặc có người biết nhưng cố tình vi phạm. Họ nghe đồn nhảm, cứ xây nhà, làm vườn đi rồi Nhà nước sẽ đền bù, cấp đất cho anh.

Có trường hợp xây dựng xong thì đưa cả gia đình vào ở. Nghĩa là họ đặt chính quyền các cấp vào sự đã rồi và buộc chính quyền phải chịu lép! Tôi khẳng định chắc chắn là những trường hợp đó sẽ không bao giờ được giải quyết. Nhà cửa bị tháo dỡ không những không được đền bù mà người dân còn bị phạt vì đã không chấp hành quy định của TP.

* Nhưng thưa ông, chúng tôi được biết nếu không có sự “mách nước” của các cán bộ làm công tác kiểm định, nếu chính quyền TP, địa phương không cấp phép thì người dân không thể tự ý xây nhà lấn chiếm đất công?

- Dĩ nhiên, tôi không loại trừ việc một số cán bộ của TP đã lợi dụng chức vụ được giao trong công tác kiểm định, đền bù đã “bật đèn xanh” cho người dân trong các dự án xây nhà, cơi nới tường rào, vật kiến trúc, trồng “nóng” hoa màu để được tính thêm tiền đền bù. Và tôi còn được biết người dân nếu được đền bù sẽ phải “lại quả” cho cán bộ kiểm định một phần trong số tiền mình được hưởng.

Còn ở cấp xã, phường, do nhiều mối quan hệ thân quen, họ hàng, thậm chí vì lợi ích cục bộ của địa phương mình, chính quyền địa phương đã cấp phép cho người dân xây dựng nhà tại các khu đã quy hoạch để kiếm lợi bỏ túi riêng. Điển hình như trường hợp 134 ngôi nhà xây dựng trái phép ở thôn hòa An 1, xã Hòa Phát, huyện Hòa Vang.

Có tình trạng cán bộ cơ quan chức năng, chính quyền xã, phường làm ngơ. Anh xã, anh phường, anh tổ dân phố nói không hề biết căn nhà là không đúng. Căn nhà nó to chứ không phải như con kiến làm sao mà không biết được.

* Vậy chính quyền TP đối phó ra sao với những trường hợp sai phạm này của cán bộ, công chức?

- Nếu biết rõ cán bộ sai phạm, TP sẽ áp dụng các biện pháp xử phạt theo pháp lệnh công chức. Nhẹ thì cảnh cáo, nặng hơn phải cách chức, buộc thôi việc. Hiện TP đang lập một ban điều tra, tìm kiếm thông tin về vấn đề này. Chúng tôi khuyến khích người dân ở các địa phương nếu biết rõ từng trường hợp cán bộ sai phạm hãy viết đơn tố cáo gửi đến các cấp chính quyền, hòm thư góp ý hoặc báo tin qua đường dây nóng của TP theo số máy 0511.893777.

* Trên thực tế, có rất nhiều ngôi nhà lấn chiếm đất công được xây dựng rất gần trụ sở chính quyền địa phương. Lẽ nào chính quyền TP lại không biết gì về chuyện này?

- Nói là phổ biến thì không phải như vậy. Nhưng có tình trạng cán bộ cơ quan chức năng, chính quyền xã, phường làm ngơ. Anh xã, anh phường, anh tổ dân phố nói không hề biết căn nhà là không đúng. Căn nhà nó to chứ không phải như con kiến làm sao mà không biết được. Báo chí phản ánh như thế là tương đối chính xác. Giờ đây phải kiên quyết lập lại trật tự kỷ cương, tức là có những hiện tượng diễn ra như thế thì nay phải làm cho nó chấm dứt.

Và TP đã quyết định phải thực hiện việc ra quân đồng loạt để chấn chỉnh tình trạng vi phạm lấn chiếm đất công, xây dựng nhà trái phép. Thứ bảy tuần này quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang sẽ tiếp tục ra quân cưỡng chế, tháo dỡ hơn 50 ngôi nhà nữa. Dẫu rất đau lòng, nhưng không thể không làm.

* UBND TP vừa ban hành chỉ thị về chấn chỉnh tình trạng xây nhà trái phép và nêu rõ “nếu địa phương nào để xảy ra việc xây dựng nhà trái phép thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm”. Cụ thể của việc chịu trách nhiệm này ra sao, thưa ông?

- Cũng có vấn đề đặt ra liên quan đến việc qui trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân khi để sự việc diễn ra quá lâu mà làm chưa hiệu quả. Sắp tới chúng tôi sẽ thảo luận kỹ vấn đề này trong tập thể thường trực ủy ban để ra hình thức chế tài một cách nghiêm minh hơn. Người dân vi phạm thì bị như thế, còn cán bộ những cơ quan, các cấp chính quyền buông lỏng công tác này cũng phải chịu trách nhiệm.

Luật đất đai đã quy định rõ, mỗi xã phường để dân xây dựng nhà trái phép thì chủ tịch xã, phường phải chịu trách nhiệm ra quyết định tháo dỡ. Còn địa phương nào để dân xây trái phép tái diễn nhiều lần thì chủ tịch quận, huyện đó phải chịu trách nhiệm chính trước UBND TP.

* Người dân hiện rất quan tâm về các trường hợp xây dựng nhà không phép, trái với giấy phép đã được hoàn công ở các quận nội thành. Theo ông, vấn đề này sẽ được xử lý như thế nào?

- Căn nhà nào rơi vào những trường hợp đó vẫn phải tiếp tục tháo dỡ. Thế nào là xây dựng trái phép? Những vùng đất đã qui hoạch rồi, anh “nhảy dù” xuống xây dựng nhà. Thứ hai là xây nhà không có giấy phép của các cơ quan thẩm quyền. Còn có giấy phép nhưng xây dựng không theo đúng giấy phép cũng phải buộc tháo dỡ.

Có những căn nhà đã xây dựng xong nhưng không đúng theo giấy phép ở các quận Hải Châu, Thanh Khê, chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lý cụ thể. Theo tôi, dứt khoát phải xử lý những trường hợp xây nhà trái phép đó.

* Việc xây dựng nhà trái phép thường đi liền với chuyển nhượng, thừa kế... rất phức tạp. Trong thực tế lại là chuyện “chạy” quy hoạch. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Việc chuyển nhượng đất đai, nhà cửa theo đúng quy định của pháp luật thì không có gì phải nói. Còn tình hình diễn ra không được bình thường theo kiểu chạy quy hoạch như thường thấy ở các khu vực, các dự án đã quy hoạch thì chúng tôi sẽ xem xét từng trường hợp, từng hồ sơ cụ thể rồi mới có ý kiến chỉ đạo. Sắp tới đây chúng tôi sẽ báo cáo với thường trực ủy ban để ban hành một chỉ thị chấn chỉnh việc này trên toàn địa bàn TP.

* Với các dự án chậm triển khai, chủ dự án lại không công bố quy hoạch công khai cho dân biết để xảy ra các trường hợp lấn chiếm, TP sẽ áp dụng những biện pháp nào?

- Sắp đến chúng tôi họp với các ban quản lý dự án để xác định vùng quy hoạch và cách thức quản lý qui hoạch đó như thế nào. Các chủ dự án phải chịu trách nhiệm họp dân công bố công khai từng vị trí một. Ở từng khu vực dự án phải có bản đồ quy hoạch rõ ràng cho dân được biết, đồng thời tính toán đẩy nhanh việc triển khai dự án.

TP buộc các ban quản lý phải cam kết thực hiện đúng tiến độ xây dựng. Thậm chí sẽ nghiên cứu lại, có thể rút ngắn thời gian triển khai thực hiện dự án xuống còn hai năm, một năm. Nếu doanh nghiệp, nhà đầu tư nào không triển khai kịp như đã cam kết thì dứt khoát dự án bị thu hồi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận