TTCT - Tôi chia sẻ mối lo ngại của các nhà sử học khi họ băn khoăn về phương án dạy tích hợp môn lịch sử trong bộ môn công dân với Tổ quốc. Hiểu biết về lịch sử và cội nguồn là một thành tố không thể thiếu tạo nên một con người có giáo dục và có năng lực công dân. Tuy vậy, liệu điều này có mâu thuẫn với việc dạy tích hợp môn sử hay không? Những giờ học "chay" với đầy con số thống kê trong phòng học sao sánh được những buổi tham quan bảo tàng sinh động-L.N.M.Trước hết, chúng ta cần trả lời câu hỏi kinh điển: Học sử để làm gì? Nếu như câu trả lời chỉ là học để biết về quá khứ, để bồi đắp tinh thần yêu nước thì câu hỏi tiếp theo là: Với thời lượng dành cho môn sử và cách dạy sử hiện nay trong chương trình hiện hành, chúng ta có đạt được mục tiêu đó hay không?Cách dạy, cách họcCó lẽ mọi người còn chưa quên hình ảnh học sinh Trường trung học Nguyễn Hiền vứt tài liệu học thi môn sử trắng một góc trời trong sân trường để bày tỏ sự vui mừng khi được biết sử không phải là môn thi tốt nghiệp trung học.Mọi người có lẽ cũng chưa quên hình ảnh có những hội đồng thi không một thí sinh thi môn sử, và có những hội đồng 66 người phục vụ một thí sinh thi môn này. Hình ảnh đó nói lên rằng học sinh chán ghét học sử như thế nào và cách chúng ta đang dạy sử trong trường phổ thông đã thất bại ra sao. Có người sẽ nói: Vậy thì phải bắt buộc học, bắt buộc thi môn sử mới có thể cứu cái thảm trạng ấy.Chúng tôi tin rằng dù có tăng gấp đôi số giờ dạy sử, dù có bắt buộc học và thi môn sử cũng không thể nào giải quyết được sự chán ghét hiện nay của học sinh, và không thể đạt được mục tiêu mà chúng ta đặt ra cho việc dạy sử, thậm chí còn có tác dụng ngược.Nhiều những ý kiến không đồng tình việc tích hợp môn sử đã dựa trên quan điểm truyền thống về việc dạy học xưa nay, coi giáo dục là truyền thụ kiến thức, và dựa trên quan điểm thiết kế chương trình nhằm trả lời câu hỏi: “Chúng ta muốn học sinh biết cái gì?”.Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được xây dựng trên nền tảng tầm nhìn biến một nền giáo dục nhồi nhét thành một nền giáo dục nhằm vào xây dựng năng lực. Điều này nói thì dễ mà làm thì khó. Để làm được điều đó, tức là để thay đổi mục tiêu của giáo dục, cách tiếp cận của tất cả các bộ môn đều phải thay đổi, trong đó có môn sử.Môn sử ở các nước ra sao?Ở Mỹ, giáo dục tiểu học nhấn mạnh kỹ năng xã hội và hiểu biết cơ bản về khoa học và cuộc sống. Môn xã hội (Social Studies) được định nghĩa là “môn học tích hợp các khoa học xã hội và nhân văn nhằm thúc đẩy năng lực công dân”, bao gồm nhiều chủ đề khác nhau, chứa đựng những hiểu biết, khái niệm cơ bản trong lịch sử và địa lý Mỹ, và có khi là lịch sử và địa lý của địa phương.Ở bậc trung học, những chủ đề này bao gồm phân tích những sự kiện lớn trong lịch sử Mỹ cũng như những chủ đề rộng hơn như nguồn gốc và văn minh phương Tây, toàn cầu hóa, chủ nghĩa thực dân, những mâu thuẫn quốc tế.Hàn Quốc không dạy môn lịch sử như một môn học riêng biệt ở tiểu học. Ở trung học phổ thông, các môn chính là tiếng Hàn, tiếng Anh và toán trong tổng số 16 môn học và chương trình bắt đầu được phân hóa thành các luồng hàn lâm và hướng nghiệp.Trước năm 2013, môn lịch sử là môn tự chọn ở Hàn Quốc, và chỉ 10% học sinh chọn học môn này. Do bối cảnh tranh chấp lãnh thổ với Nhật và Trung Quốc, công luận đòi hỏi tăng cường giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ, Bộ Giáo dục Hàn Quốc quyết định đưa lịch sử thành môn bắt buộc, tuy vẫn không phải là môn thi. Có lẽ chúng ta dễ dàng đồng ý rằng nếu không thay đổi cách dạy sử hiện nay thì dù có tăng bao nhiêu giờ, mục đích này cũng khó lòng đạt được. Kiến thức lịch sử chỉ là chất liệu chứ không phải là mục đích.Trong lúc đó, ở Singapore, chương trình phổ thông được xây dựng với ba vòng đồng tâm: vòng trong cùng là cốt lõi của giáo dục nhằm bảo đảm giúp học sinh đạt được những giá trị và kỹ năng sống cơ bản, những thứ sẽ theo họ suốt đời và giúp họ trở thành một người trưởng thành có trách nhiệm và một công dân tích cực.Vòng này bao gồm các hoạt động nằm ngoài việc học tập kiến thức, tức những hoạt động được thực hiện đồng thời trong chương trình, không thi và không nhất thiết diễn ra trong lớp học. Đó là những hoạt động như làm dự án, xây dựng giá trị trong hành động, xây dựng tính cách, giáo dục tinh thần công dân. Vòng thứ hai nhằm vào những kỹ năng trong việc thụ đắc kiến thức, nhằm phát triển kỹ năng tư duy và giao tiếp.Vòng thứ ba nằm ngoài cùng mới là các môn học và chỉ bao gồm ba nhóm: ngôn ngữ (tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ); toán và khoa học (bao gồm toán và các lĩnh vực tự nhiên); nghệ thuật và nhân văn (bao gồm xã hội, nghệ thuật và âm nhạc).Tất nhiên vẫn có những nước coi lịch sử là một môn học riêng và là môn cơ bản, như Úc hay Trung Quốc. Ở Úc, chương trình giáo dục quốc gia bao gồm năm môn: tiếng Anh, toán, khoa học, lịch sử và địa lý. Tuy vậy, rất nhiều giờ học/bài học được thiết kế liên môn, tức là tích hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực khác nhau...Học sinh lớp 11 Trường THPT Giồng Ông Tố, Q.2, TP.HCM với tiểu phẩm “Vụ án vườn Lệ Chi” trong dự án dạy học theo phương pháp tích hợp giữa văn và sử bằng phương pháp nhập vai -Như HùngMục tiêu dạy Sử trong trường phổ thôngTrở lại mục tiêu cơ bản nhất của chương trình giáo dục phổ thông mới là hướng tới xây dựng năng lực thay cho nhồi nhét kiến thức. Vậy chúng ta mong đợi môn lịch sử hình thành năng lực gì cho người học?Hẳn nhiên chúng ta không mong đợi học sinh trở thành những quyển từ điển sống có thể kể vanh vách ngày nào, tháng nào, năm nào, sự kiện gì đã xảy ra trong quá khứ dân tộc hay trên thế giới. Chúng ta không đào tạo tất cả học sinh trở thành những nhà sử học. Chúng ta không muốn dùng lịch sử để dạy lòng tự hào dân tộc theo lối biến nó trở thành chủ nghĩa dân tộc cực đoan.Chúng ta biết là lịch sử Việt Nam, cũng như bất cứ nước nào khác, không hoàn hảo. Có những sự kiện đáng tự hào, có những năm tháng tủi nhục, có thắng lợi huy hoàng và có mất mát đau thương. Có những chiến thắng thần thánh và những sai lầm thảm hại, có vua sáng tôi hiền và có những kẻ mãi quốc cầu vinh.Chúng ta không chỉ muốn học sinh biết điều gì đã xảy ra trong quá khứ, mà còn là học được tư duy phân tích để hiểu bản chất của lịch sử và suy nghĩ về những sức mạnh nào đã chi phối cuộc sống của chúng ta, sức mạnh nào đã giữ cho chúng ta còn tồn tại như một quốc gia thống nhất, và cái giá mà chúng ta đã trả cho độc lập tự do. Học sinh sẽ có thể đạt được năng lực ấy khi tiếp xúc với những cách diễn giải khác nhau về lịch sử, để từ đó hiểu sâu hơn về những giá trị đã làm thành bản sắc của một quốc gia.Năng lực này đạt được thông qua thảo luận, tranh luận, làm dự án, tham quan bảo tàng, xem phim, diễn kịch, đóng vai và nhiều hoạt động khác.Nó có thể gắn với môn công dân và Tổ quốc ở khía cạnh nhất định, vì mục đích trực tiếp nhất của môn lịch sử là góp phần hình thành năng lực công dân, tức là khả năng đánh giá được những giá trị của quá khứ, hiểu được những gì đã định nghĩa nên một dân tộc, một quốc gia, những gì đã gắn bó bản thân mình, gia đình mình, dòng tộc mình với Tổ quốc, và hiểu được vinh nhục của việc là một người Việt và là một công dân toàn cầu thì có ý nghĩa như thế nào.Bản chất của lịch sử là một sự kiện bao giờ cũng có thể được diễn giải và đánh giá một cách khác nhau tùy theo góc nhìn, quan điểm và lập trường chủ quan của từng người. Giá trị của việc giáo dục lịch sử chính là cho thấy sự phức tạp ấy và giúp học sinh hình thành năng lực đánh giá.Bối cảnh xã hội bây giờ rất khác với cách đây vài chục năm: trước đây nhà trường là nguồn cung cấp kiến thức gần như duy nhất. Ngày nay, nhà trường dù có muốn cũng không thể ngăn chặn học sinh tiếp xúc với một khối lượng thông tin đa chiều cực lớn trên mạng xã hội, trong đó có tốt có xấu, có đúng có sai. Áp đặt một quan điểm trong nhà trường không phải là cách tốt để đáp ứng với thực tế này.Vì vậy, điều tối cần đối với giáo dục lịch sử ngày nay là huấn luyện tư duy lịch sử và khả năng phân tích đánh giá, chứ không phải là nhồi nhét càng nhiều kiến thức càng tốt.Chỉ khi nào học sinh cảm thụ lịch sử bằng sự trải nghiệm và đánh giá của riêng mình thì ký ức chung với những người cùng nguồn cội mới thành hình và tình cảm yêu nước mới nảy nở một cách lành mạnh.Dạy lịch sử bằng phương pháp nhồi nhét và áp đặt như chúng ta đang làm trong chương trình hiện hành là cách nhanh nhất giết chết hứng thú học môn sử và ý nghĩa của việc giáo dục lịch sử. Đó mới là thực chất của vấn đề chứ không phải là bắt buộc hay không bắt buộc, thi hay không thi, tích hợp hay không tích hợp.■ Tags: Ứng xử với môn sửDạy hay bỏ sửTích hợp môn sửTranh cãi môn sử
Nhiếp ảnh gia chiến trường Thomas Billhardt: Cô ấy chỉ mơ một cốc nước chanh đá… CODET HANOI 30/04/2025 2202 từ
Người dân vỡ òa, vẫy cờ chào mừng các đoàn diễu binh NHÓM PV BÁO TUỔI TRẺ 30/04/2025 Sáng 30-4, không khí tại khu trung tâm TP.HCM nóng hừng hực, rực màu cờ đỏ với hàng vạn người dân đón chào các đoàn diễu binh, diễu hành.
Huỳnh Mạnh Phương nói về bài phát biểu của mình tại đại lễ 30-4 BÌNH MINH 30/04/2025 Huỳnh Mạnh Phương, nữ thủ lĩnh thanh niên 9X tại TP.HCM, thay mặt tuổi trẻ cả nước phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Cô chia sẻ cảm xúc với Tuổi Trẻ Online trong sự kiện đặc biệt này.
Xem clip và hình ảnh camera hành trình tiêm kích Su-30MK2 thả bẫy nhiệt DUYÊN PHAN 30/04/2025 Gopro Tuổi Trẻ Online gắn trên khoang lái của tiêm kích Su-30MK2 do phi công Đặng Đình Kiên lái sáng 30-4 ghi lại những hình ảnh ấn tượng, ngoạn mục.
Chi 30 triệu đồng đặt phòng tổng thống để... xem diễu binh ở TP.HCM NG. THANH THÚY 30/04/2025 Mong muốn có không gian riêng tư để xem diễu binh, gia đình Trà My đã 'bao trọn' căn phòng tổng thống, giá 30 triệu đồng/đêm tại một khách sạn 5 sao (quận 1, TP.HCM). Theo My, đây là trải nghiệm hoàn toàn xứng đáng.