Canada hợp pháp hóa cần sa: Con bạch tuộc lắm vòi

PHẠM VŨ LỬA HẠ 08/11/2018 23:11 GMT+7

TTCT - Hôm 17-10-2018, sau 95 năm cấm đoán, Canada trở thành nước đầu tiên trong khối G7, và nước thứ nhì trên thế giới sau Uruguay, hợp pháp hóa cần sa giải trí.

 

a sign for mariguana on a canadian background

Được so sánh với việc chấm dứt cấm rượu ở Mỹ trong thập niên 1930, sự kiện này được đón chờ mấy năm qua sau khi Đảng Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau lên cầm quyền năm 2015 và lập tức bắt tay thực hiện một trong những lời hứa then chốt khi tranh cử.

Lợi bất cập hại?

Dư luận Canada hiện vẫn còn phân hóa về vấn đề này. Theo một cuộc thăm dò của Forum, 52% ủng hộ, 41% phản đối. Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát do Postmedia thực hiện, 52% cảm thấy việc hợp pháp hóa sẽ lợi bất cập hại, và 48% có quan điểm ngược lại.

Ngay trước ngày hợp pháp hóa, hôm 15-10, Tập san Hiệp hội Y khoa Canada (CMAJ) đăng xã luận cảnh báo rằng “Chính phủ Canada (sắp bắt đầu) một thí nghiệm quốc gia, không kiểm soát trong đó lợi nhuận của giới sản xuất cần sa và tiền thuế được coi trọng hơn sức khỏe người dân”.

CMAJ tuyên bố: “Do những mối nguy hiểm đã biết và chưa biết của cần sa với sức khỏe, bất cứ sự gia tăng nào với việc sử dụng cần sa giải trí sau khi hợp pháp hóa, dù là ở người thành niên hay vị thành niên, nên được xem là một thất bại của luật này. Chính phủ Canada nên cam kết tu chính đạo luật nếu mức độ sử dụng cần sa tăng lên”.

Bài xã luận phân tích: “Đúng như dự đoán, do chính phủ liên bang thể hiện quyết tâm thông qua luật này, vốn đầu tư vào các công ty cần sa đã tăng đáng kể năm qua trong khi chờ có luật, và các nhà sản xuất mới, cả lớn lẫn nhỏ, đã xuất hiện trên khắp đất nước. Mục tiêu của họ là lợi nhuận, và lợi nhuận xuất phát từ doanh thu - doanh thu từ một loại ma túy mà, theo Bộ Y tế Canada, sẽ gây ra vấn đề ở gần 1/3 người dùng thành niên và gây nghiện ở gần 1/10 người dùng, trong đó thanh thiếu niên có nguy cơ cao hơn”.

Trang mạng của Bộ Y tế Canada xác nhận những số liệu thống kê đó, và cũng cho biết 1/6 những người bắt đầu sử dụng cần sa trong độ tuổi thiếu niên (13 tới 19 tuổi) sau này sẽ nghiện ma túy.

Do vậy, ngay trong ngày đầu tiên luật cần sa có hiệu lực, 17-10, Bộ trưởng y tế liên bang Ginette Petitpas Taylor đã phải biện minh cho Đạo luật cần sa. “Đây không phải là một thí nghiệm - bà nói với nhật báo Montreal Gazette - Chúng tôi tin rằng luật mà chúng tôi đã đưa ra là rất phù hợp, và xin nhắc lại lần nữa, các mục tiêu của luật thực sự là để bảo vệ thanh thiếu niên của chúng ta”.

Bà tiên đoán việc tiêu thụ cần sa giải trí hợp pháp sẽ “thay thế thị trường chợ đen” và điều này “sẽ khiến (cần sa) không lọt vào tay thanh thiếu niên”.

Trong khi đó, Hiệp hội Tâm thần học Canada (CPA) ra một tuyên bố nhắc nhở người Canada cân nhắc các hệ lụy về sức khỏe tâm thần của việc hút cần sa ở thanh thiếu niên: “Có bằng chứng vững chắc cho thấy rằng việc sử dụng cần sa từ sớm và đều đặn có thể ảnh hưởng tới năng lực nhận thức, như trí nhớ, sự tập trung chú ý, trí tuệ và khả năng xử lý suy nghĩ và trải nghiệm. Nó cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc một chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng cũng như các vấn đề sức khỏe tâm thần khác như trầm cảm ở những người vốn đã dễ mắc những chứng rối loạn này”.

CPA vì thế kêu gọi chính phủ liên bang tăng độ tuổi được tiêu thụ cần sa hợp pháp từ 18 lên 21, và hạn chế số lượng và nồng độ cần sa mà người Canada được phép dùng trước khi tới tuổi 25.

Bộ trưởng Taylor trả lời rằng chính phủ sẽ xem xét lại luật cần sa trong vòng 3 năm tới để quyết định có cần tu chính hay không.

Một người đàn ông hút marijuanna trước trụ sở quốc hội ở Ottawa (Ảnh: AFP)

 

Ngổn ngang trăm mối

Bất luận được gọi là gì, một thí nghiệm xã hội hay một cuộc cách mạng văn hóa, hợp pháp hóa chắc chắn sẽ là tác nhân biến đổi đáng kể cấu trúc xã hội, văn hóa và kinh tế của Canada, và là cơn đau đầu cho giới hoạch định chính sách trong vài chục năm tới.

Mike Farnworth, bộ trưởng an ninh công cộng của British Columbia, nhận định: “Hợp pháp hóa cần sa là thay đổi chính sách công lớn nhất mà đất nước này trải qua trong 5 thập kỷ. Nó như một con bạch tuộc lắm vòi, và nhiều ẩn số. Tôi không nghĩ rằng khi quyết định hợp pháp hóa cần sa, chính phủ liên bang đã nghĩ thấu đáo về tất cả các hệ lụy”. British Columbia được mệnh danh là “thủ phủ cần sa” trước khi hợp pháp hóa.

Theo Đạo luật cần sa mới, người thành niên được phép sở hữu, mang và chia sẻ với những người thành niên khác tới tối đa 30 gam cần sa khô (đủ để quấn khoảng 60 điếu cỡ thường). Luật mới cho phép dùng cần sa dưới dạng điếu quấn sẵn, hoa cần sa tươi hoặc khô, và dầu cần sa. Các sản phẩm ẩm thực có cần sa, như bánh kẹo, bơ đậu phộng, cà phê và nước giải khát tẩm cần sa... phải đợi một năm nữa mới hợp pháp.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Canada, năm ngoái 4,9 triệu người Canada dùng cần sa, chủ yếu bất hợp pháp, và tiêu thụ hơn 20 gam/người. (Cần sa dùng vì mục đích y khoa đã hợp pháp ở Canada từ năm 2001. Có khoảng 330.000 người Canada, trong đó có các bệnh nhân ung thư, đăng ký lấy cần sa từ những nhà sản xuất có giấy phép).

Cũng trong sáng 17-10, chính phủ liên bang thông báo ý định ra luật để giúp những người đã bị kết tội sở hữu cần sa với số lượng nhỏ dễ xin xá tội hơn. Tuy chính phủ không có ý định ân xá đại trà, Bộ trưởng an ninh công cộng liên bang Ralph Goodale nói rằng vì mục đích công bằng, chính phủ muốn chấm dứt thời kỳ chờ đợi tối thiểu 5 năm để xin xá tội và miễn lệ phí 631 CAD (khoảng 481 USD).

Trong khi chính phủ liên bang cấp phép và quản lý những nhà sản xuất cần sa, quyết định về cách bán và phân phối cần sa sẽ thuộc thẩm quyền mỗi tỉnh bang và vùng lãnh thổ.

Do đó, hiện thời luật lệ vẫn tủn mủn, nửa vời, mâu thuẫn giữa các địa phương trên toàn quốc, thậm chí chỉ cách nhau một cây cầu. Ví dụ, liên bang quy định tuổi được dùng hợp pháp là 18, nhưng chỉ Alberta giữ mức này, các tỉnh bang/lãnh thổ còn lại áp dụng tuổi 19.

Riêng Quebec ban đầu quy định 18 tuổi, nhưng chính quyền mới đắc cử thuộc Đảng Liên minh tương lai Quebec (CAQ), có thiên hướng bảo thủ, nói sẽ nâng lên 21 tuổi. Ý định này bị Thủ tướng Trudeau chỉ trích với lý do nó sẽ khiến nhiều người phải quay lại mua cần sa lậu của tội phạm có tổ chức.

Quốc kỳ Canada được sửa lại với hình lá cần sa ở giữa (Ảnh: LA Times)

 

Có vẻ như dư luận không đồng tình với chính phủ liên bang. Theo khảo sát của Postmedia, 76% người Canada muốn độ tuổi hợp pháp được dùng cần sa là 21. Quan điểm này thể hiện mạnh nhất trong những người trả lời khảo sát ở Quebec, với 82% ủng hộ.

Một trong những vấn đề hiện vẫn rối bời là cách tổ chức bán lẻ. Có nơi cho phép tư nhân, có nơi nhà nước ôm hết; có nơi bán cả trên mạng lẫn ở cửa hàng, có nơi như Ontario chưa kịp thiết lập hệ thống cửa hàng nên nay chỉ bán trên mạng.

Quy định về trồng cần sa tại nhà cũng rối rắm. Hầu hết các tỉnh bang, trừ Quebec và Manitoba, cho phép tự trồng để dùng, và hầu hết những nơi cho phép quy định tối đa 4 cây, nhưng quy định về việc khóa hoặc quây kín nơi trồng lại khác nhau.

Ví dụ, ở British Columbia, cần sa trồng tại nhà không được để cho người ngoài nhìn thấy, và không được phép trồng ở những nơi giữ trẻ, hoặc nhà dưỡng lão; ai vi phạm có thể bị phạt 5.000 CAD hoặc 3 tháng tù. Một vấn đề khác là người thuê nhà có được trồng cần sa tại chỗ ở không; hầu hết các tỉnh bang cho phép chủ nhà cấm trồng trong nhà của mình.

Một khó khăn khác là xử lý phạm tội lái xe khi bị ảnh hưởng của ma túy. Chỉ một tháng trước ngày hợp pháp hóa, Hiệp hội Cảnh sát trưởng Canada than là chưa kịp huấn luyện đủ cảnh sát để chuẩn bị ứng phó với nạn lái xe “phê cần” dự kiến sẽ tăng đáng kể.

(Một ngày sau khi hợp pháp hóa đã có nhiều vụ bị cảnh sát phạt tội này, đặc biệt là một vụ thanh niên 23 tuổi được cảnh sát cho là đã dùng cần sa và nhiều ma túy khác táng xe vào xe tải trên xa lộ gần Toronto, khiến xe lộn nhào và nát bấy). Cảnh sát cũng lúng túng trong việc sử dụng thiết bị kiểm tra nồng độ cần sa của tài xế bị nghi vi phạm.

Chủ lao động thì đau đầu về việc cân đối giữa cấm dùng cần sa trước và trong khi làm việc và nỗi lo bị kiện vì vi phạm quyền tự do của người lao động. Nhiều trường cao đẳng và đại học ra quy định cấm dùng cần sa trong khuôn viên trường, nhưng cũng thừa biết khó cấm hoàn toàn vì giới trẻ là đối tượng dùng cần sa nhiều nhất.

Các sở cảnh sát trên toàn quốc có quy định khác nhau về thời gian được sử dụng trước khi làm nhiệm vụ (có nơi cấm dùng trong 8 tiếng trước khi vào ca, có nơi đề xuất cấm tới... 28 ngày trước đó, ngoại lệ, Calgary cấm tiệt), nhưng đều vấp phải sự phản đối, và đe dọa kiện tụng của các nghiệp đoàn cảnh sát.

Bernard Le Foll, một chuyên gia về nghiện tại Trung tâm Nghiện và sức khỏe tâm thần (CAMH) ở Toronto, một bệnh viện đào tạo và tổ chức nghiên cứu hàng đầu, nói rằng tuy CAMH ủng hộ hợp pháp hóa, ông lo ngại người dân chưa được truyền bá thông tin đầy đủ về các nguy cơ của cần sa.

“Cần sa không phải là ma túy vô hại. Nguy cơ nghiện là rõ ràng, và nó có thể gây ra những vấn đề sức khỏe tâm thần đáng kể nếu không đúng người sử dụng - ông nói - Mất hàng chục năm để công chúng hiểu các nguy cơ của thuốc lá, và quá trình hợp pháp hóa cần sa chỉ mới diễn ra trong vài năm”.

Việc hợp pháp hóa cần sa còn mở ra trào lưu “đào vàng xanh” (“green rush”). Các hãng trồng cần sa có giấy phép đua tranh hút vốn đầu tư trong ngành dự kiến giá trị 6,5 tỉ CAD tới năm 2020, với triển vọng thu hút hàng chục ngàn du khách cần sa từ Mỹ và từ nhiều nước khác.

Sau nhiều tháng tăng giá chóng mặt, nhất là Tilray tăng gần 1.600%, cổ phiếu của các công ty cần sa giảm mạnh ngay trong ngày đầu hợp pháp hóa và tuần kế tiếp. Theo giới phân tích chứng khoán, giá trị của việc hợp pháp hóa từ lâu đã được tính vào giá cổ phiếu. Nỗi háo hức quá cao trong quá trình chờ đợi phần nào xìu như bánh tráng nhúng nước khi cung không đủ đáp ứng cầu.

Gần như mọi tỉnh bang và lãnh thổ đều gặp tình trạng khan hiếm nguồn hàng. Tại Ontario, tỉnh bang đông dân nhất, Ontario Cannabis Store (OCS), hệ thống phân phối cần sa trực tuyến do nhà nước quản lý, xử lý hơn 150.000 đơn hàng trong tuần đầu tiên. Nhưng hàng ngàn đơn hàng vẫn chưa tới tay khách hàng, vì công ty bưu điện liên bang Canada Post đang luân phiên đình công.

Tại một cửa hàng cần sa nhà nước ở Montreal (toàn tỉnh bang Quebec chỉ có 12 cửa hàng), dòng người xếp hàng trải trên một đoạn phố dài ngay sáng 17-10. Trong hàng trăm người xếp hàng, một số đợi từ 3h30 sáng tới khi cửa hàng mở cửa lúc 10h. Do thiếu hàng, hệ thống bán lẻ của Quebec nay chỉ mở cửa 3 ngày mỗi tuần.

Đã bắt đầu có lo ngại tình trạng cầu vượt cung sẽ đẩy người sử dụng trở lại chợ đen, khiến chính phủ khó đạt mục tiêu chính của việc hợp pháp hóa là dần dần lấn át rồi rốt cuộc loại bỏ tội phạm có tổ chức liên quan đến cần sa.

Trong khi một số tỉnh bang như British Columbia và Ontario chỉ mới bán trên mạng, giới bán lậu cần sa đã có mạng lưới hoạt động từ lâu với đủ phương thức từ bán trực tuyến, qua ứng dụng trên điện thoại tới giao hàng tận nhà.

Lý lẽ chính của Đảng Tự do để hợp pháp hóa cần sa là xóa bỏ hoạt động buôn bán cần sa phi pháp trị giá hàng tỉ đôla. Nhưng khắp nơi trên toàn quốc, hàng trăm tiệm bán cần sa bất hợp pháp có từ trước cho thấy không có ý định đóng cửa, và chuỗi cung ứng chợ đen đã bám rễ quá sâu khó chặt bỏ một sớm một chiều.

Toronto có 92 tiệm cần sa lậu trước khi hợp pháp hóa, và 56 tiệm bị đóng cửa trong chiều 17-10. Tình hình sau đó gần như không thay đổi nhiều; gần như ngày nào cảnh sát cũng bố ráp vài chục tiệm lậu, nhưng chỉ là bắt cóc bỏ dĩa: hôm sau chúng lại xuất hiện.

Ở Vancouver, hàng chục tiệm cần sa lậu thách thức luật mới khi ngang nhiên bán cần sa đồ ăn và kem xoa mặt có tẩm cần sa, những sản phẩm hiện vẫn còn phi pháp.

Adam Palmer, cảnh sát trưởng Vancouver và là chủ tịch Hiệp hội Cảnh sát trưởng Canada, nói rằng trong bối cảnh thiếu nguồn lực, thực thi luật cần sa sẽ không đột ngột trở thành ưu tiên hàng đầu của cảnh sát. “Fentanyl giết chết 11 người Canada mỗi ngày. Cần sa thì không” - Palmer nói.

Fentanyl, một ma túy tổng hợp thuộc dòng thuốc giảm đau opioid, đã trở thành vấn nạn y tế công cộng ở các thành phố lớn như Vancouver và Toronto trong những năm gần đây.

Việc tự trồng cần sa tại nhà để sử dụng gây ra nhiều vấn đề pháp lý đau đầu mới (Ảnh: Pot TV)

Phản ứng của thế giới

Mới vài nước có phản ứng công khai về việc Canada hợp pháp hóa cần sa giải trí.

Hôm 16-10, một tweet trên tài khoản bằng tiếng Hàn của đại sứ quán Hàn Quốc ở Canada nhắc nhở công dân của mình rằng họ vẫn phạm luật Hàn Quốc nếu hút cần sa ở nước ngoài. “Cho dù người Hàn Quốc ở một vùng mà cần sa đã hợp pháp, việc họ sử dụng nó vẫn là phi pháp.

Vui lòng lưu ý để đừng có hành động bất hợp pháp và bị trừng phạt”. Người Hàn Quốc có thể bị tù chỉ vì sử dụng cần sa, chứ đừng nói tới chuyện sở hữu, vận chuyển hoặc trồng cần sa. Các quy định đó được ghi rõ trong bộ luật hình sự của Hàn Quốc: công dân có thể bị truy tố khi họ về nước, cho dù các hành động của họ hợp pháp ở những nước họ tới.

Trong một tuyên bố đăng trên tài khoản Twitter của đại sứ quán ở Canada, Bộ ngoại giao Nga nói Nga xem quyết định của Canada là “không thể chấp nhận được” và “đạo đức giả”.

Tuyên bố này chỉ đăng bằng tiếng Pháp, nên chỉ có báo chí tiếng Pháp như tờ Journal de Montreal để ý, chứ dư luận ở các vùng nói tiếng Anh của Canada không biết. Tuyên bố này viết: “Chúng tôi tin rằng đạo luật này trái với luật quốc tế về phòng chống ma túy”. Tuyên bố cảnh báo Canada đang phớt lờ “các hậu quả của những hành động của mình đối với tính nghiêm minh của luật pháp quốc tế”.

Hôm 17-10, Hội đồng Phòng chống ma túy quốc tế (INCB), cơ quan Liên Hợp Quốc quản lý phòng chống ma túy quốc tế, thì ra tuyên bố nhắc lại việc họ “lấy làm tiếc” vì lựa chọn chính sách của Canada.

Tuyên bố nói Canada đang vi phạm thỏa thuận “giới hạn sản lượng, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối, buôn bán, sử dụng và sở hữu các ma túy chỉ dành cho các mục đích y khoa và khoa học”. INCB cho rằng điều đó làm suy yếu toàn bộ thiết chế này và đã lên lịch một cuộc họp quốc tế trong hai tuần đầu tháng 11 để các bên xem xét vấn đề.■

Rắc rối với láng giềng

Từ khi các kế hoạch hợp pháp hóa cần sa được công bố, một số người Canada đã lo ngại về một khía cạnh quan trọng trong sinh hoạt và công việc: chuyện qua lại biên giới Canada - Mỹ. Người Canada có thể bị chặn tại biên giới Mỹ vì có hành động hợp pháp tại Canada nhưng vẫn phi pháp ở cấp liên bang của Mỹ: sở hữu cần sa.

Hồi tháng 9, báo mạng Politico (Mỹ) dẫn lời một quan chức Cục Hải quan và biên phòng Mỹ nói những người từng sử dụng cần sa, và cả những người làm việc hoặc đầu tư trong ngành cần sa ở Canada, có thể bị Mỹ cấm cửa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận