Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ở châu Á - Thái Bình Dương

TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG 15/06/2012 18:06 GMT+7

TTCT - Mỹ đang trở lại châu Á bằng việc liên kết với các đồng minh nhằm thu hẹp không gian chiến lược mà Bắc Kinh đang triển khai. Trong khi đó, các nước trong khu vực cũng lo ngại sự nổi lên của Trung Quốc.

Phóng to
Hai chuỗi đảo chiến lược của Mỹ trong việc kiềm chế Trung Quốc trở thành cường quốc hàng hải

Ngày 30-4 vừa rồi, không phải tình cờ tại Washington diễn ra hai sự kiện liên quan tới quan hệ an ninh quân sự của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương: cuộc gặp cấp cao giữa tổng thống Mỹ với thủ tướng Nhật Bản và cuộc họp 2+2 giữa ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng của Mỹ và Philippines.

Hai cuộc gặp trên ghi nhận việc tăng cường hệ thống liên minh giữa Mỹ với các đồng minh gần gũi nhất tại Đông Á và hoàn tất việc tái bố trí lực lượng quân sự Mỹ tại khu vực. Với Nhật Bản, đó là kế hoạch tái bố trí lực lượng tại Okinawa - cứ điểm chiến lược trọng yếu trong hệ thống quân sự tại Đông Á. Với Philippines, Mỹ tăng cường luân phiên lực lượng đặc nhiệm và sử dụng không thường trực quân cảng Subic dưới vỏ bọc kỹ thuật: dịch vụ hậu cần do một liên doanh tư nhân hai nước đảm nhiệm.

Bố trí binh lực tạo răn đe tiềm ẩn

Biển Đông là phép thử đối với tính nhất quán của chiến lược “trở lại châu Á” của Mỹ, mà thực chất là trở lại Đông Nam Á - nơi Mỹ đã triệt thoái các căn cứ quân sự và giảm sự can dự tới mức tối thiểu từ sau năm 1975.

Trong suốt quá trình nói trên, Mỹ không đưa ra những tuyên bố khiêu khích trực tiếp về Trung Quốc, nhưng theo mạng tin Nghiên cứu toàn cầu (Canada), các bước thực tế nhằm kiềm chế Bắc Kinh đang được thực hiện. Trong đối đầu với Trung Quốc, Mỹ hiện có ít nhất ba tuyến răn đe chiến lược đều nằm ở Thái Bình Dương. Tuyến thứ nhất gần sát lãnh thổ Trung Quốc, dựa vào các căn cứ của Mỹ tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Philippines.

Nếu kẻ một đường giữa tất cả các nơi này, người ta sẽ thấy vòng kiềm chế Trung Quốc đầu tiên (tiền duyên) của Mỹ nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc trở thành một cường quốc hàng hải. Tuyến răn đe thứ hai của Mỹ đặt tại Guam và Hawaii, ở trung - tây Thái Bình Dương và được bổ sung bằng căn cứ lính thủy đánh bộ ở Darwin, nằm ở cực bắc của Úc. Và tuyến thứ ba có căn cứ đặt trên lãnh thổ Mỹ tại California và Alaska.

Mỹ tích cực thúc đẩy đối thoại với Ấn Độ để hình thành một tập hợp lực lượng nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương. Một mặt tránh liên minh gây ấn tượng đối đầu trực tiếp Trung Quốc, mặt khác Ấn Độ thúc đẩy hình thành các cơ chế hoạt động hải quân song phương và đa phương với Úc, Nhật - Mỹ; trao đổi an ninh thường niên tay ba với Mỹ và Nhật Bản.

Ngày 16-5, Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ Antony nói từ tháng 1-2010 đến tháng 4-2012, do bất đồng trong việc lý giải đối với “đường kiểm soát thực tế” biên giới Trung - Ấn, quân đội Trung Quốc đã vượt biên giới 505 lần và trong tháng 3-2012, các máy bay lên thẳng của Trung Quốc hai lần xâm phạm không phận của Ấn Độ trên vùng trời thuộc bang Himachal Pradesh, nằm trong vùng biên giới quốc tế phía Ấn Độ.

Biển Đông là phép thử đối với tính nhất quán của chiến lược “trở lại châu Á” của Mỹ, mà thực chất là trở lại Đông Nam Á, nơi Mỹ đã triệt thoái các căn cứ quân sự và giảm sự can dự tới mức tối thiểu từ sau năm 1975. Từ phát biểu gây ấn tượng đầu tiên về biển Đông của bộ trưởng quốc phòng Roberts Gates tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 9 đầu tháng 6-2010, người ta thấy được sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong lập trường Mỹ.

Vào dịp tham dự Hội nghị diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) Hà Nội ngày 23-7-2010, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã tuyên bố tự do hàng hải và an ninh biển Đông thuộc “lợi ích quốc gia” của Mỹ để đối chọi với việc Bắc Kinh đưa biển Đông vào phạm trù “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc trong cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung tại Bắc Kinh tháng 5 năm đó.

Đến Shangri-La lần thứ 11, Bộ trưởng quốc phòng Leon Panetta phát đi những thông điệp mạnh mẽ với nhiều điểm mới về biển Đông, về cuộc xung đột tại bãi cạn Scarborough giữa Philippines - Trung Quốc. Theo ông Panetta, một bộ quy tắc ứng xử mới là cần thiết nhưng chưa đủ. Các bên phải thương thảo để giải quyết các tranh chấp trên vùng biển này, nơi an ninh hàng hải thuộc “lợi ích quốc gia” của Mỹ. Mỹ dường như đã vạch hành lang cho xung đột biển Đông. Trung Quốc phê phán mạnh bài phát biểu của ông Panetta có lẽ cũng vì điều ấy.

Các nước nhỏ và vừa trong khu vực đang tranh thủ cuộc cạnh tranh chiến lược của “ngũ cường” (Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản) để khai thác tối đa lợi ích quốc gia của mình. Không ai “bỏ trứng vào một giỏ”. Nước nào chập chững chiến lược thì sẽ bị thiệt hại.

Chỉ giúp những kẻ có thể tự giúp mình

Mạng Nghiên cứu toàn cầu đưa một nguồn tin thân cận với Nhà Trắng, theo đó Trung Quốc hiện được giới chính trị Mỹ coi là nguy cơ lớn nhất đối với các lợi ích của Mỹ về lâu dài, vì vậy Washington tin rằng họ nên bắt đầu kiểm soát Trung Quốc bằng cách tập hợp càng nhiều đồng minh càng tốt.

Mỹ còn thành lập một hệ thống cho phép họ làm gián đoạn việc cung cấp các mặt hàng năng lượng cho kinh tế Trung Quốc qua việc tìm cách đóng cửa các tuyến đường vận chuyển phía bắc và phía nam. Tuyến phía nam đi qua eo biển chiến lược Malacca. Nếu tuyến đường này bị đóng lại, kinh tế Trung Quốc khó có khả năng tồn tại, dù chỉ một tháng.

Đó chính là lý do Mỹ đang lập một nhóm tàu chiến thường trực sẽ được đặt tại Singapore, Úc và Philippines. Tình hình phần nào phức tạp hơn với tuyến đường vận chuyển phía bắc vì cần phải có sự ủng hộ của Nga. Mỹ có thể sẽ đưa ra một số nhượng bộ Nga về lá chắn tên lửa, tài chính và kinh tế.

Các nỗ lực của Mỹ trên toàn tuyến châu Á - Thái Bình Dương tạo nên sự răn đe tiềm ẩn đối với Trung Quốc và nhằm kiềm chế sự tăng cường lực lượng hải quân của cường quốc biển đang nổi lên này. Việc bố trí lại lực lượng quân đội Mỹ đến các căn cứ mới xa hơn về phía đông Thái Bình Dương được cho là nằm ngoài tầm bắn của các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung của Trung Quốc.

Ngoài ra, khi tập trung binh lực mạnh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (theo lời ông Leon Panetta tại Đối thoại Shangri-La ngày 2-6 vừa rồi, Mỹ sẽ chuyển sang Thái Bình Dương 60% số tàu chiến, 7/11 tàu sân bay), Mỹ còn tính toán đến việc cung cấp sự bảo đảm quân sự cho chiến lược kinh tế toàn cầu trong thế kỷ mới của Mỹ.

Trong điều kiện cắt giảm ngân sách quốc phòng, Mỹ điều chỉnh các học thuyết quân sự và quan niệm về liên minh và đối tác. Ngày 5-1-2012, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã công bố chiến lược quân sự mới của Mỹ trong 10 năm tới, trong đó có ba đặc điểm nổi bật là thu hẹp quy mô, thay đổi kết cấu và quan tâm khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bài phát biểu của Bộ trưởng Panetta tại Shangri-La ngày 2-6 cho biết lực lượng quân sự Mỹ sẽ được tổ chức nhỏ gọn hơn nhưng tăng cường khả năng cơ động, linh hoạt, triển khai nhanh và sử dụng công nghệ hàng đầu, phù hợp với tác chiến không - biển. Với các nước đồng minh trong khu vực, Mỹ xác định nguyên tắc “đóng vai trò đối tác mạnh, làm nòng cốt nhằm giúp các quốc gia này tăng cường khả năng tự vệ và bảo đảm an ninh cho bản thân họ”.

Tạp chí Ngoại Giao Trung Quốc nhận xét: Vùng biển phía đông nam đang hình thành nhóm đồng minh của Mỹ để chống Trung Quốc. Văn Hối, tờ báo Hong Kong thân Bắc Kinh, ngày 17-5 đưa lại ý kiến của giới phân tích Trung Quốc cho rằng “không gian sinh tồn chiến lược xung quanh của Trung Quốc đang bị Mỹ và các nước đồng minh dồn nén”.

Trung Quốc đối sách

Tuy nhiên, báo Quân Giải Phóng (Trung Quốc) cho rằng trong điều chỉnh chiến lược quân sự của Mỹ hiện có nhiều mâu thuẫn nội tại, nổi bật là mâu thuẫn giữa trọng tâm hành động quân sự với trọng tâm chiến lược quân sự (Mỹ không thể căng sức đối phó, khó có thể thoát ra khỏi Trung Đông trong thời gian ngắn) và mâu thuẫn giữa ưu thế kinh tế suy giảm với nhiệm vụ quân đội tăng lên.

Trung Quốc không khoanh tay ngồi nhìn không gian chiến lược của mình bị thu hẹp. Ngày 6-5, các tàu chiến của Trung Quốc đã tiến hành huấn luyện theo đội hình chữ V tại gần “chuỗi đảo thứ nhất” (nối từ đảo Kyushiu tới Đài Loan và Philippines). Từ đầu tháng 5-2012, tàu chiến Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương để huấn luyện hải quân, chỉ cách quần đảo Bắc Mariana (thuộc Mỹ) và Guam vài trăm kilômet. Khu vực này thuộc “chuỗi đảo thứ hai”.

Đồng thời, Bắc Kinh sử dụng lợi thế ngoại giao kinh tế khiến những đồng minh thân cận hoặc đối tác gần gũi nhất của Washington khó lòng từ chối. Indonesia nhận được 22 tỉ USD tín dụng ưu đãi trong hai năm qua.

Tháng trước, Nhật - Hàn - Trung ký kết thỏa thuận đầu tư và bắt đầu đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA). Nhật - Trung vừa thỏa thuận sử dụng đồng nội tệ của nhau - lần đầu tiên Trung Quốc chấp nhận giao dịch nội tệ của một nước khác ngoài đồng đôla Mỹ. Nếu các thỏa thuận kinh tế thương mại tài chính tay ba thành công, một liên kết kinh tế - chính trị sẽ hình thành ở Đông Bắc Á, làm giảm ảnh hưởng của Mỹ. Về địa - chính trị, Trung Quốc tích cực củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga, tích cực thâm nhập các khu vực Trung Á, Nam Á và Đông Nam Á.

Không nơi nào ở châu Á - Thái Bình Dương không diễn ra cạnh tranh chiến lược Trung - Mỹ và các nước lớn khác. Xem ra thời đại chiến quốc tranh hùng mới chỉ bắt đầu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận