Câu hỏi là còn cầm cự được bao lâu

TRÚC ANH 10/04/2020 21:04 GMT+7

TTCT - Đối tác hủy đơn hàng, nhà máy tạm đóng cửa, công nhân tạm nghỉ việc vì sợ lây COVID-19 khi đang làm việc. Dịch bệnh đang phủ bóng u ám lên nhiều ngành công nghiệp, từ dệt may đến sản xuất ôtô, từ các nước châu Âu phát triển đến các quốc gia nghèo hơn. Bảo vệ người lao động là chuyện phải làm, nhưng bằng cách nào, và sẽ trụ lại được trong bao lâu khi đại dịch chưa có dấu hiệu gì là sẽ sớm kết thúc?

Công nhân may mặc ở Bangladesh làm việc với khẩu trang. Ảnh: Fortune
Công nhân may mặc ở Bangladesh làm việc với khẩu trang. Ảnh: Fortune

Câu chuyện Bangladesh

“Với họ vấn đề là chuyện làm ăn còn hay mất, còn với chúng tôi, đó là sự sống còn của 1,4 triệu công nhân” - bà Rubana Huq, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu quần áo Bangladesh (BGMEA), nói với Vogue Business hồi tuần trước. “Họ” ở đây là các đối tác nhập quần áo may sẵn từ các nhà máy tại Bangladesh, quốc gia xuất khẩu quần áo lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc theo xếp hạng của Moody’s.

Ngành may mặc các nước gặp hai tai họa cùng lúc vì COVID-19: vừa khan hiếm nguyên liệu từ Trung Quốc, vừa bị đối tác ngưng đặt hàng, thậm chí ngưng nhập hàng đã sản xuất xong theo hợp đồng trước đó. Tại Myanmar, theo trang Quartz, ít nhất 20 nhà máy đã phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu thô, đẩy hơn 10.000 công nhân đến bờ vực thất nghiệp, trong khi hàng ngàn người lao động ở Campuchia đã mất việc.

Nếu các hãng thời trang cam kết vẫn trả lương cho nhân viên ngay cả khi các điểm bán lẻ của họ phải đóng cửa vì dịch bệnh, công nhân may mặc không may mắn có được sự bảo hộ đó. Các xưởng gia công quần áo không thuộc sở hữu của các thương hiệu thời trang, và chủ nhà máy thì khó có khả năng hoặc không sẵn lòng trả lương cho công nhân trong thời gian chờ có đơn hàng mới.

Chỉ trong tuần qua, 20 nhà máy ở Bangladesh đã bị hủy số đơn hàng trị giá tổng cộng 10 triệu USD. Số đối tác không hủy thì cũng dừng đặt hàng vô thời hạn, theo bà Huq. Bộ trưởng thương mại Bangladesh Tipu Munshi nói với CNBC ngày 27-3 số đơn hàng của các nhà máy may mặc nước này bị hủy tính đến thời điểm đó đã có trị giá hơn 2,6 tỉ USD, “và sẽ còn tăng”.

Theo số liệu của BGMEA, quần áo may sẵn chiếm 84,21% tổng kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh, thu về 40,5 tỉ USD trong năm tài khóa 2018-2019, với hơn 60% đơn hàng giao cho các nước EU. Tình trạng hủy, hoãn đơn hàng sẽ khiến hơn 4.600 nhà máy may mặc tại đây gặp khó khăn trong việc trả lương cho công nhân, vốn đã có thu nhập rất thấp.

Không biết còn cầm cự được bao lâu, nhưng tinh thần là còn đơn hàng thì còn làm. Theo trang just-style.com, DIFE, cơ quan thanh tra nhà máy và cơ sở sản xuất Bangladesh, đã có công văn gửi BGMEA, yêu cầu các nhà máy may mặc tiếp tục sản xuất nếu vẫn còn đơn hàng cần hoàn thiện, bất chấp Bangladesh bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 10 ngày từ 27-3.

Các nhà máy sản xuất dụng cụ bảo hộ cá nhân, khẩu trang và thiết bị y tế cũng được duy trì sản xuất trong thời gian phong tỏa.

Tất cả các cơ sở đều phải tuân thủ quy định về y tế, và phải cách ly ngay nếu công nhân thể hiện các triệu chứng tối thiểu của COVID-19. “Ai còn đơn hàng thì cứ mở cửa sản xuất, ai không có thì hãy tạm ngưng hoạt động” - Faisal Samad, phó chủ tịch BGMEA, nói với just-style.com.

Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Châu Âu giải cứu công nhân

“Nếu việc đóng cửa chỉ diễn ra 2-3 tháng, mọi thứ sau đó chỉ đơn giản như tắt đèn rồi bật lại vì các chuỗi cung ứng và hệ thống logistics hoạt động rất hiệu quả - Hãng tin AP ngày 26-3 dẫn lời Carlo Salvato, chuyên gia nghiên cứu doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) thuộc Đại học Bocconi, nhận định - Nhưng nếu kéo dài lâu hơn và gây ra sụt giảm về tài sản quốc gia, thói quen tiêu dùng sẽ thay đổi dữ dội”.

Tại Ý, quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 thuộc tốp đầu thế giới, hàng trăm ngàn SME, kể cả công ty lớn, phải đóng cửa sau khi chính phủ tiếp tục các biện pháp cứng rắn hơn trong việc ngăn dịch bệnh lây lan. Sau hai tuần phong tỏa toàn quốc, Ý - nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực đồng euro - đã mở rộng việc bắt buộc đóng cửa từ các hoạt động không thiết yếu sang ngành công nghiệp nặng.

Quyết định này đưa Ý trở thành quốc gia phương Tây phát triển đầu tiên đóng băng phần lớn nền công nghiệp của mình để chống COVID-19. Lệnh bắt buộc đóng cửa có hiệu lực từ ngày 23-3 đến 3-4, áp dụng cho các ngành ôtô, sản xuất quần áo, dịch vụ cho thuê, xây dựng bất động sản và du lịch.

Trước đó, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte ban hành gói hỗ trợ kinh tế, bao gồm việc trả lương tạm thời - cao nhất bằng 80% - cho công nhân trong thời hạn 9 tuần, những người tự làm chủ (self-employed) cũng nhận được khoản hỗ trợ một lần trị giá 600 euro.

Dịch COVID-19 đang đe dọa hàng chục triệu việc làm ở châu Âu (con số mà Tổ chức Lao động quốc tế ước tính là 25 triệu), và cũng như Ý, chính phủ các nước đã công bố các khoản “giải cứu công nhân” hàng tỉ euro nhằm giữ việc làm và tránh khủng hoảng kinh tế. Tỉ lệ thất nghiệp tăng chỉ làm trầm trọng thêm khủng hoảng mà các quốc gia đang gồng mình chống dịch phải gánh khi cả tiêu dùng và thu thuế đều giảm.

“Chính phủ khắp châu Âu đang dùng ngân quỹ để giữ việc làm trong khủng hoảng bằng cách trả tiền hay hỗ trợ các công ty thất thu vì dịch bệnh, với mục tiêu: để người lao động vẫn được lãnh lương để có thể trở lại làm việc khi chuyện làm ăn được phục hồi” - mạng truyền hình France24 ngày 25-3 cho biết.

Tây Ban Nha hỗ trợ để các công ty có thể trả cho người lao động 70% thù lao, trong khi Pháp “giải cứu công nhân” thông qua quy chế “thất nghiệp một phần”: công ty nào buộc phải cắt giảm hoặc ngưng sản xuất có thể đăng ký nhận khoản hỗ trợ 70% tiền lương (chưa tính bảo hiểm và thuế) của mỗi công nhân.

Tính đến ngày 24-3, đã có 730.000 công nhân nhận lương qua cơ chế này. Bộ Tài chính Pháp dành ra 8,5 tỉ euro cho khoản này nhưng ngân sách này dự kiến còn phải tăng hơn nữa.

Chính phủ Anh cũng tung chương trình hỗ trợ duy trì việc làm trong thời gian dịch bệnh (Coronavirus Job Retention Scheme), hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng 80% tiền lương cho người lao động (cao nhất 2.500 bảng/tháng). Chính sách kéo dài 3 tháng, song bộ trưởng tài chính cho biết sẽ “không có giới hạn nào về ngân sách dành cho chương trình này”.

Trong khi đó, Kurzarbeit (công việc ngắn hạn), chương trình hỗ trợ doanh nghiệp mỗi lúc kinh tế khó khăn của Đức, lại có dịp phát huy tác dụng thời corona.

Theo đài DW, chương trình giúp các doanh nghiệp cho công nhân tạm nghỉ hoặc giảm số giờ làm khi có khó khăn mà vẫn được trả lương, thay vì phải sa thải họ. Ý tưởng của Kurzarbeit là hỗ trợ để ngăn các doanh nghiệp không phải sa thải nhân viên vì những khủng hoảng không phải do lỗi của họ. Giải pháp này giúp doanh nghiệp tránh lãng phí công đào tạo kiến thức và tay nghề nếu cứ phải sa thải rồi tuyển người mới khi tình hình trở lại bình thường.

Chính sách được áp dụng cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 như sau: công nhân sẽ nhận 60% mức lương trước khi có khủng hoảng, và người lao động có con sẽ nhận 67%. Số tiền này do nhà nước trả thông qua Cơ quan Việc làm Liên bang, vốn phụ trách trợ cấp thất nghiệp. Khi hết khủng hoảng, công nhân sẽ đi làm lại và nhận đủ lương.

Những gói giải pháp tạm thời này làm tốn tiền thuế của dân, nhưng nếu thành công sẽ giúp các nền kinh tế hồi phục nhanh hơn khi dịch bệnh suy yếu.■

Theo Quartz, Campuchia đã công bố kế hoạch để công nhân may mặc được hưởng 60% lương cơ bản trong thời gian nhà máy đóng cửa - chủ nhà máy chịu 40% và chính phủ hỗ trợ 20%. Chính phủ Myanmar sẽ cho chủ nhà máy vay nợ nếu không có tiền trả lương công nhân, trong khi Thổ Nhĩ Kỹ loan báo gói kích thích kinh tế cho nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành may mặc.

Khi nào mở lại nhà máy?

Dịch bệnh rồi cũng qua, các biện pháp tạm đóng cửa rồi cũng sẽ phải kết thúc. Nhưng khi nào thì mở cửa nhà máy, khởi động lại sản xuất? Câu trả lời, theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm Amesh Adalja - học giả cao cấp Trung tâm an toàn sức khỏe Johns Hopkins (Mỹ), sớm nhất là ngày 14-4 mới có.

Cho đến thời điểm đó, các chuyên gia dự kiến sẽ hiểu rõ hơn quỹ đạo của đại dịch và liệu nhà máy có thể tiếp tục hoạt động nếu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội phù hợp hay không, Adalja nói với Hãng tin AP.

Theo Adalja, quyết định có nên mở cửa lại các nhà máy hay không phụ thuộc vào tình hình lây lan và truyền nhiễm của virus ở mỗi địa phương. Chuyên gia này cũng lưu ý số ca nhiễm chắc chắn sẽ tăng vì ngày càng có nhiều người được xét nghiệm.

“Những người điều hành doanh nghiệp hãy tự hỏi: Liệu tôi có cho gia đình tôi - con trai và con gái của chính tôi - vào nhà máy đó làm và bảo đảm 100% rằng họ sẽ an toàn hay không?” - Rory Gamble, chủ tịch Nghiệp đoàn Công nhân ôtô Mỹ, nhấn mạnh, khi khuyến cáo các hãng xe phải đặt an toàn của người lao động lên trên hết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận