Chai giấy không còn là ý tưởng trên giấy

XUÂN MINH 25/05/2024 05:29 GMT+7

TTCT - Giấy không gói được lửa, nhưng có giữ được nước không?

Mô hình chai giấy 

Mô hình chai giấy

Ngoài giảm nhựa là ưu điểm đương nhiên, chai giấy nhẹ hơn đến 5 lần so với chai thủy tinh truyền thống giúp nên không cần xe trọng tải nặng, ít tốn nhiên liệu khi chuyên chở hơn, có thể chở số lượng nhiều hơn mỗi chuyến. 

Vấn đề là để "giấy gói được nước" thì tốn kém, phức tạp đến đâu và các tiêu chí thân thiện môi trường có còn được bảo đảm không.

Tạm biệt chai thủy tinh

Siêu thị ALDI ở Anh bắt đầu bán dòng rượu vang đựng trong chai giấy nhãn riêng từ tháng 3-2024. ALDI dự kiến sẽ thay thế hoàn toàn chai thủy tinh bằng chai giấy trên các cửa hàng ở Anh để giảm đáng kể lượng carbon của công ty.

Chai giấy của dòng rượu nhãn riêng của ALDI do Công ty Frugalpac của Anh sản xuất. Thành lập năm 2014 và ra mắt năm 2020, Frugalgac đã thành công trong việc tạo ra chai giấy thay thế chai thủy tinh cho ngành rượu. 

Giá sản xuất chai giấy hiện tương đương giá sản xuất chai thủy tinh nhưng tiềm năng rộng rãi nhờ xu hướng bền vững. Riêng Frugalpac đã có 35 khách hàng là các nhà sản xuất rượu ở 25 quốc gia.

Vỏ chai do Frugalpac thiết kế bằng công nghệ riêng trên những mảng cardboard (giấy bìa) phẳng, liền khối. Giấy cardboard có thể tái chế hoàn toàn được đưa vào máy để dập tạo hình chai theo khuôn. Vỏ giấy sẽ hoàn toàn ôm khít túi ni lông đựng rượu bên trong.

Tương tự Frugalpac, Công ty bao bì KinsBrae Packaging ở Canada bắt đầu sản xuất chai rượu giấy số lượng lớn từ tháng 2-2024. Shawn Bonnick, nhà sáng lập và là chủ tịch của KinsBrae, cho biết chai giấy hơn hẳn thủy tinh về nhiều mặt, trong đó có yếu tố mới lạ.

Vỏ chai là "tờ giấy trắng" mà các nhà sản xuất có thể tùy ý thiết kế và sáng tạo như dập nổi, dát bạc, ánh kim... Họ có trang trí toàn thân chai chứ không bị giới hạn trên nhãn và nắp như với chai thủy tinh trước đây.

Chai rượu giấy do Công ty Frugalpac sản xuất. Thành phần: vỏ ngoài giấy, bên trong lót polylaminate, nắp nhôm.

Chai rượu giấy do Công ty Frugalpac sản xuất. Thành phần: vỏ ngoài giấy, bên trong lót polylaminate, nắp nhôm.

Một số người hoài nghi giá trị môi trường của chai giấy. Sản xuất giấy cũng cần một lượng lớn hóa chất, năng lượng và nước. Nếu không được quản lý tốt, ngành giấy có thể gián tiếp thúc đẩy nạn phá rừng. 

Bao bì giấy có tráng màng ni lông hoặc các chất phủ khác sẽ khó tái chế. Khi trở thành rác, giấy giải phóng khí methane trong quá trình phân hủy, vẫn tạo ra phát thải cho môi trường.

Tuy nhiên, những con số so sánh rất đáng thuyết phục. Trang Beverage Daily dẫn nghiên cứu do Công ty kiểm định chất lượng và chứng nhận Intertek thực hiện cho thấy nếu dùng giấy thay thủy tinh để sản xuất 10 triệu chai, lượng khí thải carbon được cắt giảm là khoảng 4.663 tấn. 

So với chai thủy tinh, lượng nước dùng để sản xuất chai giấy ít hơn đến 82%. Hơn thế, toàn bộ chai giấy kể cả túi nhựa đựng chất lỏng bên trong đều có thể tái chế được, tùy vào chương trình tái chế hiện hữu ở địa phương.

Tuy nhiên, chai giấy cũng có khuyết điểm chí mạng là dễ rách, móp méo. Việc đảm bảo hương vị, thời hạn sử dụng ít nhất một năm hay chai bền bỉ trong thời tiết nóng bức vẫn là vấn đề chưa thể giải quyết.

Ron Khan, trưởng bộ phận đóng gói đồ uống của Pepsi, cho biết Pepsi đã làm nhiều khảo sát để đánh giá sự ủng hộ của người tiêu dùng với chai giấy.

Kết quả hết sức tích cực vì chai giấy đóng vai trò như một sự đảm bảo chắc nịch về giá trị xanh. "Ngay khi khách nhìn thấy chai giấy, chúng tôi không cần phải giải thích thông tin xác thực về tính bền vững" - Khan nói.

Pepsi cho biết bao bì giấy truyền đạt tốt hơn thông điệp về các thành phần tự nhiên trong sinh tố và nước trái cây. Hãng mỹ phẩm L'Oréal xác nhận bao bì bằng giấy dập nổi có thể giúp sản phẩm của họ nổi bật trên kệ hàng. Các công ty khác nhận thấy tiềm năng của chai giấy tại các sự kiện thể thao cấm chai thủy tinh.

Theo Pernod, chai giấy rất phù hợp cho hoạt động dã ngoại và bán hàng trực tuyến. Công ty rượu Diageo đánh giá chai giấy giúp giảm lượng chai thủy tinh (tốt cho môi trường) mà không làm giảm sút hình ảnh sang trọng của thương hiệu.

Đi tìm chai giấy 100%

Những chai rượu mặc áo giấy mà "áo lót" nhựa chắc chắn không đủ để làm hài lòng những người yêu rượu nhưng cũng đắm say với môi trường. Một bộ phận người tiêu dùng xem đây là hành vi "rửa xanh" (greenwash) vì bên trong chai vẫn có lớp tráng nhựa dày.

Nhiều khách hàng khác thì hoài nghi "bình mới" nhưng rượu có được như cũ? Các nhà sản xuất khẳng định họ không đánh đổi chất lượng sản phẩm vì đã nghiên cứu kỹ các vấn đề về rò rỉ, oxy hóa, độ ổn định... Nhưng chỉ có doanh số mới thể hiện sự ủng hộ của khách hàng.

Hiện nay chưa có loại chai đựng chất lỏng hoàn toàn bằng giấy nào trên thị trường. Các loại chai giấy hiện nay đều bắt buộc phải có lớp màng nhựa bên trong để ngăn chất lỏng rò rỉ ra ngoài. Tạo ra chai giấy đựng chất lỏng vẫn là một thách thức lớn về kỹ thuật. Nhưng theo Wall Street Journal, có thể chúng ta đang đến gần với khả năng tạo ra một loại bao bì giấy thứ thiệt.

Các công ty rượu như Diageo, Pernod Ricard, hay ông lớn của ngành sản phẩm gia đình Procter and Gamble đã đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc để "gia cố" giấy, nhằm cắt giảm tiêu dùng đồ nhựa và lượng phát thải carbon liên quan đến thủy tinh và tranh thủ sự ủng hộ của khách hàng.

Ở Slangerup, một thị trấn nhỏ của Đan Mạch, cách Copenhagen khoảng 32km, Công ty bao bì Paboco đang phát triển chai giấy cho Carlsberg, Coca-Cola, Pernod và các công ty khác.

Phóng viên Wall Street Journal chứng kiến quá trình sản xuất thử nghiệm một lô chai giấy đựng nước xả vải Lenor của P&G. Hỗn hợp giấy gồm 99% nước và 1% xơ giấy được dẫn từ các thùng lớn vào khuôn bằng thép không gỉ. Vỏ chai nguyên khối sẽ thành hình sau 12 giây, với 60% nước. Lúc này, vỏ chai mềm, đàn hồi như miếng xốp lót giày. Sau đó, nó được sấy khô 45 giây ở nhiệt độ 200 độ C.

Kế tiếp, nhựa silicon được chèn vào trong lòng chai (đang úp ngược), vỏ chai được ép vào khuôn xốp để hơi nước có thể bốc hơi khi chai khô. Khi chai khô và cứng lại, nó được đưa vào máy cắt laser để bỏ phần đỉnh lởm chởm, để lại một lỗ hở gọn gàng làm miệng chai. Cuối cùng, chai được xoay ngược lại để vòi phun phun một lớp phủ vào trong lòng chai rồi đưa vào lò sấy trong 10 phút ở nhiệt độ 180 độ C.

Chai giấy vừa lên khuôn, chuẩn bị hoàn thiện. Ảnh: Paboco

Chai giấy vừa lên khuôn, chuẩn bị hoàn thiện. Ảnh: Paboco

Paboco phải thử nghiệm nhiều lần, khảo sát cảm nhận của người tiêu dùng trong những tình huống cụ thể như khi chai giấy bị dính nước, đánh giá chất lượng sản phẩm bên trong theo thời gian và cả trải nghiệm về chất liệu (chẳng hạn, họ có nhớ cảm giác cầm chai bia thủy tinh khi xem thể thao hay không).

Các thử nghiệm giúp Paboco rút ra nhiều kinh nghiệm quý. Đơn cử, phải sử dụng khuôn xốp thay khuôn rắn, nếu không bề mặt chai sẽ bị sần sùi do hơi nước (sinh ra trong quá trình sấy, không thoát ra ngoài) tạo nên.

Gần đây công ty tập trung tìm cách giảm bớt lớp lót nhựa bên trong chai. Lớp lót từ hơn 40% trọng lượng chai trong các mẫu trước đây, hiện chỉ còn khoảng 15%. Mục tiêu của Paboco là lớp lót này chỉ chiếm khoảng 5%, đủ mỏng để không cản trở quá trình tái chế giấy.

Paboco sử dụng HDPE - loại nhựa dùng làm bình sữa - tráng bên trong chai nhưng cho biết HDPE không giữ được độ sủi bọt của đồ uống có gas vì không thể giữ lại carbon dioxide. PEF - một loại nhựa sinh học được dùng làm chai bia của Carlsberg, đảm bảo không bị xì hơi gas, thì nguyên liệu lại đắt tiền và chưa được phổ biến. Nắp chai vẫn chưa thể làm bằng giấy.

Paboco kỳ vọng sẽ có thể dùng nắp giấy năm 2023 nhưng họ đã không thực hiện được mục tiêu này. Lý do là sợi giấy phồng lên khi tiếp xúc với chất lỏng và không đậy vừa chai nên vẫn cần sử dụng nắp truyền thống hoặc bịt bằng giấy bạc.

Hãng rượu Diageo có kế hoạch tung ra thị trường loại rượu Baileys mini chai giấy để thay thế một số chai nhựa của thương hiệu này trong vài tháng tới. Các chai rượu mini vỏ giấy có 10% là lớp nhựa, được đúc khô bằng công nghệ tiết kiệm năng lượng và nước. Năm 2021, Diageo hứa ra mắt chai rượu whisky Johnnie Walker giấy với lớp lót mỏng từ nhựa sinh học nhưng đến nay vẫn chưa lên kệ.

"Bảo quản một chất lỏng phức tạp như rượu whisky bằng bao bì giấy khó hơn nhiều so với những gì chúng tôi hình dung" - Dave Lütkenhaus, giám đốc đổi mới sáng tạo của Diageo, xác nhận với Wall Street Journal. 

Hành trình đi tìm "chén thánh" - chai giấy không bị sũng nước khi chứa chất lỏng và giữ sản phẩm bên trong tươi, ngon, tốt - vì thế vẫn chưa kết thúc, dù có vẻ đích đến đã rất gần.

Hành trình trăm năm

Hành trình đi tìm chai giấy bắt đầu ít nhất là từ thập niên 1920, khi một nữ doanh nhân New York, Lydia B. Koch, đăng ký bằng sáng chế mẫu chai giấy làm từ hai mảnh bìa hai lớp chồng lên nhau.

Koch huy động được tới 1 triệu USD tiền đầu tư khi cam đoan Công ty Reinforced Paper Bottle Corp. của bà đã có đơn hàng dài dằng dặc, từ Liên Xô muốn làm chai đựng trứng cá tới Chính phủ Trung Quốc để làm nước đóng chai. Cuối cùng, nữ doanh nhân bị truy tố tội lừa đảo vào năm 1940.

Từ đó tới nay, nhiều công ty cũng nhảy vào nghiên cứu chai giấy nhưng chưa có thành công đáng kể. Hộp sữa giấy như ngày nay bắt đầu thịnh hành ở Mỹ từ thập niên 1930, nhưng kiểu bao bì này vẫn có nhựa và tráng nhôm, chưa kể không được tạo hình thành cái chai.

Một thiết kế trong bằng sáng chế của Koch

Một thiết kế trong bằng sáng chế của Koch

Chai giấy không còn là ý tưởng trên giấy- Ảnh 5.

Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận