TTCT - 60 USD/thùng là mức giá trần cho dầu Nga mà EU thỏa thuận được vào ngày 2-12 sau những cuộc tranh cãi nội bộ. Cơ chế giá trần này sẽ hoạt động thế nào, hậu quả với thị trường năng lượng Nga cũng như toàn cầu ra sao, và Nga có những biện pháp đối phó gì? Ảnh: The New York TimesCuộc thảo luận của EU về mức giá trần bắt đầu từ 23-11, nhưng bị trì hoãn do bất đồng giữa các thành viên. Malta, Hy Lạp và một số nước khác phản đối vì sợ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và bảo hiểm vận chuyển dầu Nga của họ. Hy Lạp có đội tàu chở dầu lớn nhất thế giới và những hạn chế mới đang lấy đi khách hàng chính của họ là Nga.Một số nước khác không thống nhất về mức giá. Ý tưởng về biện pháp giá trần trước tiên do các nước G7 và Úc khởi xướng, đề xuất mức giá trần 65-70 USD/thùng mà không có cơ chế điều chỉnh. Tuy nhiên, mức giá này đã bị Ba Lan, Litva và Estonia phản đối, họ yêu cầu mức thấp hơn một nửa: 30 USD/thùng. Sau nhiều ngày thương thuyết, cuối cùng chỉ còn Ba Lan phản đối.Đến chiều 1-12, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo tuyên bố: "EU phải chốt được thỏa thuận trước 5-12 [tức thời điểm lệnh cấm vận dầu mỏ chống Nga có hiệu lực - NV], bất chấp phản đối của Ba Lan". Một ngày sau, Ba Lan chấp thuận áp ngưỡng 60 USD với các điều kiện bổ sung của họ: mức trần phải luôn thấp hơn ít nhất 5% so với giá dầu trung bình và sẽ được xem xét lại hai tháng một lần, tức giá trần sẽ liên tục thay đổi tùy theo giá thị trường.Ảnh: ft.comGiá trần sẽ được triển khai ra sao?Mức giá trần cho phép các quốc gia nhập khẩu dầu từ Nga có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ của các công ty bảo hiểm và hãng vận tải biển phương Tây, nhưng chỉ khi giá nằm trong giới hạn đã thiết lập. Điều đó đồng nghĩa không có chuyện cấm vận hoàn toàn với vận chuyển dầu của Nga trên biển - mà chỉ cấm vận dầu được mua với giá trên mức trần. Với các tàu chở dầu Nga đã nạp dầu trước ngày 5-12, chúng sẽ được thời hạn chuyển tiếp là 45 ngày và phải dỡ hàng tại điểm đến cuối cùng trước ngày 19-1-2023.Hiện các công ty bảo hiểm hàng đầu, đều tập trung ở Mỹ và Anh, sẽ khó "qua mặt" quy định giá trần. (Theo báo Pháp Causeur, gần 90% hoạt động bảo hiểm và tài chính cho vận chuyển dầu của Nga bằng đường biển do các công ty châu Âu và Anh cung cấp). Nếu không có hỗ trợ từ các công ty này, chủ sở hữu tàu chở dầu sẽ không mạo hiểm vận chuyển dầu của Nga. Tuy nhiên, những biện pháp lách giá trần cũng đã ngay lập tức được nói tới: các kế hoạch "xám" trung chuyển dầu trên biển (chuyển từ tàu này sang tàu khác), hoặc tạo ra dầu "hỗn hợp", với ít hơn 50% dầu của Nga được trộn với dầu từ nước khác, qua đó sản phẩm chính thức không còn là "dầu của Nga" và sẽ lách được các hạn chế.Hãng tin Bloomberg lưu ý rằng vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời để xác định tác động của các biện pháp này với thị trường dầu mỏ. Ngoài ra, dù các công ty bảo hiểm phần lớn nằm ở châu Âu, vẫn có những lựa chọn thay thế. Công ty bảo hiểm Nga Ingosstrakh là một trong số đó. Hiện chính quyền Trung Quốc chưa công nhận bảo hiểm của Nga, nhưng Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ thì có.Ảnh hưởng của việc áp giá trần được đánh giá khác nhau tùy nơi. Trưởng bộ phận phân tích tại Công ty môi giới ngoại hối AMarkets (Anh) Artem Deev trả lời trên Moskovsky Komsomolets ngày 2-12 cho rằng các động thái mới "sẽ không làm thay đổi nhiều với thị trường toàn cầu, bởi mức 60 USD/thùng không khác mấy mức giá dầu của Nga được bán bình quân trong năm: khoảng 65 USD/thùng và vào tháng 11 - thậm chí có lúc giá bán chỉ 52 USD, nếu chiết khấu lớn".Phó giáo sư Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Nga, chuyên gia Trung tâm phân tích InfoTEK Valery Andrianov nói trên tờ Izvestia ngày 2-12 rằng mức giá trần này thực tế còn là sự "ân xá" của phương Tây với việc Nga cung ứng dầu cho mọi thị trường. Theo ông, "nhiệm vụ của mức giá trần không phải là trừng phạt Nga, mà là để duy trì sức hấp dẫn của việc xuất khẩu dầu từ Nga, tạo cơ hội cho phương Tây có được nguyên liệu thô của Nga, bỏ qua các biện pháp trừng phạt của chính họ, thông qua các cơ chế bán lại trên thị trường "xám"". Nói ngắn gọn, Mỹ coi cơ chế này là một công cụ để giữ dầu Nga trên thị trường mà vẫn hạn chế nguồn thu của Nga.Có thể đó là lý do mức giá trần được chốt ở 60 USD, khiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thất vọng, gọi mức giá này là "không nghiêm túc" và phê bình "lập trường yếu ớt" của EU. Theo cổng thông tin Hy Lạp rua.gr, mức giá này không đủ thấp để cắt đứt một trong những nguồn thu nhập chính của Nga, dù vẫn là mức giảm lớn so với dầu Brent chuẩn quốc tế, được giao dịch ở mức hơn 86 USD/thùng vào 2-12.Ảnh: Daily SabahNga đòi tuân thủ nguyên tắc thị trườngNgày 4-12, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak bày tỏ phản ứng chính thức của Matxcơva trước động thái mới của EU, G7 và Úc: Giá trần dầu là không thể chấp nhận và Nga sẽ không cung dầu cho các nước áp dụng nó; Nga đang nghiên cứu cơ chế nhằm tránh cung cấp dầu cho các quốc gia áp dụng mức giá trần; và sẽ chỉ cung cấp dầu và các sản phẩm dầu theo điều kiện thị trường, ngay cả khi cần phải giảm sản lượng.Trước đó, Igor Ananskikh, phó chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Năng lượng Đuma quốc gia, dự báo trên tờ Izvestia: "Với việc đưa ra những hạn chế này, giá dầu trên thị trường sẽ tăng. Lúc đầu là 10-15% và có thể nhiều hơn trong tương lai. Người thua cuộc chính sẽ là châu Âu, nơi sẽ phải mua dầu của Mỹ và Ả Rập đắt tiền hơn". Vị đại biểu Đuma này "mạnh miệng": "Ngay cả khi họ đặt ngưỡng 100 USD hay 200 USD/thùng, chúng tôi cũng sẽ từ chối hợp tác. Họ còn xem lại giới hạn này mỗi 2 tháng, nghĩa là không có gì ngăn cản họ sau đó đặt mức trần là 10 USD".Trên kênh Telegram Readovka, một số chuyên gia Nga nhận định mức giá trần là một "chiến lược tiêu hao": vừa giảm giá dần để kéo dài thời gian thích ứng với điều kiện mới, vừa ngăn Nga xây dựng các tuyến đường và kế hoạch thay thế. "Đây là một cuộc chiếnkinh tế không khác với cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Ukraine mà phương Tây đang tiến hành chống lại Nga. Hoa Kỳ cùng đồng minh của họ rõ ràng sẽ không dừng lại - đơn giản là họ không thể bỏ lỡ thị trường năng lượng châu Âu hấp dẫn", Readovka viết.Ảnh: Sky NewsCác kịch bản đối phóNhư đã nêu, việc kiểm soát thực hiện trần giá được tiến hành thông qua hoạt động bảo hiểm vận chuyển. Nga tất nhiên không chờ công bố lệnh cấm vận hay giá trần mà đã chuẩn bị cho những hạn chế mới từ trước. Ngoài việc tìm kiếm người mua và thiết lập các tuyến giao hàng mới, Nga đang cố gắng phát triển hệ thống bảo hiểm và đội tàu riêng cùng Iran, Trung Quốc và các nước Trung Đông.Chuyên gia Quỹ an ninh năng lượng quốc gia Nga Igor Yushkov cho rằng "Nga cần thành lập một đội tàu chở dầu riêng". Đội tàu này sẽ "đồng ý không chuyển dữ liệu về giá dầu cho Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài của Hoa Kỳ (OFAC). Vì vậy, có thể lách lệnh trừng phạt". Tuy nhiên, để làm được điều đó, cũng theo ông Yushkov, "việc thanh toán phải được thực hiện bằng đồng tiền quốc gia của bên mua và bên bán, để các tổ chức Mỹ và châu Âu không có quyền truy cập vào dấu vết tài chính của các giao dịch".Không phải ngẫu nhiên mà giá trần chỉ quy định với dầu vận chuyển bằng đường biển: Hoa Kỳ không thể kiểm soát giá dầu bán qua đường ống. Ông Yushkov nêu ví dụ: Nga cung cấp dầu cho Trung Quốc qua đường ống và việc thanh toán được thực hiện bằng tiền tệ của hai nước.Theo Alexander Potavin - nhà phân tích tại FG Finam, có ba kịch bản với Nga sau 5-12. Trong kịch bản tốt nhất, giá dầu của Nga sẽ tăng lên 70 USD/thùng và khối lượng sản xuất sẽ không giảm so với mức hiện tại là 10,8 triệu thùng/ngày. Trong trường hợp xấu nhất, giá dầu Urals giảm xuống còn 50 USD/thùng và sản lượng giảm 1,2-1,7 triệu thùng mỗi ngày. Tuy nhiên, kịch bản cơ sở giả định rằng dầu của Nga sẽ duy trì ở mức 60 USD/thùng và khối lượng sản xuất chỉ giảm 0,3-0,5 triệu thùng mỗi ngày.Hưởng lợi lớn nhất được dự báo là Trung Quốc, Ấn Độ và các nước đang phát triển khác, những nước có khả năng sử dụng các hạn chế để yêu cầu Nga giảm giá dầu hơn nữa. Các công ty dầu mỏ Nga sẽ phải đối mặt với chi phí hậu cần tăng, vì hành trình của tàu chở dầu từ cảng bốc dỡ dầu lớn nhất của Nga ở biển Baltic, Primorsk, đến các cảng châu Âu chỉ mất 3-4 ngày, trong khi đến Ấn Độ mất khoảng một tháng. Trước lệnh cấm vận, giá thuê tàu chở dầu đã tăng hơn gấp đôi: vận chuyển dầu của Nga từ Baltic đến Ấn Độ tăng lên 20 USD/thùng. Nếu thêm vào chi phí sản xuất và thuế, cũng như chiết khấu bắt buộc, thì lợi nhuận các công ty dầu mỏ của Nga thu được "không còn đáng kể," Potavin nói.■Theo IEA, từ tháng 5-2022, vận chuyển dầu của Nga sang phương Tây đã giảm 2,2 triệu thùng mỗi ngày, 2/3 sản lượng giảm bớt đó được Nga chuyển sang Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Ấn Độ hiện là khách mua dầu vận tải đường biển lớn nhất của Nga, trong khi Trung Quốc dẫn đầu việc mua dầu qua đường ống.Nga cũng đang được các nước sản xuất dầu mỏ khác trong liên minh OPEC+ ủng hộ. Những nước này đã giảm hạn ngạch sản xuất vào tháng 11, đẩy giá dầu lên cao. Saudi Arabia và các nước Trung Đông không hài lòng với các động thái can thiệp vào thị trường của phương Tây do lo ngại một tiền lệ không hay cho OPEC. Tại cuộc họp ngày 4-12, OPEC+ đã xác nhận họ vẫn cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng mỗi ngày. Tags: Áp giá trầnGiá thị trườngTàu chở dầuChâu ÂuNgaEUChính phủ NgaCắt giảm sản lượngVận tải đường biểnThị trường toàn cầu
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.