TTCT - Sau bến Nhà Rồng, Nhà hát TP, trụ sở UBND TP, TP.HCM vừa đầu tư 1,4 tỉ đồng lắp đặt hệ thống chiếu sáng mỹ thuật cho cầu Mống (quận 1) - công trình lịch sử xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Khi nào thì chiếu sáng đô thị giúp TP... kiếm tiền tốt hơn, như đã thấy ở nhiều TP khác? Phóng to Khu hồ bán nguyệt - Phú Mỹ Hưng về đêm - Ảnh: flickr/ Fanclub J_Green Dù đã góp phần đáng kể trong việc tạo cảnh quan về đêm cho đô thị, nhưng cả bốn công trình kể trên chỉ dừng lại ở việc chiếu sáng mỹ thuật mặt đứng. TP.HCM về tổng thể vẫn rất thiếu các không gian công cộng được thiết kế chiếu sáng tốt, hiệu quả năng lượng, tạo sự an toàn và tiện nghi phục vụ các hoạt động cộng đồng lành mạnh của người dân và du khách vào buổi tối. Paris (Pháp) được mệnh danh là đô thị của ánh sáng không chỉ nhờ những công trình cổ điển được chiếu sáng rực rỡ, mà vì còn có những không gian công cộng được chiếu sáng tốt về đêm. Ai đến New York (Mỹ) chắc sẽ không thể quên một quảng trường Thời Đại (Time Square) đông vui tấp nập - hiện thân của một “thành phố không ngủ”. Tại London (Anh), ban ngày tấp nập du khách ở những danh thắng nổi tiếng như nhà Quốc hội, điện Buckingham, nhưng vào ban đêm thì sự náo nhiệt lại chuyển sang West-End - khu mua sắm lớn với quần thể nhà hát, rạp chiếu phim, nhà hàng, khách sạn và câu lạc bộ đêm... Ở Hong Kong, ngoài những khu phố mua sắm Tsimsasui, Causeway Bay sáng rực mở cửa đến tận 1g sáng, du khách thường ít khi bỏ qua buổi trình chiếu ánh sáng Symphony of the light tại khu vực bến cảng Victoria lúc 20g mỗi ngày. Tối nay đi đâu? Ở các TP lớn của Việt Nam như Hà Nội và TP.HCM, khái niệm “buổi tối” ngày nay trở nên rất quan trọng đối với đời sống của cư dân đô thị và câu hỏi “Tối nay đi đâu?” cũng quan trọng không kém “Tối nay ăn gì?”. Ở Hà Nội, khu vực Hàng Ngang - Hàng Đào đã có chợ đêm, khu vực quanh bờ hồ sau 21g vẫn đông đúc người ăn uống, mua sắm, tham gia các hoạt động cộng đồng như khiêu vũ, tập thể thao. Ở TP.HCM, dù chưa có quy hoạch cụ thể nhưng những khu vực như xung quanh chợ Bến Thành, “khu phố Tây” Phạm Ngũ Lão, dọc đường Nguyễn Trãi kéo dài từ quận 1 sang quận 5 bắt đầu xuất hiện hình thái sinh hoạt đô thị đêm. Tại TP Nha Trang đã thành hình cả một không gian công cộng nhộn nhịp về đêm ở khu bãi biển trước đường Trần Phú với dàn đèn pha dọc bờ biển. TP Đà Nẵng đã có kế hoạch chiếu sáng khu vực dọc bờ sông Hàn và chiếu sáng mỹ thuật các cây cầu lớn như Thuận Phước, Sông Hàn, Trần Thị Lý sắp xây. Đặc biệt ở dự án cầu Rồng, thắng cảnh mới của Đà Nẵng trong tương lai, UBND Đà Nẵng đã đặt hàng các chuyên gia thiết kế chiếu sáng mỹ thuật cho cầu và cảnh quan xung quanh kết hợp trình diễn ánh sáng, phun lửa, phun nước vào các buổi tối phục vụ du khách. “Lãnh đạo các TP bắt đầu nhận thấy rằng chiếu sáng thể hiện sự phát triển của TP và ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân” - tiến sĩ Nguyễn Thị Bắc Kinh, cố vấn kỹ thuật cao cấp của Dự án chiếu sáng công cộng hiệu suất cao (VEEPL 2011) do Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tài trợ, nhận xét về sự thay đổi này. Phóng to Công viên Garden by the Bay Singapore - Ảnh: flickr Tầm nhìn xa về quy hoạch chiếu sáng đô thị Việc chiếu sáng tốt các không gian đô thị không chỉ tạo ra những không gian an toàn và an ninh cho người dân, thay đổi bộ mặt đô thị về đêm mà còn là một cú hích cho phát triển kinh tế nếu biết khai thác tốt. Ở những đô thị lớn trên thế giới, chính quyền TP đã chú ý thiết lập những quy hoạch vĩ mô về chiếu sáng cho toàn TP (urban lighting masterplan). Theo Tổ chức Cộng đồng chiếu sáng đô thị thế giới (1), việc quy hoạch chiếu sáng đô thị đóng góp lớn vào việc xây dựng phát triển đô thị bền vững. Có ba lợi ích lớn mà quy hoạch chiếu sáng đô thị cần chú trọng: Quy hoạch chiếu sáng đô thị giúp hỗ trợ phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội của người dân: Một ví dụ dễ thấy nhất là ở các TP có những không gian đô thị chiếu sáng tốt giúp hình thành những “điểm đến về đêm” (night time destination). Cư dân và du khách sẽ đổ ra đường về đêm nhiều hơn, tham gia ăn uống, mua sắm, chi tiêu nhiều hơn, kích thích kinh tế, tạo việc làm, giúp tăng thu ngân sách nhiều hơn so với khoản chi phí đầu tư cho chiếu sáng đô thị. Thêm vào đó, các hoạt động này còn giúp gia tăng tính cộng đồng, tăng giao tiếp xã hội lành mạnh, tạo một đô thị đêm an toàn và an ninh hơn, giúp giảm các tệ nạn xã hội. Cha mẹ sẽ thích chở con cái đi hóng mát buổi tối hơn, các bạn trẻ thích ra ngoài dạo bộ, tập thể thao hơn thay vì ngồi nhà xem tivi, chơi game hoặc đi nhậu, đua xe quậy phá. Giúp sử dụng năng lượng cho chiếu sáng hiệu quả hơn: Hằng năm, TP.HCM phải trả khoảng 120 tỉ đồng tiền điện cho chiếu sáng công cộng (số liệu năm 2009). Với sự hỗ trợ của UNDP, TP đã thay thế các thiết bị chiếu sáng đô thị hiệu quả hơn, giúp tiết kiệm 40% năng lượng cho chiếu sáng đường phố. Tuy nhiên, dự án này mới tập trung nghiên cứu vấn đề quản lý chiếu sáng đường phố hiệu quả năng lượng mà chưa nghiên cứu xa hơn về quy hoạch chiếu sáng đô thị. Quy hoạch chiếu sáng đô thị giúp hạn chế ảnh hưởng xấu đến môi trường sống: Việc quy hoạch chiếu sáng đô thị góp phần hạn chế “ô nhiễm ánh sáng” (lighting pollution), một khái niệm còn chưa được phổ biến ở Việt Nam. Ô nhiễm ánh sáng gây ra do chiếu sáng quá mức, ảnh hưởng hàng xóm, ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe người khác mà ở Việt Nam, thường thấy nhất là các bảng hiệu quảng cáo chói lóa, dùng tùy tiện các đèn công suất lớn chiếu lên trời để gây chú ý. Có hẳn một tổ chức quốc tế tên là Hiệp hội Bảo vệ bầu trời đen quốc tế (2) - vì khi một đô thị bị ô nhiễm ánh sáng quá mức, người dân không còn nhìn thấy hình ảnh của dải ngân hà, bầu trời đầy sao và ngay cả mặt trăng. Có những định kiến rằng chiếu sáng tốt, chiếu sáng đẹp nghĩa là phải bố trí thêm đèn, tốn điện, tốn tiền. Nhưng một không gian công cộng được chiếu sáng tốt là một không gian được quy hoạch chiếu sáng đúng chỗ, đúng lúc, đủ nhu cầu, và nhất là chiếu sáng không gian đô thị khác chiếu sáng giao thông đường phố. Nhiều không gian đô thị ở Việt Nam hiện nay được chiếu sáng theo kiểu “chiếu sáng hạ tầng” thay vì có những phương án nghiên cứu chiếu sáng thích hợp tạo “bản sắc” cho từng loại hình thái không gian đô thị khác nhau. Ánh sáng là tiền bạc Giá trị kinh tế - xã hội của việc quy hoạch chiếu sáng đô thị bài bản thật ra lớn hơn nhiều so với chi phí đầu tư và vận hành hệ thống chiếu sáng. Người viết bài có dịp được tham gia dự án quy hoạch chiếu sáng đô thị cho Mainz - một TP nhỏ với 200.000 dân ở tây nam nước Đức. Các hệ thống chiếu sáng cho những con đường dẫn từ nhà ga xe lửa và các trục cửa ngõ chính của TP được thiết kế để... định hướng du khách, ngay khi họ vừa xuống tàu xe vào ban đêm, giúp họ xác định ngay được (qua cường độ ánh sáng, màu sắc) đường nào dẫn đến khu dân cư, đường nào dẫn đến khu trung tâm, khu ăn uống mua sắm... Khu vực đi bộ trung tâm và các thắng cảnh ở đây được chiếu sáng đặc biệt mỹ thuật. Mainz vào ban đêm vì vậy có một dáng vẻ hoàn toàn khác biệt so với chính nó vào ban ngày. Năm 2008, chính quyền TP Hàng Châu (Trung Quốc) quyết định đầu tư 22 triệu đôla và mời chuyên gia chiếu sáng nổi tiếng thế giới người Pháp Roger Narboni giúp thiết kế chiếu sáng cho 10km con kênh Đại Vận Hà (3) nổi tiếng. Ban đầu chính quyền TP thích chiếu sáng rực rỡ theo kiểu Las Vegas hay Dubai, nhưng sau khi tham vấn chuyên gia, dự án đã được hoàn thành theo hướng tạo sự độc đáo và tôn trọng bản sắc địa phương. Chuyên gia Narboni nói: “Trước khi chiếu sáng, hai bên bờ kênh tối om; sau khi hoàn thành dự án mọi người chờ đến chiều là tụ tập dọc bờ kênh để khiêu vũ, tập thái cực quyền, và hát”. Khu kênh đào trở thành điểm đến tham quan nổi tiếng về đêm, đi du thuyền dọc kênh vào ban đêm được du khách xếp vào “10 nơi cần tham quan ở Hàng Châu” và truyền nhau “Đến Hàng Châu, ngày thăm thú Tây Hồ, tối viếng Đại Vận Hà” (Thượng Hải Nhật Báo). Regent’s Place là một dự án phức hợp văn phòng - căn hộ được xây dựng năm 2010 giữa trung tâm London (Anh). Nhằm gia tăng giá trị thương mại cho dự án, chủ đầu tư cùng chính quyền địa phương đầu tư chiếu sáng các khu quảng trường công cộng trước công trình, tạo một điểm đến đô thị về đêm an toàn và tiện nghi. Điểm đặc biệt của dự án này là ánh sáng chiếu sáng khu công cộng được tính toán khéo léo tận dụng ánh sáng từ các sảnh nội thất, ánh sáng khu văn phòng hắt ra. Cả công trình không có cột đèn đường nào. ____________ (1) LUCI, Lighting Urban Community International(2) IDA: The International Dark-Sky Association là tổ chức phi lợi nhuận hoạt động nhằm hạn chế ô nhiễm ánh sáng, giảm năng lượng tiêu thụ cho chiếu sáng, giảm thiểu tác động lên hệ sinh thái bản địa. (3) Đại Vận Hà là kênh đào lịch sử lớn nhất ở Trung Quốc được xây dựng từ năm 481 trước Công nguyên, dài gần 1.800km và là điểm du lịch nổi tiếng của Hàng Châu. Tags: Hệ thống chiếu sángKiếm tiềnBến Nhà Rồng
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, Chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.