Chuẩn bị... trốn tết

HOÀNG HỒNG MINH 31/12/2012 20:12 GMT+7

TTCT - Năm hết... Xe pháo, tàu bò, tàu bay sạch vé. Người người chuẩn bị về nhà về quê đón tết...

Phóng to
Tranh: Đức Trí

Làng nước

Mới đây thôi, phần lớn dân chúng ta chỉ sống ở trong làng. Ra khỏi làng là một cú rơi tự do. Những ai phải rời khỏi làng để đi nơi khác kiếm sống được coi là những người phải “tha phương cầu thực”, tới nơi xa lạ để mong tìm ra cái ăn, cái mặc... Vậy thì ngày tết, ngày giỗ, ngày đám vui, ngày đám buồn, những người tha phương phải sống chết mà về được làng mình, thỏa được tình cảm đã đành, mà cũng để cứu lại được cái danh giá giữa làng của mình.

Trường hợp duy nhất ra khỏi làng mà càng được danh giá là nấu kinh thi đỗ, rồi được bổ ra làm quan ở nơi xa. Nhưng cái danh lớn nhất thì vẫn nằm chờ đó ở làng mình. Thi đỗ phải về được làng, vinh quy bái tổ. Làm quan to về làng mới thỏa oai, về làng mua nhà, mua ruộng, dựng lại nhà thờ họ mình ở làng cho thật lớn, át họ người. Bị bãi quan thì “về vườn”, gieo vần thanh tao, vui thú ở quê nhà. Chết thì có gò cao mả sang ở đất tổ.

Những chuyện này còn nguyên dấu ấn trong nền hành chính của xứ Việt đến tận hôm nay. Cái chứng minh thư của người Việt ngoài mục “nơi sinh” vẫn còn cả mục “quê quán” hay “nguyên quán”! Nhiều người không biết khai ra làm sao, phải cố vác quê quán của ông bà cụ kỵ ra mà điền vào. Rồi các bản khai lý lịch cũng có cái mục tương tự. Khai thì cứ khai, trong khi nhiều người từ bé sinh ra đến gần già mà cũng chưa có dịp nào được biết đến “quê quán” xa tắp của mình ra sao.

Guồng sống phường phố

Dần dà công cuộc đô thị hóa, đặc biệt là cơn lụt đô thị hóa từ những năm “cởi trói” 1990 trở lại đây, đã đưa đa số người Việt hôm nay rời khỏi làng xóm, cuốn vào guồng sống đô thị. Đó là kết quả của sự tự do hóa đi lại, tự do hóa cư trú, tự do hóa làm ăn. Dĩ nhiên thôi. Có điều việc này không được nghiên cứu, không được quy hoạch, không có sự chuẩn bị của xã hội về rất nhiều mặt, đặc biệt là về chính cái mà ít người nghĩ đến nhất - về văn hóa.

Việc rời khỏi làng ra phường phố sống trở thành dòng chuyển đổi phổ quát, nhưng con người của thời kỳ chuyển tiếp này lại không dứt được ra khỏi hệ thống của những tập tục xóm làng, và cũng không được ai giúp đỡ. Khổ hơn thế, con người ra đến phường phố hôm nay phải chịu mấy chục cái làng chồng chất lên đời sống của mình!

Vì mới bắt đầu đời sống đô thị trong ngay cuộc đời mình, hay đời bố mẹ mình, cái làng quê cũ của số rất đông con người phường phố vẫn còn nguyên vẹn đó, với bao nhiêu gắn bó hiện thực. Nói hiện thực là vì người của đại gia đình còn ở đó, họ hàng còn ở đó, nhà cửa ruộng vườn, tức tiền nong có khi còn đó, các tập tục, trách nhiệm, quyền lợi, bổn phận, danh dự... vẫn ở đó. Hệ thống các thói quen tập tục làng xóm lại bén rễ ngay lập tức, sinh sôi nảy nở um tùm trong cái đời sống đô thị non nớt hôm nay. Ai cũng khiếp sợ “tập tục vạn làng” trong đời sống phường phố, nhưng không ai dám dứt điểm chống lại những tập tục này.

Các cụm dân cư đô thị mới vẫn quá quen với cách sống xóm làng. Ngay đường phố nơi đây chưa phải hoàn toàn đã là của “công cộng”, mà là của “phường làng phố làng”, nơi mà ai lấn được việc gì thì... cứ cố xem sao. Vỉa hè phía trước nhà mình thì phải là... “nửa phần của nhà mình rồi”. Tôi nhớ chuyện một người bạn Pháp ở Paris đã gắn vào cổng nhà mình cái biển báo mua sẵn, trên đó in “cấm đậu xe, chỗ ôtô ra vào garage, theo điều luật số...”. Rồi một hôm vội việc, anh ta đậu xe trước cổng nhà mình và chạy lên nhà. Công an đi qua và họ cài luôn cái giấy phạt vào xe (của chủ nhà) đậu ở đó, đúng nguyên tắc phố phường là nơi của công cộng.

Thế rồi, tết phường phố đến!

Nếu cứ viếng với thăm người của từng ấy cái làng của mình, hoặc/và đón khách của từng ấy cái làng của mình, liệu bạn có còn đủ sức vui tết nữa hay không? Chưa kể đến cái hủ tục quà cáp, mừng tuổi, chè chén chúc tụng suốt mấy ngày ở phường phố vạn làng...

Từ một đời sống nhỏ nhắn, êm đềm trong một cái làng nhỏ, đến khi phải đi vào đời sống đô thị nghìn nghịt những người và việc, nếu chưa tìm được giải pháp cho nó thì cũng cố đừng nhân vấn đề lên! Tôi gọi điện cho anh bạn hỏi anh sẽ đón tết ra sao. “Tôi đặt vé đi nghỉ rồi”. Năm hết... xe pháo, tàu bò, tàu bay đã sạch vé. Trong số hành khách đó hóa ra đã có cả những người đi chơi trốn tìm món tết ở tận đâu xứ nào.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận