Chứng nhận thành tích xa xưa? Vứt hết đi là vừa

TRỌNG NHÂN 03/01/2024 12:43 GMT+7

TTCT - Những bằng chứng hùng hồn về một thời lừng lẫy kia có thể quay lại khiến bạn muộn phiền, thậm chí cười vào mặt bạn.

Chứng nhận thành tích xa xưa? Vứt hết đi là vừa- Ảnh 1.

Góc thành tích - nơi treo những bằng khen sáng chói, trưng những cúp lưu niệm lấp lánh - có thể là chỗ bất khả xâm phạm, tuyệt đối không được bỏ bớt thứ gì nếu phải dọn dẹp nhà cửa. Nhưng những bằng chứng hùng hồn về một thời lừng lẫy kia có thể quay lại khiến bạn muộn phiền, thậm chí cười vào mặt bạn.

Năm 1817, thi sĩ Percy Bysshe Shelley (Anh) khi nhìn thấy bức tượng bị hư hỏng nặng nề của pharaoh Ai Cập Ozymandias đã cảm tác viết bài thơ cùng tên. 

Những dòng thơ hiện lên sự đối lập giữa quá khứ lẫy lừng của "vua của những vì vua" và thực tế phũ phàng: thành tựu vinh quang của Ozymandias chẳng còn gì "ngoài một nỗi điêu tàn", một "đống đổ nát khổng lồ, trống không và vô tận, cùng nỗi cô đơn mênh mông trải dài trên cát" (*).

Suốt hàng thế kỷ, những bằng khen, huy chương, cúp vàng luôn là những thứ lưu giữ khoảnh khắc vinh quang. Giả sử bạn giành chiến thắng cuộc thi bé khỏe bé ngoan lúc còn nhỏ. Vào giây phút bạn được xướng tên lên nhận giải, cảm giác thật ngọt ngào nhưng rồi sẽ dần nhạt đi. 

Để níu giữ cảm giác thích thú ấy, người ta cần một vật hữu hình, chẳng hạn một giấy chứng nhận ghi "Bé khỏe bé ngoan". Mỗi lần nhìn lại tờ giấy vinh danh đó, những cảm xúc trong thời điểm đăng quang sẽ ùa về trong bạn.

Đừng tưởng đấy chỉ là cảm tính. Men say chiến thắng cũng có thể định lượng đàng hoàng. Năm 2014, hai nhà kinh tế học người Đức cho một nhóm 76 người lớn tham gia kiểm tra giải toán. Người thắng được một cây bút trị giá 2,1 euro, còn người thua trắng tay; sau đó họ được yêu cầu ra giá bán lại cây bút này. 

Kết quả, những người giành chiến thắng sẽ muốn bán cây bút với giá 4,4 euro - giá tiền giờ như được nâng lên bằng giá trị cảm giác của sự vinh quang. Trái lại, những người thua cuộc khi được hỏi họ muốn mua cây bút giá bao nhiêu, họ chỉ đồng ý trả 57 xu. Phần lớn họ có ác cảm với kỷ vật này bởi sâu xa nó đang gợi nhắc họ về thất bại của mình.

Những vật kỷ niệm không chỉ đơn thuần phản ánh bạn đã thành công hay thất bại trong một thời điểm, mà thường gợi lên trong bạn sự so sánh liên thời gian. Một nhóm nghiên cứu từng gặp gỡ những người dân sống ở khu vực Đông Âu để nghe cảm nhận về cuộc sống của họ trước và sau khi khối này tan rã. 

Nhóm các nhà khoa học phát hiện rằng khi nhìn lại những gì đã qua, nếu cuộc sống trong quá khứ càng tốt đẹp thì hạnh phúc của họ ở thời điểm hiện tại càng thấp.

Trong một bài viết cho tạp chí The Atlantic, Arthur C. Brooks, tác giả của nhiều đầu sách kỹ năng thương trường, kể chuyện "thay đổi nhận thức" của một người bạn dày dạn kinh nghiệm làm ăn. 

Trước đây, cứ mỗi lần vào văn phòng của người này ở New York là Brooks ngỡ như lạc vào khu trưng bày danh hiệu của một cầu thủ bóng đá danh tiếng, nơi khách ghé thăm chỉ có thể trầm trồ ngưỡng mộ trước những bằng khen, huy chương, danh hiệu treo đầy tường, những bìa báo, tạp chí được lộng khung, và một tờ chứng nhận với dòng chữ cực kỳ hút mắt: "CEO của năm". 

Ngoài ra, còn hơn chục món đồ lưu niệm được khắc ngày tháng kỹ lưỡng, đánh dấu các thời điểm doanh nhân này mua công ty này bán doanh nghiệp kia.

Ấy vậy mà gần đây, Brooks ngạc nhiên khi biết bạn mình đang có ý định quăng hết những kỷ vật vàng son. Tại sao ư? Ông ấy nói chuyện kinh doanh đang gặp khó, nên cứ nhìn những danh hiệu một thời vang bóng kia là lại cảm thấy lòng đau như cắt. "Có khi, tôi còn thấy những danh hiệu treo trên tường như đang cười nhạo tôi" - doanh nhân này nói.

Vậy phải chăng những bằng khen, danh hiệu, huy chương gợi nhắc thời đại hoàng kim của bạn có phải một thứ tội lỗi? Hay một bức tranh treo chân dung bạn những ngày còn trẻ đẹp, tràn đầy năng lượng có phải là nguyên nhân khiến bạn luôn đau lòng khi trở về nhà? Nghĩ vậy cũng hơi oan.

Brooks cho rằng người chơi golf thường phàn nàn họ không chơi tốt, bằng cách so sánh điểm số ngày hôm ấy với điểm hôm họ thi đấu thăng hoa nhất. Như vậy là không công bằng. Theo tác giả, điều quan trọng trên hết là trò chơi bạn đang chơi hôm nay, bởi đó mới là cuộc sống. Mỗi ngày là một cuộc phiêu lưu với sự thăng trầm, một hành trình đầy trải nghiệm đúng với thực tại của bạn.

Nếu muốn giữ những huy chương, bằng khen thì sao? Brooks cho rằng chẳng sao cả nếu đó là những danh hiệu về những thành tựu đỉnh cao trong cuộc đời của bạn. Hoặc ít nhất, bạn có thể chọn những thứ muốn giữ lại. 

Một kỷ vật phù hợp nên là thứ ghi lại được khoảnh khắc của sự hài lòng nội tại trong bạn hơn là sự hào nhoáng bề ngoài của những danh hiệu.

"Còn với những chứng minh thành tích trên tường đang cười nhạo bạn? Cứ ném chúng đi. Người bạn của tôi ban đầu cảm thấy rất khó khăn khi dọn kệ để bằng khen danh hiệu bởi anh ấy có cảm giác nếu rời xa một trong số chúng thì sẽ mất đi sợi dây liên lạc với chính bản thân. Cuối cùng, anh ấy vẫn bỏ đi và cảm thấy tâm trạng tốt hơn rất nhiều. Và rồi, anh ấy biết được mình cần sống cho hiện tại" - Brooks kết bài.

(*) Các câu thơ lấy từ bản dịch Ozymandias của Lục Phong

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận