Chuyện của George hay chuyện của "Chuột"

TRỊNH TÚ 30/04/2013 22:04 GMT+7

TTCT - Câu chuyện đã qua ngót 10 năm rồi mà vẫn chưa viết ra được, phần thì muốn giữ riêng cho mình, phần thì sợ chữ nghĩa sẽ lạnh lẽo, kém cỏi không nghe được những xúc cảm đã cất giấu kỹ lưỡng, thi thoảng mới hong ra nhấm nháp.

Phóng to
Minh họa: Trịnh Tú

Nhưng mà lạ, những chiều đầu hạ, hàng cây sấu ở chính nơi đó lại trút lá như bông đùa với ánh sáng, dát vàng lên vỉa hè. Thời gian là thế, vẫn thản nhiên lộng lẫy bay trên mọi nỗi niềm. Vậy thì phải viết lại thôi.

Hà Nội chỉ có duy nhất một con phố có bốn hàng cây trồng hai bên vỉa hè rộng rãi mà chủ yếu là cây sấu, một thứ cây bốn mùa đều thay lá. Nghe nói đó là thứ cây người Pháp đã chọn lựa khi quy hoạch một Hà Nội mới của họ từ sau khi thành Cửa Bắc thất thủ, cụ Hoàng Diệu tuẫn tiết. Đó là phố Phan Đình Phùng, một phố đẹp từ kiến trúc đến từng sợi cỏ đón lá rơi.

Mươi năm trước, ở phía đầu phố gần ngã ba Hàng Bún có một quán bar nhỏ tên là Balance (giờ là Quán Cũ với tám tầng khang trang, đủ món) bán rượu tây ta đủ cả, với những món ăn vừa túi tiền của các ma men. Mà lạ, khách đến hầu hết là Tây. Hình như hàng cây trước cửa đã mời gọi những kẻ sành điệu xa nhà.

Tôi ở cách quán Balance có vài bước chân nên cũng thành những kẻ xa nhà tìm nơi trú ngụ mỗi khi chiều xuống, uống vài ly rượu ngắm lá bay. Ngày đó, đến trước tôi bao giờ cũng là một người đàn ông luống tuổi, mái tóc bạc thưa thớt, khuôn mặt đỏ au, cặp mắt xanh ngơ ngác, đứng uống một mình bên quầy bar để nhường ghế cho những khách ồn ào khác. Và chiều nào cũng là nửa chai Lúa Mới, dăm ba quả dưa chuột muối rồi lặng lẽ ra về sau khi gọi một suất cơm nhỏ, đôi khi là cơm rang, mang về.

Lâu rồi thành quen tôi mới biết ông là người Úc có tên là George. George đã từng là phi công trực thăng tham chiến tại Việt Nam. Sau chiến tranh George làm cho một hãng khai thác dầu có tiếng ngoài biển Đông, sát Philippines. Ông vẫn lái trực thăng từ đất liền ra giàn khoan và ngược lại. Và chính ở nơi đó ông đã có lần cứu được những ngư dân Việt Nam bị bão tố và hải tặc đe dọa.

Chỉ đôi lần giữa biển khơi như thế, George quyết định bỏ việc để trở lại Việt Nam như tìm đến sự cứu chuộc cho nỗi ám ảnh của riêng mình. Khổ nỗi kinh doanh đâu phải sở trường của George. Ông làm đâu thua đấy. Quyết định cuối cùng là bằng số lương hưu cựu chiến binh, George thuê một căn phòng nhỏ ở phố Lý Nam Đế để khi chiều đến ra quán Balance uống nốt cuộc đời mình.

Có lần tôi hỏi về suất ăn khiêm nhường được gói ghém cẩn thận trước khi ra về, George tủm tỉm cười rồi nói khẽ rằng đây là phần ăn tối của “Chuột”. Thì ra “Chuột” là tên George đặt cho bé gái nhỏ chừng 5, 6 tuổi, cháu của ông bà đã cho George thuê nhà. George nói đó là niềm vui cuối đời của mình.

Thân thiết với nhau chừng dăm tháng thì đến một buổi chiều, lá sấu rụng nhiều hơn mọi ngày, tôi sang quán thì thấy Tiến chủ quán mắt ngấn lệ nghẹn ngào nói: George vừa qua đời cách đây nửa tiếng. Cháu Chuột chạy sang báo rồi òa khóc về ngay. Chúng tôi vội sang để làm tất cả những gì cần thiết cho George.

Lẫn lộn trong số đồ đạc quần áo của George có một cuốn sổ tiết kiệm, ngay đầu trang là tờ giấy dán vàng ghi những dòng tiếng Việt chữ in như sau: “TOÀN BỘ SỐ TIỀN TRONG SỔ TIẾT KIỆM NÀY LÀ CỦA CHÁU CHUỘT, CHÁU ÔNG BÀ LÊ HỮU… NGƯỜI CHO TÔI THUÊ NHÀ. KÝ TÊN…”.

Chắc George phải đánh vật với những dòng tiếng Việt này vất vả lắm. Cũng phải mất gần một tháng, bằng tất cả mọi quan hệ quen thuộc chúng tôi mới xong thủ tục cho Chuột sở hữu số tiền trên, mà thực ra cũng đâu có nhiều.

Lại một chiều nhiều gió nhiều lá, tôi cùng Tiến Balance đến thăm nhà Chuột, nơi vẫn treo ảnh George. Chúng tôi đến vừa lúc Chuột đi học về, nó đã sắp hết mẫu giáo lớn. Chưa kịp chào chúng tôi, Chuột hớt hải nói với bà: “Bà ơi, cô giáo vừa nhắc cả lớp là các con về nói với phụ huynh các con ngày mai là sinh nhật của cô, sáng đến cô đã nói một lần rồi. Bà nhớ nhé, hay là bà rút tiền tiết kiệm của ông George cho con cũng được…”.

Chưa bao giờ có một mũi tên bắn thẳng vào tim tôi như vậy. Nỗi buồn khi George mất đi nhẹ như một đám mây về trời. Còn nỗi buồn khi nghe Chuột nói đã dìm tôi xuống thẳm sâu đớn đau.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận