Chuyện một "thằng cá biệt"

PHAN THỊ VÀNG ANH 02/06/2019 18:06 GMT+7

TTCT - Mẹ nghĩ, rồi thằng Trung Dũng ấy vào đời thế nào, có phải sếp nào sau này cũng nhìn được người như cô giáo kia đâu. Đời chỉ trải thảm cho những đứa thấy ai làm gì cũng thích, nghe ai nói gì cũng cười hùa được

 Vẫn chuyện họp phụ huynh, năm ngoái cô giáo thông báo danh sách học sinh nhận giấy khen. Có 17 trò cả thảy, tức 25 trò còn lại ngơ ngáo tay trắng về với bố mẹ. Biết ăn nói sao với cơ quan đây, lấy gì mà nộp cho công đoàn trong khi ai nấy rầm rập nộp? Phần thưởng cơ quan chẳng bao nhiêu, nhưng là cái sĩ diện của bậc làm phụ huynh.

“Thưa cô, chúng tôi chẳng cần phần thưởng đâu, nhưng giấy khen là một sự khích lệ. Chúng tôi sẵn sàng đóng tiền để mua cho các trò còn lại mỗi trò một phần quà, và xin cô in cho mỗi trò một tờ giấy khen, thành tích gì cũng được, coi như khuyến khích” - một nữ phụ huynh bức xúc.

“Nói chướng thế nhỉ!” - cô giáo nghĩ bụng. Nhưng cô ôn tồn: “Dạ thưa tụi em cũng muốn khuyến khích lắm, nhưng quy định về giấy khen là như thế rồi, không làm khác được ạ... Dạ, còn ai có ý kiến khác không ạ?”.

Một chị khác (lưu ý là họp phụ huynh đa phần là các mẹ đi, các bố biến đâu mất): “Thưa cô, tôi không đồng ý vì danh sách được giấy khen có trò Trung Dũng”.

Cả phòng ồ lên, quay ngang quay ngửa, nhao nhao.

“Trúng trọng tâm rồi, biết ngay mà” - cô giáo nghĩ bụng.

Chị kia tiếp, giọng uất ức: “Trò Dũng thường xuyên ăn hiếp các trò khác. Ăn nói cộc cằn, không biết nể nang ai”.

Cô giáo cười cười: “Vâng, trò ấy đúng là không nể nang. Em đi mổ về, trò ấy đến hỏi, thưa cô, vừa rồi cô có truyền dịch không? Em bảo, có, mà sao hả con? Dạ thưa cô, con thấy cô dữ lên hẳn, cô dạy không hay như trước nữa”.

Đám phụ huynh nhìn nhau, lắc đầu, kiểu “Đồ mất dạy, dám nói thế với cô à?”.

“Trò ấy ngỗ nghịch, vì sao lại được giấy khen?” - một phụ huynh phát biểu.

“Dạ thưa, trò đó có ưu có khuyết tùy cách nhìn - cô giáo nhỏ nhẹ - Tuy trò ấy dữ nhưng lại hay bảo vệ các bạn nhỏ con. Trò ấy từng giải thoát vài bạn lớp mình khỏi các anh lớp 5 bắt nạt. Ngoài ra trò ấy học giỏi. Điểm số trò ấy là không phủ nhận được”.

“Nhưng phải tính tới đạo đức nữa chớ! - một bà mẹ ở bàn đầu đứng phắt lên - Đâu phải cứ học giỏi là xong đâu. Con tôi kể trò Trung Dũng ngày nào cũng bị phạt vì nói chuyện”.

Cô giáo nói mà mắt lấp lánh cười, không giấu được: “Vâng, trò đó ngày nào cũng bị phạt vì siêng nói quá, cái gì cũng thích có ý kiến, vì trò ấy biết nhiều mà. Làm bài xong là quay sang bình luận bài của bạn rồi giảng oang oang luôn. Nhưng đó là đàn ông mà các chị”.

Nghe đến chữ “đàn ông”, các bà mẹ như chiếc xe phanh kít lại, bừng tỉnh. Ở nhà mình cũng có một “đàn ông”, to hơn, hung dữ hơn, chỉ sợ hàng xóm, còn thì hay bắt nạt đứa nhỏ con là mình đây...***

 

Tan cuộc họp, mẹ Tí về đến cổng, Tí chạy ra hỏi: “Cô nói gì con không?”.

Tí nhạt nhẽo nên có lẽ cô không có gì để nói. Loại học trò chăm ngoan và chỉ biết a dua, chuyên làm theo văn mẫu, có gì để mà nhớ và nói nào?

Mẹ bảo, cô không nói gì con. Nhưng mẹ thương Trung Dũng quá...

Tí hờn dỗi hỏi, sao mẹ thương thằng ấy?

Mẹ chẳng thiết nói với Tí. Mẹ nghĩ, rồi thằng Trung Dũng ấy vào đời thế nào, có phải sếp nào sau này cũng nhìn được người như cô giáo kia đâu. Đời chỉ trải thảm cho những đứa thấy ai làm gì cũng thích, nghe ai nói gì cũng cười hùa được, kiểu con mình.

Thay quần áo xong, mẹ ra bảo với Tí, này con, cái thằng Trung Dũng cá biệt ấy, hôm nào con rủ nó đến nhà mình đi. Mẹ muốn con chơi thân với nó.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận