Cơ cấu lao động sẽ thay đổi lớn

ĐỨC BÌNH 13/05/2020 08:05 GMT+7

TTCT - TS Vũ Trọng Bình - cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH - khẳng định như vậy khi trao đổi với TTCT. Ông Bình nói:

 

 Ông Vũ Trọng Bình. Ảnh: Đ.BÌNH

- Khi xảy ra đại dịch COVID-19, chúng ta đã xác định sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường lao động và cơ cấu lao động của VN. Bởi nền sản xuất của VN được kết nối với thị trường thế giới nên lĩnh vực nào nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là thị trường xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng. 

Lao động trong nước sẽ phụ thuộc vào sự phục hồi của thị trường xuất khẩu. Nếu thời gian tới, sự khống chế dịch của châu Âu hay Mỹ mà chậm thì thị trường lao động sẽ phục hồi chậm. 

Ngược lại, họ sớm khống chế được dịch bệnh, thị trường nhập khẩu hàng hóa hoạt động trở lại thì thị trường lao động VN cũng sẽ sôi động trở lại.

Mặt khác khi dịch COVID-19 xảy ra thì các nước lớn, thị trường xuất khẩu lớn phải sắp xếp lại chuỗi giá trị toàn cầu. Các nhà đầu tư của một số nước sẽ quay về nước để sắp xếp chuỗi giá trị toàn cầu và định vị lại chuỗi giá trị sản xuất mà VN sẽ tham gia. 

Vì thế việc các nước sắp xếp lại chuỗi giá trị và định vị lại chuỗi giá trị sản xuất thì cũng ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu lao động của VN, nhất là những lĩnh vực mà VN tham gia xuất khẩu, như các mặt hàng điện tử. 

Ví dụ tới đây họ chuyển sang VN sản xuất các chuỗi mặt hàng công nghệ thì cơ cấu lao động của VN cũng sẽ dồn về các lĩnh vực công nghệ. Bên cạnh đó còn có sự chuyển dịch cơ cấu nội ngành, có nghĩa từ lao động giản đơn sẽ chuyển sang lao động chuyên sâu nhiều hơn. 

Chẳng hạn Samsung hay Apple tới đây có thể chuyển dịch, mở rộng lĩnh vực hay đặt nhà máy tại VN thì lao động giản đơn cũng sẽ chuyển dịch nội ngành vào đây.

Người đứng đầu Chính phủ khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con trước tuổi 30. Điều này có liên quan gì đến lực lượng lao động trong tương lai?

- Có một số dự báo về dân số cho thấy trong thời gian ngắn tới đây thì dân số VN sẽ già, lao động sẽ già. Mà sự già hóa dân số của VN lại đi nhanh hơn mức tăng trưởng kinh tế, GDP đầu người.

Vì thế nếu chúng ta không khuyến khích, lại hạn chế sinh đẻ như ngày xưa thì lập tức cơ cấu lao động trẻ trong tổng số dân số sẽ giảm. Lao động trẻ giảm, dân số lại già hóa nhanh sẽ cản trở quá trình công nghiệp hóa...

Với tình hình này, trong vòng 5-10 năm tới chúng ta sẽ thiếu hụt lao động trẻ so với hiện nay, và con số thiếu hụt này liệu có nhiều không?

- Đến lúc này, chúng tôi vẫn chưa có số liệu hay tính toán gì về sự thiếu hụt lao động trẻ trong vòng 5-10 năm tới hoặc lâu hơn. Tuy nhiên tôi cho rằng chủ trương khuyến khích sinh đẻ là đúng đắn và kịp thời. Bởi nếu không thì như tính toán của một số chuyên gia kinh tế, tỉ lệ sinh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kinh tế.

Tới đây, máy móc sẽ thay thế dần con người, lao động giản đơn sẽ rất khó tìm việc làm. Cục Việc làm có khuyến cáo gì cho người lao động?

- Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có nhiều hơn robot thay thế công việc mà con người vẫn làm. Như chúng ta biết thì Bộ Chính trị đã có hẳn một nghị quyết về vấn đề này. Trên tinh thần đó, Bộ LĐ-TB&XH, trong đó Cục Việc làm sẽ có những đề án để xây dựng thị trường việc làm, hỗ trợ người lao động thích ứng với công nghiệp 4.0. 

Đây là nội dung rất mới, cơ cấu việc làm sẽ thay đổi nên việc đào tạo cũng phải thay đổi để người lao động thích ứng được với cách mạng 4.0. Ngành nào, lĩnh vực nào mà robot chưa thể thay thế được, vẫn cần phải có con người thì chúng ta phải xác định được. 

Ngành nào, lĩnh vực nào mà khả năng robot sẽ thay thế con người trong tương lai thì chúng ta phải biết trước để có định hướng giảm dần lao động ở lĩnh vực đó, tránh giảm đột ngột vì như thế sẽ gây nên tình trạng thất nghiệp, bởi khi đó những lao động khoảng 40 tuổi không thể kịp đào tạo để thích ứng và những người này sẽ thành thất nghiệp, sẽ tạo thêm gánh nặng cho xã hội.

Đề án phát triển thị trường lao động và đề án dự báo về cung - cầu lao động mà Cục Việc làm đang xây dựng được đặt ra bởi bối cảnh của cách mạng 4.0. 

Với hai đề án này, chúng ta phải dự báo được thị trường và nhu cầu, khả năng của thị trường lao động. Từ đó chúng ta có những định hướng, chính sách để thích ứng với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Trong năm 2020 chúng tôi phải hoàn thành hai đề án quan trọng này.■

Lực lượng tham gia lao động thấp nhất 10 năm qua

Theo kết quả điều tra lao động việc làm do Tổng cục Thống kê thực hiện, tình hình lao động việc làm quý 1-2020 tại VN có nhiều biến động. Cụ thể, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua với khoảng 75,4% dân số từ 15 tuổi trở lên (giảm 1,2 - 1,3% so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước). 

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 1-2020 là gần 1,1 triệu người, tăng 26,1 nghìn người so với quý trước và tăng 26,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng thu nhập của người lao động so với cùng kỳ năm trước chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng thu nhập của quý 1-2019.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận