​CƠN ÁC MỘNG MỚI CỦA NỘI SOI

Bản tin ngày 20-2 Reuters cho biết về một đợt lây nhiễm nghiêm trọng qua nội soi đã xảy ra ở Trung tâm y tế Ronald Reagan trực thuộc Trường đại học Y khoa Los Angeles, California (UCLA). Vi khuẩn gây bệnh được xác nhận là CRE (Carbapenem Resistant Enterobacteriaceae) và yếu tố gây lây nhiễm là các máy nội soi tá tràng được dùng trong những thủ thuật can thiệp đường mật - tụy (ERCP).

Phần đầu máy nội soi tá tràng, nơi thường tích tụ các cặn bẩn, tạo nên ổ gây lây nhiễm từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác. Cần chú ý là các máy nội soi dạ dày và đại tràng có cấu trúc đơn giản hơn nên không mắc phải vấn đề tương tự

Hai trong số bảy máy được sử dụng ở trung tâm, có nhãn hiệu Olympus, được xác nhận là nguồn gây nhiễm và 179 bệnh nhân có tiếp xúc với hai máy này trong khoảng thời gian từ ngày 3-10-2014 đến 28-1-2015 đã được khuyến cáo về nguy cơ gây bệnh. Trong đó, có bảy người được xác nhận đã phát bệnh và hai ca đã tử vong, năm ca còn lại đang được điều trị với kháng sinh.

“Siêu” vi khuẩn và “Siêu vi khuẩn”

“Siêu” vi khuẩn (Superbug - super - bacteria) là một cách chơi chữ để ám chỉ mức nguy hiểm của nó (như superman!) do khả năng kháng thuốc mạnh với các kháng sinh thế hệ mới nhất gốc carbapenem.

Đây không phải các “siêu vi khuẩn” (virus) mà ta thường nghe nói như HBV, HCV hay HIV. Điểm đặc biệt làm dư luận quan tâm là các trường hợp nhiễm này có tỉ lệ tử vong cao và điều trị khó khăn do hầu hết kháng sinh đều đã bị đề kháng.

Kế đến, đây có thể coi là một dạng tai biến y khoa nghiêm trọng mà trách nhiệm trực tiếp thuộc về bệnh viện của một trường đại học lớn, chưa nói đến quy mô về số bệnh nhân liên quan.

Đáng chú ý, một đợt bùng phát tương tự đã xảy ra tại Bệnh viện Virginia Mason, Seattle với 35 ca bị lây nhiễm CRE với cùng loại thủ thuật. Tổng cộng có 11 ca tử vong, tuy không rõ bao nhiêu ca có nguyên nhân tử vong trực tiếp là CRE.

Các trường hợp bị lây nhiễm như trên liên quan đến một loại máy nội soi khá chuyên biệt là máy soi tá tràng, chuyên được dùng để chẩn đoán, điều trị các bệnh lý của ống mật và ống tụy. Sự khác biệt của máy soi tá tràng so với các loại máy soi khác (dạ dày, đại tràng) là kênh thủ thuật của nó được thiết kế phức tạp hơn với nhiều ngóc ngách và nhiều cơ phận.

Điểm yếu, hay gót chân Achilles của nó, chính là ở phần đầu của máy soi - nơi các chất cặn, vi khuẩn dễ dàng tích tụ và theo các nhà chuyên môn thì rất khó làm sạch.

Tai biến lây nhiễm trong nội soi không phải là mới và đã được sự quan tâm của các nhà chuyên môn, nhà quản lý từ rất lâu. Hầu hết ca lây nhiễm qua nội soi đều được ghi nhận là do vi phạm quy trình xử lý, rửa máy soi. Cho đến nay, các thông tin cho bệnh nhân đều khẳng định tính an toàn nếu máy được xử lý đúng cách.

Ngược lại, các trường hợp ghi nhận ở California hay ở Seattle được xác nhận là xảy ra khi các quy trình xử lý máy soi đã được tuân thủ nghiêm ngặt. Điều này làm thay đổi toàn bộ nhận thức về vấn đề an toàn trong nội soi, đặt ra khá nhiều câu hỏi cho nhà sản xuất về thiết kế máy soi và quy trình xử lý máy, cũng như cho nhà quản lý về việc thay đổi các quy định để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Trên thực tế, bệnh không có nguy cơ trên diện rộng hoặc đặt ra các đòi hỏi về cách ly cần thiết. Trước hết, nguy cơ chỉ xảy ra trên một nhóm bệnh nhân đặc thù có tiếp xúc với một loại thiết bị. Thứ hai, nguy cơ chỉ giới hạn ở một loại thủ thuật hầu như chỉ gặp ở các trung tâm lớn. Thứ ba, việc quản lý tốt giúp xác định danh tính những người có nguy cơ và mức độ rủi ro một cách nhanh chóng, giúp xử lý hậu quả một cách hiệu quả.

Do đó, khái niệm “siêu” vi khuẩn giúp người đọc hiểu được mức nguy hiểm của tác nhân gây bệnh mà không gây ra tâm lý hoảng sợ.

Các nhà quản lý bệnh viện đã có những phản ứng phù hợp để giải quyết vấn đề. Sự minh bạch thông tin là một phần trách nhiệm và giúp giảm bớt hậu quả của đợt khủng hoảng. Trong khi chờ đợi các hướng dẫn của nhà sản xuất và cơ quan quản lý y tế, bản thân các bệnh viện cũng có những kế hoạch để loại trừ nguy cơ.

Xuất phát từ quan điểm hướng dẫn của nhà sản xuất là không đủ để loại trừ nguy cơ lây nhiễm, Bệnh viện Virginia Mason đã bổ sung một bước tái kiểm tra: một máy soi sau khi xử lý sạch (sẵn sàng được sử dụng theo như quy định trước đây) sẽ được cô lập tiếp trong 48 giờ và kiểm tra lại một lần nữa trước khi được sử dụng.

Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm của Mỹ (FDA) đã chính thức đưa ra khuyến cáo về việc xử lý máy nội soi. Với những thiết bị khó xử lý, dù tuân thủ các hướng dẫn của nhà sản xuất nhưng khả năng gây lây nhiễm chưa hẳn được loại trừ chắc chắn.

Việt Nam có “Siêu” vi khuẩn hay chưa?

Câu trả lời là có. Với một môi trường có tỉ lệ bệnh nhiễm khuẩn cao và việc lạm dụng kháng sinh diễn ra triền miên, nước ta thật sự là “đất lành” để các loại “siêu” vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Loại “siêu” vi khuẩn đáng sợ nhất mang theo gen NDM-1 vừa được công bố trên thế giới vào năm 2008 và đã được phát hiện ở một bệnh viện Hà Nội từ năm 2010.

Tuy đến nay chưa có báo cáo về những đợt bùng phát lây nhiễm qua nội soi như ở Mỹ, không có nghĩa chúng ta đã giải quyết được các khó khăn trên thế giới. Nói một cách đơn giản, chúng ta đang thuộc diện “chưa bị lộ” mà thôi.

Đây thật sự là một nguy cơ tiềm ẩn chưa được để ý đến.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận