Con hổ trong nghệ thuật

CHIÊU VĂN 04/02/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Con hổ là một đề tài quen thuộc trong nghệ thuật Đông, Tây, kim, cổ, dù không phải lúc nào nó cũng được thể hiện uy nghi dũng mãnh.

1. Hổ trong tuyết là một tấm tranh cuộn (kakemono - “quải vật”, nghĩa đen là “vật để treo”) của họa sĩ trường phái ukiyo-e (tranh in mộc bản) lừng lẫy người Nhật Hokusai (1760 - 1849), vẽ năm 1849. 

Nổi danh toàn cầu với bức Sóng lừng, vào cuối đời, Hokusai mới bắt đầu vẽ tranh các động vật lớn.

 
 Hổ trong tuyết - Hokusai. Ảnh: Wikipedia

Mặt đất như trở nên vô hình trong bức tranh và con hổ có vẻ lơ lửng trên không trung tuyết rơi tơi tả. Những cụm lá trúc phủ tuyết có hình dáng giống móng vuốt con hổ. 

Bộ lông của nó là những hoa văn cuộn vào nhau, một kỹ thuật thường dùng để vẽ rồng và rắn. Biểu cảm của con hổ là đang trong tâm trạng vui tươi, khoái hoạt, “cực kỳ hài lòng với bản thân”, theo bình luận của nhà báo New York Times Roberta Smith.

Phần ký tên trong tranh ghi: “Tháng Dần, năm Dậu, lão già vui thích với tranh, chín mươi tuổi”. Đây rất có thể là bức tranh cuối cùng của Hokusai, hoàn thành vài tháng trước khi ông qua đời và cho thấy ngay cả ở giai đoạn cuối đời, kỹ thuật của ông chưa bao giờ suy kém. 

Con dấu màu đỏ ghi chữ “bách” và cách điệu hình con hổ, cũng là mong ước được sống tới trăm tuổi của Hokusai. Tháng 10-1998, bức tranh này được nhà Christie’s bán với giá 772.500 đôla và hiện ở trong tay một nhà sưu tập tư nhân người Mỹ.

2. Đám cháy rừng có lẽ là bức tranh kích thước lớn nhất (300 x 396cm) được treo ở Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Singapore. 

 
 Đám cháy rừng - Raden Saleh. Ảnh: Wikipedia

Tác giả là họa sĩ người Indonesia Raden Saleh, bức tranh mô tả các loài thú rừng, gồm hai con hổ, đang hoảng loạn bỏ chạy khỏi đám cháy. Trừ bầy chim, sẽ không con nào thoát được, dù là giống ăn thịt hay những con mồi.

Sinh năm 1807, Saleh là một quý tộc người Java trở thành người tiên phong của hội họa Indonesia hiện đại. Hội họa của ông không chịu khuôn mẫu của tranh truyền thống kiểu Java. 

Dù bức Đám cháy rừng lấy bối cảnh rừng nhiệt đới xứ vạn đảo, kỹ thuật, cách thể hiện, và chất liệu (sơn dầu trên vải toan) đều là kiểu châu Âu. 

Saleh đã du học ở châu Âu 20 năm lúc ông vẽ tranh này và tặng nó cho vị vua bảo trợ ông, William III của Hà Lan, vào năm 1850, một năm trước khi Saleh được trao danh hiệu “Họa sĩ của hoàng gia Hà Lan”. 

Một bức tranh gói gọn cả tự nhiên, lịch sử thuộc địa, và lịch sử giao thoa văn hóa Đông - Tây của Indonesia và có lẽ cả Đông Nam Á.

3. Thắng hồ bại hồ, hiện thuộc Bảo tàng Nghệ thuật Macau, là một trong những bức nổi tiếng nhất của họa sĩ chuyên vẽ tranh hổ người Trung Quốc Hồ Tảo Bân. 

 
 Thắng hồ bại hồ - Hồ Tảo Bân. Ảnh: Wikipedia

Sinh ở Quảng Đông năm 1897, Hồ học hội họa ở Trung Hoa Dân quốc rồi du học Nhật Bản, chuyên về hội họa phương Tây tại Viện Mỹ thuật Kyoto, nơi ông bắt đầu xây dựng phong cách riêng để sau này trở thành họa sĩ vẽ hổ nổi tiếng nhất Trung Quốc. 

Năm 1928, ông từng đi du lịch một vòng Đông Nam Á để quan sát và chụp nhiều bức ảnh thiên nhiên sau này sẽ là nền tảng cho tác phẩm của ông. 

Bức tranh mô tả hết sức sinh động cảnh tượng hổ vồ một con chim công. Đặt trong bối cảnh chiến tranh Trung - Nhật và cuộc nội chiến Quốc - Cộng của Trung Quốc vào thời Hồ, ta có thể thấy được nhiều ngụ ý qua tác phẩm.

Năm 2010, theo yêu cầu của Bảo tàng Nghệ thuật Macau, hai con ông là Hồ Ý Thanh và Hồ Thủy Khang đã hỗ trợ tổ chức một triển lãm chuyên đề về Hồ Tảo Bân trong 6 tuần, sau đó họ hiến 6 tác phẩm của cha cho bảo tàng này. 

Năm 2016, các con ông hiến toàn bộ tranh còn lại của Hồ cho Bảo tàng Cố cung Đài Loan.

4. Con hổ của Tipu có lẽ là món đồ chơi bằng gỗ thể hiện hổ nổi tiếng nhất thế giới. 

Món đồ tạo tác kỳ thú này thể hiện sự đam mê ám ảnh với Tipu Sultan (1751 - 1799) với hổ cũng như sự căm ghét mãnh liệt của nhà cai trị Hồi giáo biệt danh Con hổ vùng Mysore với thực dân Anh. 

Món đồ cho thấy tài khéo léo, kỹ thuật, và trí tưởng tượng của các nghệ nhân triều đình Mysore. Nhiều lớp biểu tượng ẩn giấu bên trong món đồ chơi nhìn đơn giản và khảm đầy châu báu này.

Một con hổ bằng gỗ đang đè bẹp một người đàn ông châu Âu, với kích thước gần như thật (cao 71cm, dài 172cm). 

Trong thân con hổ và người đàn ông có gắn các thiết bị cơ học khiến một cánh tay của ông ta vẫy được, phát ra tiếng kêu từ miệng, và con hổ thì biết gầm gừ. 

Ngoài ra, bên hông con hổ có bàn phím tạo thành một cây đại phong cầm mini 18 nốt. Món đồ được làm ra trong những năm tranh đấu khốc liệt nhất giữa Tipu và tử thù của ông: thực dân Anh và Công ty Đông Ấn. 

 
 Con hổ của Tipu Sultan - Nghệ nhân Mysore. Ảnh: ageofrevolustion.org
Con hổ được quân Anh tìm thấy trong cung điện mùa hè của ông vào năm 1799 và ngày nay được trưng bày tại Bảo tàng Victoria và Albert, bảo tàng nghệ thuật ứng dụng lớn nhất thế giới tại London, Anh quốc.

5. Con hổ trong trận bão nhiệt đới là một bức sơn dầu trên vải toan do họa sĩ Pháp Henri Rousseau vẽ năm 1891. Nó là bức đầu tiên trong loạt tranh về rừng nhiệt đới làm nên tên tuổi nhà họa sĩ. Bức tranh tả một con hổ đang rình mồi trong ánh chớp của trận mưa bão nhiệt đới. 

Bị các tổ chức hội họa kinh viện ở Pháp từ chối, Rousseau đã phải treo nó ở salon dành cho các họa sĩ độc lập, mở cửa cho mọi người.

Rousseau sống trong thời đại của cái đẹp (La Belle Époque), tức những năm giữa cuộc chiến tranh Pháp - Phổ (1871) và khởi đầu của Thế chiến I (1914). Đây là thời kỳ thời trang, kiến trúc, văn chương, hội họa… đặc biệt nở rộ lắm chi nhiều phái, với nhiều thành tựu lớn. 

 
 Con hổ trong trận bão nhiệt đới - Henri Rousseau. Ảnh: Wikipedia

Tháp Eiffel xây xong năm 1889 và những điệu can-can được trình diễn ở Folies Bergère. Đời sống Paris với giới thượng lưu là sự pha trộn giữa thói hưởng lạc, sự khám phá những điều mới lạ, và những bữa yến tiệc tưng bừng.

Cũng trong thời này, Pháp mở rộng đế quốc của họ ở châu Phi và châu Á. Bản thân Rousseau chưa bao giờ rời nước Pháp, nhưng điều đó không ngăn cản ông tưởng tượng và thể hiện những cảnh tượng giàu sức hấp dẫn ngoại lai như bức tranh này. 

Năm 1972, tỉ phú Walter H. Annenberg, một người Mỹ, đã góp tiền để mua bức tranh cho Bảo tàng Quốc gia Anh, London.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận