Con học tái chế ở trường, cả nhà theo gương

XUÂN MINH 07/09/2024 04:06 GMT+7

TTCT - Các thống kê cho thấy hoàn toàn có thể đặt niềm tin nâng cao nhận thức về tái chế vào con trẻ, khi các biện pháp nhắm tới người lớn có vẻ bất lực.

Con học tái chế ở trường, cả nhà theo gương - Ảnh 1.

Học sinh mầm non ở bang Virgina, Mỹ tham gia thử thách thu thập 1.000 pound (khoảng 453kg) nhựa sau tiêu dùng trước Ngày Trái đất 22-4-2024. Ảnh: Leslie Williams

Tổ chức các chương trình giáo dục về môi trường trong trường học không chỉ để nâng cao nhận thức của học sinh, mà còn để các em hướng dẫn ngược cho người lớn vốn lơ là trong tái chế, cắt giảm ô nhiễm.

Theo bài báo công bố trên tập san Journal of Business Research tháng 8-2022, kết quả một nghiên cứu ở Anh cho thấy sau khi được hướng dẫn về các giá trị bền vững, trẻ em có thể là "sứ giả" truyền lại các giá trị, tiêu chuẩn, kiến thức và kỹ năng mới học cho gia đình. Việc này có thể làm thay đổi hành vi của các thành viên trong gia đình. 

Chẳng hạn, sau khi học về các nguồn phát thải khí CO₂ lớn như giao thông và sản xuất công nghiệp, nhiều em đã đề nghị bố mẹ giảm sử dụng ô tô (làm việc ở nhà nhiều hơn) hoặc hạn chế đi lại bằng máy bay khi có thể vì loại hình giao thông này tạo ra nhiều phát thải CO2.

Về nhà hỏi trẻ

Tháng 2-2024, chương trình học của hơn 1.000 học sinh tiểu học ở thành phố Doncaster (Anh) có thêm bài học mới về cách bỏ rác đúng thùng. Đây là dự án do hội đồng thành phố phối hợp với Công ty xử lý rác thải Suez triển khai. 

Các nhà tổ chức tin rằng dạy trẻ biết phân loại rác là một công đôi việc. Các em sẽ biết bỏ rác đúng cách ở trường và ở nhà, làm tốt phận sự công dân nhí vì cũng uống sữa, ăn đồ vặt và xả rác như ai. Nhưng các ông bà nghị còn mong các em sẽ hướng dẫn lại cho bố mẹ về các quy tắc tái chế mỗi khi họ bỏ rác không đúng thùng phân loại.

Theo BBC, ngân sách Doncaster, một thành phố nhỏ với dân số chỉ hơn 300.000 người, thiệt hại đến 300.000 bảng (gần 9,5 tỉ đồng) mỗi năm vì rác không được bỏ đúng thùng phân loại; rác không thể tái chế vẫn thường xuyên bị bỏ lẫn vào thùng màu xanh dương (đựng rác tái chế). Số tiền này lẽ ra có thể đầu tư cho trường học, bệnh viện, an sinh... những mục chi ý nghĩa hơn thì lại phải tiêu cho việc phân loại rác - vốn đã "giao khoán" về các hộ gia đình.

Thực tế nhiều gia chủ, bất chấp tuổi tác và trình độ, hoặc vì chưa hiểu rõ, hoặc vì lười, vẫn tiện thùng nào thì vất rác vào đấy. Vì thế, chính quyền đặt kỳ vọng vào các "đại sứ nhí". "Mục đích (dự án) là hình thành thói quen tái chế tốt ngay từ khi còn nhỏ, để các em có thể về nhà thảo luận với bố mẹ và cùng nhau tăng cường tái chế, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm" - ủy viên hội đồng Mark Houlbrook cho biết.

Con học tái chế ở trường, cả nhà theo gương - Ảnh 2.

Ảnh: Getty Images

Kiểu huy động "sức mạnh của trẻ em" mà thành phố Doncaster là có cơ sở và đã được áp dụng ở nhiều nơi. Các thống kê cũng cho thấy hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào con trẻ, khi các biện pháp nhắm tới người lớn có vẻ bất lực.

Khảo sát công bố tháng 10-2022 cho thấy hơn một nửa (54%) trẻ em trong độ tuổi từ 4 - 16 ở Vương quốc Anh đang là nhân tố tích cực về lối sống bền vững ở gia đình mình. 64% phụ huynh xác nhận con cái có ảnh hưởng đến thói quen bền vững của họ. 1/3 các phụ huynh, trong đó 46% có con trong độ tuổi tiểu học, cho biết họ học được nhiều điều mới về bền vững và môi trường từ con. 67% phụ huynh công nhận họ tái chế nhiều hơn so với trước khi có con.

Ngoài ra, 63% phụ huynh cho biết "tích cực học hỏi" kiến thức mới từ con cái. 67% phụ huynh có con ở độ tuổi tiểu học cho biết họ đã thay đổi lối sống sau khi biết thói quen của mình có hại cho môi trường. 59% phụ huynh nói họ sẽ tái chế nhiều hơn nếu điều đó quan trọng với những người thân yêu của mình. 56% trẻ từ 4 - 16 tuổi ở Anh thường nói chuyện với gia đình về môi trường ở nhà.

Rõ ràng, nơi trẻ học được nhiều về môi trường nhất chính là trường học. Chính sách gần đây của Bộ Giáo dục Vương quốc Anh yêu cầu tập trung giáo dục về bền vững càng cho thấy chính phủ tin nhà trường là nơi đặt những nền tảng đầu tiên trong quá trình xây dựng ý thức xanh.

Dĩ nhiên, để chính sách đi vào thực tế là một câu chuyện dài. Giáo viên phải có đủ thời gian để lồng ghép nội dung về môi trường vào chương trình giảng dạy hiện tại và chương trình học phải đủ hứng thú.

Động lực thay đổi từ trẻ em

Khảo sát 2.000 phụ huynh của Hiệp hội các nhà sản xuất bao bì kim loại ở Vương quốc Anh (MPMA) năm 2020 cho thấy 35% bố mẹ vui vẻ thừa nhận con cái họ quan tâm đến việc tái chế hơn mình, 28% thấy xấu hổ và 33% thấy tội lỗi. Cứ 10 người thì có 4 người tự hào vì đã tiếp thu ý kiến của con, hơn 1/3 thấy hạnh phúc vì con họ quan tâm nhiều đến môi trường. 

20% phụ huynh vẫn thường vứt bỏ những thứ có thể tái chế được vì không chắc đây là loại có thể tái chế. Chẳng hạn, 9/10 người biết lon nhôm có thể tái chế nhưng hơn 1/5 không biết có thể tái chế lon sơn kim loại. Khoảng 10% thừa nhận có xu hướng ném lon nhôm và 24% ném lon sơn kim loại vào thùng rác không thể tái chế.

Gần một nửa số người được khảo sát thừa nhận đôi khi họ vứt những thứ có thể tái chế được do lười tìm hiểu liệu chúng có thể được tái chế hay không. 46% vứt bỏ lon vì không muốn rửa chúng dù 4/10 người biết điều này không cần thiết trong quá trình tái chế.

Nhiều công ty cho biết trẻ em là động lực chính cho tiêu chí bền vững của họ. Với Lego, họ nhận được thư của khách hàng - là các trẻ em - mong muốn sản phẩm và bao bì của hãng đồ chơi xếp hình trứ danh này phải bền vững hơn. 

Em Hannah, 8 tuổi, ở Vương quốc Anh, viết: "Em nghĩ thật là buồn cười khi bộ xếp hình cứu hộ đại dương lại đựng trong những chiếc túi nhựa đang gây hại cho các loài sinh vật biển xinh đẹp ngoài kia".

Một lá thư khác viết: "Cháu khiếu nại về bao bì của Lego. Cháu thấy việc sử dụng quá nhiều nhựa là không cần thiết và mong Lego hãy thay bao bì nhựa bằng vật liệu thân thiện với môi trường". Lego đã đặt mục tiêu 100% bao bì có thể tái chế được năm 2025 và nghiên cứu cách tạo ra các khối lắp ráp mà không cần nhựa.

Thật tuyệt khi thấy rất nhiều phụ huynh được con cái giúp sửa những thói quen không đúng về tái chế. Trẻ em rất nhiệt tình với môi trường và các em có tác động trong cải thiện tái chế - ngay cả khi việc đó chỉ đơn giản như bỏ một cái lon vào thùng tái chế thay vì vứt nó đi.
Người phát ngôn MPMA

Đại diện các ngành công nghiệp, dịch vụ đều công nhận trẻ em là những người có ảnh hưởng quan trọng nhất trong việc gầy dựng thói quen mua sắm đồ gia đình hằng ngày có trách nhiệm và thân thiện với môi trường hơn. 

Trong khảo sát với 88.000 người ở 26 quốc gia của Công ty dịch vụ Kantar trụ sở ở Anh, tỉ lệ hộ "gia đình sinh thái tích cực" đã tăng từ 16% năm 2019 lên 22% năm 2021. Trẻ em, được xác định là nhóm có ảnh hưởng lớn nhất (36% số người tham gia khảo sát) trong gia đình, sau yếu tố bao bì sản phẩm, trong việc thay đổi thói quen.

"Gia đình sinh thái tích cực" (22%) trong khảo sát được định nghĩa là những gia đình rất quan tâm về môi trường và có nhiều nỗ lực để giảm lượng rác thải hộ tạo ra. Chiếm đa số (40%) là những gia đình có quan ngại về vấn đề môi trường nhưng không có nhiều nỗ lực bằng hành động để giảm rác thải, và cuối cùng (38%) là những hộ có rất ít hoặc không quan tâm đến môi trường và vô tư tạo ra rác thải sau tiêu dùng.

Đức là quốc gia có nhiều "gia đình sinh thái tích cực" nhất, với tỉ lệ 46% các hộ gia đình, sau đó là Bỉ và Hungary (khảo sát năm 2021). Saudi Arabia là quốc gia có tỉ lệ "gia đình sinh thái tích cực" ít nhất với 7%.

Từ tháng 9 này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ chào đón những "vệ sĩ môi trường" đặc biệt, là học sinh bậc mầm non và tiểu học. Trong chương trình "Vệ sĩ môi trường - thu gom và tái chế vỏ hộp sữa" do Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) và Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu phát động hôm 21-8, học sinh tại 14 trường mầm non và tiểu học địa phương sẽ được tham gia các hoạt động ngoại khóa "học mà chơi", nhằm nâng cao nhận thức về phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải bao bì.

Chương trình dự kiến được triển khai xuyên suốt năm học 2024 - 2025, với kỳ vọng "gieo vào mỗi em học sinh, ở mọi lứa tuổi một ý thức tự nguyện và tự hào khi trở thành một "vệ sĩ môi trường" ở bất cứ nơi nào các em đang sống, từ đó lan tỏa tới những người xung quanh để làm nên một cộng đồng tích cực giữ gìn, bảo vệ môi trường", theo ông Nguyễn Gia Huy Chương - giám đốc điều hành PRO Việt Nam.

Con học tái chế ở trường, cả nhà theo gương - Ảnh 3.

Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận