Con ngựa thành Troy thời hiện đại

NGUYỄN VŨ 29/09/2024 10:00 GMT+7

TTCT - Câu chuyện Israel bằng cách nào đó kích nổ hàng ngàn máy nhắn tin và bộ đàm của lực lượng Hezbollah, gây thương vong khắp nơi còn ly kỳ hơn chuyện phim ảnh.

Con ngựa thành Troy thời hiện đại - Ảnh 1.

Ảnh: nextbigfuture.com

Thế nhưng bên cạnh sự thán phục mức độ tinh vi của một chiến dịch như thế, nhiều người vẫn lên án hành động giết người bừa bãi này của Israel vì trong thực tế đã có những trẻ em thiệt mạng.

Theo tường thuật của các báo, những chiếc máy nhắn tin bắt đầu kêu bíp bíp từ khoảng 3h30 chiều 17-9 tại Lebanon, làm cho nhiều nhân sự trong lực lượng Hezbollah cứ tưởng có tin nhắn. 

Nhưng người nhận chưa kịp đọc nội dung tin, máy đã phát nổ, đường phố đầy cảnh nhiều người bỗng ngã xuống rên la đau đớn. Nhiều người đang chạy xe máy thì bị bắn tung lên, đập người vào tường. 

Trong một ngôi nhà nọ, máy nhắn tin reo vang, em bé 9 tuổi vội vàng chạy đến cầm máy định đưa cho bố thì máy phát nổ, giết chết em. 90% tổn thương ở các nạn nhân là hư mắt, bay ngón tay do họ cầm máy lên để đọc tin nhắn.

Tổng cộng có 12 người chết, 2.300 người bị thương. Ngày hôm sau, thêm 25 người chết, hơn 600 người bị thương khi các máy bộ đàm cũng phát nổ một cách bí ẩn. Nhiều người chết và bị thương thuộc lực lượng Hezbollah nhưng cũng có nhiều nạn nhân là dân thường, trong số người chết có 2 trẻ em, 1 phụ nữ và 4 nhân viên bệnh viện.

Mặc dù Israel không thừa nhận cũng không bác bỏ vai trò trong hai vụ nổ, nhưng theo Hãng tin Reuters và tờ The New York Times, phỏng vấn 12 nhân vật trong ngành tình báo và quân đội đều khẳng định tình báo Israel đứng đằng sau cuộc tấn công từ xa, trong một chiến dịch kéo dài, phức tạp, liên quan đến nhiều nước khác.

Công nghệ thấp cũng không tránh được bàn tay tình báo

Từ đầu năm nay, thủ lãnh Hezbollah Hassan Nasrallah đã ra lệnh cho cấp dưới ngưng sử dụng điện thoại di động vì lo ngại Israel có thể thâm nhập mạng lưới viễn thông để biết chính xác vị trí của họ nhằm tấn công từ xa, hoặc chí ít nghe lén mọi thông tin trao đổi. 

Ông Nasrallah nói trên truyền hình: "Hãy chôn [điện thoại di động] đi. Hãy cất nó trong hộp sắt rồi khóa chặt". Từ lâu ông đã thúc hối thành viên Hezbollah dùng máy nhắn tin, phương tiện liên lạc từng thông dụng vào thập niên 1990, nhưng nay ít còn ai xài. 

Lãnh đạo Hezbollah hy vọng nếu Israel dùng công nghệ cao, họ sẽ đáp trả bằng công nghệ thấp nên không lo bị tiết lộ thông tin nhạy cảm.

Không ngờ tình báo Israel xem đây là cơ hội. Theo The New York Times, ngay cả trước khi Nasrallah quyết định mở rộng việc sử dụng máy nhắn tin, Israel đã khởi động kế hoạch bí mật thành lập công ty bình phong giả vờ làm nhà sản xuất máy nhắn tin quốc tế. 

Bề ngoài BAC Consulting là công ty đóng tại Hungary có hợp đồng sản xuất máy nhắn tin theo nhượng quyền với hãng Đài Loan Gold Appollo. The New York Times trích nguồn ba nhân viên tình báo khẳng định BAC là bình phong của Israel, cùng hai công ty ma khác để che giấu danh tính cho tình báo Israel tham gia sản xuất máy nhắn tin.

BAC vẫn bán máy nhắn tin bình thường cho khách hàng bình thường. Nhưng đích nhắm của họ là Hezbollah; họ sản xuất loại máy nhắn tin đặc biệt cho lực lượng này: bên trong máy, bọc quanh viên pin là một ít chất nổ PETN, có thể kích nổ từ xa.

Dù chỉ nặng từ 3-5g, lượng chất nổ này đã có thể gây thương vong. Tốc độ sản xuất loại máy chết người này tăng mạnh sau khi Nasrallah ra lệnh loại bỏ điện thoại di động.

Trước đó đã lan truyền đồn đoán Israel đầu tư nhiều triệu đô la vào công nghệ do thám qua điện thoại di động, có thể do họ chủ động tung ra. Họ có phần mềm xâm nhập được điện thoại của bất kỳ ai, kích hoạt micro và camera trong máy để nó trở thành tai mắt của tình báo Israel. 

Vì thế Nasrallah không chỉ cấm mọi người sử dụng điện thoại di động tại các cuộc họp cấp lãnh đạo, ông còn cấm dùng điện thoại di động để nói về kế hoạch của Hezbollah. Ông ra lệnh cho cấp dưới luôn mang trong người máy nhắn tin để trong trường hợp khẩn cấp có thể nhanh chóng truyền lệnh đến họ.

Con ngựa thành Troy thời hiện đại - Ảnh 2.

Bộ đàm không có pin được trưng bày tại một cửa hàng điện tử ở Sidon (Lebanon) ngày 18-9-2024. Chủ cửa hàng nói phải tháo pin vì lý do an toàn. Ảnh: Reuters

Suốt mùa hè qua, hàng ngàn máy nhắn tin mua từ BAC được nhập vào Lebanon rồi phân phát cho nhân sự cấp cao của lực lượng Hezbollah; họ không hề hay biết mình đang đeo những con ngựa thành Troy hiện đại không lâu sau sẽ gây hại cho họ và gia đình.

Khi Israel kích hoạt cho máy nổ tung, một trong những nạn nhân là Fatima Abdullah, học sinh lớp 4, vừa đi học về. Dì của em kể, em nghe tiếng bíp bíp từ máy nhắn tin của bố nên vội vàng cầm máy lên định đem cho bố xem thì máy phát nổ, cướp đi sinh mạng của em.

Vẫn còn những đồn đoán khác

Báo chí cũng đã lần theo các đầu mối khác. Bề ngoài, máy nhắn tin ghi nơi sản xuất là hãng Gold Apollo, nhưng đại diện hãng này nói họ không trực tiếp sản xuất mà chỉ là nơi nhượng quyền sử dụng thương hiệu, cụ thể ở đây là Công ty BAC. 

Gold Apollo chỉ là công ty nhỏ chừng 40 nhân viên ở ngoại ô Đài Bắc, hiện chủ yếu sản xuất loại máy rung báo hiệu cho khách uống cà phê.

Tờ Financial Times, trích hồ sơ thành lập doanh nghiệp của Hungary, cho biết BAC được một phụ nữ tên Cristiana Bársony-Arcidiacono thành lập năm 2022. Công ty chỉ có doanh thu chừng 800.000 đô la vào năm 2023. 

Tài khoản LinkedIn của bà này cho thấy bà có bằng tiến sĩ vật lý, từng học ở Trường London School of Economics. Khi được NBC News phỏng vấn, bà trả lời: "Tôi không làm máy nhắn tin. Tôi chỉ là người trung gian. Chắc anh nhầm rồi". 

Các quan chức Hungary cũng khẳng định BAC chỉ là công ty thương mại chứ không trực tiếp sản xuất máy nhắn tin ở Hungary.

Trong vụ máy bộ đàm phát nổ, logo của máy cho thấy nơi sản xuất là Công ty Icom có trụ sở ở Osaka, Nhật Bản. Nhưng ngay sau đó Icom cho biết họ không sản xuất hay xuất khẩu dòng máy IC-V82 đã hơn 10 năm nay; rất có thể máy phát nổ ở Lebanon là đồ nhái thương hiệu của họ.

Do đó, các chuyên gia vẫn đồn đoán tình báo Israel bằng cách nào đó đã xâm nhập được quá trình sản xuất để cài chất nổ vào thiết bị liên lạc. 

Sau đó, cũng bằng một cách nào đó chưa rõ họ gởi hàng loạt tin nhắn để kích nổ máy nhắn tin hoặc tận dụng một khe hở trong các dòng lệnh điều khiển thiết bị để làm pin nóng lên gây nổ. 

Nếu Israel làm được, các lực lượng khác cũng sẽ tìm cách làm được; từ đó mở ra viễn cảnh đáng sợ khi mọi thiết bị có kết nối quanh ta, kể cả chiếc tủ lạnh có Internet hay robot hút bụi thông minh, có thể trở thành vũ khí giết người.■

Cài bẫy người, bất kể thường dân

Bên dưới bài viết của tờ New York Times là những nhận xét đáng chú ý của độc giả. Một nhận xét được nhiều người bấm đồng tình nhất viết: "Cho nổ thiết bị ở chốn đông người mà không lấy gì bảo đảm thường dân không bị hại chính là khủng bố".

Một nhận xét khác: "Nếu các vai được tráo cho nhau, báo chí phương Tây sẽ không bảo đây là cuộc tấn công nhắm đích rất sáng tạo. Lúc đó họ sẽ bảo đây là khủng bố và là hành động chiến tranh".

Dĩ nhiên cũng có những nhận xét nói rất ấn tượng trước sự kiên nhẫn và khéo léo của những người đứng đằng sau vụ tấn công nhưng nhìn chung nhiều người nói họ thấy ghê sợ trước cách giết người này.

Riêng ở Lebanon hiện giờ tự dưng dấy lên nỗi sợ điện thoại di động, máy nhắn tin, máy bộ đàm. Sau vụ nổ nhiều người thét lên: "Tắt điện thoại đi! Lấy pin ra!". Ai nấy đều sợ chiếc máy vốn vẫn bỏ trong túi quần, là thiết bị liên lạc rất bình thường bỗng trở thành vật giết người.

Tờ The Guardian nói từng có hiệp ước toàn cầu cấm sử dụng bẫy dưới dạng đồ vật vô hại nhưng được thiết kế và chế tạo để chứa chất nổ và nhắc chính Israel cũng đã ký hiệp ước này.

Các cuộc tấn công thông qua máy nhắn tin, theo báo này, là bất hợp pháp, chưa có tiền lệ và có nguy cơ sẽ được bình thường hóa, tức các nước và tổ chức khác có thể bắt chước, gây nổ bằng mọi thiết bị, kể cả điện thoại di động.

Thử tưởng tượng một hai vụ như thế tái diễn ở một nơi khác với vật dụng có kết nối Internet, tình hình sẽ trở nên hỗn loạn và hoảng loạn; khái niệm vạn vật kết nối sẽ biến thành vạn vật đều có thể giết người. Nền văn minh nhân loại sẽ bị kéo lùi hàng chục thập niên.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận