TTCT - 20 năm trước, ngày 1-4-2001, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nhẹ gót rời “cõi tạm” trong sự thương tiếc khôn nguôi của bao người. Trước đó, ông đã giao cho nhiếp ảnh gia Dương Minh Long lưu giữ nhiều tư liệu, tác phẩm, kỷ vật của mình. Vào dịp tưởng niệm 20 năm nhạc sĩ đi xa, những tư liệu và hiện vật gốc quý giá ấy đã được nhiếp ảnh gia Dương Minh Long trao về lại cho gia đình nhạc sĩ để chuẩn bị cho bảo tàng Trịnh Công Sơn sẽ ra đời trong nay mai. Một tin tức tốt lành khiến người ta nhớ tới câu “Hai mươi năm vơi cạn lại đầy...” trong ca khúc Xin trả nợ người. Trịnh Công Sơn thời thanh xuân Đó là 376 hiện vật gốc mang dấu ấn Trịnh Công Sơn trong suốt hành trình 62 năm “du ca qua miền đất này”, gồm bản thảo gốc chép tay những ca khúc đã phổ biến và chưa phổ biến; những ghi chép, phác thảo, sáng tác dở dang; tranh và ký họa; thư tín của Trịnh, của đồng nghiệp và người hâm mộ; ảnh nhạc sĩ từ lúc sơ sinh đến cuối đời; tư liệu báo chí trong và ngoài nước viết về Trịnh Công Sơn... Trong đó, có 49 bản chép tay đầu tiên những ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn như: Nắng thủy tinh, Như cánh vạc bay, Ta thấy gì đêm nay, Người con gái Việt Nam, Đại bác ru đêm... Bản gốc bài Nắng thủy tinh Phác thảo còn tẩy xóa của Ru ta ngậm ngùi, Hãy khóc đi em. Có những bài ít người biết đến như: Hành ca, Ngày mai đây bình yên. Có những bài chưa có tựa đề và những bài đang viết dang dở... Tất cả đều được viết bằng kiểu chữ fantasy phóng khoáng “kiểu Trịnh Công Sơn” mà một thời gian dài nhiều người chép nhạc đã chọn để in nhạc. Bộ sưu tập còn có những mẫu ký họa trên đủ các loại giấy trắng và ố màu, ghi lại phút giây ngẫu hứng của Trịnh; cùng ảnh chụp những bức tranh của Trịnh vẽ thiếu nữ và thiếu phụ với vẻ đẹp đầy bí ẩn. Trong số nhiều hiện vật thư tín của Trịnh Công Sơn gửi bạn bè, đồng nghiệp và người hâm mộ gửi cho ông, có lá thư của nữ ca sĩ phản chiến người Mỹ Joan Baez gửi Trịnh Công Sơn và gọi ông là “Bob Dylan của Việt Nam”, cùng bản thảo viết tay lá thư Trịnh hồi âm Joan Baez (có lẽ sau đó được đánh máy để gửi đi, nên bản viết tay mới còn lại). Năm 2004, cả Trịnh Công Sơn và Joan Baez cùng được trao giải thưởng “Âm nhạc vì hòa bình”. Bản thảo lá thư của Trịnh Công Sơn gửi Joan Baez Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long cho biết toàn bộ tư liệu và hiện vật gốc này do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giao cho ông giữ từ năm 1995 - những năm tháng mà nhiếp ảnh gia Dương Minh Long gắn bó với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như một người bạn. Dương Minh Long đã làm phim và chụp ảnh Trịnh Công Sơn.Từ đó đến nay là đã 26 năm với 25 lần chuyển nhà, nhưng các hiện vật vẫn được ông Long bảo quản tỉ mỉ, cẩn trọng và sẽ chuyển giao cho gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại cuộc họp báo ngày 29-3 ở Hà Nội. Trịnh Công Sơn thời Hát cho hòa bình “Trao tặng lại bộ sưu tập này cho gia đình là nhằm ủng hộ xây dựng không gian trưng bày về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà gia đình nhạc sĩ đang theo đuổi, với nhiều công sức, thời gian và vật chất. Đặc biệt là chị Trịnh Vĩnh Trinh, em gái của nhạc sĩ, và phu quân của chị là ông Nguyễn Trung Trực, với nỗ lực không mệt mỏi nhằm đáp ứng tấm lòng của những người yêu mến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn”, ông Dương Minh Long nói.■Trịnh Công Sơn (bìa phải) và bạn bè ở căn gác bên cầu Phủ Cam (Huế)Chị Joan Baez thân mến!Trong lúc viết lá thư này cho chị, trước mắt tôi có lá thư ngỏ của chị và bên tai tôi thì có tiếng hát “We shall over come” của chị.Đây là một lá thư tâm tình gửi cho nghệ sĩ Joan Baez với đầy đủ sự khiêm tốn của nó, chứ không phải thư ngỏ gửi cho President humanitas/International Human Right Committee.Vào những năm 60, tôi có một kỷ niệm nhỏ khiến tôi tình cờ biết được tiếng hát của chị. Năm ấy, tôi lên một thành phố nhỏ ở vùng cao nguyên Việt Nam và nhân tiện ghé thăm một người bạn gái cũng là ca sĩ có quán cà phê ở đó. Vào quán, tôi thấy những đĩa hát có hình chị đính ở các vách tường bằng gỗ. Ở ngoài trời rất lạnh, quán có đèn màu hồng và ở chiếc quầy trên ghế cao cách tôi khoảng 2 mét có một người lính Mỹ ngồi im lặng trước ly rượu. Tiếng hát của chị bay la đà trên từng mặt bàn, ghé vào từng tách cà phê, từng ly rượu và dường như muốn thăm hỏi từng trái tim con người. Khi người lính Mỹ đứng dậy bước ra, tôi thấy trên mắt y có một giọt nước mắt màu hồng. Đến nay tôi không còn nhớ bài hát ấy là bài gì, nhưng tiếng hát của chị có lẽ đã gợi nên trong lòng y nỗi nhớ quê hương. Ở đó, y có mẹ có cha, có một căn nhà nhỏ và biết đâu, rất có thể y còn có một người vợ xinh đẹp và những đứa con mong bố trở lại.Nếu phút này tôi nói tôi yêu quê hương của tôi, tôi yêu những người thân thiết của tôi nơi này thì dĩ nhiên chị sẽ chẳng có gì để ngạc nhiên cả. Bởi vì trên mặt đất này ai cũng có một quê hương, nơi đó như một chiếc nôi êm ái mỗi người đã được sinh ra, lớn lên, sống rồi chết. Ở đó cũng còn có cả hạnh phúc lẫn sự khổ đau như hai khuôn mặt muôn đời của đời sống nhân loại.... Nhưng chị làm thế nào hiểu được hết số phận của một đất nước, trên một ngàn năm, chưa hề biết đến sự nghỉ ngơi. Khát vọng về hòa bình, về tình yêu, về hạnh phúc, chính chúng tôi cần hơn bất cứ ai trên cuộc đời này. Tôi không muốn kể ra đây thật nhiều thí dụ, nhưng tôi tin rằng, chị chẳng bao giờ biết được trong những nhà tù cũ tại VN, có những người ở tù từ năm 1954 chưa hề biết đến ổ bánh mì là gì.Làm thế nào nói cho hết được về con người trong một xứ sở mà chiến tranh đè nặng suốt hơn một nghìn năm. Và số phận của những con người ấy sẽ như thế nào, nếu không có cuộc Cách mạng vừa qua mang lại độc lập và thống nhất trên đất nước chúng tôi... ? Trịnh Công Sơn“Đây là một cử chỉ đẹp của nhiếp ảnh gia Dương Minh Long mà gia đình chúng tôi trân quý và tôi nghĩ cộng đồng yêu nhạc Trịnh cũng sẽ rất vui. Gia đình chúng tôi đã nhận được bản tóm tắt tất cả 376 hiện vật và đang chờ để xem bản gốc khi anh Long chính thức trao tặng. Những hiện vật gốc này rất quý giá để chúng tôi hoàn tất bộ sưu tập về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà chúng tôi đã sắp xếp và bảo quản suốt 20 năm qua, từ khi anh Sơn rời cõi tạm. Chúng tôi sẽ trưng bày toàn bộ các hiện vật tại bảo tàng Trịnh Công Sơn mà gia đình dự định thành lập tại Huế”. (Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) Tags: Trịnh Công SơnTư liệu mớiBản gốc Nắng thủy tinhDương Minh LongBảo tàng Trịnh Công Sơn
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Dịch bệnh bí ẩn giống cúm ở Congo có đáng lo? DƯƠNG LIỄU 13/12/2024 Từ ngày 6-12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bắt đầu điều tra về dịch bệnh bí ẩn giống cúm, khiến hàng chục người chết ở Congo. Nhiều quốc gia trên thế giới thắt chặt biện pháp kiểm tra chuyến bay từ châu Phi.
Ông Trump lần 2 được Time bình chọn là 'Nhân vật của năm' NGHI VŨ 12/12/2024 Trong vòng chưa đến 10 năm, ông Trump hai lần được bình chọn là 'Nhân vật của năm' đầy danh giá của tạp chí Time.
Bộ Nội vụ bác thông tin lan truyền về chế độ, chính sách với cán bộ trong tinh gọn bộ máy THÀNH CHUNG 12/12/2024 Bộ Nội vụ khẳng định những thông tin lan truyền trên mạng liên quan nội dung đề xuất chế độ, chính sách với cán bộ trong tinh gọn bộ máy là không chính xác.
Vụ án mạng 25 năm vẫn chưa ngã ngũ: Đình chỉ từ năm 2001 nhưng bị can không hề biết? HOÀNG ĐIỆP 13/12/2024 Năm 1999, ông Nguyễn Hồng Phước (69 tuổi, quê Kiên Giang) bị khởi tố, đến năm 2001 được đình chỉ bị can. Đáng nói bản thân ông không hề hay biết gì về sự tồn tại của quyết định đình chỉ này.