Công nghệ đang giúp nhà văn như thế nào?

THỦY TIÊN 01/07/2022 20:05 GMT+7

TTCT - Cũng có dăm ba người sáng suốt nào đó nói gì đó về chuyện công nghệ gây mất tập trung cho nhà văn, nhất là mạng xã hội, rằng “bạn tưởng bạn lướt qua trên ấy chừng 5 phút thôi, nhưng thực ra là toi nguyên một buổi chiều rồi”, song chắc chắn những người như họ sẽ ngày càng ít đi.

 
 

 Nếu Mark Twain gặp Neil Gaiman - người đang giảng trên Master Class về cách viết một tiểu thuyết, hẳn họ sẽ tranh luận ra trò về những gì cần cho một nhà văn khi bắt tay vào cuốn sách chừng 500 trang với những luồng tuyến nhân vật phức tạp của một tiểu thuyết thông thường. 

Mark Twain từng thẳng tay bác bỏ những người nghĩ rằng ai đó có thể học cách viết một cuốn tiểu thuyết. “Một người không được sinh ra với năng khiếu viết tiểu thuyết sẽ gặp khó khăn khi cố gắng xây dựng một cuốn tiểu thuyết. Anh ta không có ý tưởng rõ ràng về câu chuyện của mình. Trên thực tế, anh ta chẳng có câu chuyện nào”.

Nhưng mỗi năm giờ đây có hơn 2,2 triệu cuốn sách được xuất bản, theo UNESCO, bao gồm cả sách hư cấu và phi hư cấu. Đối với hầu hết các tác giả, quá trình viết lách dường như không thay đổi mấy kể từ thuở ban đầu của tiểu thuyết, hoặc từ thời hoàng kim của Mark Twain cuối thế kỷ 19: Các phác thảo, ý tưởng cốt truyện được định hình sơ bộ ban đầu rồi giải mã, phát triển, tinh chỉnh trong suốt quá trình viết.

Với bút với giấy, với máy chữ và computer hay laptop thời nay, đôi khi cả trên app Ghi chú của điện thoại thông minh. Nếu có chút gì dễ thở hơn thì không cần vất vả chấm bút lông vào lọ mực liên tục rồi tốn cả mớ giấy thấm mực, không cần lạch cạch gõ máy chữ và tìm mua băng mực hay thuê một cô thư ký cau có đánh máy giúp. Công nghệ đang khiến cho đời viết của các tác giả trở nên dễ chịu hơn.

Và rồi thế vẫn chưa đủ. Nhất là khi trí óc thì bị phân tán mà cuốn sách lại trót có tới cả chục tuyến nhân vật, diễn ra trên những tuyến thời gian, nơi chốn khác nhau. Hoặc ít nhất đấy là điều mà Michael Green, một nhà khoa học dữ liệu người Mỹ, đam mê viết lách nghĩ. “Tôi bắt đầu viết câu chuyện đầu tiên của mình khi còn là một thiếu niên như một cách để trò chuyện về phép thuật với chính mình. Tôi luôn bị cuốn hút bởi giả định "Bạn sẽ làm gì nếu bạn có thể...?". Những câu hỏi giàu trí tưởng tượng liên tục lởn vởn trong đầu tôi… Rồi tôi có 500 trang, rất nhiều nhân vật, rất nhiều tình tiết, những âm mưu, những biến cố, những ghi chú cho những khả năng có thể xảy ra với nhân vật ấy, rối nùi lên và đan chéo phức tạp tới độ có thể mất kiểm soát hoặc gây ra sự vô lý. Tôi nghĩ mình cần một công cụ mạnh hơn cho việc ngoài những tài liệu, ghi chú và bảng nhắc. Tôi tạo ra phiên bản Lynit đầu tiên năm 2018 để giúp tôi quản lý tất cả các ý tưởng của mình theo cách có cấu trúc cho tác phẩm” - anh kể.

Khi Green rụt rè chia sẻ Lynit với những người bạn nhà văn, vì anh sợ bị cho là ngớ ngẩn, anh lại thấy họ hào hứng đến độ muốn anh hoàn thiện Lynit để giúp họ viết lách cho suôn sẻ, nói cách khác là dùng khoa học dữ liệu để giải quyết một vấn đề phức tạp trong việc viết tiểu thuyết với nhiều lớp cắt, nhiều tuyến nhân vật và thời gian. 

Lynit, một nền tảng kỹ thuật số ra đời, giúp các tác giả hình dung, lập kế hoạch và kết hợp các yếu tố khác nhau - chẳng hạn nhân vật, cốt truyện, chủ đề và các sự kiện chính - để tạo thành một câu chuyện tổng thể nhiều mảnh mà vẫn logic và trôi chảy. Đấy là một bản đồ viết lách, họ hy vọng, để tới cuối không ai đi lạc, cả nhà văn và các nhân vật.

 Quảng cáo phần mềm viết tiểu thuyết của Lynit

 

Và rồi bước kế tiếp là khi một nhà văn đã xuất bản cuốn sách của mình, công nghệ giúp các tác giả kết nối với độc giả của họ. Những nhà văn dùng Facebook cá nhân không hiếm. Một mảnh tạp văn, một đoạn ký, một đoạn hoặc thậm chí một chương của cuốn tiểu thuyết được đăng lên, tương tác là tức thì. 

Những trao qua đổi lại, nhận xét góp ý từ độc giả kiểu ấy khiến không ít nhà văn đê mê. Vài người tận tụy hồi đáp từng bình luận một, nhận lấy vài góp ý thú vị và chỉnh sửa trong cuốn tiểu thuyết. Ai cũng vui vẻ hài lòng. Các cuộc livestream trò chuyện với nhà văn ngày càng nhiều, với những phê bình thù tạc và ý nhị. Những người viết sách dạng self-help có thể mở các khóa học dạy viết và kiếm bộn tiền. Những nhà văn mới nổi, có cách viết hợp trend và thời thượng thì thu hút vô số người hâm mộ cùng lứa tuổi. Mark Twain cứ việc từ chối một cuộc phỏng vấn được trả tiền hoặc livestream, kệ xác những lá thư của độc giả, nhưng số nhà văn trẻ sinh ra trong thời buổi công nghệ này thì sẽ lấy đó là một thước đo tối quan trọng cho sự đình đám văn chương (và ra tiền, ra danh tiếng) của họ. Kệ ông già Mark Twain dở hơi ấy đi.

Công nghệ dĩ nhiên không chịu khiêm tốn dừng lại ở đấy. Một công ty công nghệ khác, Crazy Maple Studios (tại California, Mỹ) cho biết họ sẽ giúp các tác giả “đưa sách vào cuộc sống” theo những cách can thiệp tùy hứng nhộn nhịp nhất. Tiểu thuyết sẽ không còn là những từ ngữ trên một trang sách nữa, nó sẽ lồng ghép vài ứng dụng với ảnh, âm nhạc, hiệu ứng âm thanh, thậm chí cả trò chơi… bạn đọc có thể quyết định cho nhân vật làm gì thì tùy. Jane Eyre có thể rũ đôi giày lấm bùn của cô ấy khi vừa từ ngoài đồng cỏ mù sương bước vào, một cách duyên dáng, và từ đó một chùm hình tim đỏ thắm có thể bay lên tán loạn, y như khi bạn tán thưởng ai đó trên một chương trình livestream, tại sao lại không chứ, vui mà.

 
 Crazy Maple Studios có thể biến sách thành tiểu thuyết đồ họa và độc giả có thể tùy biến sáng tạo trên nhân vật họ thích.

 Joey Jia, người sáng lập và giám đốc điều hành của Crazy Maple Studios, nói rằng sự chuyển đổi của việc viết lách như thế trong cuộc cách mạng kỹ thuật số vốn tạo ra vô số chuyển động lớn của ngành xuất bản là tất yếu. Ông tự tin nhận định rằng nhà văn kiểu gì cũng sẽ chuyển hướng sang phía công nghệ nhiều hơn vì sự cạnh tranh dữ dội trong một thế giới mà tất cả độc giả tiềm năng nào cũng đang bị giành giật sự chú ý. Họ có quá nhiều lựa chọn về cách dành thời gian giải trí. Giải trí mà không phải nghĩ lắm hay ghi nhớ nhiều thì lại còn thích hơn nữa.

Tất nhiên, cũng có dăm ba người sáng suốt nào đó nói gì đó về chuyện công nghệ gây mất tập trung cho nhà văn, nhất là mạng xã hội, rằng “bạn tưởng bạn lướt qua trên ấy chừng 5 phút thôi, nhưng thực ra là toi nguyên một buổi chiều rồi”, song chắc chắn những người như họ sẽ ngày càng ít đi. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận