TTCT - Hội nghị thượng đỉnh COP28 về biến đổi khí hậu kết thúc tại UAE với kết quả lừng khừng... Các họp hành kiểu này thường kết thúc như vậy. Rất nhiều quyền lợi mâu thuẫn chưa giải quyết được nên mới phải họp hành và họp hành không giải quyết được nên mới phải dung hòa, ta nâng ly uống rồi về nhà, hẹn gặp lại sau.Mỹ là nước thải ra rác thải nhựa nhiều nhất thế giới, theo cả hai thông số tổng số rác và số rác bình quân trên đầu người. Ảnh: Getty ImagesCác quyền lợi mâu thuẫn này là giữa thế giới phát triển và đang phát triển, tức là mâu thuẫn nam bắc; giữa các nước sản xuất và có tài nguyên dầu khí với các nước tiêu thụ; giữa công nghệ cũ dựa trên dầu khí, than đá, và công nghệ mới dựa trên năng lượng nắng, gió, thủy triều… Các mâu thuẫn về quyền lợi chẳng khi nào đơn giản. Ở mức thế giới, quốc gia, ở mức công nghệ, nó bao giờ cũng đi kèm thượng tầng văn hóa, chính trị và ý thức hệ để bảo vệ, tuyên dương, phát triển hay duy trì quyền lợi.Cần một cuộc khủng hoảngNếu ta sống về nghề làm củi thì hình ảnh ta ca tụng là người tiều phu vác rìu và việc đốn cây đi vào thi ca. Khi năng lượng than làm trùm ở Tây phương trong thế kỷ 19 thì ta có tàu hỏa qua những cánh đồng Mỹ mênh mang và nhà máy nhả khói hiền hòa. Dầu hỏa xuất hiện thì có xe con và đường sá, những căn nhà ngoại ô và chủ nghĩa cá nhân hay chủ nghĩa xe con. Hiện ta đang bước sang giai đoạn có những năng lượng mới cạnh tranh và đòi giết năng lượng dầu khí, vốn cùng với than đá ở giai đoạn đầu công nghiệp làm nên phú quý của Tây phương. Nhưng đó như một hoàng hậu đã hết thời và có những phi tần mới đòi đuổi bà vào lãnh cung.Trong thế kỷ 20, dầu hỏa là nền tảng của sự phát triển công nghiệp Tây phương. Nó cho phép hình thành lối sống mà cả thế giới ngưỡng mộ và theo đuổi là lối sống Mỹ. Không có dầu hỏa và dầu hỏa giá rẻ thì đã không có xe con, không có xa lộ nối liền hãng xưởng sản xuất với các khu gia cư và khu tiêu thụ mua sắm. Nhiên liệu rẻ đã làm nên Tây phương sau Thế chiến II, từ Coca-Cola đến Rock'nRoll.Nhờ có dầu và dầu rẻ mà thủ đô của siêu cường số 1 thế giới thế kỷ 19 là London mới trắng trẻo ra và bớt ám khói ô nhiễm lù mù như trong truyện C. Dickens. Nhờ có dầu và dầu rẻ, Tây phương trong 3 thập niên 1945-1975 mới phát triển kinh tế để trở thành một xã hội tiêu thụ dư thừa và phung phí hàng đầu trong lịch sử. Nếu không có dầu và dầu rẻ thì không có quần bò và The Beatles, Walkman Sony và phim Love Story coi khóc hết nước mắt. Vì quý giá và cơ bản như vậy, dầu hỏa được gọi là "vàng đen", và năm 1971 nó thay thế vàng thật! Hoa Kỳ bỏ việc quy đồng USD ra vàng nhưng USD vẫn phải dùng trong mọi giao dịch quốc tế vì muốn mua dầu chỉ có thể trả bằng USD.Dầu này ở đâu ra? Nhiều chỗ có, Baku Liên Xô có mà Texas Hoa Kỳ cũng có, nhưng dễ khai thác vào dạo đó là do cầm cuốc cuốc đất sa mạc ở Trung Đông để dầu tuôn ra, chứ chẳng cần giàn khoan sóng gió gì sất. Dầu rẻ vì khai thác dễ, nhưng khai thác dễ vẫn bán giá đắt được chứ. Bạn làm bánh trung thu dễ, nhưng đến Trung thu ai cũng cần mua thì bạn vẫn bán giá cao được, không có tiền thì mời đi mua bánh bao! Tuy nhiên giá dầu rẻ vì khu vực Trung Đông còn do Tây phương quản lý và cai trị. Trục chính Iran - Saudi nằm yên dưới bàn tay ve vuốt của Anh - Mỹ - nhúc nhích là bị bóp cổ đấy.Năm 1973, để phản đối Israel và để tỏ ý độc lập, Saudi dùng "vũ khí" dầu mỏ khiến dầu tăng giá gấp 3 lần. Dân Âu châu và Mỹ xếp hàng rồng rắn trước cây xăng, có nơi cấm xe con ngày chủ nhật, hay quy định ra đường theo biển số chẵn lẻ, giới hạn tốc độ tối đa, và nhờ thế mới bắt đầu có các biện pháp tiết kiệm năng lượng.Cuộc khủng hoảng dầu hỏa 1973 khởi đầu cho trào lưu năng lượng tái tạo. Ảnh: GettyThứ nhất là xe con bé lại, không còn dài 5,5m với động cơ 4,2 lít nữa. Giá dầu mà tăng gấp ba ngay từ thập niên 1950 thì toàn cảnh cực lạc ở thế giới Tây phương hẳn đã khác. Các nước sản xuất nếu kiểm soát được tài nguyên của chính mình thì đã giàu và phát triển tốt hơn. Thế giới cũng bớt những vấn đề môi trường và ô nhiễm từ dầu khí, rác nhựa. Nếu sử dụng đúng mức hay dè sẻn thì dự trữ hóa thạch vẫn còn nhiều và không tai hại như đã thấy. Nếu không có khủng hoảng 1973 thì ta có thể tưởng tượng việc phung phí đến như thế nào. Bản thân người viết, khi sống ở Mỹ trong thập niên 1980-1990, chứng kiến các siêu thị khi về đêm đóng cửa nhưng không hề tắt đèn, vẫn để sáng rực cho vui mắt.Chế độ quân chủ tại Iran bị lật đổ năm 1979 càng khiến việc tiết kiệm là bắt buộc (giờ buổi đêm đóng cửa thì tắt đèn siêu thị) và hoạt động khai thác dầu hỏa lan ra các thềm lục địa, trên biển, ngoài khơi, những nơi giá thành khai thác cao hơn.Quá khứ và tương laiUAE là nơi họp COP28, nhưng khu vực này nói chung bị "mang lỗi" là sản xuất cực kỳ nhiều dầu, khoảng 30% dầu trên thế giới. Nhưng đố bạn nước nào sản xuất nhiều dầu nhất thế giới hiện nay? Đó là Mỹ với 20,3 triệu thùng, tức 21% (thống kê năm 2022). Số dầu này giờ đủ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa của Hoa Kỳ là 19,89 triệu thùng và còn dư ra một chút. Năm khủng hoảng dầu mỏ 1973 thì Hoa Kỳ sản xuất có 3,36 triệu thùng và tiêu thụ 6,31 triệu, tức phải nhập 47%. Trung Đông lúc đó là nguồn cung cấp năng lượng cho Mỹ. Giờ thì Mỹ không cần mua dầu của họ nữa. Chẳng những vậy, Mỹ còn dư để xuất cho nên ngày nay sản xuất dầu ở Trung Đông (hay ở Nga) đang trở thành cái tội làm hại môi trường.UAE là nước sản xuất hàng thứ 7 toàn cầu với 4,23 triệu thùng dầu thô/ngày, nhưng số tiêu thụ chỉ có 855.000 thùng thôi, còn lại để xuất. Thặng dư này trong nửa thế kỷ qua (UAE độc lập năm 1971) đã đưa nhóm tiểu vương quốc từ thuyền chài tìm ngọc và lữ hành đồi cát thành nơi đủ thứ kỷ lục Guinness, cái gì cũng nhất và cao ngất thiên hạ.Tuy nhiên, ô nhiễm hay độc hại môi trường, biến đổi khí hậu không phải là chỉ ở sản xuất, mà chính là ở tiêu dùng. Hoa Kỳ là nước dùng dầu nhiều nhất như đã thấy, còn thứ nhì là Trung Quốc (15,27 triệu thùng/ngày). Thế nhưng ở giai đoạn này, kỹ nghệ sản xuất của Trung Quốc đốt dầu là để cho người Mỹ mua sắm thoải mái: Năm 2022, Trung Quốc xuất sang Mỹ 582 tỉ USD hàng hóa.Thế kỷ dầu hỏa vừa qua tại Tây phương đã hướng cả thế giới theo hình mẫu sống lý tưởng của Hoa Kỳ. Các thành phố, ngoại ô được xây dựng trên nền tảng văn minh xe con, từ nơi bàn giấy đến hãng xưởng, trường đại học lẫn nơi ăn chơi mua sắm. 30 năm trước thôi, bạn có thể ngồi trên xe con mua thùng nước và thùng sữa, xem phim hay... đi lễ nhà thờ, tất cả đều không cần bước chân khỏi xe. UAE về mặt lối sống này là mẫu mực. Ảnh: New ScientistDubai, Abu Dhabi là những thành phố như Hoa Kỳ nhưng mới hơn, to hơn, hiện đại hơn, an ninh và sạch sẽ hơn, được xây dựng như Mỹ, chỉ khác là xe Lamborghini thay xe Mustang. Và vì đã lỡ xây dựng cuộc sống, bao gồm tất cả hạ tầng, chung quanh xe con nên không bỏ được. Ta phải bỏ dầu hỏa, nhưng không bỏ xa lộ, cao tốc, đường nhựa. Vậy thì ta phải có xe con điện.Khi một công nghệ mới xuất hiện, nó phải loại trừ công nghệ cũ. Vì vậy nó phải gièm pha cái cũ trong khi giữ kín tật của mình. Xe điện dùng bình, đầu tiên độc hại như bình chì cho xe máy tại Trung Quốc. Đợt xe con hybrid điện đời đầu là Toyota Prius không biết vất đâu nên nay thải sang tràn ngập Campuchia. Bình điện đời mới thì dùng lithium. Các mỏ lithium khai thác tại vùng Phi châu cận sa mạc cần rất nhiều nước - tài nguyên rất hiếm ở nơi này, khiến dân cư địa phương mất nước canh tác và về lâu dài khiến sa mạc phát triển thêm. Để thay hay bớt dầu hỏa, người ta còn dùng ethanol và nhiên liệu từ cây trồng. Nhưng trồng cây kỹ nghệ, chỗ thì phải phá rừng nguyên sơ đe dọa môi trường, chỗ thì chiếm đất trồng lúa gạo đe dọa an ninh thực phẩm.Một cuộc sống tương lai không cần xe con lại oái oăm được phác họa tại Saudi. Đó là dự án thành phố Neom vào năm 2030 lúc ngày tàn của dầu hỏa. Nhưng dự án này chưa thuyết phục và còn rất khoa học giả tưởng kiểu trực thăng không người lái đến nóc nhà móc ta lên đi thăm bạn gái. Nó chắc chắn không phải giải pháp tương lai cho Ấn Độ hay Phi châu. Phần COP28 vừa qua cũng chỉ xập xình sao cho đừng lạc nhịp quá giữa ba thành phần là các quốc gia tiêu dùng, sản xuất dầu, và các quốc gia đến lượt họ sắp được đụng vào dầu thì hết! Tóm tắt là nhiên liệu hóa thạch và không tái tạo được như dầu khí, chúng anh đã sử dụng cạn kiệt và vô trách nhiệm rồi, nên chúng anh mới có được ngày nay. Giờ các chú phải thận trọng đấy, vì nó bẩn lắm!■ Chuyện này gợi lại chuyện năm 1721 tại Anh, quần áo vải bông gòn bị cấm tiệt, là mặt hàng phi pháp. Vải bông gòn sản xuất lúc đó tại Ấn Độ và đe dọa kỹ nghệ vải sợi (lanh) và quần áo len, quần áo da nội địa Anh. Việc bài vải gòn vì lý do kinh tế này kèm theo một chiến dịch văn hóa, cho việc phụ nữ mặc vải màu mè là mất nết, khiến có sự cố xé áo họ ngoài đường, một số bị tạt cả a xít lên quần áo. Sau khi Anh đô hộ Ấn Độ thì họ phá hủy hoàn toàn kỹ nghệ vải gòn bản xứ, sản xuất vải gòn tại Anh và xuất hàng "made in England" trở lại cho Ấn Độ. Ở Anh dĩ nhiên không còn cấm vải gòn nữa, và nước nhược tiểu nào không mua vải gòn của Anh thì ta xâm lăng luôn. Tags: COP28 về biến đổi khí hậu kết thúc tại UAEBiến đổi khí hậuCông nghệ mớiKhu vực Trung ĐôngNăng lượng tái tạo
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.