COVID-19 và hiệu năng của nhà nước

CHIÊU VĂN 09/12/2020 07:12 GMT+7

TTCT - COVID-19 đã cho thấy vấn đề nhà nước lớn hay nhỏ không quan trọng bằng hiệu năng của nó ra sao.

Hình bìa của báo Nikkei về những Leviathan châu Á, nhại lại bìa cuốn sách của Hobbes, với nhà cai trị nay đeo khẩu trang và các công trình kiến trúc châu Á. Ảnh: Nikkei

Công việc đầu tiên của mọi nhà nước là phải bảo vệ người dân, và đại dịch đang càn quét khắp toàn cầu nêu ra câu hỏi cho định chế lâu đời và phổ quát nhất của con người, từ Đông sang Tây.

Ngày 5-12, CNN chạy dòng tít ảm đạm: “COVID-19 đã làm nước Mỹ kiệt quệ...”. Bài viết sau đó cảnh báo về một mùa đông đen tối đang chờ đợi nước Mỹ, khi yêu cầu nhân lực cho ngành y tế trở nên “khẩn thiết đến bi thảm”, các nhà tang lễ thì đã “đầy tràn”, và nhu cầu thực phẩm “tăng đội trần”. Cũng ngày hôm đó, tít ở trang chủ của Tân Hoa xã là “Trung Quốc sẽ vực dậy nền kinh tế từ COVID-19 như thế nào”.

Trong tâm trạng bối rối khắp nơi của một cuộc khủng hoảng toàn cầu, dễ hiểu là mọi ngón tay đổ lỗi cũng như bàn tay van nài đều đang hướng về phía nhà nước.

Từ Thomas Hobbes...

Năm 1651, một quý ông - học giả người Anh xuất bản tác phẩm lớn về chính quyền, thể chế, và sự cai trị, về nhà nước mà ông gọi là “Leviathan”. Thomas Hobbes đã sống sót qua cuộc nội chiến Anh khét tiếng đẫm máu nhờ chạy sang Pháp - và mối lo triết học lớn lao của ông cũng là một trải nghiệm cá nhân thường nhật: sự an toàn của mỗi công dân trong một xã hội. Ông quan sát rằng đời sống ở trạng thái tự nhiên của nó sẽ “cô độc, nghèo khổ, khó chịu, tàn nhẫn và ngắn ngủi”, vì người ta luôn đối đầu nhau. Lẽ đó, ông lập luận rằng người công dân phải chấp nhận khế ước từ bỏ một phần tự do của họ cho nhà cai trị để đổi lấy sự bảo vệ. Tính chính danh của nhà nước phụ thuộc vào việc nó có “thực thi hợp đồng” đúng hay không - tức bảo vệ người dân của mình. Đấy là một ý tưởng có tính cách mạng vào thời những lãnh chúa và quân chủ phong kiến cai trị khắp châu Âu bằng quyền kế tập.

Nhưng Hobbes cũng đã sống sót qua một đại dịch - dịch hạch lớn 1665-66 - và thọ tới 91 tuổi. Nếu ông còn sống tới ngày nay, Hobbes hẳn sẽ phải vỗ đùi mà thốt lên “thấy chưa, tôi đã nói mà!”. Trên toàn thế giới, nỗi sợ đại dịch đang khiến các công dân phải từ bỏ nhiều quyền cơ bản, thậm chí cả quyền đi ra khỏi nhà, để Leviathan có thể đảm bảo sự an toàn cho họ. COVID-19 đã lại nêu bật vấn đề nhà nước và hiệu năng của nó - ở thời đại này là một vấn đề sinh tử, theo nghĩa đen.

Kể từ Hobbes, thế giới có vẻ sắp đi trọn một chu kỳ. Khi Leviathan ra đời, Trung Hoa đang là số 1 thế giới dưới sự trị vì của “đệ nhất quân chủ” Khang Hi: đế quốc hùng mạnh nhất với thành phố lớn nhất (Bắc Kinh hơn 1 triệu dân), hải quân đông đảo nhất và nền hành chính công vụ tinh vi nhất - thông qua giới quan lại được tuyển lựa từ hệ thống khoa cử chặt chẽ và lâu đời. Châu Âu lúc đó đang là một bãi chiến trường của các gia đình quý tộc, nơi chức vụ trong chính quyền là do huyết thống hoặc được mua bán công khai. Rồi sau đó châu Âu vượt qua Trung Hoa, một phần quan trọng nhờ các cuộc cách mạng trong nền công quyền, ở Pháp, Anh, rồi Đức, Mỹ.

Lợi thế đó lại đang bị nghi vấn trong thời COVID. “Hãy đơn giản tự hỏi bản thân xem ngày nay bạn thấy an toàn hơn ở New York và London hay Singapore và Seoul?”, Hãng tin Bloomberg nêu câu hỏi trong một bài ý kiến tựa đề “Virus là sự thức tỉnh cho phương Tây” tháng 4-2020. “Châu Á đang đuổi kịp phương Tây, và ở một số nơi đã vượt qua, chủ yếu vì châu Á Khổng giáo đã coi trọng việc quản trị nhà nước suốt nhiều thập kỷ qua, trong khi phương Tây bỏ mặc những nhà nước của mình”.

Nikkei Asian Review ngày 6-12 xác nhận bình luận đó bằng một bài viết trang bìa: “Những Leviathan mới của châu Á: Sự vươn lên của nhà nước quy mô lớn trong thời đại COVID-19”. Điểm khắp Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản và một số nước châu Á khác, bài báo khẳng định các nhà nước đều đang trở nên lớn hơn, làm nhiều việc hơn, quyền lực hơn và chi tiêu mạnh tay hơn khắp châu lục, để đối phó với đại dịch và những hậu quả của nó.

Thí nghiệm chính quyền lớn ở châu Á diễn ra vào một thời điểm thú vị. Các nhà lãnh đạo khu vực một thời từng hướng sang phương Tây để tìm kiếm cảm hứng cải cách thể chế và dịch vụ công. Nhưng phản ứng sai lầm và để lại nhiều hậu quả với đại dịch của những nước như Mỹ hay Ý đã làm xói mòn lòng tin vào các mô hình phương Tây một thời được ngưỡng mộ, đi kèm là những ý tưởng về tự do cá nhân và nhà nước với vai trò bị hạn chế tối đa từng rất thời thượng với chủ nghĩa tân tự do.

“Các xã hội phương Tây và những mô hình dịch vụ công nặng tính cá nhân hậu Thatcher và Reagan rõ ràng dễ tổn thương hơn trong những cú sốc kiểu này” - James Robinson, tác giả cuốn sách bán rất chạy Why nations fail (tựa tiếng Việt: Tại sao các quốc gia thất bại), nói với Nikkei. “Các nhà nước phương Tây đang học hỏi các đối thủ châu Á và dịch chuyển dần khỏi tín điều thị trường tự do đã định nghĩa tư duy kinh tế của họ suốt nhiều thập kỷ, thay vào đó đón nhận sự kiểm soát của nhà nước với hoạt động kinh doanh nhiều hơn”, một bài trên The Wall Street Journal - có thể coi là thành trì ngôn luận của chủ nghĩa tư bản Mỹ - mới đây thừa nhận. Đại dịch sẽ càng đẩy nhanh điều đó. Vì cấu trúc xã hội và nền tảng văn hóa, chính quyền ở châu Á vốn đã có truyền thống can thiệp sâu vào xã hội xưa nay, trong khi người dân ít lo ngại hơn về quyền lực nhà nước xâm hại tự do cá nhân, dù là trong chính sách công nghiệp hay các quyền tự do dân sự.

 

Nguy cơ của một chính quyền lớn

Những cảnh báo về một nhà nước quá quyền lực và chi tiêu quá nhiều vẫn không bao giờ thừa. Cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã luôn nhấn mạnh một trong những ưu thế quyết định của đất nước ông là chính quyền nhỏ mà hiệu quả. Chi tiêu công của Singapore chỉ chiếm không tới 20% GDP (ở Mỹ là 40%), dù vẫn trả mức lương rất cao cho bộ máy, có thể lên tới 2 triệu đôla mỗi năm. Nikkei thì nhìn nhận có ba nguy cơ với việc mở rộng quy mô nhà nước do dịch hiện giờ: nợ công tăng lên, đi kèm là thâm hụt ngân sách; chủ nghĩa tư bản thân hữu, tức lợi ích nhóm; và sự xâm phạm các quyền dân sự.

... Tới Hàn Phi

Trung Quốc có thể coi là một ví dụ có phần cực đoan của “mô hình châu Á”. Đã hàng nghìn năm nay, thậm chí tới tận bây giờ, đó là một nhà nước có phần vỏ ngoài Nho học, nhưng phần lõi là lý thuyết pháp trị kiểu Hàn Phi - nhà tư tưởng lớn thời Chiến Quốc, một Machiavelli và Hobbes của phương Đông và là triết gia ưa thích của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trường phái pháp gia về cơ bản là một lý thuyết chính trị thực dụng tập trung vào quyền hành của nhà cai trị, nhằm đảm bảo sự kiểm soát và ổn định xã hội thông qua ba khái niệm: thế, tức vị thế của nhà cai trị; thuật, tức các kỹ thuật cai trị; và pháp, tức pháp luật. Nền tảng này được thể hiện rõ ràng trong cuộc chiến chống COVID-19 quyết liệt ở Trung Quốc và nhiều nước châu Á với hình phạt nghiêm khắc cho những người vi phạm quy định phòng dịch, những kỹ thuật theo dõi sát sao cộng đồng, những biện pháp ngăn chặn đi lại và phong tỏa mạnh tay từ sớm...

Trung Quốc ngày nay tất nhiên là một bức tranh đa sắc vì sự rộng lớn và phức tạp của nó. Nhiều khu vực chính quyền địa phương vẫn có hiệu năng thấp, và tham nhũng hoành hành. Sự tập trung quyền lực thái quá là đáng lo ngại và rất nhiều công nghệ mang tính xâm phạm đời tư đến đáng sợ được nhà nước sử dụng. Nhưng đồng thời còn có mặt bên kia của đồng xu - điều đã tỏa sáng trong mùa dịch như một thực tế, dù ta có thừa nhận hay không. Nhà nước Trung Quốc thực ra là một cơ quan nguồn nhân lực khổng lồ, với hồ sơ chi tiết của mọi quan chức các cấp trên cả nước và những biện pháp đo đạc thành tích phổ quát cho từ quan đầu tỉnh tới hiệu trưởng đại học hay giám đốc nhà máy. Câu khẩu hiệu “X là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị” có thể nghe hình thức đó đây, nay trở thành một hiện thực sống động khi X = Chống COVID-19. Đó có thể nói là điều quyết định thành bại của các Leviathan thời hiện đại - ở đây là bảo vệ sinh mạng người dân, mục tiêu tối hậu của nhà nước.

Trong những ngày đen tối khi dịch mới bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc ấn định lệnh cấm đi lại trong nước, đóng chặt gần như mọi sinh hoạt thường nhật ở vùng dịch, bản thân ông Tập cuối cùng cũng có mặt ở “tâm chấn”, và còn kịp gửi đi thiết bị y tế cho một số nước. Victor Orban - thủ tướng Hungary, một trong những nước đã nhận thiết bị từ Trung Quốc - tóm tắt: “Tình hình có thể mô tả như sau: Ở phương Tây, cái gì cũng thiếu. Mọi sự hỗ trợ chúng ta có thể nhận được là từ phương Đông”.

Nhưng như đã nói, Trung Quốc chỉ là một ví dụ cực đoan. Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore và cả Việt Nam nữa, đều là những nơi đã chứng tỏ được hiệu năng của nhà nước trong cuộc chiến chống dịch: các bộ xét nghiệm được phát triển nhanh chóng, nguồn lực thích đáng được dành ra cho công tác thông tin, phòng dịch và điều trị, dân chúng tuân thủ quy định cách ly y tế... trong một hệ thống “thế, thuật, pháp” đã được Hàn Phi nêu ra hơn 2.200 năm trước, nay chỉ khoác một lớp áo mới mà thôi.■


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận