TTCT - Không còn nhiều người trong chúng ta duy trì thói quen đọc những con số cập nhật về dịch COVID-19 nữa dù vẫn đang sống chung với căn bệnh vang tiếng một thời này. Từ 10-1, Bộ Y tế Tây Ban Nha bắt buộc đeo khẩu trang tại các trung tâm y tế trên cả nước khi các ca nhiễm cúm và COVID-19 có nguy cơ đạt đỉnh. Ảnh: ReutersĐã bốn năm trôi qua, làn sóng COVID-19 gần đây mà báo chí và các chuyên gia y tế nói là đang tăng trở lại trên thế giới dường như không đủ sức làm công chúng để tâm. Nếu một làn sóng COVID mới giờ đây không nghiêm trọng như xưa, không buộc chúng ta phải cách ly khổ sở như hồi đó, vậy sống chung với COVID từ 2024 trở về sau có gì khác?COVID la đà, bệnh tà tàCác con số thống kê mới nhất cho thấy khoảng 1.500 người Mỹ thiệt mạng mỗi tuần do một đợt bùng phát COVID-19 từ tháng 12 đến nay. Theo số liệu Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 5-1-2024, biến thể phụ JN.1 của biến thể Omicron là biến thể hiện diện rộng rãi nhất và khiến COVID-19 "tăng cường lây lan". Nhưng nhà chức trách y tế cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy JN.1 nguy hiểm hơn so với các biến thể khác đang lưu hành ở Mỹ.Số người xét nghiệm dương tính và đặc biệt là dữ liệu xét nghiệm nước thải từ cộng đồng cho thấy hoạt động của vi rút ở Mỹ mạnh hơn trong mùa đông năm nay so với năm ngoái. Báo chí Mỹ giật tít "Hoa Kỳ bước vào năm mới 2024 với làn sóng COVID mới, số ca nhập viện tăng" nhưng chuyên gia CDC khẳng định căn bệnh hiện tại ở trạng thái "ổn định".Để so sánh, năm nay, mặc dù vi rút hoạt động mạnh, số người tử vong hằng tuần hiện nay vẫn thấp hơn con số của các mùa đông trước, và dĩ nhiên là không là gì nếu so với 25.974 ca tử vong ghi nhận vào tuần kết thúc ngày 9-1-2021 - thời kỳ đỉnh dịch.Giáo sư, bác sĩ Cameron Wolfe, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học Duke ở North Carolina, trả lời ABC News: "Tỉ lệ tử vong do COVID cả tuần hiện nay chỉ bằng mức tử vong một ngày lúc dịch cao điểm. Nhìn chung, vắc xin, miễn dịch cộng đồng và các loại thuốc điều trị đã giúp chúng ta ở một vị thế hoàn toàn khác so với trước".Mỹ không cá biệt, trên thế giới, số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 cũng tăng từ tháng 12-2023 trở đi. Một số bang ở Úc và nhiều nước châu Âu cũng ghi nhận số ca nhiễm tăng trở lại. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có gần 10.000 người chết vì căn bệnh này trong tháng 12-2023 do bà con tụ tập nhiều hơn trong kỳ nghỉ.Bác sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về phản ứng với COVID-19 của WHO, ước tính hoạt động của vi rút trên thực tế cao hơn từ 2 - 19 lần so với báo cáo vì WHO chỉ nắm được số liệu của gần 50 quốc gia, chủ yếu ở châu Âu và châu Mỹ. Chắc chắn số ca tử vong cũng tăng ở các nước không còn theo dõi và cập nhật số liệu về xu hướng của căn bệnh.Ảnh: ReutersMặc dù số lượng ca chết do COVID-19 đang thấp hơn đáng kể so với thời đỉnh dịch, các chuyên gia y tế của Mỹ và WHO cho rằng nó vẫn cao một cách không thể chấp nhận, nhất là khi căn bệnh này giờ đây có thể "ngăn chặn được".Trong khi COVID-19 vẫn đang đi theo một quỹ đạo tồi tệ, người dân khắp nơi vẫn tiếp tục làm việc, đi học, ăn uống ở nhà hàng, kề vai trong rạp chiếu phim, đi du lịch và hầu như không ai đeo khẩu trang. Nếu là năm 2020, đây sẽ bị xem là hành động liều lĩnh với sức khỏe của mình và cộng đồng khi không tuân thủ giãn cách xã hội.Theo bác sĩ Ashish Jha, hiệu trưởng Trường y tế cộng đồng thuộc Đại học Brown, cựu điều phối viên của nhóm phản ứng COVID-19 ở Mỹ, hiện nay hầu như toàn bộ dân số Mỹ đều có miễn dịch với COVID-19 do từng mắc bệnh hoặc do tiêm phòng. Sự kết hợp giữa xét nghiệm và các biện pháp hạn chế lây lan như đeo khẩu trang, hạn chế nơi đông người, điều trị bằng thuốc… đã khiến COVID-19 ít đe dọa hơn."Sự thật rõ ràng là COVID không biến mất, nhưng nó không nguy hiểm như cách đây 4 năm, thậm chí là 2 năm trước. Việc mọi người sinh hoạt bình thường là hoàn toàn hợp lý" - bác sĩ Jha nói với báo Time.Sống chung với COVID mùa 4Bác sĩ Robert Wachter, trưởng khoa y tại Đại học California, San Francisco, chia sẻ cách bảo vệ sức khỏe bằng cách nương theo COVID-19 mà hành động. Khi tình hình êm đềm, cuộc sống của ông bình thường như trước dịch.Khi thấy các chỉ số như tỉ lệ nhập viện tăng hay lượng vi rút trong nước thải sinh hoạt tăng lên, ông đeo khẩu trang ở nơi đông người như sân bay, rạp phim. Khi bệnh trở thành một làn sóng đáng chú ý, ông đeo khẩu trang ở mọi nơi và hạn chế đến nơi đông người như ngừng đi ăn bên ngoài.Ông cũng tiêm vắc xin nhắc lại định kỳ vì hiểu rằng ở tuổi 66, cẩn thận là thế nhưng khả năng mắc bệnh của mình vẫn cao hơn cậu con trai 30 tuổi.Cho năm 2024 và về sau, bình thường mới của chúng ta là đeo khẩu trang loại tốt, ưu tiên các không gian ngoài trời thoáng khí, mở cửa sổ phòng hoặc đảm bảo phòng có thông gió tốt… Nếu nghi ngờ hoặc để yên tâm, xét nghiệm trước khi dự sự kiện đông người hoặc thăm người lớn tuổi, hạn chế đến nơi đông người khi số ca tăng cao. Càng áp dụng những thói quen này chúng ta càng giảm khả năng bị nhiễm bệnh cho bản thân và cho những người xung quanh.Mặc dù một số bệnh viện và viện dưỡng lão ở Mỹ đã yêu cầu đeo khẩu trang trở lại trong đợt tăng đột biến bệnh COVID-19 hiện nay, bác sĩ Jha nhận định các biện pháp kiểm soát mạnh tay hơn và trên diện rộng sẽ khó được áp dụng trở lại.Ảnh: ReutersPhong tỏa, giãn cách xã hội đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trong những ngày đầu của đại dịch, khi thế giới chưa có công cụ và cách thức để bảo vệ mọi người trước vi rút. Giờ đây sau 4 năm, trong tay chúng ta đã có đủ "đồ chơi" nên biện pháp kiểm soát không còn quan trọng nữa.Theo bác sĩ Jha, miễn là vi rút không biến đổi để lẩn tránh miễn dịch, cùng sống chung với bệnh không phải là điều gì tệ hại vì chúng ta vẫn đang làm vậy với các rủi ro khác trong đời sống. Mỗi người sẽ có cách tự bảo vệ sức khỏe và phòng bệnh trước COVID tương tự như với các bệnh hô hấp khác và với các rủi ro khác theo mức độ thận trọng của mình.Jha cho biết việc nhà chức trách điều chỉnh hướng dẫn chung và phản ứng của người dân với COVID thay đổi là tự nhiên khi tính đe dọa của bệnh đã giảm. Chuyên gia này hy vọng những bài học trong đại dịch sẽ giúp chúng ta rút ra cách đối phó với các bệnh về đường hô hấp nói chung. Từ nay về sau, để hướng tới một tương lai chung sống được với COVID-19, chúng ta không nên quên tầm quan trọng của vắc xin, khẩu trang, thông gió và nghỉ ở nhà khi mắc bệnh. Có vắc xin nhưng ít người tiêmTỉ lệ tiêm các phiên bản cập nhật mới nhất để phòng COVID-19 và bệnh cúm thấp đang gây áp lực lên các bệnh viện trong mùa đông năm nay ở nhiều nước trên thế giới. "Vẫn có quá nhiều người bệnh nặng vì nhiễm cúm hoặc COVID-19 trong khi chúng ta đã có thể ngăn chặn điều này" - Reuters ngày 12-1 dẫn lời bà Maria Van Kerkhove, chuyên gia của WHO.Mỹ và châu Âu đang khổ vì vắc xin đầy kho nhưng người tiêm thì thưa thớt - một nỗi khổ điển hình của nhà giàu. Theo CDC Mỹ, chỉ có 19,4% người trưởng thành ở Mỹ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mùa đông này mặc dù tất cả người lớn được kêu gọi nên tiêm vắc xin COVID-19. Với bệnh cúm, tỉ lệ tiêm khá hơn với khoảng 44,9%. Giám đốc CDC Mỹ Mandy Cohen cho rằng tỉ lệ này cho thấy người dân chưa nhận thức được rằng COVID gây bệnh nặng hơn cúm.Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) không có tỉ lệ tiêm vắc xin cúm hoặc COVID-19 trong khối nhưng cho biết tỉ lệ tiêm là rất thấp so với tỉ lệ hồi dịch diễn ra. Phân tích của trang Politico hồi tháng 12-2023 cho biết ít nhất 215 triệu liều vắc xin COVID-19 các nước EU đặt mua hồi đỉnh dịch đã bị tiêu hủy vì không tiêm hết, tiêu tốn khoảng 4 tỉ euro tiền thuế. Ở châu Âu, vắc xin COVID-19 cập nhật chỉ được khuyến nghị cho các nhóm có nguy cơ cao, như người cao tuổi và người bị suy giảm miễn dịch. Trong các nhóm này, theo WHO, tỉ lệ bao phủ cần đạt 100%.Ở Anh, The Guardian hồi đầu tuần (15-1) cho biết người lớn tuổi đang được khuyến khích đi tiêm vì nghiên cứu mới cho thấy hơn 7.000 ca nhập viện và tử vong vì COVID-19 ở nước này hồi tháng 9 lẽ ra đã có thể tránh nếu mọi người chịu tiêm ngừa đầy đủ.Theo một nghiên cứu gần đây, tiêm nhắc lại với các vắc xin cập nhật giúp giảm nguy cơ mắc bệnh 70%. Kết hợp nhiều cách bảo vệ khác nhau sẽ giúp chúng ta hạn chế khả năng bị vi rút ghé thăm.Dựa trên trên hồ sơ y tế của người trên 65 tuổi, một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Lancet về bệnh truyền nhiễm của Viện Karolinska và Bệnh viện Danderyd ở Thụy Điển phát hiện vắc xin cập nhật nhắm vào biến thể XBB.1.5, giúp giảm 76,1% nguy cơ nhập viện ở các trường hợp nhiễm các biến thể gần đây. Các loại vắc xin cúm làm giảm 52% nguy cơ nhập viện nói chung.Ở một mức độ nào đó, vắc xin còn giúp ta tránh tình trạng nhiễm COVID kéo dài không ai mong muốn: mệt mỏi, sốt, ho, khó thở, đau ngực, mất khứu giác, vị giác, khó tập trung quanh năm. Do những bí ẩn của nó, đặc biệt là khi chưa có đáp án cho câu hỏi ai có nguy cơ mắc COVID kéo dài thì cách duy nhất để tránh bị COVID kéo dài là không để mắc bệnh ngay từ đầu. Tags: Covid-19Sức khỏeCOVID
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Hạ Thái Lan, tuyển futsal nữ Việt Nam vô địch Đông Nam Á ĐỨC KHUÊ 21/11/2024 Tối 21-11, tuyển futsal nữ Việt Nam đánh bại Thái Lan trong trận chung kết Giải futsal nữ Đông Nam Á để giành chức vô địch.
TP.HCM đề xuất miễn phí đi metro số 1 cho 5 nhóm đối tượng THẢO LÊ 21/11/2024 TP.HCM kiến nghị miễn phí vé cho người có công cách mạng, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, người đi các tuyến xe buýt kết nối với metro số 1 và người đi metro trong 30 ngày.