TTCT - Không chỉ hổ, một số loài động vật có vú đặc hữu quý hiếm đang lẩn khuất trong núi rừng Trường Sơn rộng lớn, không thể tìm thấy ở nơi nào khác. Với chúng, tuyệt chủng tại khu vực này đồng nghĩa với việc biến mất khỏi Trái đất vĩnh viễn… Vắt xanh (phương Tây gọi là vắt hổ) thường mai phục trên cành cây. Ngoài ra còn có vắt đất màu nâu vàng. -Ảnh: Dick Culbert/FlickrNhững “báu vật sống” của dãy Trường Sơn hiện nay có thể kể đến: sao la (Pseudoryx nghetinhensis), mệnh danh là “Kỳ lân châu Á”, được phát hiện lần đầu năm 1992; mang lớn (Muntiacus vuquangensis) được công bố năm 1994 tại huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh). Mang Roosevelt (Muntiacus rooseveltorum), thuộc hàng bí ẩn nhất thế giới, được “tái” phát hiện ở Thanh Hóa năm 2014 - sau hơn 80 năm bị xem là đã tuyệt chủng. Và loài thỏ vằn Trường Sơn (Nesolagus timminsi), mới được mô tả chính thức vào năm 2000…Có một sự thật đáng bận tâm là khi giới khoa học bắt đầu biết đến những loài kể trên, tức là vào những năm 1990, chúng đã đối mặt nguy cơ tuyệt chủng rồi. Ngày nay, số lượng cá thể của những loài này ở nước ta tuy còn rất ít, nhưng đủ để thắp lên hy vọng bảo tồn.Làm sao để tìm một chú thỏ giữa rừng?Mặc dù con người đã đào bới và chiếm lĩnh gần như toàn bộ hành tinh này, ít nhất là trên đất liền, vẫn còn nhiều loài vật mà khoa học chưa biết đến, không rõ chúng đang ở đâu và tập tính như thế nào. Trên thực tế, những loài bị đe dọa nhiều nhất thường cũng là những loài bí ẩn và khó tìm nhất, đặc biệt là ở những khu rừng nhiệt đới rậm rạp như của nước ta.Đó là một vấn đề khó chịu, bởi vì mức độ thành công của hoạt động bảo tồn sẽ phụ thuộc vào mức độ am hiểu về loài vật được bảo vệ. Làm sao ta có thể bảo vệ một thứ mà chẳng biết được nó đang ở đâu?Thỏ vằn Trường Sơn là một trường hợp như thế. Loài thỏ nhỏ nhắn này có bộ lông màu gỉ sắt với những sọc sẫm màu chạy khắp cơ thể. Chúng thường kiếm ăn vào ban đêm và sống đơn độc, cộng với bản tính cảnh giác cao độ của nhà thỏ. Các phương pháp nghiên cứu động vật hoang dã truyền thống đã trở nên vô ích, như bắt nhốt tạm thời để lấy mẫu máu, mẫu lông, hay chờ đợi nhiều ngày trong rừng để quan sát... Vì vậy, sau hơn 20 năm biết mặt nhau, thỏ vằn vẫn là một bí ẩn đầy quyến rũ với các nhà khoa học.Nhưng với sự giúp đỡ đầy đức hy sinh của loài vắt hút máu, chúng ta có thể gián tiếp thu được mẫu máu của thỏ vằn, tức là có được gene của chúng mà không tốn nhiều công sức tìm kiếm. Kỹ thuật này sử dụng “invertebrate-derived DNA” (iDNA), tạm dịch là ADN lấy từ động vật không xương sống. Từ bữa ăn cuối cùng của loài ký sinh - bên cạnh vắt còn có ve, muỗi và ruồi - iDNA được trích xuất và giải trình tự gene, nhà khoa học sẽ nhận dạng mã di truyền, qua đó xác định được các loài động vật có vú nào đã hiện diện trong khu vực đó vào thời điểm vắt “đi săn”.Mặc dù nguồn vật liệu di truyền thu thập từ những con vắt bị phân hủy tương đối, iDNA đã được chứng minh là một giải pháp nhiều hứa hẹn, theo nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học trong nước và quốc tế đăng trên tập san Environmental DNA tháng 9-2021. Đầu năm ngoái, nhóm này cũng công bố một nghiên cứu khác sử dụng vắt để đánh giá sự đa dạng gene của loài thỏ vằn. Vắt ở rừng Trường Sơn. Ảnh: Andrew TilkerMảnh ghép nhỏ, bức tranh toMột trong các tác giả của 2 nghiên cứu trên, nhà sinh vật học Nguyễn Văn Thành (Viện nghiên cứu vườn thú và động vật hoang dã Leibniz, Đức) đã chia sẻ với Tuổi Trẻ Cuối Tuần về một ngày “bắt vắt” điển hình. Khoảng 6 - 7 giờ sáng, nhóm nghiên cứu rời vị trí đóng trại và đi bộ khoảng 2km để đến các địa điểm được chỉ định trong rừng. Họ thu thập vắt xung quanh các vị trí đặt bẫy ảnh, hoặc ở những vị trí được xác định bằng phương pháp khoa học. Sau 7 - 10 hôm ngang dọc khắp một mảng rừng, nhóm ra ngoài nghỉ ngơi vài ngày, chuẩn bị thêm lương thực, rồi quay trở lại rừng. “Khó khăn lớn nhất hiện là thiếu nguồn nhân lực, thiếu những người theo đuổi lâu dài, ở nhiều vị trí… Máy móc, thiết bị tuy tương đối đắt đỏ nhưng cố gắng xoay xở để hỗ trợ nhau được” - anh Thành nói. Việc phân tích iDNA từ những con vắt bắt ở Trường Sơn hiện vẫn phải mang sang Đức để xử lý.Những nghiên cứu sử dụng iDNA như trên là những mảnh ghép đầu tiên cho một bức tranh lớn hơn: xây dựng cơ sở dữ liệu di truyền của các loài vật ở Việt Nam. Về cơ bản, như hành động tra cứu danh bạ, người dùng có thể so sánh, nhận diện trình tự gene của các mẫu vật, thậm chí khi chúng đã qua chế biến, khó có thể phân biệt, nhận dạng bằng hình thái bên ngoài. Anh Thành đưa ra ví dụ: “Khi phát hiện một con tê tê bị bán ở Việt Nam, nhờ mã di truyền mà ta sẽ biết được nó bị bắt từ Malaysia sang”, từ đó góp phần ngăn chặn việc khai thác và buôn bán trái phép động vật hoang dã.Kho dữ liệu gene động vật Việt Nam còn phục vụ công tác nghiên cứu và bảo tồn. Chẳng hạn trong việc tái thả động vật hoang dã, mã di truyền giúp ta biết được nên thả con vật ở đâu, phía Bắc hay phía Nam, để nó quay về môi trường sống ban đầu và tránh trộn lẫn các nguồn gene. Viện tài nguyên và môi trường thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội đang xây dựng một “bức tranh” như thế. Mẫu vắt được để trong dung dịch bảo quản. Ảnh: Andrew Tilker Tags: Động vật hoang dãMôi trườngBảo tồnRừng Trường SơnAndrew Tilker
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.