Cuộc chiến Mỹ - Huawei: Đòn hiểm đã tung

HOA KIM 26/08/2020 07:08 GMT+7

TTCT - Chính quyền Washington dưới thời Tổng thống Donald Trump vừa leo thang đối đầu với gã khổng lồ công nghệ viễn thông Trung Quốc Huawei bằng động thái được ví như “đòn hạt nhân” triệt đường làm ăn của hãng ở quy mô toàn cầu. Nhưng Bắc Kinh chắc chắn không khoanh tay đứng nhìn con cưng bị người Mỹ bắt nạt.

Ảnh: AP

Ngày 17-8, Bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross “đánh úp” Huawei bằng tuyên bố gây sốc rằng bất cứ công ty nào muốn bán cho Huawei chip điện tử có sử dụng công nghệ Mỹ, dù là trong khâu thiết kế hay sản xuất, đều phải được Mỹ cấp phép. Đây được xem là sự mở rộng biện pháp hạn chế được áp dụng từ tháng 5, khi Mỹ cấm tất cả các nhà sản xuất trên thế giới sử dụng công nghệ Mỹ để sản xuất chip do Huawei thiết kế.

Không xài đồ Mỹ: khó!

Trước lệnh hạn chế mới của chính quyền ông Trump, nhiều người thắc mắc vậy Huawei chỉ việc chuyển sang xài đồ châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản... hay tốt nhất cứ “cây nhà lá vườn” mà triển là xong hết, hơi đâu mà lo?

Trong thực tế, quá trình phát triển và sản xuất một con chip điện tử phải trải qua hàng chục công đoạn, và rất khó để có thể loại bỏ hoàn toàn công nghệ Mỹ ra khỏi toàn bộ quy trình một cách triệt để, dù nhà sản xuất ở nước nào.

Theo Bloomberg, các công ty Synopsys và Cadence Design Systems nắm bản quyền phần mềm dùng để thiết kế chất bán dẫn, trong khi Lam Research và Applied Materials là hai nhà cung cấp lớn các thiết bị dùng trong sản xuất chip. Cả 4 đều là những công ty Mỹ có trụ sở tại Thung lũng Silicon. Danh sách này không dừng lại ở đó, và để liệt kê hết công nghệ Mỹ hiện diện trong một con chip nhỏ bằng đầu ngón tay có thể tốn nhiều hơn một trang giấy.

Hơn nữa, từ ngữ trong thông báo của Bộ Thương mại Mỹ có thể được diễn giải và hiểu theo nhiều cách khác nhau. Nếu những chiếc máy tính được dùng trong quá trình thiết kế và sản xuất chip chạy hệ điều hành Windows của Hãng Microsoft và hoạt động nhờ bộ xử lý của Intel thì có bị xem là “chứa công nghệ Mỹ” hay không? Đây là một vùng xám đầy rủi ro mà các công ty muốn làm ăn với Huawei sẽ phải cân nhắc.

Nói vậy để thấy việc loại bỏ bất kỳ mắt xích nào ra khỏi chuỗi công nghệ hiện có có thể khiến một nhà sản xuất chip phải chật vật. Loại bỏ tất cả công nghệ Mỹ chẳng khác nào “ngắt oxy” toàn bộ quá trình sản xuất, còn khó hơn lên trời! Đứng trước lựa chọn khó khăn, nhiều công ty hẳn sẽ tìm đến lối thoát dễ dàng hơn: thôi thì Huawei ơi tôi với anh từ nay đôi người đôi ngả.

Đòn hiểm

Để đánh giá nước cờ lần này của ông Trump, cần lật lại sự kiện vào tháng 5-2019 khi Huawei bị đưa vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ, từ đó hạn chế các công ty Mỹ làm ăn với hãng công nghệ này. Không lâu sau đó, Google tuyên bố tạm ngưng kinh doanh với Huawei trong các sản phẩm “đòi hỏi sự chuyển giao phần cứng và phần mềm”, trong đó có các dịch vụ phổ biến như cửa hàng ứng dụng Google Play Store, thư điện tử Gmail hay ứng dụng xem video YouTube. Một Giấy phép chung tạm thời (Temporary General License - TGL), do Mỹ cấp cho Huawei để đảm bảo người dùng sẵn có của hãng vẫn tiếp tục được nhận các bản cập nhật từ Google trong thời gian “cách ly” Huawei để tìm kiếm nhà cung cấp thay thế, đã hết hiệu lực vào tháng 8 năm nay mà không có dấu hiệu cho thấy Washington muốn tiếp tục gia hạn.

Dù Google được xem là đòn đánh nặng nề nhất của Mỹ lên mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei khi đó, trong thực tế hãng công nghệ Trung Quốc vẫn đạt doanh số bán điện thoại thông minh “khỏe” từ thị trường nội địa, minh chứng là hàng loạt dòng flagship được tung ra từ sau khi bị đưa vào danh sách đen đến nay như Mate 30, P40 và Mate 40. Không những thế, các bản hợp đồng lắp đặt hạ tầng 5G trị giá nhiều tỉ USD cả trong lẫn ngoài nước khiến doanh thu và lợi nhuận của Huawei vẫn tiếp tục tăng và duy trì nguồn vốn nuôi sống bộ máy R&D tối quan trọng.

Hai yếu tố trên giúp mảng kinh doanh tiêu dùng - mảng phát triển nhanh và có lời nhất của Huawei - gần như miễn nhiễm với các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Ít nhất là cho đến trước khi Washington tung đòn chí mạng nhắm vào những con chip - bộ não của mọi thiết bị điện tử. Chia tay Google, Huawei vẫn tự tin sống khỏe. Không có chip điện tử, hai sản phẩm kinh doanh chủ lực của Huawei là thiết bị 5G và điện thoại thông minh đều sẽ lao đao.

Ngày 8-7, giám đốc mảng tiêu dùng Huawei Dư Thừa Đông (Richard Yu) xác nhận Mate 40 sẽ là dòng smartphone flagship cuối cùng của hãng sử dụng chip Kirin do công ty con của Huawei sản xuất. Trước ngày 17-8, giới quan sát đánh giá Huawei hoàn toàn có lựa chọn thay thế chip Kirin bằng một dòng chip do bên thứ 3 thiết kế và sản xuất. Điều này không còn đúng sau thông báo bất ngờ của Bộ Thương mại Mỹ vào tuần trước.

Một “án tử” dành cho Huawei còn kéo theo phiền toái cho hàng trăm doanh nghiệp và tổ chức đang sử dụng công nghệ 5G của hãng. Các chính phủ và nhà mạng trên khắp thế giới sẽ phải quản lý hệ lụy từ một cú sốc mạnh đối với chuỗi cung ứng thiết bị 5G của Huawei.

Phản kháng khi bị dồn vào đường cùng?

Hơn 1 năm qua Huawei vẫn ra sức quảng bá kho dịch vụ HMS (Huawei Mobile Services) như sự thay thế cho các phần mềm và dịch vụ của Google mà người dùng điện thoại của hãng không còn được truy cập. Thuyết phục người dùng vốn quen với Google chuyển sang HMS là vấn đề sống còn nếu Huawei muốn giữ thị phần mảng smartphone, người đứng đầu mảng tiêu dùng của Huawei tại Anh nói với Forbes vào đầu tháng 8, trước khi có thông tin về đòn trừng phạt mới nhất của Mỹ.

Toàn bộ chiến lược tiêu dùng của Huawei được xây dựng dựa trên điện thoại thông minh - smartphone là chất keo kết dính hệ sinh thái bao gồm TV thông minh, máy tính cá nhân, ôtô, thiết bị đeo được (wearables) và máy tính bảng. Nếu Huawei không thể giữ chân người dùng điện thoại thông minh, doanh số những thiết bị còn lại cũng bị ảnh hưởng. Trong bài phân tích trên Forbes, cây bút Zak Doffman nhận xét mảng tiêu dùng là động lực cho thành công chung của Huawei, và “công ty không thể tồn tại như hiện tại nếu hoạt động kinh doanh tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề”.

Một nguồn tin từ nội bộ Huawei tiết lộ với trang web công nghệ Trung Quốc Gizchina ngày 21-8 rằng “đêm qua chúng tôi họp đến nửa đêm. Thái độ của lãnh đạo là thà tiến tới và chết còn hơn là chấp nhận lùi bước (trước động thái của Mỹ)”.

Trong bài phát biểu báo cáo tình hình kinh doanh hồi tháng 3, chủ tịch Huawei Từ Trực Quân (Eric Xu) công khai cảnh báo Mỹ “Chính phủ Trung Quốc sẽ không khoanh tay đứng nhìn Huawei bị đưa lên thớt”. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đã lên tiếng dành sự ủng hộ tuyệt đối đối với các lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp nước này bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

CEO Huawei Nhậm Chính Phi khẳng định hành động của Washington chỉ khiến hãng gặp trở ngại tạm thời chứ không ảnh hưởng các kế hoạch kinh doanh dài hơi.

Những phát ngôn trên khó có khả năng chỉ là nói suông. Chính quyền Bắc Kinh đã xây dựng và triển khai Kế hoạch mạch tích hợp quốc gia hướng tới phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước đáp ứng nhu cầu nội địa vào năm 2030 với hơn 100 tỉ USD đổ vào Quỹ đầu tư công nghiệp vi mạch Trung Quốc, theo Đài CGTN.

Để đón đầu lệnh cấm vận chip điện tử, các ngành công nghiệp chip ở Trung Quốc đại lục cũng đã chiêu mộ số lượng lớn nhân sự chất lượng cao của Đài Loan - 3.000 trong số 40.000 kỹ sư chip ở hòn đảo này, tức gần 1/10!

Năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu số lượng chip trị giá 310 tỉ USD, chiếm 61% thị trường nhập khẩu chip toàn cầu. Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể thiệt hại nhiều tỉ USD doanh thu nếu không thể bán chip cho Trung Quốc. Vì thế, theo Wamika Kapr - nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Yonsei (Hàn Quốc), sẽ “hợp lý về mặt kinh tế” hơn nếu các nhà sản xuất chip loại bỏ yếu tố công nghệ Mỹ ra khỏi dây chuyền sản xuất để giữ chân đối tác Trung Quốc.

“Không có sự rõ ràng về cách các quy tắc này (lệnh trừng phạt của Mỹ) sẽ được thực thi hoặc liệu chúng có đạt được sự tuân thủ toàn cầu hay không khi mà chúng đi ngược lại luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cạnh tranh công bằng, vì tội duy nhất của Huawei là mang quốc tịch Trung Quốc” - Wamika viết trong bài phân tích đăng trên CGTN ngày 22-8.■

Các nhà phân tích sớm nhận ra mức độ nghiêm trọng của đòn trừng phạt mới nhất từ Nhà Trắng. Kho chip dự trữ của Huawei chỉ có thể giúp hãng cầm cự tối đa từ 12 đến 24 tháng, trong đó chip dành cho smartphone có thể cạn ngay sau đợt ra mắt Mate 40.

Tác giả Tim Culpan của Bloomberg gọi nước đi của chính quyền Tổng thống Trump mới đây “không đơn thuần chỉ là một biện pháp mạnh tay hơn đối với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc. Nó đe dọa sự sống còn của công ty, đẩy Bắc Kinh vào thế phải có động thái trả đũa”.

Báo Financial Times dẫn lời một chuyên gia đưa ra cái nhìn còn u ám hơn: “Chính phủ Mỹ đã tuyên án tử đối với Huawei. Khi kho chip dự trữ của hãng cạn vào đầu năm sau, vai trò nhà sản xuất thiết bị mạng 5G và điện thoại thông minh của Huawei coi như xong”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận