COP26: Những tranh đấu bên ngoài bàn đàm phán của người trẻ

XUÂN TÙNG 08/11/2021 11:10 GMT+7

TTCT - Những lời kêu gọi “bảo vệ môi trường cho thế hệ con em chúng ta” vẫn thường được các chính trị gia trên toàn thế giới nhấn mạnh, song những người trẻ, vốn có nhiều thứ để mất hơn bất kỳ ai khác trong cơn khủng hoảng biến đổi khí hậu, lại không nhìn thấy mình trong các quyết sách được nhà cầm quyền đưa ra.

 
 Các đại biểu tại Hội nghị COP26 vào hôm 1-11. Ảnh: Reuters

Từ ngày 31-10 đến 12-11, lãnh đạo của gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhóm họp tại Glasgow (Scotland) trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 26 (COP26) với hy vọng đạt được một thỏa thuận ngừng sử dụng năng lượng hóa thạch nhằm ngăn chặn sự ấm lên toàn cầu.

Dù được tổ chức mỗi năm một lần kể từ 1995, hội nghị COP năm nay nhận được sự quan tâm đặc biệt, thậm chí được coi là một trong những sự kiện về biến đổi khí hậu lớn nhất trong lịch sử. Trong bối cảnh phát thải carbon trong không khí đạt mức báo động, nhiều chuyên gia hy vọng COP26 sẽ đưa những cam kết xác quyết trong lĩnh vực cắt giảm khí thải và hỗ trợ tài chính cùng với thỏa thuận trách nhiệm của các quốc gia thay cho những lời hứa mù mờ trong quá khứ.

Tuy vậy, hy vọng mà không có hành động có lẽ là không đủ với thế hệ trẻ toàn cầu - những người sẽ lĩnh trọn hậu quả của biến đổi khí hậu nhưng tuyệt nhiên không có phần dự họp tại COP26.

Hàng chục năm loay hoay

Tại bàn đàm phán COP26, khí thải carbon dioxide (CO2) sẽ trở thành câu chuyện trọng tâm. Từ năm 1992, khi nồng độ CO2 tiến vào vùng nguy hiểm trên 350ppm, tính cấp thiết của biến đổi khí hậu đã bắt đầu được bàn thảo ở tầm xuyên quốc gia.

Tại một hội nghị thượng đỉnh Trái đất về biến đổi khí hậu ở Rio de Janeiro năm 1992, các quốc gia tham dự đã ký một công ước khung trong đó cam kết giữ ổn định nồng độ khí nhà kính nhằm ngăn chặn các tác động tiêu cực của con người đến hệ sinh thái. Tuy nhiên, không nhiều hành động chi tiết đã được đề ra, và “thắng lợi” tại Brazil năm đó chỉ là một cú nhích đúng hướng trong chặng đường dài mà nhân loại cần đi để bảo vệ ngôi nhà chung của mình.

Năm 2015, nhóm các nước “chung thuyền” tại Rio đã quay trở lại tại Paris (COP21) với một bản thỏa thuận, đưa ra nhiều mục tiêu tham vọng cần đạt được với một quỹ thời gian ngày càng gấp gáp: nhiệt độ bình quân toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp, cùng với đó là “phát thải ròng” - hiệu số giữa lượng khí CO2 được thả vào và loại ra khỏi khí quyển - phải về 0 trước năm 2100.

Thế nhưng, đến với COP26 năm 2021, gần như tất cả quốc gia (trừ đất nước Gambia nhỏ bé tại châu Phi) đã không hoàn thành các mục tiêu chính sách nhằm giới hạn biến đổi khí hậu ở mức 1,5 độ C như dự kiến.

COP26 được trông đợi sẽ mở rộng các cam kết tại Paris thành các ràng buộc pháp lý, trong đó có việc ngừng sử dụng năng lượng hóa thạch, biên soạn các quy tắc trao đổi giấy phép xả carbon cũng như các chi tiết về gói hỗ trợ cho các nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu... như một nỗ lực cuối cùng để “cứu” Trái đất.

Dù vậy, bầu không khí của hội nghị năm nay không thiếu màu bi quan. Chỉ vài ngày trước khi hội nghị khai mạc, một báo cáo của LHQ đã chỉ ra rằng Trái đất sẽ nóng lên khoảng 2,6 - 2,8 độ C ngay cả khi các nước đi đúng đường họ đã vạch ra tại Paris.

COP26 đang đối diện nguy cơ thất bại do các quốc gia thành viên chưa cam kết đủ cho mục tiêu 1,5 độ C, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo trong kỳ họp G20 ngay trước thềm hội nghị môi trường lịch sử. “Thành thật mà nói, chúng ta sẽ không chạm đến mục tiêu đã đề ra” - ông Boris nhận định, đồng thời chỉ ra rằng những thành tựu đã đạt được chỉ như... muối bỏ bể.

Lớp trẻ hành động

Trong các diễn từ kêu gọi công chúng, không khó để nhận ra những lời kêu gọi “bảo vệ môi trường cho thế hệ con em chúng ta” được các chính trị gia trên toàn thế giới nhấn mạnh. Thế nhưng, những người trẻ thế hệ Z (sinh từ 1996), vốn có nhiều thứ để mất hơn bất kỳ ai khác trong cơn khủng hoảng biến đổi khí hậu, lại không nhìn thấy mình trong các quyết sách được nhà cầm quyền đưa ra.

“Quý vị nói quý vị yêu con cái của mình hơn bất cứ điều gì, nhưng chính quý vị đang cướp đi tương lai của họ ngay trước mặt họ” - nhà hoạt động trẻ tuổi Greta Thunberg nói trong bài phát biểu gây chấn động tại Hội nghị COP24 năm 2018.

Mới 15 tuổi, Greta đã phát động phong trào “Fridays for Future”, kêu gọi học sinh trên thế giới bãi khóa vào thứ sáu hằng tuần để xuống đường vì môi trường. Cô đã trở thành nguồn cảm hứng của 2.000 cuộc tập trung xuống đường với sự tham gia của hơn 1 triệu người trên toàn cầu, trở thành phong trào lớn nhất trong lịch sử lên tiếng phản đối sự thờ ơ của giới quan chức chính trị trước những mối đe dọa mà biến đổi khí hậu gây ra.

Nhờ có ảnh hưởng của Greta, phong trào tìm hiểu và tham gia các hoạt động dân sự của thế hệ trẻ đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Lý do rất chính đáng: Nếu không hành động, tương lai của họ sẽ chỉ còn nắng nóng kéo dài, bão lụt và các thảm họa nhân đạo.

 
 Những người trẻ tranh đấu vì môi trường. Ảnh: CNTraveller

Với sự kiện COP26 năm nay, hàng ngàn người trong số họ đã có mặt, trong đó có “Rail to the COP”, một nhóm các nhà hoạt động trẻ, đến Glasgow bằng xe lửa từ Amsterdam (Hà Lan) nhằm gây áp lực hành động lên bàn đàm phán. Dù vậy, họ không đặt nhiều hy vọng vào một bước ngoặt thay đổi tình thế từ sự kiện dài hai tuần năm nay.

“Các chính trị gia sẽ không đạt các mục tiêu họ đã đề ra trong Thỏa thuận chung Paris, họ sẽ không thể giữ mức ấm lên ở mức 1,5 độ” - Johnny Dabrowski, 18 tuổi, từ Warsaw (Ba Lan), chia sẻ với AFP.

Khi không còn có thể trông đợi vào các chính trị gia, Dabrowski đã có kế hoạch của riêng mình - anh vừa nộp hồ sơ theo học ngành kỹ sư môi trường nhằm tìm ra một giải pháp giảm thiểu khí nhà kính khỏi bầu khí quyển. “Chúng ta phải rút được carbon ra khỏi bầu khí quyển, không còn cách nào khác nữa” - Dabrowski khẳng định.

Tại Ấn Độ, cô gái 22 tuổi Disha Ravi cũng đang tìm một lối ra cho vấn đề biến đổi khí hậu - cuộc khủng hoảng đã và đang đảo lộn cuộc sống của cô. Năm 18 tuổi, Disha lần đầu được tiếp cận Internet. Cô hiểu thêm về nguồn cơn của tình trạng khan hiếm nước và lũ lụt ở Mangalore - nơi mình sống, từ đó quyết định tham gia phong trào “Fridays for Future” tại Ấn Độ với tư cách một nhà hoạt động môi trường.

Đầu năm 2021, cô bị chính quyền sở tại kết tội vì chia sẻ một tài liệu chứa các dòng tweet của Greta Thunberg về cuộc biểu tình của nông dân Ấn Độ. Hiện hộ chiếu của Disha vẫn đang bị thu giữ, khiến cô không thể bay tới Scotland dự COP26 năm nay. Dù vậy, mục tiêu của Disha vẫn không hề thay đổi: cô mong muốn hướng sự quan tâm toàn cầu về những vấn đề mà người trẻ tại các quốc gia “phương Nam” (Global South - một thuật ngữ thay thế các nước đang phát triển hay thế giới thứ ba) phải đối mặt.

“COP26, giống như nhiều kỳ COP trước đây, là một sự kiện khó tiếp cận và xa rời quần chúng. Tôi muốn thấy các nước phát triển bồi thường cho các nước phương Nam, bởi họ đã tạo ra cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay thông qua chủ nghĩa thực dân và bóc lột” - nhà hoạt động trẻ nói với tờ Independent.

Cần nói thêm rằng, đây không phải lần đầu thế giới chứng kiến một cuộc đấu tranh vì môi trường của người trẻ. Dù vậy, thế hệ Z lần này nắm chắc trong tay một vũ khí mà những người đi trước chưa tận dụng được: Internet - nơi những người cùng quan điểm có thể dễ dàng tụ hội, các đơn kiến nghị có thể thu thập hàng triệu chữ ký trong nháy mắt, và các nghiên cứu khoa học có thể được tiếp cận chỉ với vài cú click.

Gen Z đang đọc, kết nối và hành động nhằm đòi hỏi sự minh bạch và thay đổi chính sách từ các nhà cầm quyền. Tại COP26 năm nay, không gương mặt trẻ nào được mời, nhưng những quan điểm của họ cần được các lãnh đạo chủ chốt lắng nghe hơn bao giờ hết.■

Vốn là một thành phần tự nhiên trong không khí Trái đất từ thuở sơ khai, CO2 chỉ mới trở thành “kẻ thủ ác” trong hơn một thế kỷ trở lại đây với sự nhúng tay của các hoạt động phát thải nhân tạo. Sau hàng thiên niên kỷ nằm dưới mức 300ppm, nồng độ CO2 trong không khí bắt đầu tăng vọt từ thời kỳ cách mạng công nghiệp giữa thế kỷ 19, và tính đến nay đã đạt mức 412ppm, tức 412mg carbon dioxide trên 1 lít không khí.

Mức tăng tưởng chừng nhỏ này lại đang khiến cho nước biển trên đà axit hóa, đồng thời tăng khả năng hấp thụ bức xạ hồng ngoại của bầu khí quyển Trái đất - nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các thảm họa môi trường xuất hiện ngày một dày đặc trong những năm gần đây. Theo ước tính, các loại khí thải nhà kính như CO2, methane hay các khí công nghiệp như CFC và HCFC từng được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị điện lạnh đã khiến bề mặt Trái đất nóng lên từ 1,1 - 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận