Đan mạch: uranium hay không uranium?

QUẾ VIÊN (COPENHAGEN) 06/11/2013 00:11 GMT+7

TTCT - Hầu như những ai học tiếng Anh đều biết đến câu mở đầu trong bài độc thoại nội tâm của hoàng tử Hamlet trong bi kịch “Hamlet - hoàng tử Đan Mạch” của thi hào William Shakespeare: “To be or not to be, that’s the question!” (*). Giờ Đan Mạch đang đứng trước câu hỏi “uranium hay không uranium?”.

Phóng to
Dân Greenland biểu tình phản đối quyết định khai thác uranium của Quốc hội Greenland - Ảnh: Sermitsiaq.org

Ngày 24-10, Inartsisartut, quốc hội địa phương của Greenland, đã thông qua việc bãi bỏ hiệp ước không khai thác uranium có hiệu lực 20 năm mà đảo này đã ký với Đan Mạch năm 1988, với 15 phiếu thuận và 14 phiếu chống. Như vậy, Chính phủ Greenland có thể cấp phép cho các tập đoàn khoáng sản của Úc, Anh, Trung Quốc xúc tiến các dự án khai thác uranium như một sản phẩm hoặc một phó sản.

Theo Thủ tướng Greenland Aleqa Hammond - chủ tịch Đảng Siumut, kinh tế là điều kiện tiên quyết để các nghị sĩ xem xét lại hiệp ước này: “Chúng tôi không thể chấp nhận tình trạng thất nghiệp gia tăng, giá sinh hoạt ngày một đắt đỏ trong khi kinh tế trì trệ”.

Tuy vậy, vấn đề uranium đã gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ liên minh ba đảng cầm quyền, thậm chí Đảng Inuit còn rút khỏi liên minh và bỏ phiếu chống. Nguyên chủ tịch Đảng Siumut Hans Enoksen và đảng đối lập IA đòi phải tổ chức trưng cầu ý dân về việc khai thác uranium.

Thiên đường của khoáng sản

Sau hơn ba thập kỷ trực thuộc Đan Mạch, Greenland đã được quyền tự trị bán phần từ năm 2009, Đan Mạch chỉ giữ quyền ngoại giao và quốc phòng. Quy chế tự trị cho phép người Greenland có quyền quyết định đối với tài nguyên thiên nhiên trên đảo.

Greenland vốn rất phong phú về khoáng sản, từ vàng, kim cương, sắt, kẽm... tới uranium và đất hiếm, nhưng việc khai thác gặp khó khăn do lớp băng bao phủ quá dày. Trong những năm gần đây, khi băng tuyết tại khu vực Bắc cực tan nhanh do biến đổi khí hậu (từ năm 1993 trung bình Greenland mất khoảng 120 tỉ tấn băng tuyết mỗi năm) thì hòn đảo giàu tài nguyên này trở thành đích nhắm của các tập đoàn dầu khí lẫn khai thác mỏ.

Ngày 24-10, chính quyền Greenland đã ký kết hợp đồng khai thác mỏ sắt Isua với Công ty London Mining, với số vốn đầu tư lên tới 2,35 tỉ USD. Đứng sau London Mining chính là một trong những ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc - China Development Bank.

Theo ước tính của Tập đoàn Greenland Minerals and Energy (Úc), mỏ Kvanefjeld tại Narsaq, phía nam Greenland, chứa 619 triệu tấn khoáng sản các loại. Kvanefjeld có tiềm năng trở thành mỏ đất hiếm lớn thứ nhì thế giới với khoảng 10 triệu tấn và 260.000 tấn uranium (thứ sáu trên thế giới). Các kết quả khảo sát còn cho thấy lượng uranium thu được khi chiết xuất đất hiếm tại mỏ này lên tới 350 ppm/tấn, cao gấp sáu mức bình thường.

Hiện Trung Quốc là quốc gia hầu như nắm độc quyền về cung cấp đất hiếm: tới 90% nhu cầu của thế giới mỗi năm, nhưng từ năm 2011 đã giảm dần chỉ tiêu khai thác để bảo vệ môi trường. Sự phát triển của các thiết bị công nghệ cao khiến nhu cầu về đất hiếm ngày càng cao, nhưng các dự án khai thác đất hiếm tại Kvanefjeld bị “vướng” bởi lệnh cấm khai thác uranium vì khi khai thác đất hiếm sẽ thu được uranium như một phó sản.

Nếu như lợi bất cập hại

Cuộc sống người dân khu vực Bắc cực nói chung hiện đang gặp nhiều khó khăn do những nguồn thu nhập quan trọng của họ bị ảnh hưởng bởi các phong trào phản đối mặc áo da hải cẩu, săn hải cẩu, săn cá voi... tại phương Tây. Cảnh sắc thiên nhiên tại Greenland vào mùa hè rất đẹp nhưng khai thác du lịch gặp khó khăn do các phương tiện chuyên chở hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết.

Việc khai thác, xuất khẩu đất hiếm và uranium sẽ tạo điều kiện cho Greenland tiến tới tự túc về tài chính trong tương lai không xa, không còn phải lệ thuộc khoản trợ cấp hơn 500 triệu USD/năm của Đan Mạch. Do vậy, từ năm năm qua Công ty Greenland Mining and Energy (GME) của Greenland, với sự tài trợ của các nhà đầu tư Hàn Quốc, đã chi 450 tỉ kroner (khoảng 776 triệu USD) để thăm dò địa chất tại khu vực phía nam đảo. Chỉ riêng việc khai thác và xuất khẩu uranium từ mỏ Kvanefjeld sẽ đem lại nguồn lợi hàng tỉ kroner mỗi năm cho 57.000 dân trên đảo.

Tuy nhiên không phải ai cũng phấn khởi trước viễn cảnh tốt đẹp này. Trong khi các nghị sĩ đang thảo luận chuyện khai thác uranium, ngày 24-10 thủ phủ Nuuk đã chứng kiến cuộc biểu tình mà theo Đài phát thanh Greenland KNR là lớn nhất từ 29 năm qua. Hơn 400 người thuộc nhiều thành phần và lứa tuổi đã biểu tình nói “không” với uranium. Người dân các thành phố Qaqortoq, Qassiarsuk và Ilulissat cũng biểu tình phản đối việc quốc hội đã không tham khảo ý kiến nhân dân.

Ông Christian Ege, giám đốc Hội đồng Sinh thái Đan Mạch, cho rằng những thiệt hại do ô nhiễm phóng xạ tại Greenland có thể sẽ cao hơn nhiều những lợi ích kinh tế ngắn hạn của việc khai thác uranium. Cả những công ty tư nhân được cấp giấy phép khai thác tại Kvanefjeld lẫn Chính phủ Greenland đều không có khả năng tài chính để giảm thiểu thiệt hại môi trường.

Vai trò khó khăn của Đan mạch

Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Villy Sovndal đã bác bỏ quan điểm của Greenland là Đan Mạch không cần phải tham gia trong việc khai thác và xuất khẩu uranium. Theo Ngoại trưởng Sovndal, Đan Mạch muốn bảo đảm rằng uranium được xuất khẩu từ Vương quốc Đan Mạch sẽ không bị sử dụng trong bất kỳ chương trình vũ khí hạt nhân nào dù hợp pháp hay bất hợp pháp.

Nhưng bà Aleqa Hammond lập luận rằng trong quy chế tự trị của Greenland (được ban hành dưới thời Thủ tướng Lars Loekke Rasmussen) và trong luật tài nguyên khoáng sản không đặc biệt đề cập đến uranium. Do vậy, các nguồn tài nguyên tại Greenland cũng như quyền tài phán về chúng thuộc về người dân Greenland.

Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt cho rằng trên góc độ pháp lý thì Greenland có quyền quyết định bãi bỏ chính sách không khai thác uranium. Quy chế độc lập của Greenland ban hành năm 2010 cũng nói rõ Greenland có quyền đối với tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên các giao dịch cụ thể liên quan đến khai thác và xuất khẩu uranium có thể ảnh hưởng đến nước ngoài, quốc phòng, an ninh, thế nên sẽ là một vấn đề đối với cả Vương quốc Đan Mạch.

Trong trường hợp Đan Mạch và Greenland không tìm được tiếng nói chung, có khả năng vấn đề này sẽ được đưa ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Cho dù chính quyền Greenland khẳng định uranium mà họ xuất khẩu sẽ được dùng cho các mục đích dân sự, nhưng việc khai thác uranium chắc chắn không thể xem là chuyện đơn giản như khai thác sắt, ít nhất là đối với môi trường.

Ngày 26-4-2013, 48 tổ chức phi chính phủ đã gửi thư ngỏ đề nghị Đan Mạch và Greenland duy trì việc không khai thác uranium vì nguy cơ gây ô nhiễm phóng xạ tại môi trường sinh thái Bắc cực.

Theo ông Mikkel Myrup - chủ tịch Tổ chức môi trường Avataq, việc khai thác uranium tại mỏ Kvanefjeld sẽ để lại hàng triệu tấn chất thải có chứa một số chất phóng xạ độc hại nhất và chúng sẽ vẫn phóng xạ trong hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm. Chúng có thể gây ô nhiễm phóng xạ toàn diện và sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, tới nghề cá, việc săn bắn, nông nghiệp và chăn nuôi tại khu vực nam Greenland. Ông Myrup đã đề nghị quốc tế hỗ trợ trong việc chống lại khai thác uranium tại Greenland.

(*) “To be or not to be”: thi sĩ Bùi Giáng đã dịch theo cách “rất Bùi Giáng” là “tồn tại hay chẳng tại tồn”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận