Gọi thầy

NGUYỄN PHI HÙNG 22/04/2013 22:04 GMT+7

TTCT - Giáo viên bậc trung học chỉ dạy một hoặc hai môn. Gặp bộ môn nhiều tiết, cả trường hai ba chục lớp, thầy dạy một hai lớp cộng kiêm nhiệm là đủ số giờ quy định.

Phóng to
Minh họa: VIIP

Trừ học trò trực tiếp dạy, thầy chỉ nhớ mang máng gương mặt học sinh từng học ở trường mình. Ngược lại, học sinh cũng nhớ mang máng ông đó từng dạy ở trường mình. Thành thử học sinh gọi giáo viên bằng thầy (với cô giáo thì không vấn đề gì) nên hiểu theo hai nghĩa, nghĩa chức danh và nghĩa có dạy họ.

Gọi theo nghĩa chức danh thường kèm tên cho bớt kính cẩn, ví dụ “thầy Hùng à”. Còn gọi theo nghĩa có dạy đang giằng co giữa lễ giáo xưa với sự sòng phẳng mua bán trong truyền đạt và lĩnh hội kiến thức của thầy trò ngày nay.

Tiếng “thầy” vừa chỉ nghề nghiệp vừa là đại từ nhân xưng nên trong một số trường hợp rất khó lý giải, không biết nên vui hay buồn, rằng vì sao trò không muốn gọi thầy là thầy. Xin kể mấy câu chuyện nhỏ:

Một cán bộ cấp huyện từng học bổ túc văn hóa, tôi dạy toán. Gặp tôi, ông reo “chào thầy” rồi quay sang mấy cán bộ tháp tùng thanh minh vì sao gọi tôi là thầy, bằng câu “nhất tự vi sư bán tự vi sư”. Giá ông cứ theo phép lịch sự chào anh xưng tôi, có sao đâu. Tôi không nhỏ tuổi hơn ông và chẳng phải tay vừa, nên bảo: “Này, tôi dạy toán anh một năm lớp 12, một đống chữ và còn là thứ chữ khó gặm, sao chỉ bán tự với nhất tự nhỉ?”.

Một học sinh tôi nhớ là mình có dạy toán một năm. Em bây giờ là đồng nghiệp với tôi. Mấy năm đầu đi dạy, gặp tôi, em gọi thầy kèm cả tên tức giống như các giáo viên cùng lứa gọi tôi “thầy Hùng” vậy. Mười năm sau, em cũng già đi, chuyển sang gọi tôi bằng anh. Em không ngượng mà tôi ngượng rồi cười như mếu.

Vâng, bây giờ em có thua tôi đâu, em còn được cơ cấu làm lãnh đạo nữa. “Mình không thua ổng sao gọi ổng bằng thầy được” - tôi đoán thế. Lắm giáo viên trẻ đáng tuổi học trò tôi bảo: “Gọi bằng anh cho trẻ hè, chứ ông có dạy tôi đâu, phải không”. Tôi nói: “Ờ, sao cũng được, không dạy mà gọi bằng thầy tổn thọ lắm”.

Một số trường trung học nằm gần nhau, học sinh vẫn biết tôi là giáo viên của trường nọ nhưng dứt khoát không gọi thầy mà gọi chú, “ổng có dạy mình đâu mà gọi thầy”. Ngay cả học sinh trong trường nhưng không trực tiếp dạy, các em cũng ít muốn gọi thầy, cứ nói trổng. Đúng thôi, không dạy sao gọi thầy được.

Nhiều học trò rời trường, vô đại học danh giá gấp mấy lần thứ đại học sư phạm như thầy. Ít lâu sau các em có công việc sang trọng, lương bổng cao, lỡ gặp thầy cũ cứ sượng sùng lúc gọi anh, lúc gọi thầy. Họ không muốn ghi nhận nhưng cũng chưa đủ tự tin để phủi bỏ. Nếu tự tin, cứ gọi thẳng thầy là anh xưng tôi nghe cho nó hội nhập, văn minh! Hiểu tâm trạng các em thế này: “Gọi ổng bằng thầy thế hóa ra hạ thấp mình à? Thầy như ổng học quấy quá sư phạm rồi ra dạy chứ giỏi giang gì mà gọi thầy. Không giỏi, sao gọi bằng thầy được”.

Như vậy học sinh gọi thầy theo quan niệm là phải có dạy họ và đòi hỏi thầy phải giỏi nữa kia. Liệu người học có đòi hỏi nhân cách cao thượng, đức trọng hơn người và “tất cả vì học sinh thân yêu” của thầy không nhỉ? Tôi gặp một nhà báo, xưa từng làm thầy, tiếc: “Làm nghề dạy học, ngày ngày được học trò gọi thầy thấy hạnh phúc vô cùng”. Ôi, nay để gọi ai là thầy người học cân đo đong đếm ghê lắm, biết nói gì với ông nhà báo đây?

Vẫn có nhiều học sinh xử thế đúng cách, chỉ là số học sinh không muốn gọi thầy bằng thầy ngày càng nhiều lên thôi. Đành mỗi ngày dành năm phút để buồn, sau đó là năm phút để vui vì xét ra nếu “thầy” không còn giá trị thì học sinh gọi thầy (theo ngôi thứ hai) có mất mát chi đâu mà đắn đo cân nhắc.

Tiếng “thầy” nghe còn thiêng lắm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận