Hàng triệu quả trứng quý đành vô dụng trước virus corona

JASON HANNA (CNN) 31/03/2020 00:03 GMT+7

TTCT - Không có những quả trứng này, mỗi năm nước Mỹ mất 1,4 tỉ đô. Người ta tưởng đâu đã dùng được chúng trong đại dịch lần này, nhưng...

 

 Minh họa

Những quả trứng vàng

Có lẽ ít người biết rằng trên khắp nước Mỹ, trong một số trang trại bí mật, ngày ngày có những chị gà mái quý giá đang âm thầm đẻ “trứng vàng”.

Các trang trại đó ở đâu gần như không ai biết. Điều đó thuộc phạm trù bảo mật quốc gia, không được tiết lộ. Mỗi ngày từ đó, hàng trăm ngàn quả trứng được chở tới các cơ sở lưu trữ, nơi chúng được bảo vệ cẩn mật bằng đội lính canh và hệ thống an ninh có giá nhiều triệu đô; tất cả do chính phủ chi trả.

Trứng đó không phải để ăn sáng, không phải để làm bánh. Trứng đó để cứu mạng. Gần 80 năm qua, người ta dùng chúng để sản xuất vaccine cúm mùa influenza. Mỗi quả trứng làm ra được một mũi vaccine. 

Tính đến cuối tháng 2 vừa rồi, khoảng 174,5 triệu mũi vaccine cúm đã được phân phối khắp nước Mỹ chuẩn bị cho mùa cúm, trong đó ước tính có tới 82% là dùng đến trứng, theo CDC - Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa bệnh (Hoa Kỳ).

Vaccine và trứng gà lộn

Vào những năm 1930, người ta khám phá ra việc dùng trứng trong sản xuất vaccine. Đến năm 1937, các nhà nghiên cứu Anh đã tiến hành những thử nghiệm đầu tiên trên quân đội, và sang năm kế tiếp, Hoa Kỳ nhận thấy việc tiêm phòng cúm có thể bảo vệ quân đội mình. 

Tới những năm 1940, việc sản xuất đại trà vaccine trên nền trứng để công chúng Mỹ có mà dùng đã sẵn sàng đâu vào đó.

Hiện nay, quy trình ấy sẽ là: mỗi năm, tổ chức CDC của Mỹ và các phòng thí nghiệm đối tác của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn ra một số chủng virus và gửi tới các nhà sản xuất vaccine tư nhân. (Lưu ý: do các chủng virus cúm có thể thay đổi hằng năm, mỗi mùa cúm lại phải “đề cử” vài chủng virus cúm mới và cần vài loại vaccine mới).

Tại các cơ sở làm vaccine, người ta đem tiêm các virus được chọn này vào trứng đã có phôi. Virus thế là được “ủ” trong màng phôi gà bổ béo, sau vài ngày đã nhân lên nhanh chóng, hệt như cách chúng hành xử trong tế bào người.

Các nhà khoa học khi ấy hút chất dịch có trong trứng gà ra, gọi là “thu hoạch” virus. Họ đem bất hoạt virus để chúng không thể gây bệnh, “thanh tẩy” chúng thật kỹ để cuối cùng có được kháng nguyên virus.

Vậy là ta đã thu được kháng nguyên - yếu tố quan trọng nhất. Đó là một chất có trong virus mà khi gặp nó, hệ miễn dịch của ta sẽ phản ứng đáp trả ngay. Và với cuộc báo động “giả mà thật” này, vaccine giúp hệ miễn dịch bước vào tư thế sẵn sàng, đón trận tấn công thực sự của virus.

Toàn bộ quá trình ấy, từ lúc chở trứng tới cơ sở làm vaccine tới lúc có sẵn các liều tiêm phòng cho người dân, mất ít nhất là sáu tháng (xem hình).

 

 

Đổ tiền vào trứng

Để làm một mũi vaccine cần 1 quả trứng để nuôi cấy, tức cho riêng một mùa cúm 2019 - 2020 không thôi, nước Mỹ cần phải có 140 triệu quả trứng. Và để chuẩn bị cho các mùa cúm hằng năm, cũng như khi có dịch còn trở tay kịp, Chính phủ Mỹ đã đầu tư hàng trăm triệu đôla suốt 15 năm qua để đảm bảo có đủ trứng làm vaccine. 

Nguồn trứng ấy đến từ nhiều nông trại bí mật. Một phát ngôn viên của Sanofi Pasteur - nhà sản xuất vaccine lớn nhất của Mỹ - cho biết địa điểm các nông trại này là “thông tin độc quyền”, là “nhạy cảm về an ninh”.

Trứng này không hề rẻ: theo một báo cáo hồi năm 2007, Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh (HHS) đã bỏ ra 42 triệu đôla cho một hợp đồng ba năm với một công ty để đảm bảo có trứng chất lượng cao quanh năm. 

Mà đó mới chỉ là một công ty trong một khoảng thời gian nhất định; HHS từ năm 2005 đã ký với một lô nhà sản xuất và các nông trại, tức nhiều khả năng phải thêm nhiều hợp đồng trị giá hàng chục triệu đôla nữa.

Loại trứng gà này cần được bảo vệ vòng trong vòng ngoài. Trong hợp đồng 42 triệu đôla nói trên, theo báo cáo của GAO (Văn phòng về trách nhiệm giải trình của chính phủ) có điều khoản đòi hỏi nhà sản xuất phải vừa có “một chương trình bảo mật về mặt vật chất lẫn một chương trình bảo mật về mặt sinh học để đủ sức bảo vệ chống lại các mối đe dọa từ tự nhiên và con người”.

Đọc tới đây, ta thấy nước Mỹ có vẻ như đã dành quá nhiều tiền cho trứng gà. Nhưng nếu chuỗi cung cấp trứng này bị đứt gãy, cả nước Mỹ sẽ thiếu hụt vaccine ngừa cúm, là thứ hết sức quan trọng. Hiện mỗi năm nước Mỹ mất đứt 10,4 tỉ đôla cho việc nằm viện và điều trị cúm.

Mà trứng không chỉ hữu dụng cho việc làm ra vaccine cúm. Theo Leo Poon, phụ trách khoa thí nghiệm mảng sức khỏe cộng đồng của Đại học Hong Kong (HKU), chúng có thể được dùng để làm vaccine cho các bệnh khác, tuy còn tùy là bệnh nào, vì một số chủng virus không nuôi cấy được trong trứng. Và đó chính là trường hợp của virus corona.

Vì sao không thể dùng trứng với virus corona?

Thế giới đang đối diện một cuộc đại khủng hoảng, đó là chủng coronavirus mới với dịch Covid-19 làm hơn 423.000 người nhiễm và hơn 19.000 người chết kể từ khi virus này nổi lên hồi tháng 12-2019 (số liệu tới lúc bài báo gốc đăng, ngày 29-3-2020). 

Hiện chưa có vaccine cho virus corona, và do con virus này khác virus cúm influenza, người ta không thể dùng các phương pháp truyền thống, thí dụ với trứng. Trong cuộc chạy đua làm ra vaccine của các nhà khoa học, kho trứng gà quý báu mà Mỹ đã dành dụm thế là đành xếp xó.

Khi dịch coronavirus lan tràn, các nhà khoa học và các chính phủ trên khắp thế giới hối hả làm cho ra vaccine, nhưng theo John Nicholls, giáo sư bệnh học lâm sàng của Đại học Hong Kong, trứng trong trường hợp này là “vô dụng”. Do có nhiều thụ thể khác và các đặc điểm khác so với cúm mùa, chủng virus corona mới không thể nhân lên trong trứng theo cách virus cúm mùa vẫn nhân.

Tốt + lâu = phải xem lại

Nhưng không phải đợi tới bây giờ khi virus corona xuất hiện, vài năm gần đây, Mỹ đã đẩy mạnh việc chế vaccine không dùng tới trứng. Hồi tháng 9-2019, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh yêu cầu các tổ chức tăng cường các phương thức sản xuất thay thế trứng. Lý do là chu trình làm ra được một mũi vaccine kéo dài đến 6 tháng là quá chậm, trong thời gian đó, cúm không những có thể đã lan khắp thế giới, mà ngay con virus tiêm vào quả trứng cũng đã có thể biến đổi và khiến mũi vaccine kém hiệu quả.

Một lý do nữa là nguồn cung trứng thật mỏng manh trước các dịch cúm gia cầm. Chỉ cần một trận H5N1 là đàn gà chết ngay lập tức và nguồn cung trứng đứt, không đủ trứng làm vaccine.

Một báo cáo đã cho biết sẽ phải mất từ 12 - 18 tháng để lập được một nguồn cung trứng đủ lớn để dùng cho mùa cúm thông thường hoặc dịch cúm lớn. Nhưng trong trường hợp dịch lây nhanh như virus corona lần này, ta không thể đợi lâu đến thế. Vả lại cũng không có sẵn gà với trứng để ngay lập tức bù vào ứng phó.

Rồi cuối đường hầm sẽ có ánh sáng

Với virus corona, hiện có hơn 20 vaccine “ứng viên” dùng kỹ thuật không-có-trứng. Trong số đó, có cái là vaccine mRNA, dùng phân tử ribonucleic acid truyền tin để “chỉ đạo” tế bào trong cơ thể tạo ra các protein ngăn chặn hoặc chiến đấu chống lại bệnh. 

Lại có vaccine kết hợp kỹ thuật DNA, tạo ra một gen phù hợp chính xác với các protein của virus corona, và nhờ đó có thể sản xuất một lượng lớn kháng nguyên virus trong một thời gian ngắn.

Ngay cả các công ty vẫn theo lối truyền thống làm vaccine có trứng cũng đang nhảy vào cuộc đua. Hồi tháng 2, Sanofi Pasteur cho biết họ đang nghiên cứu một loại vaccine chống virus corona mà không dùng tới trứng. Tuy nhiên, các cơ quan y tế báo trước rằng bất kỳ vaccine virus corona nào cũng sẽ phải mất ít nhất một năm để được xác minh là có hiệu lực và được chấp thuận đủ điều kiện mà phân phối rộng rãi.

Về căn bản, các thử nghiệm lâm sàng sẽ gồm hai pha. Pha 1 sẽ dùng khoảng vài chục người, kéo khoảng ba tháng. Pha 2 sẽ dùng tới vài trăm người, kéo thêm 6 - 8 tháng nữa.

Hiện ít nhất có một vaccine coronavirus đang bắt đầu pha 1, với người tham gia đầu tiên đã nhận mũi tiêm thử tại Mỹ ngày 17-3. Trong sáu tuần tiếp theo, mỗi người tham gia sẽ nhận hai mũi tiêm cách nhau một tháng, với liều lượng thay đổi, để từ đấy định ra được độ an toàn của vaccine và gây được đáp ứng mong muốn từ hệ miễn dịch của bệnh nhân.

Còn rất nhiều thứ chúng ta không biết về virus corona, giáo sư Poon nói. Vô vàn kỹ thuật đang được áp dụng để chế ra vaccine ngừa Covid-19. Từ số đó, chúng ta sẽ dễ chọn ra được vaccine nào hiệu quả hơn.

“Đó là lý do tôi trân trọng tính đa dạng - Poon nói - Ta sẽ không bao giờ biết cái nào sẽ có tác dụng, nên thật nguy hiểm nếu cho hết trứng vào một rổ”.■

(*) T.L. lược dịch. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận