Hãy bớt ngợi ca chúng tôi...

THANH HƯƠNG 23/10/2012 20:10 GMT+7

TTCT - “Đừng để người khiếm thị nói chuyện với ma!”. Đó là câu nói đùa - mà - thật của chủ nhiệm mái ấm Thiên Ân Nguyễn Quốc Phong, trong buổi giao lưu giữa các trường, mái ấm khiếm thị và sinh viên nhân sự kiện Ngày cây gậy trắng 15-10-2012 tại hội trường Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn.

Phóng to
Các bạn trẻ thiện nguyện cùng các bạn khiếm thị tham gia cuộc diễu hành Cây gậy trắng 2012 vào ngày 13-10 tại TP.HCM - Ảnh: T.H.

Phong cùng các bạn khiếm thị đã chia sẻ những chuyện dở khóc dở cười mà họ rất hay gặp phải trong giao tiếp với người sáng mắt. Đó là những lúc người sáng mắt không giới thiệu họ là ai, khiến các bạn khiếm thị rất bối rối; khi đang trò chuyện họ lại... đột ngột bỏ đi đâu mà chẳng nói, thế là các bạn khiếm thị cứ... tiếp tục nói mãi, sau mới hay là đang nói chuyện một mình; chỉ đường thì cứ vung tay nói “đằng này, bên kia” mà họ có thấy đó là đâu...

Ngược lại, cũng có nhiều bạn sáng mắt rất nhiệt tình giúp đỡ các bạn khiếm thị, nhưng bằng cách chạy lại... cầm giùm cây gậy rồi nắm tay kéo họ đi “cho nhanh”. Điều này sẽ khiến người khiếm thị vừa mất cây gậy là chỗ dựa cho việc di chuyển an toàn, vừa làm họ trở nên mất tự chủ (do bị lôi, kéo đi mà không biết đi đâu).

Theo thống kê của Viện Mắt trung ương, cả nước hiện có khoảng 2 triệu người khiếm thị và mắc các bệnh về mắt ảnh hưởng đến thị lực, trong đó có 400.000 người mù hoàn toàn. Trong khi đó, theo số liệu của Hội Người mù trung ương, số lượng người mù hoàn toàn là hơn 600.000 người.

Phong chia sẻ thêm, đáng buồn hơn là có nhiều người sáng mắt có lẽ không biết giao tiếp với người khiếm thị như thế nào nên thường tránh nói chuyện trực tiếp mà cứ hỏi những người xung quanh người khiếm thị. Điều đó khiến các bạn khiếm thị cảm thấy mình bị bỏ rơi hoặc không được tôn trọng.

Giám đốc Trung tâm khiếm thị Nhật Hồng Lê Thị Vân Nga nhắc lại câu nói của một bạn khiếm thị: “Tôi không mơ ước mình nhìn thấy được, vì điều đó là không thể. Nhưng tôi ước mình được mọi người nhìn thấy. Bởi rất nhiều khi tôi cảm nhận rằng dường như không ai thấy, không ai nhớ tới mình, như thể mình không tồn tại trong mắt mọi người”.

Tâm sự của bạn Nguyễn Quang Nhị - khoa công tác xã hội Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - cũng không khỏi làm người ta suy nghĩ.

Năm học 2011-2012, Nhị nộp đơn vào Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội và Trường đại học Lao động xã hội Hà Nội nhưng đều bị từ chối vì là người khiếm thị. Đấu tranh hàng tháng trời không được, Nhị kêu lên cả báo chí và các cấp cao hơn. Bộ Giáo dục - đào tạo nói thí sinh có quyền liên hệ với sở giáo dục để nộp đơn. Nhưng Nhị nói nếu các trường không đồng ý và không biết đơn đó là của một thí sinh khiếm thị, thì khi vào thi ai chuẩn bị phương tiện dành riêng cho người khiếm thị?

Hơn nữa, quy trình xét tuyển có vẻ không kỳ thị, nhưng lại “thòng” thêm một câu quy định thí sinh khuyết tật thi đại học phải có ba năm cấp III đạt loại khá trở lên, và nhất là còn “tùy thuộc vào hiệu trưởng các trường tuyển dụng”, như vậy là tạo điều kiện cho phân biệt đối xử rồi còn gì? Cuối cùng, đến ngày hạn chót nộp hồ sơ, Nhị mới liên hệ được với hai trường sẵn sàng nhận thí sinh khiếm thị là Đại học Huế và Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.

Đã có vài bài báo viết về Nhị. Nhưng Nhị nói có lẽ nên bớt mô tả người khiếm thị, hay người khuyết tật nói chung, theo cách ca ngợi những nỗ lực “phi thường” của họ. Thay vào đó, hãy tranh đấu cho họ được nhìn nhận và đối xử bình đẳng, có những cơ hội sống và học tập công bằng.

Mới thấy, rào cản đôi khi không từ đôi mắt của người khiếm thị, mà từ cách nhìn nhận về người khuyết tật của người sáng mắt. Người khiếm thị, cũng như tất cả mọi người, đều cần sự tự chủ, an toàn và độc lập, và trên hết là được tôn trọng nhân phẩm.

Người thiết kế những biểu tượng thể hiện thông điệp của chương trình truyền thông Ngày cây gậy trắng cho cả hai năm 2011, 2012 là một designer tình nguyện còn rất trẻ, sinh năm 1988 Trần Phan Kim Ngân. Ngân cho biết: “Tham gia các hoạt động xã hội và từ thiện là một niềm đam mê của tôi từ hồi còn là sinh viên Đại học Kiến trúc. Tôi không giàu có để giúp đỡ những người thiệt thòi bằng tiền bạc, vì thế tôi đóng góp thời gian và kỹ năng của mình cho những hoạt động phi lợi nhuận. Đó là những trải nghiệm quý báu cho nghề nghiệp và cuộc sống của tôi”.

Giới kinh doanh và nhân sự kỹ thuật cao đóng góp kỹ năng chuyên môn cho hoạt động xã hội là một xu hướng làm tình nguyện mới ở TP.HCM - theo bà Dana Doan, cố vấn chiến lược của Trung tâm phát triển cộng đồng LIN.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận