Joe, những việc nhỏ cho một tình yêu lớn

TTCT - Có một cựu binh Mỹ đã tâm nguyện - theo lời dạy của mẹ Teresa - là nếu không thể làm những việc lớn, người ta có thể chỉ làm những việc nhỏ với một tình yêu lớn. Người đó là Joe.


Ảnh chụp lại từ một apphich trong vườn nhà Joe - Ảnh: C.X.H.


Tôi biết Joe khi cùng một người bạn đến nhà ông ở Long Island tham gia một buổi tiệc gia đình để vận động ủng hộ giúp đỡ trẻ em khuyết tật, khó khăn ở Việt Nam. 

Góc Việt Nam giữa xứ cờ hoa

Điều làm tôi ngạc nhiên và ấn tượng trước tiên là căn nhà của Joe. Từ ngoài cổng, đập vào mắt tôi là một “cột mốc” với thông tin và ngôn ngữ hoàn toàn về Việt Nam: “QL11 - Nha Trang - Km14879”. “Cột mốc” này thật ra là do Joe tự chế, không phải mang từ Việt Nam qua, tuy thông tin không hoàn toàn đúng với thực tế (vì QL11 không thể dài đến gần 15.000km được), nhưng nó cho thấy chủ nhân đã thật sự quen thuộc với khung cảnh hai bên đường ở Việt Nam. 

Cách “cột mốc” vài bước, cũng ngay trước cổng là một cặp tượng đá khắc hình hai thiếu nữ Việt Nam. Joe đã mua hai bức tượng này từ Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, vất vả lắm mới “rước” được hai nàng “về dinh”. Mà đó cũng mới chỉ là những ấn tượng ban đầu.

Vào thăm khu vườn nhà Joe, tiếp tục gây ấn tượng là chiếc xích lô đậu bên trái khu vườn, trước mặt ngôi nhà. Chiếc xích lô tuy không còn mới nữa nhưng “ba mươi năm vẫn chạy tốt”. Xin phép Joe, tôi đạp thử vài vòng xung quanh khu xóm và những “vị khách” đầu tiên của tôi là hai đứa trẻ Mỹ con một người bạn của vợ chồng Joe. Chúng khoái chí cười khanh khách trên chiếc xích lô cũ kỹ, trong khi tôi thì đạp bở hơi tai, nói không ra tiếng. (Thật trớ trêu thay lần đầu tiên tôi nhận ra sự vất vả của những phu xe lại chính là trên đất nước của “Nữ thần Tự Do” chứ không phải ở quê hương Việt Nam mình).

Joe cho biết ông mua chiếc xích lô này từ Việt Nam với giá chỉ mấy trăm nghìn đồng, nhưng ông phải bỏ ra hàng trăm đôla để “đạp” nó về Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.

 “Tôi nhận được nhiều hơn những gì đã cho đi, đó cùng lúc là sự sám hối và tưởng thưởng”. (Joe)

 Bên cạnh xích lô là một chiếc xe ngựa nhỏ do Joe tự chế, làm tôi liên tưởng đến những chiếc xe bò, xe trâu ở nông thôn Việt Nam. Không xa đó là một chiếc võng dù được mắc vào hai cây cao lớn. Đi về phía sau vườn nhà Joe, những gì là điển hình và đặc sắc nhất của không gian văn hóa Việt Nam được thể hiện. 

Bờ rào được bao bọc bởi một hàng tre, thật ra là những cây trúc, và Joe coi chúng như những người bảo vệ khi ông viết “We are our brother’s keepers” (tạm dịch: “Chúng tôi là những người bảo vệ ông anh”). Joe cho biết chính ông đã tự tay trồng và chăm sóc bờ tre này hàng chục năm trước. Tuy khác khí hậu và thổ nhưỡng nhưng chúng vẫn thích nghi dễ dàng, phát triển xanh tốt, vươn cao thẳng đứng.

Ngay cạnh bờ tre là một cái lâu nhỏ hình bát giác mang dáng dấp Việt Nam, được làm bằng gỗ, có bàn ghế để ngồi nhâm nhi chén trà, ngắm trăng hóng gió. Cái lâu được nối với ao nước bằng một cây cầu bé cong cong, xinh xắn. Một dòng suối róc rách chảy dưới cầu đưa người xem vào một không gian rất nên thơ, thanh bình. Không chỉ có vậy, ấn tượng nhất chính là một bàn thờ được làm bằng gỗ, trên đó có sẵn những nén hương cho bất cứ ai muốn thắp, cúng vái.

Ngoài khu vườn rất Việt Nam, nội thất bên trong nhà Joe cũng không hề “Tây” chút nào. Joe đã làm đẹp căn nhà bằng rất nhiều quà lưu niệm từ Việt Nam, từ những bức tranh làng quê Việt Nam, những bức tượng thiếu nữ mặc áo dài, đội nón bài thơ, cùng rất nhiều vật dụng khác. Trong số các đồ lưu niệm này có một thứ khiến người xem không khỏi bất ngờ và cười thầm, đó là tấm “bia mộ” của Joe.

Tấm “bia” in hình Joe với dòng chữ bằng tiếng Việt: “Jôseph Sciácca; Sinh: 3.27.48; Tử:...; RIP”. Đây là “tấm bia” mà Joe đã chuẩn bị sẵn cho mình từ Việt Nam. Trên tấm bia đó, thông tin về ngày mất dĩ nhiên còn để trống, nhưng đã cho thấy tâm thế sẵn sàng “sum họp với tổ tiên” của Joe, như các cụ già ở Việt Nam thường chuẩn bị sẵn hòm trong nhà khi đến tuổi già.

“Cột mốc” do Joe tự chế với thông tin và ngôn ngữ hoàn toàn về Việt Nam - Ảnh: C.X.H.

Sám hối và tưởng thưởng

Joe sinh năm 1948 ở Brooklyn, thành phố New York, với tên gọi đầy đủ là Joseph Sciacca. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Joe gia nhập quân đội Mỹ và sau đó được điều động sang phục vụ ở chiến trường Việt Nam từ tháng 3-1968 đến tháng 4-1969 trong vai trò hộ lý bệnh viện. Sau khi trở về Mỹ, Joe kết hôn với vợ ông bây giờ là bà Cathy năm 1976 và trải qua nhiều công việc khác nhau như làm chủ một quán bar, bán thực phẩm, rồi sửa mái nhà thuê.

Năm 1998, lần đầu tiên Joe trở lại Nha Trang với mong muốn tìm hai người bạn Việt Nam từng làm việc chung với ông trong chiến tranh, nhưng không kết quả. Thay vào đó, chuyến đi này là khởi nguồn cho một “ơn gọi” mới của Joe: hàn gắn vết thương của lòng mình bằng cách chia sẻ những mất mát với người khác. Từ đó, hằng năm Joe dành dụm và quyên góp tiền để trở lại Việt Nam giúp những nạn nhân chất độc da cam, trẻ em khuyết tật, hoặc những gia đình khó khăn.

Càng nhìn thấy những nạn nhân của chiến tranh ở Việt Nam, Joe càng cảm thấy mình có lỗi, và phải có trách nhiệm chia sẻ những mất mát với họ. Hơn thế, ông thừa nhận rằng đã học hỏi được rất nhiều từ những chuyến trở lại Việt Nam: “Tôi nhận được nhiều hơn những gì đã cho đi, đó cùng lúc là sự sám hối và tưởng thưởng”.

Joe sang Việt Nam mỗi năm ít nhất một lần, tùy theo số tiền mà ông góp được và quà các ân nhân ủng hộ. Cùng những người bạn Việt đồng hành để hướng dẫn và phiên dịch, Joe rong ruổi trên các nẻo đường Việt Nam, vào tận những hang cùng ngõ hẻm để tìm đến các địa chỉ đã được viết sẵn trên phong bì, trực tiếp phát quà, thăm nom những người khó khăn.

Mỗi chuyến đi như vậy thường kéo dài từ một đến vài ba tháng. Joe đi từ Nam chí Bắc, từ Sài Gòn, Nha Trang, Đắk Lắk cho đến Huế, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, ra Hà Nội, lên tận Sa Pa. Để có thể giao tiếp và hiểu người Việt Nam hơn, ông chịu khó học thêm tiếng Việt. Khả năng Việt ngữ của Joe tuy chưa thể xem là “cao thủ”, nhưng cũng có thể tạm gọi là “đủ dùng”. Ông khoái phở giò cơm bún, thích khăn đóng áo dài, ưa dép lê nón cời.

Ông quen thuộc với việc bắt xe khách, leo tàu chợ, thuê xe ôm, vẫy xích lô để đi lại. Dĩ nhiên không phải lúc nào mọi việc cũng thuận lợi. Không ít lần ông đã cãi nhau với tài xế taxi và một số người chạy xe ôm. Còn chuyện lạc đường, tìm mãi mới ra địa chỉ thì xảy ra khá thường xuyên thời gian đầu. Thành ra sau này đi đến thành phố nào ông cũng phải cố gắng làm quen, kết thân với những người chạy xe ôm “thổ địa” thật thà, nhiệt tình để làm bạn đồng hành.

Hình ảnh và những việc làm đáng trân trọng của Joe tại đất nước của bánh chưng bánh giầy được hai nhà làm phim Carlo Gennarelli và Bill Day tổng hợp khá đầy đủ tại địa chỉ ordinaryjoemovie.com. Những thước phim tài liệu này đã làm rung động biết bao trái tim, đem nhiều người đến với Việt Nam hơn, và mang lại cho các đạo diễn không ít giải thưởng danh giá. Với Joe, tất cả những nghĩa cử đó chỉ có một lý do và mục đích duy nhất là bày tỏ trái tim và tâm hồn ông, một người hiểu sâu sắc phong tục, lối sống, văn hóa Việt Nam. Ông nhớ và kỷ niệm cả những ngày lễ của người Việt.

Bạn tôi kể năm kia, dịp Tết Nguyên đán đã đến gần, vì lúc đó ở bên Mỹ vẫn đang trong kỳ học bình thường, một phần vì bận học nhưng phần khác vì lười nên cậu ấy chẳng quan tâm gì đến việc đón tết cả. Không những vậy, cậu cũng chưa gọi điện về cho gia đình ở Việt Nam, cũng chẳng gửi thiệp hay email chúc mừng. Mấy ngày trước tết, Joe đã gọi điện cho cậu ấy, là con đỡ đầu của gia đình Joe, hỏi xem đã liên lạc với người thân và bạn bè để chúc mừng họ chưa.

Bạn tôi thật thà trả lời chưa, thế là Joe viết hẳn một bức thư thẳng thắn nhắc nhở cậu ấy phải biết trân trọng và giữ gìn những truyền thống và phong tục tốt đẹp của dân tộc mình. Phải luôn tâm niệm mình là người “máu đỏ da vàng”, không được xem nhẹ nguồn gốc văn hóa của mình, phải giữ lấy căn tính của mình... Khi bạn tâm sự với tôi về bức thư, nó cũng đánh động tôi, giúp tôi ý thức hơn về căn tính của mình.

Ở trường, bạn bè vẫn nhận xét về tôi “Cậu rất (là) Việt Nam!”. Lẽ đương nhiên “chất Việt Nam” trong tôi sẽ chẳng bao giờ mất đi cho dù có “nhốt” tôi giữa quảng trường Thời Đại đi nữa! Nhưng như Joe nói, nếu chúng ta không lo gìn giữ và phát triển nó thì một ngày không xa sẽ bị lai căng, mai một, hay như người ta thường ví von là “mất gốc” không chừng!

Joe cũng nhận xét rằng nhiều người chỉ biết đến Việt Nam với vỏn vẹn những từ nghe đủ xót xa: chiến tranh Việt Nam. Họ quên rằng đằng sau những ký ức đau thương của các cuộc chiến tranh đó là một đất nước kiên cường, bất khuất, một nền văn hóa phong phú cùng những giá trị truyền thống quý giá.

“Vô tri bất mộ” - không biết thì chẳng yêu mến. Và may mắn thay, Joe là một người đặc biệt ở chỗ ông biết tỏ lòng bao dung với những nhược điểm của các “con rồng cháu tiên”, đồng thời thể hiện tình yêu của mình đối với Việt Nam bằng những việc làm và nghĩa cử cụ thể.

Bởi, như chính Joe nói về mình: “I live in America, but I am alive in Vietnam!” (tạm dịch: “Tôi trú tại Mỹ, nhưng sống ở Việt Nam!”), có lẽ chỉ ở Việt Nam ông mới thấy mình thật sự sống!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận