“Lạ thường” Bãi Xép

THỦY PHẠM 17/10/2018 20:10 GMT+7

TTCT - Không bán đất cho resort, cũng không chỉ biết bám duy nhất vào nghề chài lưới cha truyền con nối mà làm du lịch theo cách của mình, làng chài nhỏ bé ấy đã ghi cái tên Việt Nam duy nhất vào danh sách 16 điểm đến “lạ thường” ở khu vực châu Á mà du khách chưa hề biết tới (Incredible destinations in Asia that tourists don't know about yet) năm 2016 của tạp chí Business Insider.

Một góc Bãi Xép. -Ảnh: Tran Le Huy Thang
Một góc Bãi Xép. -Ảnh: Trần Lê Huy Thắng

 

Trong một buổi sáng dạo chơi trên bãi biển khu resort cao cấp vùng duyên hải Nam Trung Bộ, tôi bất ngờ bị thu hút bởi bức tranh rực rỡ trên bờ tường của cổng vào một xóm nhỏ. Và con đường ngoắt ngoéo dẫn tôi đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác...

“I love Bai Xep”

Chen giữa những ngôi nhà ống, mái hiên còn dựng đầy lưới và ngư cụ là một vài ngôi nhà mới theo phong cách homestay rất dễ thương mang cái tên Tây như Life’s A Beach, Home of Dreamers. Bên cạnh cây cột điện viết dòng quảng cáo “Chở khách đi đảo”, treo ngay ngắn biển hiệu tiếng Anh chuẩn cho biết làng đã có những dịch vụ từ “Laundry” đến “Boat Tour”.

Anh Hùng, người ghi số điện thoại trên cột điện, biết tôi lần đầu tiên tới đây, vui vẻ quảng bá ngay: “Ở đây chơi, rồi đi hòn ngoài kia, 100.000 đồng/người, Hòn Đất và Hòn Ngang có bãi tắm đẹp lắm, chơi 3-4 tiếng xong lại về”.

Nét dân dã hoang sơ của Bãi Xép cuốn hút du khách. Ảnh: Tran Le Huy Thang
Nét dân dã hoang sơ của Bãi Xép cuốn hút du khách. Ảnh: Trần Lê Huy Thắng

 

Sớm nay chưa có khách đi hòn, nhưng anh đã bận rộn với dịch vụ đưa đón khách. Với một cái xe kéo tay, anh Hùng vừa kéo vali cho khách rời đi, lại vừa đón khách mới vừa từ bến xe buýt xuống. Theo sau anh Hùng là mấy chàng trai cô gái Tây, balô to sụ, rồi thêm một gia đình Nhật Bản vừa đến.

Đoàn người rồng rắn qua một chợ nhỏ đầu làng, qua quán bánh xèo tôm tươi chỉ 2.000 đồng một cái, qua cái giếng giữa làng, nơi ai đó đã nắn nót viết dòng chữ: I LOVE BAI XEP màu đỏ nổi bật, trước khi tỏa về các homestay.

Phải gọi đấy là “cái giếng thần thánh” của làng - một giếng nước ngọt quanh năm, dù chỉ cách sóng biển hơn trăm mét, miệng giếng và cả trong lòng nó “đeo” chi chít vài chục máy bơm, ống bơm và phía trên nó thì lủng lẳng một cơ số ổ cắm điện - vậy mà không ai nhầm của ai!

Và sau tất cả, ngồi nhâm nhi ly nước trong quán bar Life’s A Beach ngắm biển Ghềnh Ráng xanh như ngọc, được tô điểm thêm những vách đá đen thẫm, lóng lánh trong nắng sớm, nghe tiếng vài đứa trẻ con í ới cùng tiếng những người đàn bà gọi nhau quả thật là một trải nghiệm “lạ thường”.

Lần đầu tiên ở đây, tôi cảm nhận thấy sự tẻ nhạt và thiếu thốn của những villa chuẩn tiện nghi với sân vườn sạch và hồ bơi xanh, nhân viên cười tươi lễ phép... mà mình đang trú ngụ, chúng từng khiến tôi choáng ngợp nhiều năm trước đây. Chúng, những resort cao cấp ấy, chỉ có không gian mà đánh mất thời gian, chỉ có đồ vật mà thiếu mất linh hồn, chỉ có những tiêu chuẩn mà mất đi những bất ngờ kỳ diệu của đời sống...

Nói thêm một chút, Life’s A Beach - ngôi nhà du lịch đầu tiên của làng - là sáng kiến của Gavin và Steve (người Anh), hai chàng trai mê du lịch và yêu quý Quy Nhơn khi họ đặt chân tới đây hai năm trước.

Góc đẹp lôi cuốn. Ảnh: Trần Lê Huy Thắng
Góc đẹp lôi cuốn. Ảnh: Trần Lê Huy Thắng

 

Những Bãi Xép và những làng chài vô danh

Bãi Xép, ngôi làng ấy là cái tên Việt Nam duy nhất trong 16 điểm đến “lạ thường” châu Á của tạp chí Business Insider năm 2016. Đúng ra đó không phải là tên riêng. Bãi Xép (hay Xếp) vốn là một danh từ chung chỉ những bãi đất nhỏ ven biển.

Từ Đà Nẵng vào Nam, như tôi biết, có ít nhất 4 địa danh có cùng tên gọi này. Bãi Xép ở Ghềnh (Gành) Ông (Tuy Hòa) trở thành điểm đến của năm 2015 khi đạo diễn Victor Vũ chọn đây là một bối cảnh quay bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Hai Bãi Xép nữa ở Cù Lao Chàm và Phú Quốc. Còn Bãi Xép ở Ghềnh Ráng thì Business Insider còn viết nhầm địa danh Quy Nhơn thành ra mỗi một chữ “Nhơn”.

Nói thêm nữa, Bãi Xép này vốn cũng như hàng trăm làng chài có tên hoặc không tên khác chạy dọc hơn 3.000km bờ biển từ Bắc vô Nam, làng lớn thì vài trăm, làng nhỏ thì vài chục nóc nhà tuềnh toàng, chen chúc, tựa vào nhau sống cùng với gió, cát và tiếng sóng qua biết bao đời.

Nhiều năm về trước, khách du lịch hầu như không đặt chân tới những nơi này vì xe hơi không tới được. Chục năm gần đây, một số cung đường ven biển đẹp như thiên đường mở ra, cũng là lúc nhiều ngôi làng biến mất, nhường chỗ cho các dự án du lịch, các khu nghỉ dưỡng cao cấp mọc lên nhanh như gió cuốn.

Cái giếng thần kỳ của người dân địa phương. Ảnh: Tran Le Huy Thang
Cái giếng thần kỳ của người dân địa phương. Ảnh: Trần Lê Huy Thắng

 

Chỉ riêng “bãi đất nhỏ” Bãi Xép, Ghềnh Ráng từ lâu cũng đã có mặt hai khu resort cao cấp là Avani (tức Life Resort cũ) và Casa Marina. Đúng là “lạ thường”, làng chài Bãi Xép vẫn còn ở đấy, anh Hùng bảo ngôi làng 300 hộ dân này “không ai di dời được đâu” và nó mang tới cho du khách phương xa một trải nghiệm du lịch với đời sống văn hóa và lịch sử bản địa riêng biệt vốn nằm ngoài các tiêu chuẩn của những resort nhiều sao.

Làng chài Bãi Xép làm tôi nhớ tới bản người Thái ở La Pán Tẩn và anh chàng người Mông Giàng A Dê trên đỉnh đồi Hello Mù Căng Chải. Người Thái và người Mông ở đây sau những khóa tập huấn để phát triển mô hình homestay do các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ đã biết làm du lịch tại chỗ, trong chính làng mình, trong vườn nhà mình và trong ngôi nhà sàn truyền thống của mình rất chuyên nghiệp và cũng rất... riêng biệt.

Những bản Thái, bản Mông ấy làm du lịch sạch, đẹp và hấp dẫn bất ngờ mà không một ngọn đồi nào bị cạo trọc để xây dựng mới, cũng không có người dân bản địa nào phải di dời... Về khoản sạch đẹp và chuyên nghiệp này thì Bãi Xép vẫn còn... hồn nhiên lắm.

Ngôi làng nhỏ ở Bãi Xép, ở Mù Căng Chải làm tôi nhớ trong cuốn Nhỏ là đẹp (Small is Beautiful, 1 trong 100 tác phẩm có tầm ảnh hưởng nhất thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai), nhà kinh tế học lỗi lạc E. F. Schumacher cho rằng:

“Sản xuất bằng các nguồn lực địa phương để đáp ứng các nhu cầu của địa phương là cách thức hợp lý nhất của đời sống kinh tế”. Những gì Schumacher cảnh báo về hậu quả của phương thức kinh tế hiện đại với các “đại dự án” như làm cạn kiệt tài nguyên, phá hủy môi trường hay một nền công nghiệp đánh mất nhân tính, từ những năm 1970, giờ đã hiển hiện ở khắp nơi.

Và Bãi Xép chỉ là bãi xép thôi...■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận