Một cuộc đua

BẢO NHI 06/11/2013 22:11 GMT+7

TTCT - Năm trước, cuộc thi an toàn giao thông dành cho học sinh cấp tiểu học toàn thành phố khởi sự là một bài văn, yêu cầu các em viết trong một trang giấy, đề tài: “Lợi ích của việc đội mũ bảo hiểm”. Bài viết của con trai tôi được chọn vào sơ khảo.

Phóng to
Minh họa: VIIP

Theo thông tin của thầy hiệu trưởng, trong 19 quận huyện và tổng cộng gần cả trăm trường tiểu học trong thành phố chỉ chọn được mười bài văn vào sơ khảo nên việc con tôi, một học sinh trong một trường nhỏ, vào được sơ khảo đã là một chuyện xưa nay chưa có tiền lệ.

Ngày trường nhận thông báo chính thức từ phòng giáo dục, tôi nhận từ nhà trường gần chục cuộc điện thoại chúc mừng. Thế rồi kèm theo hàng loạt lời chúc mừng từ thầy cô, con tôi nhận được khoảng tám, chín tập tài liệu từ văn phòng nhà trường, những tập tài liệu về an toàn giao thông cùng mấy trang ký hiệu giao thông mà thầy cô bắt cháu phải học thuộc lòng trong vòng chưa tới hai tuần để chuẩn bị kỳ thi chung khảo.

Ngoài việc học thuộc tài liệu, cháu phải tự viết một bài dài hai trang giấy học sinh về đề tài “Nếu bạn em đi băng ngang đường sai luật thì em phải khuyên bạn thế nào?” để hùng biện trước toàn trường.

Thời gian chuẩn bị kỳ thi chung khảo rất ngắn, chỉ trong vòng mười ngày. Sau khi con tôi viết xong bài hùng biện thì cháu bất ngờ được biết cùng lúc đó có ba thầy cô giỏi văn nhất trường cũng được phân công viết bài. Cuối cùng, thầy hiệu phó có nhiệm vụ lấy bốn bài viết của cả thầy trò “tổng hợp” lại cho... đầy đủ, trí tuệ và sâu sắc.

Ngạc nhiên hơn, con trai tôi được đặc cách mỗi tối từ 6g đến 8g30 phải đến nhà cô phụ trách Đội để cô tập cho cách hùng biện, cách ra những cử chỉ điệu bộ, cách nhấn nhá, “lên giọng, xuống xề” để thuyết phục khán thính giả. Chưa hết, thầy hiệu trưởng còn “thỉnh giảng” một cô hiệu trưởng từ một trường khác - nơi có học sinh từng đậu chung kết về an toàn giao thông - đến rèn cho con tôi những trò chơi trong cuộc thi sắp tới.

Khỏi phải nói con trai tôi quay cuồng thế nào trong lịch làm việc dày đặc ấy. Tuy nhiên vốn bướng bỉnh, cháu nhất quyết không chịu thuộc bài văn tổng hợp mà thầy hiệu phó dày công soạn thảo hai đêm liền. Cháu tự ý viết một bài khác của mình.

Buổi sáng thứ hai và thứ tư tuần kế tiếp, cháu hùng biện thử trước toàn trường. Các bạn học sinh trong trường vỗ tay cho con trai tôi khá nhiệt tình nhưng thầy hiệu trưởng, cô phụ trách Đội, thầy hiệu phó và những thầy cô có liên quan bực tức ra mặt trước sự bướng bỉnh thái quá của cháu. Thầy hiệu trưởng gọi điện cho tôi, phản đối cách hành xử của con tôi và mong tôi khuyên cháu vâng lời.

Mặc dù cảm thấy bài viết của con dễ đi vào lòng người hơn bài viết sáo mòn của thầy hiệu phó, nhưng tôi cũng gọi con lại và bảo cháu hãy cân nhắc lần nữa, có nên học bài của thầy hiệu phó hay bài của chính mình. Con tôi đáp: “Không hiểu sao con học thuộc bài của thầy hiệu phó rồi mà khi đứng trước đám đông, con quên sạch những câu chữ của thầy, còn những câu chữ của con cứ hiện lên trong đầu óc của con”.

Thứ sáu tuần đó, cháu trình bày bài của mình trước toàn trường thật suôn sẻ. Lần này thầy hiệu trưởng nhượng bộ. Sau đó, thầy phân công hẳn hai cô giáo cùng học, cùng chơi an toàn giao thông với cháu, kèm cặp cháu, dò bài cho cháu trong khoảng ba ngày còn lại trước cuộc thi. Quả thật bi hài, con trai tôi bắt đầu rối khi bị chăm sóc quá chu đáo, cháu bắt đầu lẫn lộn lung tung và ngái ngủ bất cứ khi nào có thể do căng thẳng...

Kỳ thi chung khảo cũng tới, những thí sinh nhí từ khắp cả nước đổ về TP.HCM. Trước giờ thi, nhà trường thuê hẳn một chiếc xe 45 chỗ chở con tôi cùng thầy cô và các cổ động viên tới trường thi là một nhà thi đấu lớn. Con tôi đoạt giải ba. Thầy hiệu trưởng và toàn thể giáo viên trong trường tỏ ra hết sức hài lòng, coi như cũng bõ công dạy dỗ kèm cặp cháu. Cả trường gọi con tôi là “đại sứ Hon đa”. Nhiều tuần sau đó, con tôi đi học luôn được chào đón bằng những cái vỗ vai thân ái từ học sinh cùng lớp lẫn khác lớp.

Tôi cảm nhận được sự mệt mỏi của con khi trở thành một vận động viên trên trường đua giành lấy chút vinh quang. Những kèm cặp, thúc đẩy và lo lắng của ban giám hiệu tạo cho cháu nhiều áp lực tinh thần. Vì vậy sau cuộc thi cháu giấu tất cả giải thưởng vào một ngăn tủ và khóa chặt. Cháu sợ nhìn thấy nó, sợ nhắc đến nó trong nhiều tháng liền. Sau cùng cháu bảo: “Thầy cô bảo con giỏi văn, con sợ phải thay mặt trường đi thi những giải như vậy. Thi thố này nọ khiến con thấy đuối quá”.

Một cuộc thi của trẻ con, cuối cùng lại là của người lớn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận