Người săn cọp cuối cùng ở đông Trường Sơn

HUỲNH VĂN MỸ 06/02/2010 20:02 GMT+7

TTCT - Ông đã bắn hạ nhiều cọp ở rừng Đông Trường Sơn trong những năm chiến tranh, và chỉ sau vài năm xa rừng khi hòa bình lập lại, ông sững sờ bởi rừng đã gần như biệt dấu cọp.


Ông Nguyễn Trước bên quyển hồi ký đang viết, trong đó có chuyện về săn cọp, săn voi của mình - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Người săn cọp cuối cùng ở Đông Trường Sơn bây giờ là một ông cụ đẹp lão, vóc dáng vẫn tráng kiện, gương mặt đôn hậu, trầm tư. Câu chuyện những năm xưa dường như vừa mới xảy ra. Ông vẫn nhớ từng con cọp đã bị ông bắn hạ, đặc tính từng khẩu súng săn ông có ngày ấy và thuộc vanh vách tên những thợ săn lão luyện trong vùng, cả những thợ săn người Lào.

Năm 1967, một con cọp mắc bẫy kẹp tại hố Cây Xai, vùng rừng thuộc xã Tiên Ngọc, kề bên quê nhà ông là xã Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) nhưng du kích xã và dân làng tìm mấy ngày không ra, chỉ khi ông được mời đến mới tìm ra con thú dữ. “Con cọp mang cái bẫy kẹp, bị quấn trong lùm dây bìm, gầm gừ vì đau. Mới nhìn thấy bộ dạng dữ dằn của nó, vài người đi theo tui đã bỏ chạy. Tui tìm cái cây gần đó trèo lên, ngồi thủ thế rồi ngắm bắn. Trước khi chết nó gầm lên một tiếng rền núi làm mấy người quanh đó chạy dựng tóc..." - ông kể - "Tui không ngờ lần bắn con cọp đó cũng là lúc mình giã từ đời thợ săn”.

Khoảng ba năm sau, lính Mỹ lùa mọi người lên máy bay trực thăng chở đến vùng tản cư xa tít bên dưới. Ông xa rừng từ đó. Những hồi ức về thời niên thiếu và thời trai trẻ săn bắn của ông cũng là bức tranh Đông Trường Sơn một thời đầy cọp và voi. Thú rừng ở vùng Tiên Phước, Trà My ngày ấy nhiều đến độ khoảng năm 1930, khi ông mới dăm bảy tuổi, có rất nhiều thợ săn người Lào tìm đến lưu trú để săn voi. Nhưng thợ săn voi người Lào gờm cọp.

Ngày ấy chỉ có Xã Sáu, một thợ săn từng đi lính cho Pháp đóng đồn Trà My, dám bắn cọp. Kế đó là mấy anh em ông. Đọng sâu trong ký ức ông là con cọp bị ông bắn hồi năm 1950 ở rừng Gia Ghe, cách quê ông chừng một buổi đi đường. Con cọp khỏe đến mức khi bắt trâu của dân làng nó chỉ cần bẻ gãy chân rồi vật con trâu xuống ăn từ đùi sau ăn tới, không cần phải móc cổ cho trâu chết như cách đồng loại nó thường làm. Rồi một ngày nọ, con mãnh hổ mắc bẫy kẹp của người cùng làng với ông.

Sau bảy ngày lùng rừng, ông tìm thấy và bắn hạ con cọp bên một thác nhỏ trong rừng: “Tui chưa thấy con cọp nào to như rứa, đo từ đầu tới đuôi nó dài đến hơn 4,5m...”. 

Đáng nhớ là lần ông và người anh bắn hạ con cọp ở rừng Hương Lâm năm 1950. Nó táo tợn xông vào đớp con chồn ông vừa săn được. Không cướp được con mồi lại bị nã mấy phát đạn, con thú dữ quần anh em ông suốt gần hai giờ cho đến khi những người làm rẫy nghe hô hoán đã phải đốt một chòi trại để có lửa xua đuổi cọp vào rừng.

Bây giờ ở tuổi 85, cái nhớ nhất, tiếc nhất với ông vẫn là rừng đại ngàn: “Hễ mở mắt ra là thấy rừng, chỗ nào cũng nghe tiếng con chim con thú kêu. Hồi đó mình đi săn cọp không phải vì trục lợi mà vì cọp nhiều quá làm khổ dân mình. Cái tâm mình khi bắn nó khác hẳn với người săn chúng thời nay...”. 

Nhìn nét suy tư sau câu nói của ông, tôi nghĩ có lẽ ông sống được tới giờ là để làm chứng cho sự dâu bể tận cùng của rừng, mà thảm thương nhất là nhiều loài thú đang bị diệt vong.

Ông có tên là Nguyễn Trước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận