Ổ bánh mì giữa ngày phong tỏa

XÊ NHO 15/09/2021 01:09 GMT+7

TTCT - Suối mấy tuần ăn cơm nguội ngán đến tận cổ, kham khổ, tiết kiệm, tự dưng được phát miễn phí bánh mì thơm phức, bảo sao thiên hạ không xôn xao.

 
 Các chiến sĩ sư đoàn 5, Quân khu 7 trao quà của nhóm thiện nguyện "Áo ấm biên cương" cho những người dân trong một xóm làm nghề rác tại quận 2, TP.HCM.-Ảnh: Ngô Trần Hải An

 Bánh mì là bánh mì, có gì đâu để tạo ký ức. Thế mà có đấy, nhất là khi cả tháng không thấy chúng rồi bất chợt cả xóm thò đầu ra cổng, nhìn về hướng đầu ngõ, ngóng chờ vì sắp được phát bánh mì cứu trợ.

Đó là năm 1969, lúc tôi học lớp nhất (tức lớp 5 bây giờ) ở Trường Thượng Tứ gần sông Hương. Không biết đó là chương trình gì, của ai khởi xướng, chỉ biết vào giờ ra chơi, tôi đại diện cho lớp, gọi thêm một thằng bạn thân xách chiếc bao tải gạo loại một tạ xuống văn phòng. Hai thằng hì hục khuân chiếc bao tải nhét đầy bánh mì nóng hổi về phát lại cho lớp.

Thời bấy giờ con nít đi học ít khi ăn sáng, nay với chương trình phát bánh mì miễn phí cho học sinh, đứa nào đứa nấy giờ ra chơi đều ăn bánh mì một cách ngon lành.

Thằng Việt thuộc loại kỹ tính; nó bới theo một hộp cá ngừ thơm phức, nhận ổ bánh mì xong nó xẻ ra nhét cá vào giữa. Cặp mắt sáng ngời, nó ngoạm một miếng to tướng. Thằng Nhơn thì bất cần, xé từng miếng bánh mì không nhai nhồm nhoàm, chẳng mấy chốc hết sạch ổ bánh. 

Tôi có kiểu ăn bánh mì không giống ai, phát cho lũ bạn xong, tôi vội chạy ra cổng trường thò tay gọi ông bán cà rem đựng trong chiếc thùng đeo trên lưng. Mua một lần hai que cà rem, tôi xẻ chiếc bánh mì ra, nhét cả hai que cà rem vào giữa, bóp chặt lại, nghiến răng rút que kem quẳng vào gốc cây phượng. Bánh mì vẫn còn nóng, cà rem chảy tan dần, cắn một miếng, ngoài thì giòn, ấm nóng, vào trong lạnh ê răng, cắn kêu rào rạo, trộn lại là một cảm giác tuyệt vời, giờ đã 50 năm rồi mà như vẫn còn nguyên trên đầu lưỡi.

Lúc đó không thấy thầy cô nào ăn bánh mì như bọn tôi, chắc chương trình chỉ dành cho học sinh. Cũng không thấy người lớn lấy bớt bánh mì bỏ vào xe đem về nhà.

Năm 1976, bắt đầu những tháng ngày ăn cơm độn khoai, sắn và sau này là bo bo cứng ngắc. Ba thằng tôi, lúc đó học lớp 11 hay 12 gì đó, bàn cách bán bánh mì kiếm sống. Thằng Toàn nhà có mấy ông anh học võ nên có nhiều bao vải dùng để may võ phục, nó lẻn lấy một bao còn nguyên lành đem về nhà tôi. Thằng Trinh lùn nhưng người to bè được giao đeo bao sau lưng. Cả ba xuống lò bánh mì gần nhà mua hai mươi ổ; bánh mì còn nóng, thằng Trinh đeo sau lưng, nhảy chổm than “nóng quá, nóng quá”!

Ba thằng len lỏi trong các ngõ hẻm vừa đi vừa rao “Bánh mì nóng đê!”. Khổ nỗi, bọn tôi nghịch như quỷ, vừa rao vừa cười đùa ỏm tỏi nên không ai tin chúng tôi bán bánh mì thật. Tiếng chó sủa, tiếng cười cợt, tiếng rao khàn giọng của thằng Trinh làm nhiều người lớn bực mình xua đuổi. Ai đời đi bán bánh mì mà đến ba thằng hộ tống bao bánh mì nhỏ xíu. Mệt quá, lại đói, ba đứa quyết định ngồi nghỉ, tự thưởng ba ổ bánh được tính là lãi.

Đến 11 giờ đêm mà chỉ bán được hai ổ, bọn tôi xanh mặt sợ mất vốn nên chơi bài liều cuối cùng: gõ cửa từng đứa con gái học chung lớp, năn nỉ chúng mua giùm. Chỉ bán được đêm đó, sự nghiệp bán bánh mì của bọn tôi xem như chấm dứt. Cái thời tem phiếu sau đó không có bánh mì, chỉ có bo bo xay ra làm một thứ bánh cứng ngắc, khó nhai.

Sau này tôi không còn tìm ra được những ổ bánh mì nóng giòn thơm phức như thời học lớp 5 hay lớp 12 nữa. Bánh mì thời nay toàn là loại bánh trộn quá nhiều bột nổi, nhìn thì ngon nhưng bóp nhẹ một cái là xẹp lép. Ăn bánh mì mà cứ tưởng ăn không khí. Các loại bánh chuyên nghiệp trong tiệm sang thì cứng, bột quá nhiều, ăn cũng không sướng. 

Bực nhất là đi các nước, thấy ổ bánh mì Subway rao “footlong” cứ tưởng nó như bánh mì ở nhà, ai dè nó mềm xèo, xốp xộp. Tìm được tiệm bánh mì ưng ý là một kỳ công.

Cho đến sáng nay. Cả mấy tuần nay xóm tôi bỗng trở nên im lắng lạ thường sau ngày 23-8 khi “nhà cách ly với nhà”. Nay có tiếng xôn xao mở cổng, kêu gọi nhau râm ran từ xa lan dần vào cuối ngõ. Té ra người ta phát bánh mì, loại ổ nhỏ dài thòng, một ổ có thể cắt làm ba, chia đều cho ba người ăn. Nhà nhiều người được phát sáu ổ, nhà ít được ba ổ. 

Suối mấy tuần ăn cơm nguội ngán đến tận cổ, kham khổ, tiết kiệm, tự dưng được phát miễn phí bánh mì thơm phức, bảo sao thiên hạ không xôn xao.

 Bà Năm xin thêm một ổ cũng được trao ngay. Bác Tám nhường bớt phần của bác vì hình như bác tự làm được. Chỉ mấy ổ bánh mì mà xóm tôi như bừng tỉnh sau những ngày nặng nề mệt mỏi. Có thể mùi thơm bánh mì xua tan nỗi lo với mọi người hay có thể như với tôi, chiếc bánh mì gợi lại những ký ức để lòng tự nhủ chúng ta đã sống qua những ngày gian khó rồi nên cứ thế mà sống - rồi mọi chuyện sẽ ổn, sẽ ổn thôi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận